Vụ Đồng Tâm ở Việt Nam: Hạ màn
Tác giả: David Brown
Song Phan, chuyển ngữ
14-9-2020
Và không theo cách tốt đẹp
Bản án đã được đưa ra trong vụ Đồng Tâm, cuộc xung đột ngắn ngủi nhưng đẫm máu giữa cảnh sát và một nhóm nông dân kiên trì chống đối. Sau một tuần xét xử, ngày 14 tháng 9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên cả 29 bị cáo có tội, theo các mức độ khác nhau, trong việc chống lại quyền lực nhà nước. Hai người bị kết án tử hình, một người khác bị án tù chung thân và những người còn lại nhận án tù ngắn hơn.
Lời tuyên án có tội không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là một phiên tòa trình diễn theo chỉ đạo và sự dàn dựng của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Hết bị cáo này này đến bị cáo khác đã có lời thú nhận gần như giống hệt nhau, “gửi lời xin lỗi đến gia đình của ba cảnh sát hy sinh; nhận đã có lỗi nên xin hưởng mức án khoan hồng; gửi lời cảm ơn giám thị trại tạm giam đã giúp nhận ra lỗi lầm; và đề nghị luật sư không tiếp tục bào chữa cho họ”.
Chế độ Hà Nội có cái nhìn tiêu cực về các cuộc phản kháng của nông dân. Theo học thuyết của Đảng và luật pháp Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thay mặt dân để quản lý đất. Nếu nông dân kiên trì trong việc khẳng định quyền canh tác đất khi nhà nước độc đảng ra quyết định sự dụng nó vào mục đích khác, ngay cả khi họ chỉ đòi được đền bù xứng đáng, họ có nguy cơ bị gán là “bọn nổi loạn và khủng bố”, bị ép buộc phải rời đi, và trong những trường hợp điển hình, bị truy tố.
Theo The 88 Project (Dự án 88), một blog chuyên về các vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam, Bộ Thông tin đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông của nhà nước tô vẽ các bị cáo thành “những kẻ tấn công trước”, mô tả lãnh đạo của họ là “một đảng viên thoái hóa”, nhấn mạnh rằng “đa số mọi người đồng ý rằng, cảnh sát phải hành động để bảo vệ sự yên bình”, và không đưa tin “các lập luận biện hộ gây bất lợi cho phía chính quyền”.
Một phim “tài liệu” do Bộ Công an sản xuất đã được chiếu vào đầu phiên tòa thể hiện phiên bản của chính quyền về vụ việc, gồm có cảnh các bị cáo nhận tội. Khi các luật sư bào chữa phản đối và khẳng định rằng, thân chủ của họ nhận tội trong tình trạng bị bức cung, thì được yêu cầu “cứ xem phim”. Các luật sư bào chữa cũng bị từ chối cơ hội tiếp xúc với các bị cáo trong giờ giải lao.
Những chuyên đã xảy ra tại Đồng Tâm, một ngôi làng cổ ở rìa phía tây của Đồng bằng sông Hồng, mở ra như một vở bi kịch không thể tránh khỏi của Shakespeare.
Màn I: Bốn mươi năm trước, nhà nước ra quyết định tịch thu 208 ha đất để cho không quân sử dụng, nhưng hóa ra, và vì những lý do chưa giải thích được, khoảng 47 ha trong số đó đã không nhập vào Căn cứ Không quân Miếu Môn mới. Đó là đất nông nghiệp màu mỡ, và như nhiều thế kỷ trước, những người dân của làng Đồng Tâm vẫn tiếp tục canh tác.
Màn II: Khoảng 35 năm sau, Bộ Quốc phòng giao 47 ha đất đó cho Viettel, một tập đoàn thuộc sở hữu của Bộ. Một số gia đình nông dân dựng lên những bảng hiệu tuyên bố quyền không chấp nhận bị trục xuất và cắm trại trên cánh đồng. Rồi hết việc này dẫn đến việc khác, vào ngày 15/4/2017, ông Lê Đình Kình, một cựu trưởng thôn, và ba nhân sĩ khác bị bắt. Nhóm nông dân phản ứng bằng cách bắt 38 người, gồm các cảnh sát cơ động và quan chức địa phương, nhốt vào Nhà Văn hóa xã làm con tin, một đòn mạnh bạo làm cho cả nước chú ý đến họ trên các mạng xã hội.
Màn III: Một sự kiện bất ngờ đã giải tỏa tình hình căng thẳng tột độ này vài ngày sau đó. Với lời hứa là yêu sách của dân làng đối với khu đất tranh chấp sẽ được xem xét toàn diện và không ai bị trừng phạt, chủ tịch Hà Nội, từng là thiếu tướng công an, đã đổi lấy được việc thả hết những người bị bắt giữ.
Màn IV: Tuy nhiên, kết thúc không có hậu: Vào tháng 4 năm 2019, thanh tra chính phủ trung ương công bố kết luận: Yêu sách của dân làng về đất đai hoặc đền bù là không hợp lệ. Không lâu sau đó, các nhà thầu của Bộ Quốc phòng bắt đầu xây dựng một bức tường xung quanh khu đất tranh chấp và, có vẻ như, đại gia đình và bạn bè của ông Kình đã bắt đầu thu thập một số lượng nhỏ vũ khí, bao gồm giáo mác, lựu đạn tự chế và bom xăng.
Màn V: Rạng sáng ngày 9 tháng Giêng, tin tức về một vụ tấn công chết người đã gây xôn xao trên mạng xã hội Việt Nam. Bốn người chết, trong đó ba cảnh sát được cho là đã bị chết cháy sau khi rơi (hoặc bị đẩy) xuống một giếng trời, và ông Kình 84 tuổi bị giết, được cho là đang cầm lựu đạn trong tay khi chống lại việc bắt giữ. 26 người khác – thành viên đại gia đình của ông Kình và những người đi theo ông – đã bị bắt. Trên đài truyền hình quốc gia, con trai và cháu trai của ông Kình tự thú, đã giết các sĩ quan công an.
Vài ngày sau đó, ba sĩ quan cảnh sát đã được tuyên bố là anh hùng liệt sĩ và được tổ chức tang lễ chu đáo. Mặc dù phiên bản chính thức về sự kiện chết người đã nhiều lần bị chỉnh sửa khi bị các nhà phân tích chỉ ra các chi tiết vô lý của nó, nhưng nó vẫn còn sống sót để trở thành tường thuật chính thức của nhà nước về một cuộc tấn công của nông dân vào các cán bộ thực thi pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, vụ Đồng Tâm có thể khiến cấp trên giám sát các quan chức địa phương và các chiến thuật của công an chặt chẽ hơn. Điều đó ít có khả năng xảy ra. Ít nhất là từ thời điểm xảy ra vụ khủng hoảng bắt giữ con tin, việc quyết định những gì xảy ra tiếp theo ở Đồng Tâm không thể để cho cấp dưới quyết định. Các đề xuất của Bộ Công an nhằm đáp trả sự thách thức khó uốn nắn bằng lực lượng áp đảo và có khả năng gây chết người, gần như chắc chắn đã được cấp cao nhất của đảng cầm quyền phê chuẩn. Và sau đó, khi hoạt động bị thực hiện chệch choạc khiến ba sĩ quan công an chết, chính quyền cấp chóp bu đồng tình trong việc bao che cho sai lầm của cảnh sát, tuy nhiên thêu dệt câu chuyện, khi tiến hành một phiên tòa trình diễn.
Vĩ thanh
Hầu như chừng nào còn có nông dân, còn có những cuộc nổi dậy của nông dân (Wikipedia có một danh sách dài các cuộc nổi dậy này) và hầu như lúc nào họ cũng bị đàn áp dã man.
Ở Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1769-88) đã thành công trong khoảng một thời gian. Cùng với các cuộc nổi dậy ngắn ngủi khác nhau của nông dân chống lại chế độ thuộc địa của Pháp trong nửa đầu thế kỷ 20, khởi nghĩa Tây Sơn được ca tụng trong sách lịch sử trung học của cả nước.
Ở Việt Nam ngày nay, những cuộc phản kháng bất công của nông dân là một câu chuyện quen thuộc. Lê Đình Kình dường như đã thuyết phục chính mình, các con, bạn bè và những người hàng xóm rằng, công lý, nếu không phải là văn bản của pháp luật, luôn đứng về phía họ, với hậu quả bi thảm.
Một ngày nào đó, ông Kình và những người như ông có thể sẽ được tưởng nhớ.
Tác giả: David Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam. Ông thường xuyên đóng góp bài cho Asia Sentinel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét