Xét xử vụ án Đồng Tâm, thêm một vết nhơ lưu lại trong nền tư pháp Việt Nam
Thu Hà
6-9-2020
Ngày mai 7/9/2020, Tòa án TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong “vụ án Đồng Tâm”. Báo chí đưa tin, Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 người, do thẩm phán Trương Việt Tòan, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Hà Nội, làm chủ tọa phiên tòa.
Hai kiểm sát viên của VKS TP Hà Nội được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa. Có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa, trong đó, có 15 luật sư do các bị cáo, gia đình bị cáo mời, số luật sư còn lại do Tòa án chỉ định, vì “bị cáo không mời luật sư”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Các bị cáo bị truy tố theo hai nhóm:
– Tội “giết người” theo Điều 123, Khoản 1, BLHS năm 2015, có khung hình phạt từ 12 năm, đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, gồm 25 bị cáo:
Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
– Tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 BLHS năm 2015, Khoản 2 có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, gồm 4 bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng.
Tham gia phiên tòa, còn có nhiều luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo khác. Tất cả 29 bị cáo đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Nhiều luật sư tham gia bào chữa, cho biết, đây là vụ án kỳ lạ và sẽ là một phiên tòa cũng rất đỗi lạ lùng. Người nhà các bị cáo không được tham dự phiên tòa này. Luật sư sẽ không được phép mang điện thoại, máy ghi âm, máy vi tính vào phòng xử. Việc đi vào phòng xét xử phải trải qua kiểm soát an ninh rất chặt, soi chiếu người đi qua và các phương tiện, túi xách, tài liệu mang vào.
Luật sư Lê Văn Hoà, người bào chữa cho ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, và bà Trần Thị La, cho biết rằng, ông Chức bị thương rất nặng, bị vạt một nửa hộp sọ bên phải, không thể tự đi mà phải có người dìu từ buồng giam ra phòng lấy cung để gặp luật sư.
Là luật sư được cấp phép bào chữa, nhưng luật sư Hoà cùng các luật sư nữa đã phải liên tục đến Viện Kiểm sát TP Hà Nội đưa đơn kiến nghị đến lần thứ ba thì họ mới cho tiếp cận, sao chụp hồ sơ.
Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội, là người bào chữa cho ông Lê Đình Quang, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến, cho biết, việc bị gây khó khăn từ khi làm thủ tục đăng ký bào chữa, hạn chế tiếp xúc bị can trong trại tạm giam, đến việc bị gây khó trong việc tiếp cận, sao chụp hồ sơ.
Cũng phải nói thêm rằng, VKS Hà Nội đã gây hết khó khăn này đến khó khăn khác. Đến nỗi, ngày 25/6/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phải có văn bản số 186/LĐLSVN-BVQLLS về việc giải quyết đơn đề nghị hỗ trợ luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án “Giết người; Chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm. Văn bản được gửi tới Viện Kiểm sát TP Hà Nội, do LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký.
Ngày 31/8/2020, cô Nguyễn Thị Duyên, sinh 1996, vợ của ông Lê Đình Uy, cháu nội ông Lê Đình Kình, cũng có đơn gởi Tòa án Hà Nội. Cô Duyên cho rằng, cô là nhân chứng, cần phải được đến tòa để nói rõ sự thật. Cô cũng yêu cầu Công an Hà Nội trả lại cho cô tài sản đã bị thu giữ bất hợp pháp gồm:
1. Chiếc xe ô tô i10 màu trắng, biển số 30A-819.33, chủ sở hữu xe Nguyễn Thị Duyên.
2. Một sợi dây chuyền vàng Ý trị giá 33.000.000₫
3. Một sợi dây chuyền vàng tây trị giá 20.000.000₫
4. Một lắc tay vàng tây trị giá 6.000.000₫
5. Một đôi nhẫn cưới vàng tây trị giá 5.500.000₫
Ngày 3/9/2020, bốn ngày trước khi diễn ra phiên xét xử sơ thẩm, có 13 luật sư trong số những luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi các bị cáo, đã có đơn kiến nghị dài 7 trang gởi Tòa án, Viện kiểm sát Hà Nội.
Kiến nghị này cũng được xem như “cáo trạng ngược” đối với bộ máy sai nha của nhà cầm quyền. Những mờ ám, khuất tất, bịa đặt, bất công đến vô lý… trong suốt tiến trình diễn ra Vụ án Đồng Tâm. Đọc kiến nghị, càng thấy rõ sự man rợ, giả dối của một thể chế, một nhà nước luôn ra rả “vì dân mà phục vụ”.
Vụ tấn công bạo lực nghiêm trọng của nhà cầm quyền, đã gây ra cái chết của bốn người, trong đó có ba sỹ quan cảnh sát Hà Nội và một công dân cao tuổi, ông Lê Đình Kình, cựu đảng viên với 58 tuổi Đảng, 84 tuổi đời. Ông Kình từng là cựu lãnh đạo, nhiều năm phục vụ trong hệ thống chính trị của nhà nước Cộng sản.
Trong bài viết “Tôi tố cáo” của mình, cựu đại tá, nhà văn Nguyên Ngọc, người vào Đảng năm 1956 và bỏ đảng năm 2018, viết: “Đây là tội ác trời không dung, đất không tha”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, vụ tấn công quy mô và giết người kinh hoàng ở thôn Hoành mà nạn nhân là ông Lê Đình Kình “đã bị các lực lượng vũ trang của chính quyền Việt Nam xử tử hình với hình thức tàn bạo nhất, không theo bất cứ quy định và trình tự pháp luật nào hết”.
Thảm án Đồng Tâm đã và đang gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ trong cộng đồng, cũng như trong chính nội bộ những lãnh đạo cộng sản chóp bu. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong quyết định tấn công vào thôn Hoành, gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm vẫn đang “giấu mặt”, nhưng người ta tin rằng, nếu không có Bộ Chính trị gật đầu, thì không ai dám triển khai tấn công Đồng Tâm.
Trang 5 của cáo trạng số 241/CT-VKS-P2, ngày 24/6/2020, của VKS TP Hà Nội, về vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 9/1/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, cho biết, kế hoạch “tấn công” vào xã Đồng Tâm do Công an TP Hà Nội đưa ra. “Kế hoạch” này đã được UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương và đã được Bộ Công an phê duyệt.
Như vậy, đây là một kế hoạch bài bản, có sẵn, không phải là sự kiện ngẫu nhiên, trái ngược hoàn toàn với những thông tin ban đầu khi mới xảy ra sự kiện, được Bộ Công an đăng tải công khai trên trang web, cũng như được các tờ báo quốc doanh dẫn nguồn, nói về việc hành động tấn công diễn ra trên cánh đồng Sênh.
Luật Đất đai điên rồ và lối hành xử du côn của nhà nước cộng sản chính là nguyên nhân gây nên thảm án Đồng Tâm. Đảng không thể biện minh việc họ đã sát hại dã man ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, một đảng viên Cộng sản trung kiên của họ, đã theo đảng từ lúc đầu xanh cho tới khi đầu bạc, thì bị đảng xử tử. Trong khi ông Kình chưa từng bị kỷ luật, chưa bị khai trừ đảng hay khởi tố, ngược lại, ông là người được đông đảo người dân địa phương kính mến, tôn vinh như một thủ lĩnh đồng quê.
Đảng cộng sản Việt Nam từng gây ra những vụ án rúng động, những thảm sát kinh hoàng và những cuộc trả thù tàn khốc… đối với những đối thủ chính trị, những ai bị quy chụp và chống đối mình: Vụ án phố Ôn Như Hầu, cải cách ruộng đất, Mậu Thân 1968, cải tạo công thương… và hôm nay là “Thảm án Đồng Tâm”.
Cho dù phiên tòa bất công, nghịch lý có cái kết “nhổ cỏ tận gốc” ra sao, thì “Thảm án Đồng Tâm” vẫn mãi gây nhức nhối lương tri con người và cũng là vết nhơ không bao giờ gột rửa sạch của nền tư pháp XHCN, trong lịch sử cai trị của Đảng cộng sản VN. Nó là một cái mốc quan trọng, đánh dấu sự lúng túng, bất lực, đi đến manh động của nhà cầm quyền trong việc xử lý các mâu thuẫn xã hội, đẩy người dân đến con đường cùng, không còn sợ hãi, buộc phải vùng lên đòi công lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét