Đội quân chiếm đóng tàn bạo, đàn áp người dân Việt Nam mất nước và bị trị
Phạm Đình Trọng
30-6-2021
LỜI DẪN: Hai năm trước, tháng 6/2018, luật Đặc khu kinh tế và luật An ninh mạng sắp được làm thủ tục thông qua ở Quốc hội với tỉ lệ đồng thuận đương nhiên là rất cao gây lo âu và phẫn nộ cho người dân.
Luật Đặc khu kinh tế đã chọn ba thế đất chiến lược hiểm yếu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam làm đặc khu kinh tế đón đội quân xâm lược Tàu cộng vào ém quân núp dưới danh nghĩa đầu tư kinh tế.
Nhiều điều trong luật Hình sự đã hình sự hoá quyền tự do ngôn luận của con người, của công dân. Luật An ninh mạng ra đời sẽ dựng hàng rào sắt giới hạn quyền tư do thông tin, tự do tư tưởng trong không gian mạng của người dân, thêm một tầng tước đoạt những quyền cơ bản của con người, của công dân.
Trước hiểm hoạ của luật Đặc khu mất nước và luật An ninh mạng mất tự do, người dân cả nước dồn về hai trung tâm chính trị, kinh tế ở hai đầu đất nước là Hà Nội và Sài Gòn liên tiếp rầm rộ biểu tình và người biểu tình đã bị đàn áp đổ máu. Đàn áp man rợ người dân trong hai cuộc biểu tình chủ nhật ngày 10 và chủ nhật ngày 17, tháng sáu, 2018, công an nhà nước cộng sản hiện nguyên hình là đội quân chiếm đóng và đảng cộng sản cầm quyền đã bộc lộ đầy đủ là lực lượng chiếm đóng đất nước Việt Nam. Người dân Việt Nam phải đau đớn nhận ra thân phận mất nước và bị trị.
Quyền biểu tình, quyền bộc lộ chính kiến của người dân trước những vấn đề đặt ra của cuộc sống người dân và vận mệnh đất nước là quyền cơ bản, đương nhiên của công dân. Người dân trao quyền lực cho nhà nước. Người dân đóng thuế nuôi nhà nước. Nhà nước phải có trách nhiệm và bổn phận tương xứng quyền được người dân trao và người dân có quyền đòi hỏi chính đáng với nhà nước. Biểu tình chính là sự đòi hỏi hợp pháp và chính đáng của người dân. Nhà nước đã vong ơn và bội ước với người dân khi đàn áp người dân biểu tình.
Không tham gia biểu tình, sáng 17.6.2018, cô gái Sài Gòn Hoài Diễm cùng bạn đang thong dong đi dạo trên đưởng Nguyễn Du trung tâm Sài Gòn cũng bị công an nhà nước cộng sản vô cớ bắt giam suốt 72 giờ. TÔI LÀ NHÂN CHỨNG SỐNG CHO NHỮNG GÌ XẢY RA NGÀY 17.6.2018 là status của Hoài Diễm trên trang mạng cá nhân kể về sự tàn bạo của đội quân chiếm đóng mà Hoài Diễm phải chứng kiến trong 72 giờ đau đớn, ê chề. Status vừa xuất hiện, Hoài Diễm và cả gia đình bị khủng bố tinh thần căng thẳng, buộc phải ẩn status mới được yên. Sau hai năm Tôi Là Nhân Chứng Sống Cho Những Gì Xảy Ra Ngày 17.6.2018 phải ấn, nay lại xuất hiện trở lại.
Hai năm đã qua. Hai mươi năm sẽ qua. Hai trăm năm, hai ngàn năm cũng sẽ qua. Nhưng lực lượng chiếm đóng và đội quân chiếm đóng đàn áp man rợ quyền con người, quyền công dân của người dân Việt Nam ngày 10/6 và ngày 17/6/2018 đã khắc vào thời gian, khắc vào lịch sử sẽ còn mãi là trang đen tối đau buồn trong lịch sử Việt Nam, sẽ còn mãi là nỗi ô nhục của một nhà nước vong ơn bội ước người dân.
***
HOÀI DIỄM: TÔI LÀ NHÂN CHỨNG SỐNG CHO NHỮNG GÌ XẢY RA NGÀY 17.06.2018
Sau hơn 72 giờ trở về từ cái nơi mà cả đời tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đặt chân tới đó. Tưởng chừng những cảm xúc hoang mang, những căm phẫn tột độ của ngày hôm đó trong tôi rồi sẽ nguôi ngoai. Nhưng không. Có thứ gì đó cứ thúc giục tôi PHẢI LÊN TIẾNG. Tôi phải cùng những người dân vô tội ngày hôm ấy vạch trần tất cả sự thật đằng sau cái nơi gọi là thiên đường mà chúng ta đang sống.
Hôm ấy, tôi cùng bạn trai và hai người bạn đang đi trên đường Nguyễn Du thì có bốn người mặc cảnh phục xanh đến đề nghị chúng xuất trình giấy tờ tùy thân và lục soát balo, đồ cá nhân của chúng tôi. Sau đó họ nói rằng cần đưa chúng tôi về trụ sở chỉ để kiểm tra thông tin, mặc cho câu hỏi chúng tôi đã làm gì và vì sao bị họ bắt. Chúng bắt xe taxi và áp giải chúng tôi đi.
Chúng tôi bị đưa về một căn phòng lớn bên trong sân vận động ở đường Huyền Trân Công Chúa, nơi bị tách biệt với bên ngoài. Bên trong ngổn ngang người đứng, người ngồi, người già, người trẻ, cả nam lẫn nữ. Cảnh tượng xô bồ, âm thanh la hét hoảng loạn khiến tôi thấy có điều chẳng lành sắp đến.
Bốn đứa chúng tôi bị bắt đứng thành hàng ngang, bị lục soát hết balo, bị nắn khắp người lôi ra kiểm tra vật dụng trên người. Chúng tịch thu điện thoại, ví, đồng hồ rồi niêm phong tất cả. Bạn trai tôi và hai người bạn bị đẩy ra một góc. Tôi bị đẩy đến chỗ lấy thông tin, lăn tay, sau đó cầm tờ giấy có thông tin của mình để trước ngực cho chúng chụp hình. Hình ảnh của tôi lúc đó chẳng khác nào hình ảnh của những tên tội phạm tôi đã từng thấy trên mặt báo.
Chúng hỏi chúng tôi bằng những câu hỏi với giọng gắt gỏng bề trên, xưng hô chẳng khác nào dân chợ búa: Mày. Tao. Con này. Thằng kia . . . Tôi càng kinh ngạc hơn khi bọn chúng còn tự chửi bới mạt sát lẫn nhau. Cấp trên chửi cấp dưới. Cấp dưới ngồi rủa cấp trên trước mặt chúng tôi. Như quân cướp đường, cướp chợ.
Sau đó chúng tôi bị đẩy vào ngồi lê lết một góc, đợi lần lượt kêu tên để lấy lời khai. Ở đây không chỉ mình tôi, hàng trăm người quanh tôi bị bắt mà không hiểu nguyên do. Có người đang ngồi quán cà phê thì bị túm cổ lôi đi. Chị ngồi cạnh tôi thì bị chúng quan sát và bám theo đến lúc chị vào bưu điện thành phố ra thì bị chúng xô đến và giờ có mặt ở đây. Có người đi lễ nhà thờ ra cũng bị bắt. Thậm chí có người đứng chụp hình cũng bị bắt. Chúng tôi đều không hiểu chúng đang muốn gì và động cơ nào khiến chúng hành động như những con thú không còn tính người như vậy.
Đến giữa trưa, chúng tôi đều đói và khát. Nhưng khi chúng mang đến hai bịch bánh mì bự, tôi để ý chẳng ai thèm đụng đến. Nhiều người giỡn bảo: Đưa chúng nó ăn trước rồi mình hãy ăn. Coi chừng chết đó. Có người đùa: Biết đâu trong ổ bánh mì có ba trăm ngàn đồng. Chúng vẫn bảo đi biểu tình được ba trăm ngàn mà. Ha ha. Dù đói nhưng chúng tôi nhất quyết không ăn. Bịch bánh mì cứ tênh hênh giữa những cái bụng cồn cào đói.
Rồi cũng đến lượt tôi bị lấy lời khai. Tôi may mắn khi làm việc với thằng khá trẻ, chắc ngang tuổi tôi. Nó chẳng làm khó tôi mấy. Lâu lâu châm chích tôi vài câu, hỏi tôi biết phản động là gì không? Biết ANM là gì không? Đọc hết luật ANM chưa? Tìm hiểu kĩ chưa mà phản đối? Tôi chẳng thèm tranh luận với chúng, chỉ bảo rằng rằng chúng chẳng có chứng cứ gì để bắt tôi.
Chỉ tội cho những người bị tra khảo. Chúng lấy điện thoại niêm phong của họ ra. Bị khảo mật khẩu. Ai khai mật khẩu thì chúng xục xạo từ fb, mess, zalo, hình ảnh đến tận lịch sử web cũng không tha. Những ai không đưa mật khẩu, chúng đưa họ qua phòng cách ly bên cạnh, nơi có cánh cửa tôn nhỏ xíu.
Chúng tôi, những con người ngồi đây còn có nhau, còn nói ra được sự căm phẫn cho nhau nghe, còn cùng nâng đỡ, trấn an nhau. Nhưng bên kia cánh cửa tôn, những tiếng đấm, đá huỳnh huỵch kèm theo đó những tiếng la hét đau đớn thảm thiết cất lên từng hồi. Chúng tôi bên này như chết lặng. Tiếng la thét vang lên ngày một lớn hơn. Tim tôi đập ngày càng mạnh hơn. Nghe những cú đánh dữ dội làm chúng tôi như nghẹt thở. Những khuôn mặt xung quanh tôi đều ứa nước mắt. Chúng tôi khóc vì bất lực, vì đau lòng, vì căm phẫn.
Bạn gái mặc áo tím vừa khóc vừa đứng dậy đi thẳng đến bọn nó. Tôi không nghe được gì nhưng chắc chắn bạn lên tiếng vì những âm thanh phát ra từ căn phòng ấy. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được đây là giây phút chúng tôi cần đồng lòng đứng lên để bảo vệ những người đang bị hành hạ bên kia cũng như bảo vệ cho chính chúng tôi. Bọn chúng bắt đầu dồn về phía chúng tôi. Chúng rất đông. Đứa thì miệng vừa quát tay vừa chỉ dùi cui vào mặt bắt chúng tôi ngồi xuống. Đứa thì làm dịu bằng cách nói láo trắng trợn: Các anh chị hãy im lặng và ngồi xuống. Đó chỉ là âm thanh của những người tập võ bên ngoài.
Tiếng ra đòn đánh người, tiếng la thất thanh bên trong rõ mồn một chỉ cách một bức vách mà các người nói đó là tiếng tập võ bên ngoài ư? Chúng tôi dồn chúng bằng những câu hỏi: Nếu không đánh người sao phải đóng cửa? Các người mở cửa ra để chúng tôi thấy được bên trong. Tại sao lại bắt chúng tôi phải im lặng ngồi nghe người dân bị đánh như vậy?
Hàng trăm câu hỏi đặt ra không trả lời được, chúng bắt đầu sử dụng ngôn ngữ quen thuộc của chúng: sức mạnh. Chúng quát chúng tôi ngồi xuống. Chúng tôi thất thần nhìn những giọt nước mắt của nhau. Vài phút sau, một anh được đưa ra khỏi căn phòng ấy với tấm gạc băng vết thương khá bự trên đầu. Sau đó là một anh vừa bước ra đã ngã vật xuống, bất tỉnh. Chúng tôi dần xác định được về những gì đang xảy ra bên trong căn phòng ấy. Sự căm phẫn trong chúng tôi lên cực độ, chúng tôi bật dậy và đồng loạt thét lên: Các người đang làm gì người dân chúng tôi vậy? Các người có phải con người không? Các người xem tính mạng người khác là gì vậy?
Người khóc. Người ngồi xuống thất thần. Người phản kháng đến cùng trong sự bất lực trong vòng vây của những dùi cui, roi điện. Tôi chẳng biết phải làm gì để cứu lấy những người vô tội kia cũng là tự cứu minh.
Bọn chúng tiến về phía chúng tôi mỗi lúc một đông hơn. Không thể chối cãi hành động của chúng sau cánh cửa tôn, chúng dụ dỗ ngon ngọt: Nếu chúng tôi chịu ngồi xuống và hợp tác, chúng sẽ hoàn tất hồ sơ sớm và khi xong sẽ đưa chúng tôi về. Chúng đánh vào tâm lý muốn thoát khỏi nơi này của chúng tôi. Dù căm phẫn đến đâu, dù muốn ghi nhận tội ác của lũ ác ôn, chúng tôi ở đây ai ai chẳng mong về, chúng tôi đành dịu lại vì biết chẳng thể làm được gì ngoài ngồi và chờ đợi.
Tôi muốn đi vệ sinh, phải ra xin phép và được một chị dẫn đến tận cửa nhà vệ sinh. Lần đầu tiên trong đời, tôi vừa đi vệ sinh vừa bị thúc: Xong chưa? Nhanh lên! Trời đất, tôi có phạm tội gì đâu mà bị canh chừng đến mức quyền tự do cơ bản cũng không có như vậy?
Về lại chỗ cũ, có chị bảo tôi: Ngày hôm nay chúng ta không còn thứ gì để ghi lại nỗi đau này. Không điện thoại để chụp hình, ghi hình. Không giấy tờ ghi chép. Nhưng chắc chắn những gì diễn ra hôm nay chúng ta phải mang theo suốt đời để không thể quên thời chúng ta sống. Câu nói của chị ám ảnh tôi suốt khoảng thời gian từ ngày hôm đó đến bây giờ. Thật, đến tận giờ này khi viết những dòng này, mọi thứ vẫn hiện ra trong đầu tôi rõ mồn một.
Đợi mãi trong tủi nhục, ê chề rồi cũng đến lúc có người được công an phường cư trú đến bảo lãnh về. Bạn trai tôi được đưa về công an phường lúc 3 giờ sáng ngày 18.6.2018. Lặng nhìn bạn trai bị đưa đi mà tôi hoang mang tột độ. Tôi lo cho anh, không biết anh sẽ bị đưa về đâu. Sau này, trong những bài share của những người từng bị bắt, tôi có đọc được bài của một chị kể rằng khi chị được chúng nói đưa trả về phường, chị bị đưa ra xa khỏi trung tâm thành phố và bị ném xuống đoạn đường vắng khi trời chưa sáng. Chị lo sợ giữa đoạn đường vắng tanh vắng ngắt không một bóng người không biết rồi chúng còn giở trò gì nữa. Một nhà nước xử sự với dân hèn hạ và tồi tệ đến như vậy đó.
Chúng tôi bắt đầu thấm mệt, người ngồi kể chuyện, người nằm dưới sàn lê lết bẩn để ngủ, người ngồi thấp thỏm mong ngóng. Tôi ngồi đợi đến khoảng hơn 17 giờ hôm sau thì được đưa đi. Tôi bước đi lòng thầm mong chọ những người chưa được về được bình an khi ở lại. Nhất là hai người bạn của tôi.
Chúng đưa tôi về công an phường nơi tôi đang sống. Bạn trai tôi bị giam trong phòng kín, tôi thì bị giữ ở phòng ngoài. Chúng bắt đầu quần tôi. Lại lặp đi lặp lại hàng chục lần những câu hỏi khi sáng tôi đã bị hỏi. Đến lúc bọn chúng kiểm tra điện thoại, tôi thừa biết chúng đang xâm phạm đến quyền riêng tư của tôi, tôi nhất quyết bấm cho lock dấu vân tay và không cung cấp mật khẩu điện thoại. Cố mò mật khẩu điện thoại, chúng tìm được FB của tôi, Quần tôi gần năm tiếng đồng hồ với những câu hỏi như cái máy lắp sẵn. Mục đích chúng chỉ muốn tôi thừa nhận mình đi biểu tình và muốn biết ai là người đứng sau chúng tôi. Thật nực cười. Không có chứng cứ sao bắt tôi nhận việc mình không làm. Mà biểu tình là quyền chứ đâu phải tội.
Đến tận 23 giờ, khi chúng bắt đầu cảm thấy không thể lấy thông tin gì từ tôi và bạn trai, chúng bắt tôi phải viết giấy cam kết rồi đợi người bảo lãnh mới để chúng tôi về. Nhất quyết không cam kết như những gì chúng đọc, tôi chỉ cam kết theo những gì thực tế tôi làm. Lúc này tôi đói đến hoa mắt. Ký xong, có giấy bảo lãnh xong. Tôi chính thức bước ra khỏi đồn công an khi gần 24h đêm.
Dù hôm ấy thật đáng sợ, dù bị bắt chẳng vì lý do nào cả, nhưng tôi thật sự cảm ơn vì ngày hôm ấy tôi đã ở đó, đã nghe tận tai, nhìn tận mắt những hành động vô luân, vô pháp, vô nhân đạo của bọn nhân danh một nhà nước, một đảng quang vinh muôn năm. Trải qua một ngày để nhận ra cái thiên đường mà tôi đang sống nó như thế nào. Một ngày quá xứng đáng để tôi có trong đời. Tôi không định nói ra, vì tôi không biết sau những gì tôi kể, tôi và gia đình, bạn bè tôi có bị chúng làm phiền hay không. Nhưng tôi nghĩ sự thật vẫn là sự thật. Tội ác của chúng ngày hôm đó phải được phơi bày và khắc ghi.
TÔI CAM KẾT NHỮNG SỰ VIỆC Ở TRÊN DO TÔI KỂ HOÀN TOÀN LÀ SỰ THẬT VÀ TÔI LÀ NHÂN CHỨNG SỐNG CHO NGÀY HÔM ĐÓ.
Edit: Còn một câu nói của một chị bị bắt giam vô cớ như tôi mà tôi nhớ mãi: Bây giờ Trung Quốc nó tràn vào thì có là gì. Nhìn người Việt tự đàn áp người Việt, người Việt tự căm thù người Việt thì còn lòng nào chống quân xâm lược giữ nước. Chị nói và nước mắt chảy tràn. Tôi nghe thấy sao mà cay đắng quá! Không biết bây giờ chị có được bình an không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét