Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười bảy: Chuyện linh tinh

 

Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười bảy: Chuyện linh tinh

Đỗ Duy Ngọc

25-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16

Đọc trên trang face của một cô em đang làm thiện nguyện ở những khu cách ly và bệnh viện dã chiến mà đau lòng. Một bé 2 tuổi cùng mẹ là F0 bị đưa vào bệnh viện được mấy hôm. Người mẹ chết bị bó xác đem thiêu và không biết rồi em bé sẽ sống sao đây?

Đọc những lời kể của những người trong cuộc, đang hàng ngày trực tiếp với những người bị cách ly, đang nằm trong bệnh viện, mới thấy hết sự tàn khốc và đau thương của virus Vũ Hán đối với con người. Sống chết chỉ là một gang tấc.

Khi con số tử vong được công bố lên đến gần 500 người, ta mới thấy sự khủng khiếp của cơn dịch đến với chúng ta. Thế mà, oái ăm thay, có những người đã và đang nằm trong lằn ranh sinh tử ấy vẫn không buông được lòng tham.

Hôm qua, thành phố xét và giải toả một số lượng ca F0, F1 được về nhà và theo dõi tại nhà. Trước đây, khi đến khu cách ly, họ bị thiếu thốn nhiều phương tiện và đồ dùng sinh hoạt. Những nhóm thiện nguyện đã bỏ tiền túi, ngược xuôi trong thời giãn cách để mua được những xô, thau, ấm siêu tốc, quạt máy… phụ với những vật dụng hiếm hoi của khu cách ly cung cấp chỉ với mục đích là giúp những người đang được điều trị ở đây có phương tiện sinh hoạt tốt hơn, thoải mái hơn. Như vậy, những vật dụng này là của tập thể, không cho riêng một ai. Thế mà, khi được cho phép rời khu cách ly, rất nhiều người gom góp những vật dụng này làm thành của riêng và thoải mái mang về nhà như là chiến lợi phẩm.

Lòng tham khiến cho những người chứng kiến cảm thấy ngao ngán. Họ vừa rời cõi chết nhưng vẫn chất chứa lòng tham dù chỉ là những vật dụng nhỏ nhặt. Rồi những người còn ở lại và những người đến sau lại lâm vào cảnh thiếu thốn. Lòng tham lam và sự ích kỷ của con người khiến cho tình cảnh của dịch bệnh càng phủ thêm màu đen tối. Chắc chắn cái ấm nấu nước, cái xô, cái chậu họ lấy về cũng không giúp họ giàu hơn hay thay đổi cuộc sống của họ. Nhưng hành động chỉ nghĩ đến bản thân mình, tham những thứ không phải của mình khiến cho nhiều người bất nhẫn. Hãy đọc một đoạn trong status của cô này để hiểu tâm trạng của họ:

Hôm nay có nhiều người được xuất viện về … mà trong số đó cũng có người khiêng luôn quạt, ấm đun siêu tốc mang về.

Tôi khóc vì tức nghẹn, tôi khóc vì Bạn tui trong đó đành bất lực xin lại mà các người không cho.

Tôi khóc vì các Bạn tui, dù thất nghiệp vẫn móc những đồng xu cuối để gởi cho nhóm, mua từng cây quạt, cái ấm vì sợ trong đó trời oi nóng không chịu được, hay không đủ nước ấm để uống thuốc.

Tôi khóc vì sự ích kỷ đến nhẫn tâm như thế này.

Tôi khóc vì chúng tôi không còn tiền để mua ấm mới, quạt mới cho người đến sau“.

Cũng hôm qua, nhìn thấy những tấm ảnh của những người lao động từ nhiều miền xa xôi tha hương vào miền Nam kiếm sống. Dịch kéo dài, nhà máy đóng cửa, không có việc làm để có cơm ăn. Xe cộ trong thời giãn cách cũng không hoạt động mà cũng chẳng có tiền để mua được cái vé về nhà. Thế là quy hương bằng những chiếc xe gắn máy.

Họ đi thành từng đoàn, khoẻ đi, mệt nghỉ, ăn ngủ lăn lóc bờ bụi mong được về nhà. Những tấm ảnh đau lòng. Biết bao giờ dân ta mới hết khổ. Nào rừng vàng biển bạc, nào tổ quốc bao giờ đẹp như hôm nay, nào chỉ số hạnh phúc của dân Việt nằm top cao của thế giới, nào cơm no, áo ấm, nào công bằng, hạnh phúc. Tất cả bị xoá sạch khi nhìn những người công nhân lăn lóc bên vệ đường khi trên đường trở về quê.

Cuộc sống khốn khó cứ vây quanh đời họ, bế tắc không lối thoát. Bình thường đã là khổ lắm rồi, giật gấu vá vai, kiếm được đồng lương không phải dễ dàng chi, giờ thêm dịch vật lại càng khốn khó hơn nhiều nữa. Dắt díu nhau về quê là con đường chẳng đặng đừng nhưng họ đành phải chọn lựa. Bao nhiêu cổng chào, bao nhiêu tượng đài, bao nhiêu dự án hàng ngàn tỷ, những công trình không biết bao nhiêu là tiền làm lễ om xòm rồi bỏ hoang phế, bao nhiêu lễ hội, họp hội vô bổ, ngốn ngân sách một cách vô ích, cũng biết bao nhiêu cán bộ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng, bao nhiêu công trình vẽ trên giấy để rút ruột ngân sách.

Chính đấy là những lý do mà người dân phải đành tha phương cầu thực, ruộng vườn, biển cả chẳng còn chi để sống, cũng chính những thứ đó đã khiến cho người dân nghèo mãi trong khi một số người quyền cao, chức trọng sống xa hoa như lãnh chúa, nhà cửa, biệt thự, xe cộ, vàng bạc, châu báu, hột soàn, đô la ngập mặt. Bất công và hố sâu ngăn cách giàu nghèo, giữa dân với quan càng lúc càng rộng ra, càng sâu hơn.

Con số người nhiễm dịch và tử vong càng ngày càng cao. Ai cũng biết chỉ có vaccine mới giải quyết được cơn dịch này. Và vaccine là nỗi trông đợi của hàng triệu người Việt hiện nay. Chúng ta đang sử dụng toàn hàng viện trợ. Thuốc của Mỹ như Pfizer, Moderna đòi hỏi điều kiện lưu trữ rất nghiêm ngặt. Nghe nói phải âm 75 độ C.

Theo báo cáo của hệ thống tiêm chủng VNVC thì hệ thống này rất tự hào là hệ thống tiêm chủng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có kho bảo quản vaccine âm sâu đến -86°C, tại mỗi kho lạnh âm sâu đều có một kho rã đông được kiểm soát nhiệt độ luôn dưới 8oC để đảm bảo vaccine được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Cũng theo báo cáo, với sức chứa mỗi tủ gần 100.000 liều vaccine, 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng với 30 tủ âm sâu (18 tủ tại TP.HCM, 5 tủ tại Đà Nẵng và 7 tủ tại Hà Nội) có thể lưu trữ lên tới 3 triệu liều vaccine cùng lúc.

Thế nhưng, cũng trên báo chí chính thống của nhà nước như VTV trong chương trình thời sự lại cho rằng: “Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của Hà Nội là không có hệ thống kho lạnh bảo quản các loại vaccine như Pfizer và Moderna có nhiệt độ âm sâu. Năng lực tối đa của cả hệ thống cũng chỉ bảo quản được gần 1,3 triệu liều vaccine với nhiệt độ từ 2-8 độ C. Điều này sẽ gây khó khăn khi số lượng vaccine về lớn và nhiều loại“.

Bỏ mẹ rồi, Hà Nội mà còn thế thì Sài Gòn lấy chi mà bảo quản. Đồ người ta cho mà lại không có điều kiện để giữ, có thể đưa đến hư hỏng thì quá phí, trong khi dân đang chờ đang đợi. Đọc tin lại thêm lo. Lỡ như vaccine vì không bảo quản tốt, nó hư rồi đem ra chích thì sao ta? Phải lo chứ.

Mà sao cái vụ tiêm vaccine này rề rà quá, một ngày thấy chẳng chích được bao nhiêu người. Kiểu này thì bao giờ mới chích đủ như chỉ tiêu đưa ra là 70% dân. Hay là phát cho mỗi người một liều đem về tự chích cho nó xong cái chỉ tiêu chứ để mà không bảo quản tốt được thì phí quá là phí.

Nói thế thôi chứ chuyện tiêm chích này không đơn giản đâu, làm sao mà tự chích như chích ma tuý được. Khó xử à! Mà thôi, ai chích được thì mừng. Nếu xã hội chích hết cả, ai cũng có kháng thể thì dù mình không được chích cũng chẳng có gì phải lo vì lúc đó con virus đã đầu hàng rồi còn đâu.

Bình thường lúc nào mọi người cũng mong tăng trưởng với con số đi lên. Riêng cái vụ virus Vũ Hán này, chỉ mong con số đi xuống càng sâu càng tốt. Hi vọng bắt đầu ngày mai, những con số lạnh lùng đầy đe doạ ấy sẽ chỉ còn là con số lẻ. Mong thay!

______

Một số hình ảnh:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét