Chúng ta chết mòn vì bị đầu độc
Một người thân của tôi mất ở tuổi 60. Anh bị ung thư. Gia đình, bà con, đồng nghiệp, bạn bè ai cũng thương anh. Ai cũng nghĩ, anh mới 60 tuổi, trẻ quá!
Nhưng ở nghĩa trang, tôi thấy ở gần mộ anh có nhiều người chết trẻ hơn anh. Trên bia mộ, sau hai chữ “hưởng dương”, ba mấy có, bốn mấy có, năm mấy có. Tôi nghĩ bụng, anh mình còn được hưởng thọ, chứ những người kia chỉ được hưởng dương, tội thật!
Ngồi uống nước với bác trông coi nghĩa trang, tôi bảo, ở đây có nhiều người chết trẻ. Bác thở dài nói những người chết trẻ ở nghĩa trang này chủ yếu vì một trong hai thứ: ung thư hoặc tai nạn giao thông. Tôi nghĩ, ở nghĩa trang nào cũng thế.
Nhạc sĩ – ca sĩ Trần Lập cũng vừa ra đi ở tuổi 42, trong sự tiếc thương của hàng triệu người hâm mộ. Vẫn là căn bệnh đó – ung thư. Trần Lập chỉ là một trong khoảng 75.000 người chết vì ung thư mỗi năm ở Việt Nam. Anh là người của công chúng nên cái chết của anh được nhiều người biết đến và chia sẻ. Hầu hết những nạn nhân ung thư khác chết thầm lặng hơn nhiều, trong nỗi đau của gia đình, người thân. Số ngón tay, ngón chân của tôi không đủ để đếm những người là họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè của tôi chết vì ung thư.
Mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người bị phát hiện ung thư mới và khoảng 75.000 người chết vì bị ung thư trước đó. Số người chết vì bệnh ung thư hàng năm sẽ ngày càng tăng, vì đã bị ung thư thì cầm chắc cái chết, chỉ là sớm hay muộn thôi, y học đến nay chưa chữa được. Sẽ không có gì là quá nếu hình dung trong 10 năm tới, tổng số người chết vì ung thư ở nước ta sẽ vào khoảng gần một triệu. Một số quốc gia nhỏ chỉ có mấy triệu người dân thôi. Số người chết vì ung thư ở nước ta chỉ trong mấy chục năm có thể bằng cả một quốc gia bị xóa sổ.
Ung thư xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là môi trường sống ở nước ta quá độc hại. Chúng ta ăn bẩn, uống bẩn, thở bẩn, ở bẩn. Các hóa chất nguy hiểm cho sức khỏe ở khắp nơi, ngấm vào cơ thể người bằng nhiều cách, trong đó mối nguy hiểm lớn nhất về thực phẩm độc hại đến từ những kẻ kinh doanh bất lương.
Chúng ta sốc và phẫn nộ trước thông tin 6 triệu con lợn có thể đã được cho ăn chất salbutamol để tạo nạc, cho “đẹp thịt”. Không biết thịt của 6 triệu con lợn nhiễm salbutamol đó đã vào bụng bao nhiêu triệu người Việt Nam? Không biết ngoài 6 triệu con lợn đó thì còn bao nhiêu triệu con lợn được cho ăn, được tiêm những hóa chất độc hại khác? Không biết hàng chục triệu, hàng trăm triệu con gia súc, gia cầm không phải là lợn được người ta cho ăn những hóa chất độc hại nào nữa? Không biết bao nhiêu triệu tấn rau, quả được những kẻ bất lương tưới các loại hóa chất độc hại lên để đánh lừa người dân về chất lượng? Không biết bao nhiêu đồ ăn, đồ uống có hóa chất được hại được bán cho người Việt ăn, uống hàng ngày?
Chúng ta không biết cụ thể bao nhiêu, nhưng biết chắc chắn là rất nhiều. Khi mà người ta quá quắt đến mức trồng riêng “rau để ăn” và “rau để bán”, nuôi riêng “con để ăn” và “con để bán”, lượng thực phẩm bị nhiễm các hóa chất độc hại được đưa ra thị trường rất nhiều. Người tiêu dùng làm sao phân biệt được? Người tiêu dùng biết thực phẩm ở đâu thực sự an toàn mà mua? Người ta còn cho hóa chất vào cà phê, vào rượu để người mua uống cho “phê” nữa chứ.
Các cơ quan quản lý ở nước ta gần như bất lực trước thực trạng thực phẩm bẩn và các vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh, an toàn thực phẩm liên quan đến hóa chất. Hầu hết các trường hợp bị phát hiện được xử phạt hành chính, rất ít vụ được xử lý hình sự. Nhưng tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng xấu thêm. Đã đến lúc cần mạnh tay trừng trị, bỏ tù những kẻ sản xuất, kinh doanh thực phẩm độc hại. Vì đồng tiền, họ đã và đang đầu độc cả dân tộc ta.
Lương Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét