Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Bên trong Ủy ban ba bên: giới tinh hoa quyền lực vật lộn với sự trỗi dậy của Trung Quốc

 


Bên trong Ủy ban ba bên: giới tinh hoa quyền lực vật lộn với sự trỗi dậy của Trung Quốc

Ken Moriyasu, Mariko Kodaki & Shigesaburo Okumura | Nikkei Asia ngày 23/11/2022

Biên dịch: Trần Phạm Bình Minh | Hiệu đính: Vân Phạm

Ủy ban Ba bên đã họp trong hai ngày tại Tokyo từ ngày 19/11/2022. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau ba năm. Các thành viên đã thảo luận về Trung Quốc, Ấn Độ và trật tự toàn cầu mới. (Ảnh của Ken Kobayashi).

Nhóm bí ẩn liên kết Châu Á, Hoa Kỳ và Châu Âu đã mở cửa cho truyền thông trước thềm kỷ niệm 50 năm

TOKYO – Vào sáng thứ Bảy, một số chính trị gia, lãnh đạo công ty và học giả nổi tiếng nhất Châu Á đã tập trung tại phòng họp của một khách sạn chỉ cách văn phòng Thủ tướng Nhật Bản vài bước chân.

Ở mỗi vị trí trên bàn là một phong bì lớn chứa tiểu sử chi tiết của khoảng 50 người tham dự và một tập hồ sơ màu trắng có dòng chữ “Ủy ban Ba bên”.

Những người tham dự lần đầu tiên rất phấn khởi. Một giáo sư Nhật Bản nói với một trong những diễn giả hội thảo rằng ông “thực sự đánh giá cao” lời mời, bởi vì “Ủy ban Ba bên là một bí ẩn lớn đối với tôi”.

“Một số trang web nói rằng tất cả các sự kiện quan trọng trên thế giới đã được xác định trước bởi Ủy ban Ba bên”, ông nói trước tiếng cười của những người tham dự kỳ cựu. “Chúng tôi không biết ai tham gia, họ đang nói gì”, ông nói.

Điều đó, tuy nhiên, giờ có thể bắt đầu thay đổi.

Cuộc họp năm nay tại Tokyo – cuộc họp đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu – là một thời điểm chưa từng có đối với tổ chức bí mật này, tổ chức sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm tới. Được tạo ra trong lòng sâu thẳm của Chiến tranh Lạnh để lèo lái quan hệ đối tác an ninh “ba bên” Hoa Kỳ-Nhật-Châu Âu, những cuộc thảo luận và ý tưởng được cân nhắc kỹ lưỡng của tổ chức và ảnh hưởng mà tổ chức được cho là mang lại, đã là chủ đề của nhiều đồn đoán.

Trong một báo cáo năm 1975 gửi tới Ủy ban Ba bên có tiêu đề “Khủng hoảng Dân chủ”, Samuel Huntington đã đưa ra quan điểm gây tranh cãi rằng “dân chủ thái quá” sẽ làm suy yếu chính phủ. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Việc chỉ những người nhận được lời mời mới có thể tham dự – chưa đề cập đến sự nổi tiếng của những người tham gia – là một trong những điểm hấp dẫn của tổ chức trong nửa thế kỷ qua, những người trong cuộc thừa nhận. Nhóm Châu Á Thái Bình Dương bao gồm một chính trị gia trẻ người Nhật Bản được coi là thủ tướng tương lai, nhiều cựu quan chức Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ trông nom đồng yên – được gọi chung là “Mafia Tiền tệ” – cũng như họ hàng của Hoàng gia Nhật Bản.

Nhưng hình ảnh của sự độc quyền và quyền lực cũng là một gánh nặng. Ủy ban đã trở thành một bóng ma tưởng tượng cho những người chỉ trích, những người tin rằng nó là một loại phòng sao của giới tinh hoa không được bầu chọn và không thể tin tưởng được. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã chứng kiến các chính trị gia thúc đẩy các lý thuyết về âm mưu bí mật và chính phủ ngầm. Khi còn đương chức, bản thân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thường xuyên công kích “các đặc vụ của chính quyền ngầm không được bầu chọn”.

Tuy nhiên, vào thứ Bảy, ủy ban đã được mở cho ba phóng viên từ Nikkei Asia. Họ được phép tham dự cuộc họp của Nhóm Châu Á Thái Bình Dương của ủy ban vào ngày 19 và 20/11, với điều kiện là không được tiết lộ danh tính những người tham gia thảo luận. Đây là lần đầu tiên sau 5 thập kỷ, giới báo chí được phép tham dự tất cả các phiên họp tại Nhóm Châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nỗ lực của Nhóm Châu Á Thái Bình Dương nhằm tiết lộ các cuộc thảo luận không hẳn là để làm sáng tỏ những chỉ trích. Thay vào đó, báo chí đã được mời để làm nổi bật sự rạn nứt có thể đang nổi lên giữa Châu Á và các cánh khác của tổ chức.

Masahisa Ikeda, thành viên ủy ban điều hành của Ủy ban Ba bên cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á, đặc biệt là đối với Trung Quốc, là hẹp hòi và không nhượng bộ. Chúng tôi muốn người dân Hoa Kỳ nhận ra các quan điểm khác nhau của Châu Á”. Ikeda đã được bổ nhiệm làm giám đốc tiếp theo của Nhóm Châu Á Thái Bình Dương và dự kiến sẽ đảm nhận vị trí này vào mùa xuân tới.

Trí tuệ tập thể

Mỗi ứng cử viên mới cho vị trí thành viên Ủy ban đều được xem xét kỹ lưỡng trước khi được phép tham gia. Theo quy định, các thành viên đảm nhận các vị trí trong chính phủ quốc gia của họ – điều phổ biến một cách kỳ lạ – sẽ phải từ bỏ tư cách thành viên Ủy ban Ba bên khi đang phục vụ công ích. Những người đó bao gồm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Cánh cửa quay vòng giữa ủy ban và cấp cao của chính phủ luôn là nguyên liệu cho những người theo thuyết âm mưu. Giám đốc đầu tiên của ủy ban vào năm 1973, Zbigniew Brzezinski, sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter. Trong khi đó, chính sự tồn tại của ủy ban dường như được khẳng định dựa trên câu hỏi liệu có nên giao quyền điều hành cho người dân hay không. Đó là một câu hỏi mà chính ủy ban đã trực tiếp giải quyết từ năm 1975: Nền dân chủ có hoạt động không? Hay cần ai đó hướng dẫn?

Năm đó, ba học giả — Michel Crozier, Samuel Huntington và Joji Watanuki — đã viết một báo cáo cho Ủy ban Ba bên với tiêu đề “Khủng hoảng Dân chủ”. Trong đó, Huntington đã viết rằng một số vấn đề về quản trị ở Hoa Kỳ bắt nguồn từ “sự dư thừa dân chủ”.

“Trong nhiều tình huống, những tuyên bố dựa trên chuyên môn, thâm niên, kinh nghiệm và tài năng đặc biệt có thể vượt qua những tuyên bố sinh ra từ nền dân chủ như một cách cấu thành tính thẩm quyền”, ông viết, đưa ra ví dụ hình tượng hoá về một trường đại học nơi các vị trí  giảng dạy phải được sinh viên chấp thuận. Một ngôi trường như vậy “có thể là một trường đại học dân chủ hơn nhưng không chắc chắn sẽ trở thành một trường đại học tốt hơn”, ông viết.

Theo cách tương tự, “Các quân đội trong đó mệnh lệnh của các sĩ quan bị phủ quyết bởi trí tuệ tập thể của cấp dưới hầu như luôn dẫn đến thảm họa trên chiến trường”, ông nói thêm.

Nhà phê bình xã hội Noam Chomsky đã nhiều lần chỉ trích Ủy ban Ba bên là phi dân chủ. Nhưng quan điểm này – rằng các chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn có thể lèo lái xã hội tới một nơi tốt đẹp hơn – vẫn tồn tại trong ủy ban.

Một quan điểm mới giờ đây xuất hiện từ Nhóm Châu Á Thái Bình Dương: Nếu không có tiếng nói từ Châu Á, Hoa Kỳ có thể dẫn thế giới vào một cuộc đối đầu nguy hiểm.

Trở nên thông minh

Tinh thần dân chủ đã được thể hiện rõ ràng vào thứ Bảy trong bài phát biểu của Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản – và trong lời chỉ trích về bài phát biểu sau đó. “Dân chủ so với chế độ chuyên chế: Bạn sẽ thấy năm 2022 là một bước ngoặt cho sự thành công của nền dân chủ”, Emanuel nói, chỉ ra các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ, cuộc bầu cử tổng thống Pháp và cuộc bầu cử ở Israel – nơi kết quả bầu cử đã được chấp nhận.

“Hãy thuyết phục những đứa trẻ ở Tehran rằng những ngày tốt đẹp nhất của chế độ chuyên quyền đang ở phía trước. Hãy thuyết phục những đứa trẻ đã trốn khỏi Hồng Kông rằng những ngày tốt đẹp nhất của chế độ chuyên chế đang ở phía trước”, ông nói. Trong khi nền dân chủ còn cẩu thả và lộn xộn, “các thể chế của tiến trình dân chủ, sự ổn định chính trị của Hoa Kỳ, NATO, các nước Châu Âu, đã đứng vững”, vị đại sứ nói.

Emanuel ngụ ý rằng những ngày tin tưởng vào Bắc Kinh đã qua. Ông nhắc nhở những người tham gia rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng nhìn thẳng vào mắt Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và hứa rằng ông sẽ không bao giờ quân sự hóa các đảo ở Biển Đông – để rồi sau đó đã tiếp tục làm đúng như vậy.

Takeshi Niinami, Chủ tịch Nhóm Châu Á Thái Bình Dương của Ủy ban Ba bên, người thứ hai từ phải sang, phát biểu tại một cuộc họp vào ngày 19/11/2022 bên cạnh Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, người thứ hai từ trái sang. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Đến một thời điểm nhất định, hoặc là bạn trở nên thông minh hoặc bạn đóng vai kẻ ngốc”, Emanuel nói.

Sau khi trả lời một số câu hỏi từ các thành viên, vị đại sứ rời đi. Nhưng trong giờ giải lao sau đó, một số người tham dự không đồng ý.

“Vị đại sứ đó đang nói gì vậy?” một cựu quan chức Nhật Bản nói. “Chúng ta phải tương tác với Trung Quốc. Nếu chúng ta buộc các nước chọn bên, các quốc gia Đông Nam Á sẽ chọn Trung Quốc. Điều quan trọng là không buộc họ phải chọn”.

Ở Washington, khái niệm lôi kéo Trung Quốc – hy vọng rằng nếu Trung Quốc được mời tham gia các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới, thì Trung Quốc sẽ trông giống các quốc gia phương Tây hơn – đã chết. Nỗ lực làm như vậy dưới thời chính quyền Obama hiện được coi là thất bại.

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên, được công bố vào tháng 10, chính quyền Biden lưu ý rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”.

Hoa Kỳ gần đây đã công bố các hạn chế mới sâu rộng ngăn cản Trung Quốc có được chip máy tính và thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Nhưng ý tưởng tương tác với Trung Quốc vẫn chưa chết trong mắt Ủy ban Ba bên, đặc biệt là trong Nhóm Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm các thành viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Philippines và Việt Nam.

Một cựu quan chức tài chính Nhật Bản cho biết: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ và thất vọng khi thấy Trung Quốc hoàn toàn không tham gia cuộc họp này”. Ban thư ký giải thích rằng COVID-19 và đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức gần đây có thể là lý do khiến không ai từ Trung Quốc đồng ý tham gia. Có chín thành viên người Trung Quốc của ủy ban và tất cả đều được gửi lời mời, ban thư ký nói với Nikkei.

Một thành viên kỳ cựu từ Philippines đã đồng ý, nói rằng không có ích gì khi nói về Châu Á mà không có sự tham gia của quốc gia lớn nhất khu vực.

Thành viên này bày tỏ lo ngại về việc chia thế giới thành hai phe. “Khi hai con voi đánh nhau, lũ kiến bị giẫm đạp. Và chúng ta đang cảm thấy điều đó. Khi hai con voi đánh nhau đến chết, tất cả chúng ta sẽ chết. Và câu hỏi đặt ra là: Để làm gì?”

Quá dân chủ

Nếu cuộc họp ở Tokyo chứng minh được bất cứ điều gì, thì đó là giới tinh hoa của Châu Á đang lo lắng rằng thế giới đang đi sai hướng, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và sự phân cực đang chờ đợi. Và vấn đề, theo quan điểm của nhiều người tham gia, là nước Mỹ. Lời cảnh báo của Huntington chống lại “một nền dân chủ dư thừa” vẫn còn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thành viên của Ủy ban Ba bên. Nhưng lần này, chính xu hướng xuất khẩu hệ tư tưởng của Hoa Kỳ mới là mối quan tâm chính của nhiều người.

Một giáo sư Hàn Quốc nói với Emanuel trong phần hỏi đáp rằng có những lo ngại ở Châu Á về tư duy được ăn cả ngã về không trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. “Chúng ta phải phát triển một số chiến lược có thể thực hiện được để thuyết phục và thu hút sự tham gia của các quốc gia không cùng chí hướng”.

Một nhà ngoại giao Nhật Bản đã nghỉ hưu lưu ý rằng các vấn đề hiện tại của thế giới có nguyên nhân từ sự thay đổi ở Hoa Kỳ cũng nhiều như là kết quả của hành vi của Trung Quốc. Từ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đến cuộc chiến Ukraine, “Mọi vấn đề mà chúng ta chứng kiến ngày nay đều bắt nguồn từ sự thay đổi trong cấu trúc quốc tế”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng có hai yếu tố dẫn đến sự thay đổi này. “Một là sự suy giảm rất rõ ràng về khả năng răn đe của Hoa Kỳ. Hai là, toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia không còn là nguồn gốc của sự ổn định”.

Cũng có những thành viên lưu ý rằng trật tự quốc tế tự do mà Washington ủng hộ khác với trật tự tự do ban đầu được hình thành sau Thế chiến II. “Trật tự ban đầu, do Hoa Kỳ dẫn đầu, tìm kiếm một hệ thống quốc tế rộng lớn về nhiều mặt dựa trên các thể chế đa phương và tự do thương mại giữa các khối dân chủ”, một học giả Hàn Quốc cho biết. Các cuộc đàm phán sáu bên về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một ví dụ như vậy về trật tự ban đầu, học giả cho biết, lưu ý rằng Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga đều có mặt tại bàn.

Gần đây hơn, “Hoa Kỳ đã khuyến khích các công ty quay trở lại quê hương hoặc đến các quốc gia đồng minh hoặc thân thiện”, bà nói. “Dưới những động thái như vậy, chỉ những quốc gia có cùng chí hướng mới được nhóm lại theo hướng tiểu đa phương vì sự sắp xếp nhỏ hơn và linh hoạt hơn có vẻ hiệu quả hơn đối với họ”.

Trớ trêu thay, chính Trung Quốc đang kêu gọi một trật tự quốc tế gần hơn với khái niệm ban đầu, đại diện cho cái gọi là cộng đồng toàn cầu với vận mệnh chung của nhân loại. “Tuy nhiên, rất ít quốc gia tin rằng chủ nghĩa đa phương do Trung Quốc ủng hộ có giá trị phổ quát. Điều này là do có rất ít sự tin tưởng đối với Trung Quốc”, bà nói.

Và thành viên đại diện Ấn Độ lần đầu tiên tham gia đã nói về sự cần thiết của việc cộng đồng quốc tế thích nghi với một Châu Á đang trỗi dậy. “Hầu hết các thể chế toàn cầu, điểm neo, trọng tâm luôn ở phương Tây. Điều đó rõ ràng cần phải thay đổi. Châu Á-Thái Bình Dương cần phải là điểm neo và không có cách nào bạn có thể muốn Trung Quốc ra đi”.

Cuộc thảo luận đã mở rộng hơn nữa chứ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực địa chính trị. Một nhà kinh tế học Hàn Quốc lưu ý rằng đất nước của ông chắc chắn sẽ phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì mục đích công nghệ.

“Ngày càng có nhiều sản phẩm lưỡng dụng trong lĩnh vực sản xuất”, ông nói. “Vì vậy, nếu bạn muốn dẫn đầu về khả năng cạnh tranh, bạn phải chọn hệ sinh thái công nghệ mà bạn muốn tham gia. Sự lựa chọn mà chúng tôi bị áp lực không chỉ là chính trị mà còn rất nhiều áp lực kinh tế”.

Bất bình đẳng là một chủ đề chính của cuộc thảo luận. Một nhà kinh tế Ấn Độ nhấn mạnh rằng sự tách rời giữa nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể là câu trả lời. Hàng triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo trong bốn thập kỷ qua, ông nói: “Chính sự phụ thuộc lẫn nhau đã kéo mọi người thoát nghèo – với cái giá phải trả là mất đi hoạt động sản xuất ở các nền kinh tế tiên tiến. Chúng ta cần thúc đẩy lợi ích của sự phụ thuộc lẫn nhau”.

James Kondo, một thành viên ủy ban điều hành, nói với Nikkei rằng Châu Á là “bên hưởng lợi lớn nhất” của toàn cầu hóa.

Ông nói: “Châu Á đã vươn lên từ nghèo đói bằng cách trở thành công xưởng cho thị trường tiêu dùng phương Tây, nhưng điều này lại dẫn đến sự bất bình đẳng mới ở phương Tây”.

Do đó, Châu Á sẽ tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa, đây là một tư thế hoàn toàn khác với phương Tây, Kondo nói. “Các quan điểm về tương lai đang bất đối xứng. Châu Á phải chứng minh rằng sự tăng trưởng năng động của Châu Á sẽ là nguồn tăng trưởng cho các doanh nghiệp phương Tây”.

Trung Quốc thứ hai

Trong cuộc họp kéo dài hai ngày, rõ ràng có một khối ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Emanuel: Ấn Độ.

Quan điểm của Ấn Độ về Trung Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt vào tháng 6 năm 2020 khi một cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở khu vực biên giới Himalaya – chủ yếu là giao tranh tay đôi – khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

“Ấn Độ đã có một đường lối rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Trên thực tế, bất cứ điều gì Đại sứ Emanuel nói, 90% sẽ được giới quan chức Ấn Độ đồng tình”, một nhà phân tích chính sách đối ngoại Ấn Độ cho biết.

“Ấn Độ đã tìm mọi cách để đẩy đầu tư của Trung Quốc ra khỏi đất nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Ấn Độ đã giảm 74% vào năm ngoái. Không phải vì Trung Quốc không muốn đầu tư, mà chính phủ Ấn Độ không muốn có các công ty Trung Quốc bên trong đất nước”, ông nói, trích dẫn các cuộc đụng độ biên giới ở dãy Himalaya là lý do cho tình cảm chua chát.

“Phía Ấn Độ không quan tâm đến việc đối thoại với Trung Quốc”, nhà phân tích nói. Ông lưu ý rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 11 lần trong sáu năm, chỉ để chứng kiến sự khiêu khích gia tăng của Trung Quốc.

Một thành viên Ủy ban Ấn Độ đã lặp lại quan điểm đó. “Đối với những người đang tập trung vào cuộc chiến Ukraine, tôi mong các bạn hãy nhìn vào thực tế là có 120.000 binh sĩ từ Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu trực diện trong ba năm qua. Không chỉ Triều Tiên cần tuân theo một trật tự dựa trên luật lệ. Chính những cường quốc như Trung Quốc cũng cần phải làm như vậy”.

Takeshi Niinami, Chủ tịch Nhóm Châu Á Thái Bình Dương của Ủy ban Ba bên, nói với Nikkei Asia bên lề sự kiện rằng “Có rất nhiều giá trị khi lắng nghe các quan điểm khác nhau. Việc thiếu sự tham dự của người Trung Quốc là phần còn thiếu. Chúng tôi muốn người Trung Quốc tham gia”. Niinami là giám đốc điều hành của nhà sản xuất đồ uống Nhật Bản Suntory Holdings.

Giáo dục nước Mỹ

Nguồn gốc của Ủy ban Ba bên bắt nguồn từ nỗ lực vào năm 1972 của David Rockefeller, người đứng đầu Ngân hàng Chase Manhattan ở New York, nhằm đưa Nhật Bản vào Nhóm Bilderberg, một cuộc họp hàng năm của các trí thức nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Châu Âu và Bắc Mỹ và để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác.

Khi bị hoàng gia Hà Lan, chủ tịch Tập đoàn Bilderberg, từ chối, Rockefeller đã tạo ra một nhóm mới với Nhật Bản là một thành viên.

“Mục đích ban đầu là hướng dẫn Nhật Bản trở thành một phần của liên minh phương Tây”, nhà cựu ngoại giao Nhật Bản đã đề cập ở trên, người từ lâu đã là thành viên của Ủy ban Ba bên, giải thích. Nhưng bây giờ, điều quan trọng là Nhóm Châu Á Thái Bình Dương phải thông báo cho Hoa Kỳ và Châu Âu về quan điểm trong khu vực về cuộc cạnh tranh quyền lực lớn, ông nói.

Cựu quan chức này cho biết Ủy ban Ba bên khác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, vốn là một cuộc tranh luận cởi mở, tổng quát hơn và khác với Liên Hợp Quốc, nơi bao gồm tất cả mọi người. “Ủy ban ba bên có một nhiệm vụ rõ ràng”.

Một trong những ưu điểm của ủy ban có thể là phát hiện sớm các xu hướng mới. Từ cuộc họp này, một chủ đề bất thành văn dường như xuất hiện trong tâm trí của một số thành viên. “Ấn Độ sẽ là Trung Quốc tiếp theo?” một học giả Hàn Quốc thì thầm trong giờ nghỉ giải lao.

Không phải tất cả các quốc gia đều phàn nàn về sự trở lại của cạnh tranh địa chính trị. Trong khi Đông và Đông Nam Á cảm thấy bị buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Ấn Độ đã được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc đua giữa Moscow và Washington nhằm giành lòng trung thành của các nước khác. Trong các phiên họp, các thành viên Ấn Độ đã nói về những lợi ích bất ngờ mà cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang mang lại cho tiểu lục địa.

“Ấn Độ đã được giảm giá dầu còn một phần ba”, nhà phân tích Ấn Độ giải thích. Trong khi Ấn Độ mua dầu giảm giá từ Nga, Hoa Kỳ đã tìm cách khác, cố gắng không xa lánh New Delhi vì các mục đích địa chính trị. “Khi thị phần của Nga trên thị trường dầu mỏ của chúng tôi tăng lên, Ả Rập Saudi và Iraq, những người cũng quan tâm đến Ấn Độ vì lý do địa chính trị và thị trường, bắt đầu hạ giá để cạnh tranh với Nga”, ông nói.

“Có thời điểm chúng tôi được giảm giá dầu của Nga, giảm thêm giá dầu từ Ả Rập Saudi và giảm giá lần thứ ba từ Iraq”.

Các quốc gia khác như Bangladesh sẽ không được giảm giá tương tự, ông nói thêm. “Ấn Độ được cho là một trong số ít quốc gia có thể chơi trò chơi địa chính trị”.

clip_image014[1]

Các thành viên Ủy ban ba bên từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Philippines và Việt Nam đã tập trung tại Tokyo vào ngày 20 tháng 11 trước lễ kỷ niệm 50 năm thành lập nhóm. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Xu hướng chuyển các nhà máy sang các quốc gia cùng chí hướng do Hoa Kỳ dẫn đầu cũng có thể mang lại lợi ích cho Ấn Độ.

Đòn bẩy mới đang mang lại cho Ấn Độ nhiều ảnh hưởng hơn. Giải thích lý do tại sao Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vào năm 2019 [một hiệp định thương mại mà Trung Quốc bảo vệ], một thành viên Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi quyết tâm không bao giờ cho phép Trung Quốc đi cửa sau vào thị trường Ấn Độ nữa”.

Ấn Độ, quốc gia có truyền thống không liên kết, đã sử dụng tính trung lập của mình để mang lại lợi ích tối đa. Một thành viên của Ấn Độ cho biết khuôn khổ Bộ Tứ – quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản – đang dần trở nên hiệu quả hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng của New Delhi.

Một học giả Hàn Quốc nói: “Ấn Độ không thể tiếp tục đứng bên lề các thể chế quốc tế. Nếu không Ấn Độ sẽ trở thành Trung Quốc tiếp theo”, áp đặt những giá trị và ưu tiên riêng của họ lên thế giới.

Một thành viên kỳ cựu của Ủy ban Ba bên – một cựu bộ trưởng nội các Philippines – cho rằng sẽ tuỳ thuộc vào thế hệ tiếp theo có tạo được bước đột phá. Bốn ứng cử viên tương lai cho tư cách thành viên ở độ tuổi đôi mươi đã có mặt tại buổi họp mặt ở Tokyo. Thành viên kỳ cựu người Philippines đặt cho họ một câu hỏi.

“Chỉ trong tuần qua, chúng ta đã tiến tới bờ vực của một cuộc đối đầu hạt nhân”, ông nói, đề cập đến vụ tên lửa rơi ở Ba Lan, ban đầu bị nghi ngờ là của Nga, nhưng nhiều khả năng là một tên lửa phòng không của Ukraine đã hạ cánh nhầm trong lãnh thổ NATO.

“Và chúng ta đã tới sát bờ vực thảm hoạ đó vì loại trò chơi có tổng bằng 0 mà những người lớn tuổi chúng tôi đang chơi. Đây có phải là điều bạn muốn cho tương lai của mình không? Bạn sẽ không muốn một tình huống trong tương lai mà mọi người đều tiến về phía bờ vực và rất dũng mãnh và hăng hái về điều đó mà không nhận ra rằng đây là một trò chơi có tổng bằng không và có thể quét sạch hành tinh. Còn nghiêm trọng hơn cả biến đổi khí hậu”, ông nói.

Nguồn bản gốc báo cáoKen Moriyasu et al., “Inside the Trilateral Commission: Power elites grapple with China’s rise”, Nikkei Asia ngày 23/11/2022

Một bản toàn văn được lưu ở đây.

Trần Phạm Bình Minh và TS. Vân Phạm lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

Nguồn bản dịch: Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét