Chuyện bản quyền
21-11-2022
Năm nào có giải thể thao lớn, VTV lại một điệp khúc: Chúng tôi lo ngại người dân không được xem vì không đủ sức mua bản quyền.
Đến giáp giờ, một doanh nghiệp nào đó nhảy vào tài trợ. Năm nay là VPBanks với kinh phí hơn 330 tỷ đồng cho World Cup.
Thế l, ngoài việc không tốn đồng cắc nào cho phí bản quyền, VTV còn khai thác được nguồn thu khổng lồ từ quảng cáo.
Anh VTV đã làm ăn, thì miễn chê về độ lọc lõi!
Nhưng đang có việc phê phán người xem dùng các kênh lậu để xem World Cup. Việc này đương nhiên ảnh hưởng đến doanh thu nhà đài và quyền lợi doanh nghiệp tài trợ.
Nên nói rõ điều này: Khác với các giải vô địch quốc gia và C1, người xem phải sử dụng truyền hình trả tiền; World Cup là hoàn toàn miễn phí trên các kênh sóng VTV. Vì sao người ta vẫn chọn những kênh lậu có chất lượng thấp?
Đơn giản vì người ta quá sợ những bình luận viên VTV và những chương trình thảm thiết đi kèm. Từ Euro đến World Cup, VTV vẫn một công thức ấy: Anh Biên Cương nói nhảm, anh Thành Trung, Tự Long nói xàm và phông bạt là một mẻ chân dài não ngắn lên ngồi thừ lừ đờ đẫn.
Cách làm của VTV là không có bóng đá, không có cảm xúc và không có cả… con người; không tôn trọng chính mình và không tôn trọng khán giả. Cho nên những Xôi Lạc, Giàng A Páo… tồn tại không chỉ vì sức hút dân gian của họ mà còn vì đón nhận người xem quá ê chề với VTV.
Thà yêu một anh nhà nghèo mà lôi cuốn, còn hơn yêu một anh nhà giàu mà vô duyên. Mà cái giàu của VTV là mượn hoa cúng phật chứ không phải tự thân, có giàu mà không có sang.
Tới mức khán giả xem tivi “câm” thì VTV nên hiểu sự thảm hại của mình đã đến cực đại. Hãy nhìn lại và thay đổi hơn là trách cứ người xem.
Xài tiền cũng phải học. Đừng tưởng lấy mấy trăm tỷ của nhà băng, xong điều chân dài và danh hài lên pha trò là xong chuyện.
Ekip của VTV đi sau K+ một cái đầu và đi sau các kênh lậu một trái tim. Doanh nghiệp có thể phải xuống tiền vì vị thế “nhà đài quốc gia” nhưng người dân có nhiều lựa chọn hơn trong tự do của họ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét