Luồng gió mới có lay động bức tường công lý?
bauxitevn8:27 AM
Xuân Dương
(GDVN) - Tại sao bắt giam người dân vô tội thì rất nhanh, bắt giam cán bộ có tội lại rất chậm?
“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén bị bắt vào tháng 5/1998, ngày 28/11/2015, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén, chấm dứt 17 năm 5 tháng ngồi tù oan của ông.
Huỳnh Văn Nén là người duy nhất tại Việt Nam 2 lần bị kết án oan trong hai vụ án giết người.
Ngày 18/1/2016 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản xác nhận thụ lý đơn khiếu nại tố cáo của ông Nén.
Ngày 3/3/2016, ông Nén đó có buổi làm việc với cơ quan chức năng bổ sung tố cáo 14 người liên quan đến hai vụ án oan mà ông là nạn nhân.
Trong “Đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự - Đơn tố giác tội phạm” gửi Cục Điều tra hình sự Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nén viết:
“Những người này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, sử dụng những biện pháp bất minh để buộc tội và kết án tôi và gia đình tôi.
Họ đã dựa trên những tài liệu lời khai giả mạo, gian dối hoặc có được từ việc bức cung nhục hình đối với tôi và những người thân trong gia đình tôi”[1].
Có những câu hỏi khiến bất kỳ người có lương tri nào cũng phải đặt ra là tại sao các cơ quan tố tụng hình sự không tự khởi tố điều tra những kẻ đã gây nên oan sai cho người vô tội mà phải chờ tố cáo, vì sao khi đã có đơn tố cáo mà sự việc vẫn chưa có kết luận cụ thể.
Điều tra những kẻ cố ý bỏ tù công dân vô tội trong hai vụ án oan Huỳnh Văn Nén có khó không?
Câu trả lời là không hề khó bởi những người này có họ tên, địa chỉ, chức vụ rõ ràng, họ đang sống tại Việt Nam, thậm chí một số trong đó đang đảm nhận những chức vụ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thu thập chứng cứ để chứng minh hành động tội phạm của những người đó có khó không?
Câu trả lời là quá dễ vì ông Huỳnh Văn Nén đã được minh oan, đã được xin lỗi thì đương nhiên những kẻ cố tình đưa ông vào vòng lao lý phải có tội, họ đã vi phạm pháp luật một cách hết sức nghiêm trọng.
Một khi điều tra không khó, thu thập chứng cứ không khó thì vì sao vẫn còn phải chờ? Có gì uẩn khúc trong việc này? Tại sao bắt giam người dân vô tội thì rất nhanh, bắt giam cán bộ có tội lại rất chậm?
Trong một phiên tòa, tù nhân Huỳnh Văn Nén đã cởi áo quay lưng về phía Hội đồng xét xử để chỉ những vết sẹo do ông bị đánh trong tù.
Những con người đại diện cho pháp luật trong phiên tòa đó phải chăng có khối óc nhưng thiếu lý trí, có trái tim nhưng ít xúc động.
Ông Huỳnh Văn Nén cởi áo, chỉ những vết sẹo mà ông nói là do bị đánh khi ở trong tù. (Ảnh: Laodong.com.vn)
|
Nói theo ngôn ngữ đời thường, đó là những con người vô cảm thực sự nhưng lại giả câm, giả điếc, giả mù trước nỗi đau đồng loại.
Cùng với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội),… Công lý không phải chỉ một lần bị bịt mắt.
Liệu rồi đây Công lý có một lần nữa bị bịt mắt khi xét xử tội trạng của những kẻ phạm tội hiện vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Liệu vụ án Huỳnh Văn Nén có lặp lại với vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết mà công luận đã nhiều lần lên tiếng?
Các bài báo với những chứng cứ cụ thể cho thấy cơ quan tố tụng đã rất “dễ dãi” khi ra lệnh bắt giam công dân, thời hạn tam giam kéo dài đã hơn 800 ngày.
Tòa án nhiều lần trả hồ sơ vì chưa đủ chứng cứ buộc tội nhưng công dân vẫn bị giam vì Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh vẫn "cố thủ", vẫn "kiên quyết" buộc tội?
Thậm chí ngay cả Viện trưởng VKSTC cũng đã chỉ ra "hàng loạt những điểm chưa được làm rõ" nhưng VKS TP HCM vẫn cứ phớt lờ, vẫn buộc tội bằng những căn cứ đã bị bác bỏ...
Hơn 800 ngày đưa đẩy giữa tòa án và điều tra, kiểm sát mà chưa thể kết luận, chưa thể xét xử, luật pháp không nghiêm hay tâm đức của người cầm cân nảy mực có vấn đề?
Liệu có chuyện có ai đó cố tình bẻ cong công lý, đứng trên pháp luật?
Chỉ có Tòa án mới có quyền quyết định bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết có tội hay vô tội, vì sao Tòa án nhân dân TP HCM không dám xét xử dựa vào những gì mà bên Điều tra và Kiểm sát cung cấp, sợ oan sai cho công dân, sợ trách nhiệm hay sợ “nhóm lợi ích”?
Không cần hiểu biết nhiều về pháp luật cũng có thể thấy, một khi buộc phải thả người bị bắt giam oan thì tiếp theo đó là phải xin lỗi, phải đền bù oan sai… và đương nhiên uy tín, địa vị của cá nhân, tổ chức gây oan sai sẽ bị ảnh hưởng. Có phải vì thế nên người ta sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, trách nhiệm để bảo vệ bản thân và “nhóm thân hữu” của mình?
Trở lại vụ án Huỳnh Văn Nén, có hay không sự tác động nào đó để “câu giờ” dựa vào quy định tại điều 27 Luật Hình sự 2015 “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”, theo đó:
“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” là: a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”.
Những người tham gia tố tụng vụ ông Nén đã vi phạm điều 10 Bộ Luật Hình sự 2015 “Cố ý phạm tội” bởi vì:
“1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Vấn đề là hành vi phạm tội của họ thuộc loại tội phạm nào?
Nếu xác định là “tội phạm rất nghiêm trọng” thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm và đương nhiên sau hơn 17 năm họ sẽ được miễn truy cứu.
Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 4 điều 9 Bộ Luật hình sự 2015 thì: “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.
Tội trạng những người gây ra cho ông Nén đã khiến dư luận xã hội phẫn nộ, khiến ngân sách phải bồi thường một khoản tiền lớn, khiến công dân bị kết án tù chung thân và quan trọng hơn là đã khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống tư pháp quốc gia, tội đó phải thuộc loại đặc biệt nghiêm trọngnghĩa là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm.
Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 5/3/2016 đưa tin: “Ngày 4/3, nguồn tin riêng cho biết TAND tỉnh Bình Thuận vừa có cuộc họp kiểm điểm đối với hai thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân trong HĐXX sơ thẩm xử vụ hủy hoại tài sản, giết người, cướp tài sản đối với ông Huỳnh Văn Nén vào ngày 31/8/2000 (vụ bà Lê Thị Bông bị sát hại).
TAND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất áp dụng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm đối với HĐXX sơ thẩm kết án oan ông Nén và gửi văn bản về TAND Tối cao để báo cáo”[2].
Phê bình, rút kinh nghiệm với những người xử án (Hội đồng xét xử) là chuyện riêng của Tòa án nhân dân Bình Thuận.
Hình thức “phê bình, rút kinh nghiệm” vốn là “truyền thống” tồn tại trong các cơ quan công quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội từ xưa đến nay đã góp phần vào việc “động viên, cổ vũ” một bộ phận không nhỏ người có trách nhiệm “yên tâm công tác”.
Chỉ có điều với người dân như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,… thì ai cho họ quyền được tự phê bình, rút kinh nghiệm hay cứ yên tâm ngồi tù?
Sau Tòa án, liệu Cơ quan điều tra và Kiểm sát có họp, có thống nhất áp dụng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm như Tòa án với các đối tượng liên quan đến vụ án?
Hình như luồng gió mới từ chủ trương Đổi mới sau Đại hội Đảng 12 vẫn còn một quãng đường khá dài để thổi tới bức tường công lý?
Hy vọng những người chịu trách nhiệm với lá đơn tố cáo của ông Nén sẽ sớm có câu trả lời khách quan, trung thực, thượng tôn pháp luật với ông Nén và trước công luận.
X. D.
Tài liệu tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét