Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Bản chất và giá trị của công hàm 14-9-1958

Bản chất và giá trị của công hàm 14-9-1958

noreply@blogger.com (Danlambao 2012)8:06 AM


Bảo Giang (Danlambao) - Có lẽ, một câu hỏi đã đến với bạn ngay sau khi đọc xong cái tựa đề là: Bản chất của Công Hàm 14-9-1958 là gì? Rồi “giá trị của cá Công hàm 14-9-1958 ra sao?

Tôi xin được trả lời ngắn gọn trước là: Bản chất của Công Hàm này là gian trá và lừa đảo. Và giá trị của Nó là bán nước và rồi mất nước!

Tập "Bản đồ Thế giới" do Cục Đo đạc và Bản đồ Phủ Thủ tướng Việt cộng in ấn xuất bản tháng 5/1972 đã ghi chú quần đảo Tây Sa, Nam Sa bằng tên gọi do Trung Quốc đặt. (nơi có gạch đỏ, Qđ Tây Sa, Qđ Nam Sa).

I. Làm sao có thể như thế được chứ? 

Hôm rồi, sau bài viết “Hoàng, Trường Sa về đâu?”, tôi có nhận được một câu hỏi của bạn đọc như sau: “PVĐ ở cương vị Thủ tướng, có đủ tư cách pháp nhân để đơn phương xác nhận HS, TS thuộc chủ quyền của Trung cộng hay không?” Để trả lời câu hỏi này, tôi cho là trước tiên chúng ta phải xác định về vị trí của HS và TS đã, sau đó mới là phần trả lời. 

Như tấm bản đồ của nhà cầm quyền Hà Nội mà tôi đưa ra ở trên (xuất bản 1972), thì không có một địa danh, hay quần đảo nào tên là Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trong tấm bản đồ chính thức được lưu truyền trong các cấp, cũng như trong nhân gian dưới quyền hành chánh của tập đoàn lãnh đạo cộng sản bắc Việt. Trái lại, ở miền bắc Việt Nam lúc bấy giờ, họ đã in và dùng chung một tên gọi với Trung cộng là quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Xa thay vì Hoàng Sa và Trường Sa. Như thế, chính cái tên gọi chung này cũng khả dĩ xác định một ý đồ chung quyết không ngay tình giữa hai tập đoàn này trong sự quyết định của họ. Nên khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần phân rõ ý định của CSBV trong sự việc là:

1. CS/BV đã lệ thuộc hay cùng đồng thuận với Trung cộng trong việc gọi tên các nhóm đảo của Việt Nam ở Biển Đông. 

2. Trong quy chế hành chánh, địa lý, CSBV đã hoàn toàn từ bỏ cái tên gọi truyền thống có từ trước mà Việt Nam Cộng Hòa luôn tiếp tục giữ gìn. 

Hai điểm này, nhìn thoáng qua, chúng ta cho là chuyện nhỏ. Nhưng tự nó lại trở thành mấu chốt của vấn đề. Trước hết, để thống nhất, cả đôi bên gồm CSBV và Trung cộng đều sử dụng chung một cái tên gọi là Tây Sa và Nam Sa dành cho hai quần đảo này. Thứ hai, Công Hàm của Phạm văn Đồng đã tựa vào “văn thư” của Trung cộng và đã dùng bản đồ của CSBV và Trung cộng làm chuẩn mực trong quyết định của họ. Từ đó, hai văn thư này cấu thành sự kiện hai quần đảo này thuộc về TC và không thể có tranh chấp về sau giữa đôi bên. Nó cũng đồng thời tạo ra ý định chắc chắn bởi việc Nhà cầm quyền Cộng sản tại bắc Việt Nam đã hoàn toàn chối bỏ, hay làm như không hề hay biết gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, và đương trực thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại miền nam do Hiệp Định Geneve năm 1954 ràng buộc. Chính sự gian trá, chối bỏ, hay giả vờ như không biết này đã cấu thành tội phạm bán nước của Phạm văn Đồng, cũng như của tập đoàn lãnh đạo tại Hà Nội. 

II. Hiệu lực của bản văn. 

Trở lại phần câu hỏi trên. Theo nguyên tắc, bất cứ một văn bản nào đó, dù là ngoại giao hay nội bộ, có dấu ấn, chữ ký của Thủ tướng hợp pháp và đương quyền, nó thường có một giá trị nhất định trong thi hành (ít nhất cho đến khi có văn bản đồng cấp khác thay thế). Về nội bộ, khi Thủ Tướng ra một quyết định nào đó liên quan đến vấn đề điều hành hành chánh, ban thưởng, phân chia, bản văn ấy nhất định phải có giá trị để thi hành. Thí dụ, như đưa ấp B nhập vào xã A, thuộc quận C thay vì quận D như trước. Bản văn thành sự và phải có giá trị thi hành. 

Về ngoại giao, một văn thư của Thủ tướng gởi cho một vị đồng cấp ở một nước khác, thỏa thuận theo hay khước từ những Điểm trong văn bản họ nêu ra, bản văn thư ấy cũng phải có giá trị thi hành. Thí dụ như, sau khi Phạm văn Đồng nhận được Công bố của Chu ân Lai, xác định hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tên theo bản đồ của nhà nước Việt cộng) là thuộc chủ quyền của Trung cộng. Bản văn trả lời của Phạm văn Đồng nếu có kèm theo chức vụ đương quyền, con dấu của nhà nước xác minh. Bản văn ấy nhất định phải có giá trị thực tế với cả đôi bên (dù là đồng thuận hay không thuận). Trừ trường hợp nhà nước đương quyền xác định ngay sau đó là Phạm văn Đồng vô năng. Lý do, tuy có hàm Thủ tướng, nhưng đang bị quản thúc để điều trị ở trong nhà thương điên và Y đã tự tạo ra cái mộc bằng củ khoai mì. Khi đó, bản Công Hàm ấy có thể bị giải trừ giá trị! Hoặc giả, nhà nước Việt cộng phải chứng minh bằng văn bản đồng cấp hay cao hơn là: Văn bản của PVĐ được làm và gởi đi bởi một cách lén lút, không một ai biết đến và nay PVĐ đã bị ngưng chức và bị truy tố vì lạm quyền. Nếu không chứng minh được những sự kiện như bệnh lý, gian trá theo luật định, tôi cho rằng bản văn đề ngày 14-9-1958 của Phạm văn Đồng (dù trong gian trá) gởi cho người đồng cấp Chu ân Lai vẫn thành sự, và có giá trị thi hành đối với CS miền bắc. Nghĩa là không thể chứng minh nó vô giá trị. Tại sao?

1. Về thời gian chứng minh: Cho đến nay, nhà nước Cộng sản VN chưa bao giờ nêu ra, chứng minh công khai cho đối phương biết là Phạm văn Đồng đã bị bệnh điên loạn, vô năng, bị giải nhiệm từ ngày… (trước hay sau) ngày ký bản văn gởi đi là 14-9-1958. Điều đó cho thấy PVĐ không bị truất, bị bãi nhiệm vì vô năng. 

2. Nhà cầm quyền tại miền bắc (theo giấy tờ) bao gồm cả Hành pháp, Tư Pháp, Lập pháp đã chưa bao giờ lên tiếng bằng văn thư đồng cấp phủ nhận giá trị của bản Công Hàm này trong thời gian luật định. 

3. Bản văn hoàn toàn có tính cách tự nhiên, không bị ép buộc, không có chứng cớ bị bạo hành từ người đồng cấp ở phía bên kia hay từ phía nội bộ. 

4. Ở một chiều khác, Bản văn rất đầy đủ, trọn vẹn, không tỳ vết, được xác định và trả lời theo một văn bản đồng cấp từ đối tác yêu cầu. Theo đó, Nó có giá trị, hiệu lực để thi hành. 

Dẫn chứng: Văn thư do TC gởi đi:

“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố:

(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đào Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc”. (wikipedia)

Nhìn chung, đây là một bản văn tuyên bố khơi khơi, không gởi đích danh cho một chính phủ nào. Theo nghĩa, tự nó không trói buộc việc phải trả lời. (tôi không đọc được bản nào TQ gởi đích danh cho CS/VN. Nếu ai có xin đưa lên cho bà con cùng đọc, cám ơn). Nếu chỉ có bản này, nó không ràng buộc những quốc gia có chủ quyền, dù được nhắc tới trong bản văn phải lên tiếng minh thị, trả lời. Tuy nhiên, trong phận làm nô lệ như CS Bắc Việt lại khác. Hẳn là sau những cuộc họp thâu đêm, Phạm văn Đồng, Thủ tướng của nhà nước ấy đã được phép công khai hóa sự kiện thành bản văn đồng cấp như sau:


Một câu hỏi trực diện cần đặt ra ngay là: Việt cộng còn lại gì để nói sau khi bản văn thư thuận tình này được gởi đi? Theo tôi, tất cả đã chấm dứt tại điểm gian dối và tráo trở này. Nói cách khác, không cần phải nhờ giải thích, mọi người biết đọc, biết viết, đều biết bản văn này không thể bị lật ngược, không thể bị coi là vô giá trị. Bởi lẽ:

Thứ nhất. Đối nội, nó hoàn toàn chối bỏ hoặc phủ định hai quần đảo này, tuy khác tên, nhưng trực thuộc nước Việt Nam và hiện thời do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bảo quản theo bản hiệp định Genève 1954 về Việt Nam.

Thứ hai: Đối ngoại, nó xác định hai quần đảo mang tên Tây Sa và Nam Sa này trực thuộc về Bắc Kinh và nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” phải tôn trọng.

Thứ ba: Đó là một bản văn hành chánh trong điều hành và theo hệ tổ chức cấp chính quyền. Nó trở thành một bản văn chung kết, không cần phải thông qua nghị hội. Nó có hiệu lực để thông báo, thi hành (cho cả đôi bên).

Ở đây, nếu nhìn lại diễn tiến. Chúng ta thấy bản văn này không ngẫu nhiên mà có. Nó không phải là tiếng nói đơn côi một mình. Trái lại, nó đã có sự bàn thảo, đồng thuận giữa đôi bên từ rất lâu trước đó. Theo tờ Far Eastern Economic Review ngày 2/10/1979, dưới tiêu đề Paracels Islands Dispute, tác giả Frank Ching cho biết tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Ngoại Giao nhà nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam là Ung Văn Khiêm đến gặp Li Zhimin, đặc sứ của Trung Cộng tại Hà Nội, xin Trung Cộng ủng hộ vũ khí và nhân sự để Việt cộng mở chiến tranh vào Nam Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ này, Ung Văn Khiêm đã nói: “Theo các dữ kiện lịch sử Việt Nam, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc”. Rồi Lê Lộc, Chủ Tịch Châu Á Sự Vụ, nhân có mặt cũng nói vào: “Theo sử liệu VN thì HS và TS thuộc TQ từ thời nhà Tống”.

Tuy nghe thế, những lời nói này chẳng làm cho Trung cộng hài lòng, nên mấy hôm sau, Phạm Văn Đồng, với tư cách là Thủ tướng, xác nhận những lời của Ung Văn Khiêm như sau: “Căn cứ trên sử quan, những hòn đảo này nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc.” Từ lời mở đầu này đến cái Công Hàm được ký vào ngày 14-9-1958 là một chuỗi thời gian dài hơn 2 năm. Chứng tỏ tập đoàn CS/BV đã có một chủ kiến nhất định về việc sử dụng cái tên Tây Sa và Nam Sa theo Trung cộng, thay vì Hoàng Sa và Trường Sa trong sổ sách của Việt Nam. 

III. Những điểm quan trọng cần lưu ý trong bản Công Hàm:

a. Chối bỏ trách nhiệm liên đới trong quyền sở hữu với 2 quần đảo này. 

Trước hết bản văn viết "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”. Với lời lẽ này, nhà nước CS bắc Việt cho thấy là họ đã hoàn toàn vâng phục theo ý chí và ngôn từ trong bản văn của TC gởi đi. Kế đến là họ đã phủ nhận trách nhiệm liên đới với 2 quần đảo này, hoặc giả, làm như hoàn toàn không biết gì đến Hoàng Sa, Trường Sa đã được ghi ở trong bản Hiệp Định Geneve ngày 20-7-1954, và đang nằm trong sự quản trị của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam.

Như thế, phải nói ngay rằng, không có một lý lẽ nào khả dĩ đứng vững để chối bỏ trách nhiệm của bản văn theo kiểu suy diễn của một số “trí thức” không sạch nước cản của tập đoàn CS/BV. Họ cho rằng, trong văn thư của PVĐ không nhắc đến chữ Hoàng Sa và Trường Sa. Hoặc giả “về mặt pháp lý quốc tế, thủ tướng PVĐ không có trách nhiệm quản lý phần lãnh thổ phía nam” (Ts Nguyễn Nhã) là thoát trách nhiệm ư? Thật là đáng buồn cười! Họ trẻ con, không dám nhắc đến chữ Hoàng Sa, Trường Sa để bảo vệ đã là sai, là gian dối. Rồi họ viết “không có trách nhiệm” liên đới quản lý phần lãnh thổ ở phía Nam vĩ tuyến 17 là chối bỏ quyền sinh sống của người Việt trên đất Việt. Đã sai thế, họ còn gian trá đổi tên Hoàng Sa và Trường Sa thành cái tên Tây Sa và Nam Sa theo ý chí của Trung cộng. Rồi càng sai khi xác minh một cách hàm hồ trong văn bản ngoại giao của họ là: “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” để Việt Nam mất đất mất đảo, phần họ trở thành kẻ bán trộm đất nhà người! 

b. Điểm then chốt thứ 2 trong bản văn của PVĐ.

Việc xác định: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.” là một trọng tội với Việt Nam. Bởi vì anh đi tôn trọng cái không có, tôn trọng cái gian tà. Chính sự kiện tôn trọng cái gian tà này trở thành sự kiện ràng buộc mà tập thể CS/BV không thể tháo gỡ. Đồng thời trở thành một tội phạm bán nước dù lúc đó Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc quyền quản lý của miền bắc. 

Thử hỏi, nếu Trung Quốc viện dẫn Công hàm Phạm Văn Đồng để nói rằng Việt Nam công nhận chủ quyền Trung Quốc trên các quần đảo Nam Sa và Tây Sa, điều này đúng hay sai? Có hai cách giải thích:

Đúng. Đúng và ràng buộc trên cả danh nghĩa và tên gọi theo bản đồ chỉ dẫn của hai nhà nước VNDCCH và CHNDTH. Sai, nó không có năng lực trói buộc Việt Nam Công Hòa hay một chính phủ khác không thuộc diện nối tiếp cái ghế của Phạm văn Đồng để lại.

Như thế, nội dung công hàm của Phạm Văn Đồng có cấu thành một thực tế để được thừa nhận, có giá trị hay không? Theo luật pháp quốc tế, nếu một bên đã ra một tuyên bố thì không thể nói ngược lại cái tuyên bố của mình, làm ảnh hưởng tới lợi ích của bên kia. Theo định nghĩa này, Công hàm của Phạm văn Đồng đã cấu thành một thực thể được thừa nhận. Từ đó, chính phủ của VC theo truyền thống và nối tiếp công việc của Phạm văn Đồng phải bị trói buộc vào cái công hàm của Y đã ấn ký và xác minh.

Liệu có một phương cách đơn phương nào để tháo gỡ? Chỉ có hai trường hợp. Thứ nhất. Nhà cầm quyền Hà Nội phải chứng minh được sự thiểu năng về bệnh lý, hay điên dại của Phạm văn Đồng ngay sau khi bản văn trên xuất hiện. Thứ hai, Việt Nam có một chính phủ khác không nằm trong hệ thống tiếp nối thể chế của nhà nước CS. 

IV. Vai trò của Hồ chí Minh trong công hàm.

Người ta không nhắc đến, không quy trách nhiệm của HCM trong công hàm bán nước do PVĐ ký là sai, hoàn toàn sai. Nhưng không vì thế mà Y thoát tội. Bởi lẽ, PVĐ đã không thể tự mình quyết định, ông ta chỉ làm nhiệm vụ thông tin cho TC mà thôi. Nói cách khác, bản thân ông ta có muốn làm hay không cũng không được. Lý do, ai cũng biết. Về mặt nhà nước, HCM cũng gọi là Hồ Quang là chủ tịch nước, đứng đầu chính phủ và kiêm nhiệm chức vụ Thủ tướng. Mãi đến năm 1955 chức vụ TT được chuyển giao cho Phạm văn Đồng. Phần HCM làm chủ tịch nước cho đến khi tay bắt chuồn vào ngày 2-9-1969. Về mặt đảng, Hồ Quang cũng là chủ tịch đảng cho đến chết (1969). Theo đó, PVĐ chỉ ở vị thế thừa hành. Ký thì sống và mang nhơ danh với đời là kẻ bán nước. Không ký thì…. chết! Chết trong khí tiết! PVĐ đã chấp nhận ký thì Y cũng phải chấp nhận xú uế của đời! Phần HCM cũng không phải vì không ký mà không có tội.

V. Hướng đi nào cho Trường Sa và Hoàng Sa?

Nhìn chung, CS không có một điểm tựa nào để tranh luận với Bắc Kinh. Tệ hơn, Việt cộng còn luôn muốn lệ thuộc và cậy nhờ vào Bắc Kinh. Nên CS /BV không có chọn lựa nào khác ngoài 2 cách méo mó sau đây: 

Trước hết, cố gắng khoa trương ngôn ngữ và bảo đó là của Việt Nam để lừa đảo dân chúng cho qua ngày. Kế đến, vì phải tựa đầu vào Trung cộng để giữ lấy quyền lực, nên Cộng sản Bắc Việt luôn cương quyết ra tay đánh đập và bắt bớ những người đi biểu tình với biểu ngữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là 2 cách CSBV thường làm. Nhưng xét cho cùng, Cộng sản BV cũng chỉ có thể áp dụng hai phương cách này. Bởi vì, họ tự biết việc ký giấy công nhận Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa) là của Trung cộng từ 1958 là không thể tháo gỡ. Từ đó, CSBV luôn tìm cách đánh bùn sang ao theo kiểu ấu trĩ, gõ mõ qua ngày như:

“… Hiện nay Việt Nam đang là nước yếu, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào thì không nên nôn nóng, để đến trăm năm hoặc nghìn năm sau con cháu chúng ta đòi lại cũng vẫn được. Ai có quan điểm khác với quan điểm trên đều là sai trái và chỉ phục vụ mục đích của một số cá nhân” (Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc - viện trưởng viện Việt Nam học và Khoa học phát triển). Qủa là tủi hổ cho một danh vị “tiến sỹ”! Không ai ngờ đất nước tôi dưới bàn tay nhào nặn của cộng sản lại đẻ ra những kẻ thô bỉ đến thế. Họ đua nhau xin làm nô lệ, rồi hy vọng ngàn năm sau có người cứu nước ư! Chưa hết, “Ta như thế này. Thì bà con thấy ta đánh với họ được không? Ai tài giỏi thì thử ra đó xem có thắng không” (thượng tướng Huỳnh ngọc Sơn phó chủ tịch quốc hội). Phục chưa? Chế độ CS ưu việt sao lại đẻ ra toàn những con lươn con trạch như thế? Ấy là chưa kể đến Lê Duẩn, một TBT “u minh” của CSBV đã từng cúi gập mình trước mặt Mao trạch Đông mà xưng tụng: “chúng tôi đánh Mỹ, đánh miền Nam là đánh cho Trung quốc, đánh cho Liên Sô”! Bạn nghe rõ chưa? 

Từ đó cho thấy, ý chí của họ là chấp nhận làm một cuộc giết mướn, chiếm đất của Việt Nam như một cuộc đánh thuê để lấy tiền. Làm gì có chữ Tổ Quốc Việt Nam trong mắt môi đoàn đảng viên cộng sản? Nếu bảo là có thì họ đã bị lừa! Với chủ trương này càng cho thấy cái Công Hàm của Phạm văn Đồng chỉ là bước mở đường, nó không phải là đoạn kết hay là tự ý cá nhân. Trái lại, đã được bàn thảo rất kỹ lưỡng trước khi Phạm văn Đồng được phép ký tên và gởi đi. Theo đó, việc CS lấy tên là Nam Sa và Tây Sa trong bản đồ thay vì Hoàng Sa và Trường Sa đã là một chủ đích rõ ràng trong sự kiện đồng hóa theo Tàu của CSBV. Họ không thể chối bỏ trách nhiệm trước lịch sử. 

Đến đây, điều chúng ta có thể nói và nói với các cấp lãnh đạo cộng sản một cách quang minh rằng: Những huyênh hoang từ đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ của thế giới là Pháp và Hoa Kỳ, và từ những vinh quang trên đỉnh chém giết đồng bào của họ như thế đã quá đủ rồi, hãy dừng lại đi. Bởi vì, loa đã rỉ xét, người chết đã chết, và cái túi tham bạc ròng của họ cũng quá nặng rồi. Hơn thế, bài ca của những kẻ buôn bán máu xương của dân tộc, từng tựa vào lòng Trung cộng để kiếm sống, đến nay đã bị phơi bày trọn vẹn, nó không còn giá trị lừa bịp. Nghĩa là, họ không thể tiếp tục con đường buôn bán máu xương và danh dự của Việt Nam bằng những cái loa mồm được nữa. Trái lại, họ phải biết lịch sử của Việt Nam phải được tôn vinh. Phải được tồn tại trong sự thật, trong vững bền. Phần những lừa dối dù hào nhoáng đã đến lúc phải bỏ đi. Không thể diễn thêm tuồng được nữa. 

Điều khẳng định này có nghĩa, Công Lý phải thuộc về dân tộc Việt Nam. Những tội buôn dân, bán nước của cộng sản, của Hồ chí Minh, của Phạm văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, của những Lê chiêu Thống, Trần ích Tắc… đều phải dạt vào trong góc khuất. Tất cả được xếp lại như bài học răn đe cho hậu thế. Từ đó, những kẻ cầm cái búa của Hồ Quang đè trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam phải hiểu rằng, gian trá nào rồi cũng có ngày kết và cái ngày của 2020 không còn xa lắm. Họ phải biết cứu lấy chính mình bằng cách trở về với cội nguồn dân tộc trước khi quá trễ. Vì chính họ cũng biết rằng, lấy tiền của của nhân dân để xây những tượng đài Hồ Quang trên đất Việt để hưởng lộc Tàu, không thể bảo vệ cho cuộc sống của họ dài lâu. Trái lại, nơi đó có thể là nấm mồ dành cho những kẻ phản bội dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Bởi lẽ, Lịch sử là một bánh xe luôn luôn chuyển động. Nó không thể ngừng lại và nằm yên trong tay của một người nào. Hơn thế, là một thẩm phán công minh.

VI. Để kết. 

Mất, là điều chúng ta không thể chấp nhận vào ngày hôm nay, nhưng với tập thể cộng sản này thì cũng không có tư cách gì để nói đến chữ lấy lại. Chỉ còn chúng ta và con cháu chúng ta, những người Việt Nam máu đỏ da vàng theo dòng dõi của những Quang Trung, Hưng Đạo Vương, Ngô Quyền, Nhị Trưng… phải tự khắc phục lại Thăng Long mà thôi. Như thế, chúng ta phải bảo vệ, phải nuôi lấy ý chí giải phóng quê hương và dân tộc Việt Nam ra khỏi kiếp nô lệ của cộng sản. Từ đó, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một đời sống trong an bình dựa trên căn bản: Dân Tộc, Dân Sinh, Dân Quyền, Dân Quyết. Ở đó, chúng ta cùng chung tay trong một bước tiến Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền, Công Bằng và Bác Ái. Và cùng chung một ý chí sống trong một quốc gia có Độc Lập, có chủ quyền. Đó là con đường duy nhất khả dĩ đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vào vận hội mới cùng sống Hòa Minh với thế giới. Sau đó, xé toạc cái tờ giấy bán nước nhơ bẩn của Hồ chí Minh do Phạm văn Đồng đã ký vào ngày 14-9-1958 để chúng ta kiến nghiệp lại với non sông. Từ đó, có cơ may đưa Hoàng Sa, Trường Sa liền lại với một giải non sông Việt Nam. 

11-3-2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét