Văn phòng PCA đặt tại Việt Nam và chuyện Hà Nội khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông?
RFA tiếng Việt
2022.11.22
Tổng Thư ký Tòa trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) Marcin Czepelak vừa đến Hà Nội để khai trương văn phòng đại diện được đặt tại đây. Theo ông Czepelak, với việc ủng hộ và hỗ trợ văn phòng PCA, Việt Nam thể hiện cam kết và tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak tại Hà Nội hôm 21/11/2022. Photo: Báo Chính Phủ
Trao đổi với RFA sáng 22 tháng 11 năm 2022, ông Hoàng Việt, Giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo cho rằng, việc Tòa Trọng tài thường trực mở văn phòng tại Hà Nội là kết quả của quá trình mà Bộ Ngoại giao đã đại diện Chính phủ ký kết và xúc tiến các hoạt động với PCA từ năm 2014. Nó đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự hội nhập quốc tế, đồng thời thể hiện thái độ nghiêm túc của Việt Nam trước việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các bất đồng với các quốc gia khác.
Ông Hoàng Việt nói thêm:
“Chúng ta thấy rằng ở khu vực Đông Nam Á thì Singapore được chọn là nơi giải quyết rất nhiều tranh chấp. Nó không chỉ là tranh chấp giữa các quốc gia về biển đảo, mà nó còn liên quan đến những vấn đề khác như tranh chấp về kinh tế, thương mại. Đó là những tranh chấp mà Việt Nam có thể sẽ gặp trong tương lai. Hiện nay thì Việt Nam cũng đã gặp nhiều rồi. Nếu có văn phòng PCA ở đây thì sau này việc xét xử có thể sẽ được tiến hành từ Việt Nam. Và nếu có xảy ra các cuộc tranh chấp thì một số những người được phía Việt Nam đề cử làm trọng tài viên tham gia trong PCA ở Singapore cũng có thể tham gia xét xử được.
Việt Nam cũng đã đề cử một số nhân vật, hầu hết là những người đã từng hoặc đang làm việc trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Và hầu hết họ được đào tạo luật pháp quốc tế tại các quốc gia tiên tiến. Đương nhiên là trình độ tiếng Anh và trình độ luật pháp quốc tế đều tốt cả”.
Với Luật sư Đặng Đình Mạnh, tương tự như thông tin Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 vào tháng 10 vừa qua, thông tin PCA mở văn phòng đại diện tại Hà Nội là một thông tin tốt lành, tích cực trong giai đoạn hiện nay, cả về đối ngoại và đối nội.
Ông phân tích:
“Về đối ngoại, chúng ta đã từng biết PCA là cơ quan trọng tài quốc tế từng ra phán quyết ngày 12/07/2016, tuyên bố đường lưỡi bò chín đoạn tuyên bố chủ quyền ở biển đông của Trung Quốc là bất hợp pháp theo đơn kiện của Philippines.
Trụ sở chính của họ đặt tại La Haye, Hà Lan. Đến nay, trên thế giới, họ chỉ từng mở bốn văn phòng đại diện, nay mở thêm tại Hà Nội là văn phòng đại diện thứ năm. Điều này chứng tỏ điều mà các nhà lãnh đạo Việt Nam thường nhắc đến về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặt khác, về đối nội, với sự hội nhập quốc tế này thông qua các định chế nhân quyền quốc tế, luật pháp quốc tế thì chúng tôi tin rằng điều này cũng giúp Việt Nam điều chỉnh chính sách về luật pháp và thực thi luật pháp ngày một phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế mà hầu hết các quốc gia tiến bộ đang áp dụng và chứng tỏ sự hữu hiệu của mình”.
Lễ ký hiệp định với PCA hôm 23/6/2014. Photo: pca-cpa.org
Vào ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về một số tranh chấp giữa hai nước liên quan việc giải thích và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông. Phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có các quyền lịch sử dựa trên cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn". Ngoài ra, Tòa bác bỏ khả năng Trung Quốc được yêu sách vùng biển từ các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xác định Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.
Đây được coi là một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Philippines, nước thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trước tòa.
Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào về việc sẽ sử dụng Toà Trọng tài để phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Liệu Việt Nam có thay đổi quan điểm khi PCA đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức nêu nhận định của mình với RFA sáng 22 tháng 11 năm 2022:
“Việc họ mở thêm một chi nhánh nữa ở Hà Nội, theo đánh giá của tôi là họ khuyến khích Việt Nam khởi kiện những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Mục đích chính của họ là khuyến khích Việt Nam đứng ra khởi kiện.
Thứ hai là thông qua văn phòng này họ sẽ tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị để mời các giới chức Việt Nam thuộc các bộ ngành, thậm chí cấp chính phủ, Quốc hội tham gia hội thảo. Từ đó họ sẽ tác động lên các giới chức của Việt Nam để khuyến khích Việt Nam khởi kiện. Và khi Việt Nam khởi kiện thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cũng như từ chính bản thân các thành viên của PCA. Và nếu Việt Nam thắng thì điều đó không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà nó còn là căn cứ quốc tế rất quan trọng để Mỹ cũng như các nước khác dùng để làm áp lực với Trung Quốc”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm, Tòa thường trực quốc tế ngoài việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải thì họ còn giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư giữa các quốc gia với nhau; giữa Việt Nam với các nước khác. Khi giải quyết như vậy thì rõ ràng nó sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách luật nội địa của mình để tương thích với các quy định, luật của quốc tế. Ít nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư ngoài vấn đề liên quan lãnh thổ lãnh hải.
Tại buổi tiếp Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak chiều 21 tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính mong muốn văn phòng PCA tại Hà Nội sẽ tiếp nhận nhiều người Việt Nam vào làm việc nhằm nâng cao trình độ pháp lý quốc tế của chuyên gia Việt Nam cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế.
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu người dân chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự. Ông Chính cũng nhìn nhận chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; nguồn lực còn hạn chế; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét