Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Từ vụ Đồng Tâm nhìn lại bài học về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Từ vụ Đồng Tâm nhìn lại bài học về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tô Văn Trường

Nguyên nhân gốc rễ của vụ việc Đồng Tâm chính là quy định của pháp luật về đất đai và việc áp dụng pháp luật về đất đai chưa thực sự sát với các biến đổi về kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là những năm gần đây. Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn trong nhận thức và hành động giữa chính quyền địa phương với một bộ phận nhân dân ở xã Đồng Tâm đến mức không thể điều hoà được.

Bài học về dân vận của Hồ Chủ tịch vẫn còn đó, nhưng không phải “tinh hoa, nguyên khí” nào cũng hiểu và hành động đúng. Đó là nỗi đau không phải của riêng ai.

Để xảy ra sự kiện vô cùng thương tâm ở Đồng Tâm này, trước hết là trách nhiệm của các vị “quan” sở tại, nhất là huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội. Sau nữa, là vai trò của Bộ Quốc phòng trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến dự án và đặc biệt là vai trò của Bộ Công an trong việc tháo dỡ “ngòi nổ”, thay vì hành động mạnh tay.

Sự kiện rất đau lòng Đồng Tâm vượt quá “tầm kiểm soát” mà ngay cả hai vị đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (nhà sử học) và Lưu Bình Nhưỡng (luật sư) đã từng đi khảo sát thực tế và lên tiếng trên diễn đàn Quốc hội. Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc sau vụ bị tai nạn giao thông suýt chết (ngã sưng mặt bất tỉnh, phải vào bệnh viện khâu vài mũi) nên vì nhiều lý do khác nhau… đã phải chọn giải pháp “im lặng là vàng”! 

Trong bức thư của nhà nghiên cứu xã hội học Phạm Quỳnh Hương khi bàn về chủ đề “Giải quyết xung đột xã hội Đồng Tâm”, chị có trích dẫn ý kiến của chuyên gia Đức được nhiều người đặc biệt chú ý: “Có ba thứ con người không tránh được, là bệnh tật, cái chết và xung đột xã hội”. 

Theo tôi hiểu, để trị bệnh, người ta phải nghiên cứu khoa học và liên tục nghiên cứu, phát triển khoa học. Từ kết quả nghiên cứu, người ta đưa ra hai giải pháp chính là phòng bệnh và chữa bệnh. Phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Để chữa bệnh thì phải xác định được đúng nguyên nhân gây bệnh. Các giải pháp phòng bệnh, chữa bệnh đều phải rất toàn diện, không chỉ giới hạn trong phạm vi dùng thuốc và áp dụng các thủ thuật y học. Khi dùng thuốc và áp dụng các thủ thuật y học, bao giờ cũng cần chú ý đến tác dụng phụ không mong muốn. 

Còn về cái chết, đúng là không thể tránh khỏi được. Nhưng con người không ai muốn chết sớm, chết trong đau khổ nên phải nghiên cứu để tìm ra những biện pháp kéo dài tuổi thọ, tránh những cái chết lãng xẹt, những cái chết đau khổ, nhục nhã và tránh để lại hậu quả nặng nề cho người còn sống. 

Nhiều người có chung nhận xét xã hội nói chung và các nhà cai trị nói riêng có thể học hỏi rất nhiều từ chuyện phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ để áp dụng vào giải quyết các xung đột xã hội. Cụ thể:

- Phải nghiên cứu và không ngừng nghiên cứu để có giải pháp căn cơ. 

- Phải chú trọng cả hai mặt phòng và chống; coi phòng quan trọng hơn.

- Phải tìm được nguyên nhân và khi tìm được rồi thì dũng cảm áp dụng biện pháp phòng, chống. Muốn chống bệnh tật mà vẫn giữ nguyên nếp sống sai lầm thì chống sao được?

- Biện pháp phòng, chống phải toàn diện.

- Phải chú ý tác dụng không mong muốn khi áp dụng các biện pháp phòng, chống. Chống bằng liều thuốc cực mạnh có khi khỏi một bệnh nhưng lại làm một số bộ phận quan trọng khác của cơ thể bị tổn thương.

- Phải nhận thức chế độ xã hội cũng như con người trước sau đều phải chết. Không có thuốc trường sinh bất tử. Nhìn thấy trước như vậy để một mặt kéo dài tuổi thọ một cách khoa học, một mặt tìm giải pháp chết êm thấm, tạo điều kiện cho sự sống mới ra đời.

Xin mượn lời các ý kiến bình luận của nhà xã hội học Phạm Quỳnh Hương, cựu Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Bùi Đức Lại, GS Nguyễn Minh Thuyết và trí thức, lão thành cách mạng Nguyễn Trung để thay cho lời kết của bài viết này. 

T.V.T.

*

—– Forwarded message —–

From: quynh huong pham <p.quynhhuong@yahoo.com>

To: To Van Truong <tovantruong1948@yahoo.com>

Sent: Thursday, 3 September 2020, 18:26:49 GMT+7

Subject: GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT XÃ HỘI – Đồng Tâm

Dear anh Trường,

Vụ Đồng Tâm sẽ được đưa ra xét xử ngày 7/9 tới. Là một chuyên gia xã hội, và đã được đào tạo về giải quyết xung đột xã hội, cá nhân cũng đã có những kinh nghiệm trong giải quyêt xung đột xã hội, em muốn có một vài ý kiến.

Vụ Đồng Tâm, có quá nhiều thứ phải rút kinh nghiệm. Để xảy ra vụ Đồng Tâm thì chúng ta đều hiểu rằng đó là một xung đột quá lớn. Và cần phải có nghiên cứu đề xuất giải pháp hóa giải xung đột xã hội.

Ngày xưa em được đi học một khoá về Giải quyết những Xung đột Xã hội do các chuyên gia Đức dạy. Hoá ra người Đức rất giàu kinh nghiệm về hoá giải các xung đột xã hội. Nước Đức, có lịch sử bị chia cắt đất nước, khác biệt về ý thức hệ, chưa kể họ là bên tội phạm chiến tranh và Phát xít. Chính vì thế họ có cả những lý thuyết và phương pháp tuyệt vời về giải quyết xung đột xã hội.

Việt Nam mình thì mấy chục năm qua, biết bao xung đột xã hội đã xảy ra nhưng chưa có những giải pháp hiệu quả. Vẫn những cách làm cũ. Vì thế nên những vụ sau lại dẫm lên chính sai lầm của những vụ trước. Vụ Đồng Tâm có lúc đã đạt được một chút tiến bộ khi ông Chung ký cam kết với dân. Nhưng sau đó cách giải quyết lại rất lúng túng và tiếp tục sai lầm.

Khi đi học, các chuyên gia Đức đã dạy các học viên một câu mà em nhớ mãi: có ba thứ mà con người không bao giờ tránh được. Đó là bệnh tật, cái chết, và xung đột xã hội. Bệnh tật thì đã có bệnh viện giải quyết. Cái chết thì đã có nhà tang lễ. Còn xung đột xã hội thì chúng ta phải học cách giải quyết. Nó rất khó, nhưng nếu không chữa đúng cách thì xung đột càng tăng lên và để lại di chứng hận thù trong xã hội rất lâu dài. Nó còn kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Chúng ta phải học cách giải quyết vấn đề của xã hội mình. Bệnh tật thì có thể đi nước ngoài chữa. Nhưng xung đột xã hội thì tự mình chứ không ai có thể giải quyết hộ.

Đưa ra tòa xử thì đó là về góc độ tư pháp, còn góc độ xã hội thì rất nhiều việc phải làm. Tư pháp chỉ giải quyết được xử phạt theo pháp luật, và có tác dụng ngăn chặn việc làm vi phạm pháp luật. Còn những khía cạnh nguyên nhân xã hội gây ra xung đột, và đặc biệt là hóa giải các xung đột thì lại phải là các chuyên gia xã hội vào cuộc. Chúng ta đã có những đoàn thể, đó là những tổ chức đóng góp rất nhiều vào trong việc điều hòa những xung đột ở địa phương. Tuy nhiên, khi xung đột đã quá lớn, vượt quy mô của thôn, xã thì cần có thêm sự nghiên cứu và tư vấn của các chuyên gia xã hội, cụ thể là chuyên gia xung đột xã hội. Vụ việc Đồng Tâm không phải là cá biệt, sẽ có những vụ việc tương tự ở Việt Nam. Nếu giải quyết được xung đột thì sẽ là kinh nghiệm tốt để chia sẻ toàn quốc.

Để hóa giải những xung đột ở Đồng Tâm, và không để nó trở thành xung đột xã hội lâu dài, thậm chí qua các thế hệ, thì cần có những nghiên cứu để đề ra giải pháp. Cần có nghiên cứu liên ngành, gồm chuyên gia luật pháp, thể chế, cùng với chuyên gia về các ngành liên quan và chuyên gia xã hội. Cần có nghiên cứu liên ngành thì mới đưa ra những giải pháp hợp lý và triệt để được. Không biết đã có nghiên cứu nào như vậy chưa? Nếu chưa thì cần làm ngay, càng sớm càng tốt. Để lâu xung đột càng âm ỉ, và tạo nên nỗi đau trong lòng xã hội. Mục đích của nghiên cứu không phải là để phán xét đúng sai, không phải để xử phạt, mà là để hóa giải xung đột xã hội.

Anh Trường cũng quan tâm đến vụ Đồng Tâm. Anh có mối liên hệ rộng rãi, chẳng hạn các ĐBQH (ông Dương Trung Quốc, ông Lưu Bình Nhưỡng), mong anh đề xuất với các cơ quan để sớm có những nghiên cứu đề xuất chính sách.

Chúc anh khỏe,

Em Q. Hương

Ms. Pham Quynh Huong Vietnam Academy of Social Sciences (VASS) Institute of Sociology (IOS) Mobile: 0904125698 Email: p.quynhhuong@yahoo.com

*

Bui Duc Lai <buiduclai@yahoo.com.vn>

To: To Van Truong

Fri, 4 Sep at 05:56

Anh Tô Văn Trường thân mến.

Tôi hoan nghênh việc bạn Quỳnh Hương đã thực sự quan tâm đến Vụ Đồng Tâm và kiến nghị phương châm xử lý.

Vụ Đồng Tâm đã gây xúc động sâu sắc, động chạm đến lương tri toàn xã hội. Một phần vì tính chất thảm khốc của nó, nhưng chủ yếu là nó động chạm và phơi bày nhiều vấn đề bức xúc bậc nhất trong xã hội VN hiện nay.

Còn nhiều điều cần làm rõ về nguồn gốc trực tiếp của vấn đề, về những gì đã diễn ra sáng 9.1.2020 dẫn đến cái chết của cụ Kình và ba sĩ quan công an. Dư luận xã hội đã đưa ra nhiều nhận định, phản bác những gì đã được công khai bởi CA và báo chí nhà nước. 

Nhìn cung cách chuẩn bị phiên tòa tới đây, tôi nghĩ rằng cũng khó làm sáng tỏ những vấn đề đó, xử đúng người đúng tội, đem lại công bằng cho các bên và rút ra những bài học lớn cho những người nắm quyền lực.

Có thể nói thẳng và dứt khoát rằng, Đồng Tâm xảy ra chủ yếu và trước hết do sai lầm của chính quyền. Sai lầm về chính sách đất đai, sai lầm về quản lý đội ngũ dưới quyền (quân đội, công an, các “cán bộ” trong hệ thống), sai lầm về đánh giá tình hình, do đó sai lầm về chọn giải pháp đối phó. Việc huy động một lực lượng lớn để trấn áp dân Đồng Tâm chứng tỏ rằng, những người nắm quyền quyết định đã xem dân ở đó như một thế lực thù địch có tổ chức, nhất thiết phải bóp chết. Không chỉ vì mấy chục ha đất Đồng Tâm mà vì sợ “đám cháy lan ra cả cánh đồng”.

Việc nhanh chóng tôn vinh và tặng thưởng những sĩ quan CA bị chết, chứng tỏ rằng quyết định đã được đưa ra từ cấp cao nhất, hoặc được họ phê chuẩn, thông qua toàn bộ các phương án trước khi thực hiện.

Cũng phải nói thêm rằng, họ có những nguyên liệu để tạo ra tội của dân, bảo vệ lý lẽ của mình. Đó là một số những hành vi và lời nói manh động, khiêu khích, vượt ra ngoài luật pháp của một số người dân. Nhà cầm quyền có thiện chí và tôn trọng sự thật, có thể tìm đúng nguyên nhân, để “tháo gỡ” vấn đề. Nhưng cũng có thể lợi dụng, phóng đại, để quy kết để kết tội, rũ bỏ trách nhiệm

Cho đến nay, nhà cầm quyền chưa thừa nhận sai lầm. Họ đã quá dấn sâu vào sai lầm, đang ở tư thế khó có thể lùi, “quay đầu”, làm theo tiếng nói của lương tri. Có lẽ sẽ tiếp tục dấn sâu thêm vào sai lầm bằng vụ xét xử sắp tới, trong đó họ sẽ cố gắng rũ bỏ trách nhiệm bằng cách trút hết tội lên đầu dân chúng.

Đó là cái khó nhất của vấn đề.

Trước mắt trong phiên tòa này, không thể có Thần công lý nào đâu.

Điều có thể hy vọng ít nhiều không phải là sự thức tỉnh lương tâm nhà cầm quyền mà là sự tỉnh táo nào đó ở họ khiến họ cân nhắc lợi hại chính trị-xã hội và hành động hợp lý.

Nếu họ tiếp tục đánh giá và làm sai, quyết “giết người dọa xã hội” thì không chỉ mạng sống (của những người bị đưa ra xét xử) bị đe dọa, mà sẽ tác động rất xấu đến toàn xã hội, đánh dấu một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa dân chúng và thế lực cầm quyền.

Cứu mạng sống của những người Đồng Tâm bị xét xử là mục tiêu trước mắt quan trọng nhất. Việc “cao giọng” đối với nhà cầm quyền, theo quan điểm của tôi, không chắc đã phục vụ tốt cho mục tiêu này, không chắc đã mở đường cho họ xuống thang một mức.

Làm được việc đó lúc này, mọi chuyện sẽ có cơ “hạ hồi phân giải” sau này.

Bùi Đức Lại 

—– Forwarded message —–

From: Thuyết Lê <thuyetcanhdieu@gmail.com>

To: To Van Truong <tovantruong1948@yahoo.com>

Sent: Friday, 4 September 2020, 10:50:23 GMT+7

Subject: Re: FYI Giải pháp hóa giải xung đột xã hội vụ Đồng Tâm

Anh Trường thân,

Từ trước tới nay, anh là người luôn có những ý kiến sâu sắc, xây dựng và được các vị lãnh đạo tín nhiệm. Nếu anh viết thư cho các vị lãnh đạo cao cấp nhất về hướng xử lý vụ Đồng Tâm này thì có thể họ sẽ chỉ đạo để không làm xấu hơn tình hình.

Có điều, các vị hình như đã chọn giải pháp “rung cây dọa khỉ” rồi. Mà mức độ khốc liệt của nó tuy không như sự kiện Thiên An Môn nhưng cũng không còn là “rung cây” nữa. Như vậy thì góp ý phải rất thực tế mới được.

Tôi tin tâm trí và cây bút của anh có thể làm tốt điều này.

Xin chúc anh luôn khỏe để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung.

Trân trọng

Nguyễn Minh Thuyết

—– Forwarded message —–

From: Nguyen Trung <nguyentrungvt@gmail.com>

To: To Van Truong <tovantruong1948@yahoo.com>

Sent: Friday, 4 September 2020, 10:54:35 GMT+7

Subject: Re: FYI Giải pháp hóa giải xung đột xã hội vụ Đồng Tâm

Xin đừng quên, tôi không biết báo chí hồi ấy đưa tin thế nào, nhưng tại Hà Nội hồi ấy, trong tiếp các cán bộ trung kiên bị xử lý oan trong cải cách ruộng đất (khi kết thúc đợt V của CCRĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức xin lỗi nhân dân và cả nước, và sau đó quyết sửa sai (khoảng một năm mới xong). 

Trong buổi tiếp này Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả những cán bộ trung kiên này tham gia nhiệm vụ sửa sai của Đảng. Sai lầm trong CCRĐ còn trầm trọng hơn vụ Đồng Tâm nhiều, nhưng vẫn khắc phục được do quyết tâm của lãnh đạo, nhờ đó cả nước mới có thể yên lòng đi vào kháng chiến chống Mỹ! 

Nguyễn Trung

Nguồn: vanviet.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét