Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Cải tổ PVN: Hãy bắt đầu từ con sư tử đầu đàn

Cải tổ PVN: Hãy bắt đầu từ con sư tử đầu đàn

bauxitevnFri 9:00 AM


Mi Lâm
Những vấn đề thuộc nội bộ ngành dầu khí Việt Nam BVN không đủ khả năng kiểm chứng, xin đăng lên để bạn đọc  rộng đường tham khảo.
Bauxite Việt Nam
Cuộc khủng hoảng giá dầu thô đang đưa đến nhiều hệ lụy cho các công ty dầu khí, trong đó phải kể tới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Sự khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh thu không đủ bù chi phí khiến một loạt các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí mà PVN đang triển khai phải dừng, giãn tiến độ, thậm chí đóng một số mỏ có chi phí khai thác cao. Nguồn thu sụt giảm cũng ảnh hưởng tiến độ của một số dự án trọng điểm về lọc hóa dầu và nhiệt điện. Thương vụ bán 49% cổ phần cho công ty Gazprom Neft (Nga) cũng đã đổ bể đồng nghĩa với dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy Dung Quất giai đoạn 2 đã không còn diễn ra như dự định. Vấn đề đặt ra lúc này là phải làm sao nhanh chóng đưa con tàu PVN trở lại hành trình để tiếp tục hoạt động có hiệu quả, đóng góp cho ngân sách Nhà nước vốn được ví như bầu sữa mỗi ngày một teo tóp vì những cái miệng háu ăn. Bên cạnh những kiến nghị về sửa đổi luật thuế và các chính sách khác trong lĩnh vực chuyên ngành để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, phù hợp với luật pháp và các thỏa thuận hợp tác quốc tế đang bắt đầu có hiệu lực và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động doanh nghiệp, một mặt cầu nguyện cho giá dầu tăng trở lại, một mặt đây là thời điểm PVN cần nhìn lại chính bản thân mình, đánh giá một cách toàn diện để từ đó tiếp tục những nỗ lực cải cách. Cải cách không phải là đập bỏ cái cũ thay bằng cái mới. Cải cách là việc tạo ra giá trị lợi ích tối đa thông qua thay đổi. Đừng ngại những cái mới, cũng đừng quá yêu thích cái mới. Mới hay cũ chỉ là cách làm, quan trọng là hiệu quả. Việc cải tổ là một việc làm cần thiết, quá trình cải tổ cần được làm thường xuyên, liên tục. Vậy, với PVN, việc cải tổ nên bắt đầu từ đâu?

   
Trong 5 lĩnh vực cốt lõi của PVN, hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí được coi là lĩnh vực chủ chốt, quan trọng nhất và cũng là đầu tàu cho sự phát triển của PVN. Trọng trách này được giao cho PVEP – Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí – Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Nói vui, trong cơ cấu tổ chức của PVN với hơn 30 chục đơn vị thành viên, PVEP được xem như con sư tử đầu đàn với sự hùng mạnh và dũng khí đã được thừa nhận.
Sự hùng mạnh được thể hiện bằng lịch sử hình thành và phát triển hàng chục năm qua, với những đóng góp cho PVN, cho ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm được xếp vào hàng nhất nhì Việt Nam, luôn có mặt trong top của các loại khen thưởng cuối năm trên nhiều lĩnh vực.
Sự dũng cảm được thể hiện bằng sự can đảm mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh khó khăn từ hơn chục năm trước, xây dựng đội ngũ làm từ A đến Z để gặt hái được thành công bằng dòng dầu thương mại từ dự án tại Algeria (11/2015). Cho đến giờ, đây vẫn được xem là thành tựu lớn nhất của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN.
Cái dũng khí của những người đi tìm lửa PVEP còn được thể hiện qua câu nói của tân CEO Ngô Hữu Hải khi được hỏi về những giải pháp để vượt qua khủng hoảng giá dầu đã mang đến những khó khăn chưa từng có cho PVEP: Phải đào giếng trước khi chết khát!
Thành tâm mà nói chưa có một CEO nào của PVN có được khẩu khí như vậy trong cơn nước sôi lửa bỏng, khi giá dầu “bắt đáy” xuống dưới 30USD/thùng, khi Vietsovpetro phải công bố kế hoạch giảm biên chế hàng nghìn người, khi “hầu bao” doanh nghiệp nhẹ chưa từng thấy. 
Cái “giếng” mà ông Ngô Hữu Hải muốn đào thực ra không chỉ giải quyết “cơn khát” cho riêng PVEP của ông mà kéo theo đó là giải “cơn khát” cho hàng loạt những người anh em như PV Drilling, DMC, PTSC, PVI, PVTrans, … xa hơn nữa chính là giải quyết “cơn khát” của PVN vì một niềm tự hào của người làm dầu khí, “những người đi tìm lửa”, để chứng minh PVN thuộc về Dầu Khí chứ không phải thuộc về Điện (EVN) hay Phân Đạm dù rằng không khó để nhận thấy sự lên ngôi của PVPower và Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau trong thời gian gần đây. 
DANH MỤC CHỈ TIÊU
2011
2012
2013
2014
2015
1
Gia tăng trữ lượng
(ĐVT: Triệu tấn dầu quy đổi)
37,8
19,05
13,52
17,9
15,1
2
Sản lượng khai thác
(ĐVT: Triệu tấn dầu quy đổi)
16,18
5,72
4,92
5,03
5,92
3
Doanh thu
(ĐVT: Nghìn tỷ đồng)
50,767
64,919
60,948
60,399
38,941
4
Nộp NSNN
(ĐVT: Nghìn tỷ đồng)
17,524
20,426
19,251
19,128
12,600
5
% Nộp NSNN/DT
35%
31%
32%
32%
32%
6
Chi ASXH
(ĐVT: Tỷ đồng)
110
100
90
99
100
7
Giá dầu bình quân(ĐVT: USD/thùng) (*)
111,27
111,63
108,56
99,03
52,35
(*) Giá dầu Brent theo www.statista.com
Nguồn: Website PVEP (www.pvep.com.vn)
Theo thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh thu của PVEP luôn đạt mức cao, ngoại trừ năm 2015, còn hầu hết đều ở mức 50 – 60 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN cũng ở mức ngót nghét 20 nghìn tỷ đồng. Việc phụ thuộc vào giá dầu đã ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng sau một thời gian dài làm ăn có lãi, hiện tình hình tài chính của PVEP đang ở mức báo động với tổng dư nợ ngân hàng đã lên tới xấp xỉ 30 nghìn tỷ đồng và hầu như không có khả năng thanh khoản trong ngắn hạn. Điều gì đã xảy ra với PVEP? 
Thứ nhất có thể hiểu rằng với cơ chế quản lý tập trung có phân cấp như hiện nay của PVN, toàn bộ phần lợi nhuận của PVEP phải chuyển về PVN để cân đối và giải ngân theo Chương trình Công tác và Ngân sách hàng năm (cơ chế xin - cho) chứ chưa được tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính dù phần vốn nhà nước đã được PVN giao cho PVEP để bảo toàn và phát triển. Mặc dù ngồi trên một đống tiền (tổng tài sản của PVEP ước tính khoảng hơn 150 nghìn tỷ) nhưng thực chất PVEP không có cơ chế để tự chủ sử dụng mà chỉ quản lý theo phân cấp ủy quyền. 
Thứ hai trong giai đoạn 2006-2010 một loạt các dự án đầu tư đã được ký kết với nhiều đối tác trên thế giới. Theo thống kê không đầy đủ đã có tới hơn 10 dự án trên khắp thế giới từ châu Phi (Tunisie, Congo), châu Âu (Nga và một số nước thuộc SNG cũ), châu Mỹ (Venezuela, Peru, Cuba, Mỹ) và châu Á (Iran, Myanmar, Lào, Campuchia, …) được ký kết trong giai đoạn này. Một mặt việc ký kết đã gia tăng vị thế của PVEP trên trường quốc tế với hình ảnh một nhà đầu tư nhưng mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực để đảm bảo triển khai các dự án. Tiếc thay, sau một thời gian dài với rất nhiều chi phí đã bỏ ra, nguồn thu thực sự từ các dự án ở nước ngoài lại là một nỗi buồn khó lý giải. Ngoại trừ dự án ở Algeria ký từ 2003 đã mang lại hiệu quả ban đầu, hầu hết các dự án khác đều không như kỳ vọng và một số đã phải chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành cam kết với nước chủ nhà. Tiền vốn bỏ ra hầu như vay từ ngân hàng kèm theo sức ép lãi suất khi giá dầu giảm sâu đã đưa PVEP vào một hoàn cảnh khó khăn chưa từng có.
Thứ ba là sự suy giảm sản lượng các mỏ trong giai đoạn gần đây cùng với giá dầu giảm sâu đã khiến những nỗ lực của PVEP không được bù đắp xứng đáng. Năm 2015 dẫu sản lượng khai thác cao hơn gần 1 triệu tấn dầu quy đổi so với năm 2014 nhưng doanh thu chỉ bằng 2/3 (giảm 21 nghìn tỷ đồng). Việc duy trì đội ngũ nhân lực vốn là niềm tự hào của PVEP nhiều năm giờ trở thành gánh nặng định phí khiến cán cân thanh toán mất cân đối chỉ sau vài tháng. PVEP đã phải sử dụng các biện pháp giảm lương, trong tương lai gần nếu như giá dầu không có biến động tăng đáng kể thì có thể nhìn thấy nhiều khó khăn hơn nữa của PVEP trong việc chi trả lương cho đội ngũ của mình. 
Với những người lữ hành trên sa mạc, hành trang luôn luôn cần có nước. Họ sử dụng dành dụm vì những rủi ro có thể gặp phải như lạc đường, cướp bóc, bệnh tật, ốm đau, … Đối với PVEP bây giờ, cơn khát đang ở vào đỉnh điểm. Họ tiếc vì đã dám đi vào một hành trình khắc nghiệt mà không dự trữ cho mình những “giọt nước” bằng đô la để đến giờ khi khát thì không còn đủ nước, muốn “đào giếng” thì lại thiếu mạch ngầm. Quyết tâm đầu tư và tiếp tục bám mỏ, gia tăng sản lượng ở các mỏ có chi phí sản xuất thấp đang được PVEP nỗ lực, đúng như CEO Ngô Hữu Hải đã nhận định: Nếu chúng ta đóng mỏ thì các đơn vị dầu khí nước ngoài hoan hô, còn Việt Nam thì lại không có nguồn thuế. Hơn nữa, nếu đóng mỏ thì lấy đâu ra khí chạy các nhà máy điện, đạm, các nhà máy chế biến … nên ảnh hưởng tiêu cực là khó tránh khỏi. Đây là một hành động đúng, thể hiện tầm nhìn của một lãnh đạo tài năng, đầu tư ở thời điểm này sẽ tận dụng được cơ hội khi thị trường dịch vụ “bắt đáy”, kích cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, đảm bảo sự ổn định của một ngành mũi nhọn cũng góp phần đảm bảo sự ổn định an ninh năng lượng của đất nước. Thế nhưng, ai sẽ là người đưa cái “xẻng” để PVEP đào giếng?
PVN. Chỉ có PVN mới có thể làm được việc này. Vấn đề cần thiết trong việc cải tổ của PVN là cần đặt lại cách nhìn về PVEP trong vai trò sứ mệnh cũng như năng lực để có sự điều chỉnh phù hợp. Một sự đánh giá toàn diện là việc cần làm vào thời điểm này, không chỉ để phát hiện những cơ hội đầu tư đáng giá để tiếp tục mà còn để trả lời cho những câu hỏi về hiệu quả của hoạt động đầu tư. Không có gì ngẫu nhiên khi một loạt dự án phải đóng cửa trở về quê hương trong nỗi buồn mang màu định mệnh. Không thể đánh đồng việc thất bại với thiếu may mắn và gọi nó bằng cái tên “rủi ro dầu khí”. Có lẽ đã đến lúc, cần phải có một cái nhìn khác về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí với mục tiêu hiệu quả đặt lên hàng đầu.
Vì thế, nếu thực sự PVN muốn cải tổ để sớm vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn, hãy nên bắt đầu từ PVEP – con sư tử đầu đàn! 
Ngày 22/3/2016
M.L.
Tác giả gửi BVN.

Đọc thêm:

Tổng quan về PVEP

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là đơn vị có bề dày truyền thống, giữ vai trò chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí cốt lõi của Tập đoàn. 
Quá trình hình thành và phát triển của PVEP gắn với lịch sử phát triển của Ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Khởi điểm từ các công ty Petrovietnam II (PV-II, thành lập tháng 5/1988) và Petrovietnam I (PV-I, thành lập tháng 11/1988), PVEP đã trải qua nhiều lần đổi tên và cơ cấu lại cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Năm 1993, Công ty Giám sát các hợp đồng chia sản phẩm (PVSC) và Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Petrovietnam I, Petrovietnam II, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Ngành Dầu khí trong việc quản lý hiệu quả hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam, đồng thời tham gia vào các hợp đồng dầu khí ở trong nước và nước ngoài với tư cách là một bên Nhà thầu để từng bước phát triển thành một công ty dầu khí thực thụ. 
Sự ra đời của Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí (PIDC) vào năm 2000 trên cơ sở Công ty PVSC là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí ngày nay với việc PIDC tăng cường tự đầu tư, tham gia góp vốn vào các dự án ở trong nước, bước đầu thành công trong tự điều hành các dự án khai thác quan trọng, đồng thời triển khai đầu tư thăm dò khai thác ở nước ngoài với các dự án đầu tiên được ký kết ở Iraq, Algeria, Malaysia và Indonesia. 
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) hiện nay được thành lập ngày 04/05/2007 trên cơ sở hợp nhất Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí để thống nhất hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài. 
Kế thừa những thành quả và kinh nghiệm từ các các đơn vị tiền thân, PVEP đã phát triển vượt bậc và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Ngoài các dự án đang triển khai trong nước, PVEP hiện tham gia hàng chục dự án dầu khí tại 14 quốc gia, trong đó đã thu được sản lượng khai thác từ các mỏ Cendor, D30 tại Malaysia, mỏ BirSeba ở Algeria, lô 67 ở Peru… Các thành quả đã đạt được của PVEP đã góp phần cùng Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đóng góp rất quan trọng cho việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ và bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét