Ông Bùi Tín (1927-2018), nhà bất đồng chính kiến
Trần Nhung (*)
29-7-2021
Tôi có gần 10 năm làm việc gần ông Bùi Tín nên biết đôi điều về ông. Năm 1973, tôi về báo QĐND thì ông vừa thôi Trưởng phòng Thời sự để làm Phó TBT báo, nhận quân hàm Thượng tá sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ trong phái đoàn quân sự hỗn hợp bốn bên thi hành Hiệp định Paris về VN. Tuy nhiên phòng làm việc của ông cạnh phòng làm việc của chúng tôi nên ngày nào ông cũng ghé qua một vài lần chuyện trò vui vẻ.
– Một người lịch lãm, hấp dẫn. Ông nói nhẹ nhàng, lúc nào cũng có nụ cười hé mở tươi tắn. Chuyện của ông chỉ xoay quanh báo chí và các cuộc ông gặp cấp trên nên hấp dẫn lớp trẻ mới vào nghề báo. Ông lại hay gợi mở về kinh nghiệm về đề tài, cách thức viết báo rất chân tình, nên ngay lần gặp đầu tiên tôi đã quí mến và ngưỡng mộ ông.
– Ông được ưu ái và may mắn. Xuất thân danh gia vọng tộc, bố ông là cụ Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư triều đình Huế, sau năm 1946 là Chủ tịch Quốc hội, từng họa thơ Đường với Cụ Hồ. Có người bố như thế, lại có tài nên ông rất được quân đội ưu ái. Tham gia quân đội nhưng ông không phải ra trận hay giao công việc khó khăn vất vả mà ở tuyến sau nên lành lặn qua các cuộc chiến tranh. Ông may mắn nên thăng tiến đều đặn nên mới hơn 40 tuổi đã là Thượng tá, thời những năm 1970 là rất hiếm chứ không như sau này thăng cấp hàm rất nhanh như quí tử một vị Bộ trưởng Quốc phòng thích chơi xe sang chưa thành thạo đội ngũ đã là đại tá.
– Hào hoa, thành thực. Ông đẹp trai, có tài, khéo nói nên được nhiều người đẹp yêu. Mặc dù ông có gia đình mơ ước với người vợ đoan trang, dịu dàng, hai con, một trai, một gái nhưng gia đình nhiều khi không yên ấm. Khi ông chuyển sang báo Nhân Dân, ông để quên hòm sách và sổ tay ghi chép ở phòng tôi. Một lần dọn kho bán giấy báo cũ, mới phát hiện ra. Tôi thấy mấy cuốn sổ ghi chép và một bản tự kiểm điểm ở chi bộ. Ông tự nhận quan hệ nam nữ sai trái dù không ai biết.
Ấy là một lần hành quân qua một bản ở chân Đèo Khế, Tuyên Quang vào chiều tối, trong lúc dừng nghỉ vài giờ mà ông kịp cưa đổ một cô người Tày chồng đi vắng và xin nhận kỷ luật. Bí thư chi bộ là ông Hoàng Thế Dũng, một trong 4 trung đoàn trưởng đầu tiên của quân đội ta, một trí thức uyên bác, nên thông cảm cho qua. (Sau này ông Dũng dính án vụ án xét lại chống Đảng, bị tù hơn 10 năm, năm 2000, đến họp mặt, bị đột quỵ chết ngay trên bàn làm việc của tôi. Chuyện này cũng hay). Nhiều chuyện khó kể hết.
Năm 1986, với tư cách Phó TBT báo Nhân Dân, ông lên dự 5 năm thành lập Quân Đoàn 26 ở Cao Bằng. Đến giờ liên hoan, không thấy ông đâu vì ông và một nữ thanh tú đang say xưa giao lưu giữa ngàn xanh và chim muông ca hát. Tôi theo TBT báo QĐ (cùng đi còn có nhà báo Trần Hữu Tòng) lên dự nên được nhờ dẫn vài cảnh vệ vào rừng cạnh đó tìm ông nên thấy cảnh này. Ở báo Nhân Dân cũng lắm chuyện hay nhưng sếp Nhân Dân cũng hào hoa nên ông vô tư bình an.
– Nhà báo VIP. Ông quen biết rất nhiều lãnh đạo nên dễ dàng tiếp cận nhiều chuyện thâm cung và thuận lợi cho công việc làm báo. Cứ lãnh đạo là ông gọi cụ dù có ông bằng tuổi hay hơn ông vài tuổi. Ông Trần Đĩnh viết Đèn cù rất gai góc, phải đưa sang Mỹ để in phác họa rõ nét tính cách ông Bùi Tín chỉ bằng một chi tiết. Khi TBT Lê Duẩn đến thăm báo Nhân Dân, có anh nhà báo tay ôm cuốn Lê-nin dày cộp và cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, của TBT Lê Duẩn, cứ lăng xăng đi cạnh TBT. Khi chụp ảnh dưới gốc cây đa, anh ta cố len lên đứng cạnh TBT Lê Duẩn. Trần Đĩnh không nêu tên nhưng ai cũng biết là Bùi Tín.
– Vì sao Bùi Tín bỏ chạy sang Pháp? Tiếp xúc nhiều với phương Tây, Bùi Tín sớm bất đồng chính kiến về nhiều vấn đề của Đảng và Nhà nước VN. Những năm 1990, Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, Bùi Tín cảm nhận VN cũng sẽ sụp đổ nhưng chưa thể nhanh. Vì thế, ông bí mật liên hệ với một nhà báo Pháp tìm cách bỏ nước ra đi. Nhân hội báo Nhân Đạo của Đảng cộng sản Pháp ông xin đi. Cùng đi có nhà văn Nguyễn Đình Thi. Để tiết kiệm, hai ông xin ở nhờ ĐSQ ta ở Paris. Xong hội báo, ông Thi về còn Bùi Tín ở lại xin cư trú chính trị.
Vì sao ông ra đi? Theo tôi có ba lý do. Cái chính là bất đồng chính kiến. Hai là ông bất mãn do bị bị nhắc nhở sau vụ ông, ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ và ông Bùi Đình Kế, Viện Lich sử Đảng tự ý công bố toàn văn Di chúc Bác Hồ, đặt Bộ Chính trị vào việc đã rồi, rất mất uy tín (có hai điểm về Bác đề nghị miễn thuế nông nghiệp và hỏa táng trong Di chúc đã công bố năm 1969 bị cắt đi). Ba là chuyện buồn gia đình.
– Có ý kiến cho rằng, ông thân, thuộc phe Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông chẳng thân ai và theo phe nào mà làm quen ai là lãnh đạo là vì ông. Sau khi ông bị điều vào làm Cục phó Cục Tuyên huấn TCCT, ông không thích vì tính ông tự do. Ngày đầu vào nhận chức, cảnh vệ không cho ông vào cơ quan vì đầu tóc bù xù, yêu cầu ông phải cắt tóc ngắn. Thế nên ở được vài tuần ông tìm cách xin chuyển công tác. Ông đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được khuyên chấp hành sự phân công của tổ chức. Ông sang gặp ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông Thọ gọi điện cho ông Hoàng Tùng, TBT báo Nhân Dân, xếp ông chức Phó TBT, phu trách tờ Nhân Dân Chủ Nhật.
– Tác phẩm chính diện, phản diện đều hay.
Bùi Tín có tài, kiến thức sâu rộng, giỏi ngoại ngữ, thành thạo viết được sách bằng tiếng Anh và Pháp. Thời trong nước ông có nhiều tác phẩm báo chí nổi tiếng, như các sách Dưới bóng tòa Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, Hỏi chuyện giặc lái Mỹ, Chuyện ở Đoàn quân sự hỗn hợp… Thời lưu vong gần 30 năm ở Pháp, ông viết “Mặt thật”, “Hoa xuyên tuyết”, cùng nhiều tác phẩm khác. Gác sang bên chuyện chính trị, các sách này đọc rất hấp dẫn.
– Sống lưu vong vong giữa hai làn đạn. Ở Pháp, ông sống trong nơm nớp lo sợ. Vì phe ta cho ông là kẻ thù, phản bộ. Phe Việt kiều chống Cộng nghi ông là Việt Cộng trá hàng để dò la họ. Việt kiều chân chính thì khinh miệt ông vì cho ông hèn nhát không dám ở lại trong nước đấu tranh.
– Chết trong cô đơn. Lúc lâm trọng bệnh, một góa phụ Pháp chăm lo và được ông ủy thác lo mai táng. Tro cốt ông được lưu giữ ở một ngôi chùa của người Việt… Con gái ông là Bùi Bạch Liên xin mang về VN mà chưa được…
Tôi có gặp ông ở Paris ngày 8-5-1995 khi ông đang ở bờ sông Seine, gần tháp Ép-phen.
Hai anh em ngồi trong quán cà phê nói chuyện khá lâu. Khi chia tay, tôi bảo:
– Thời ở báo QĐND, bọn em mơ được như bác. Giá bác cứ ở lại mà thẳng thắn góp ý như TS Phan Đình Diệu thì có sao đâu. Ông cười rồi bắt tay chia tay, vẻ đượm buồn.
_____
Ghi chú của Tiếng Dân: Tác giả Trần Nhung là đại tá, cựu TBT báo Cựu Chiến binh VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét