Từ vụ ông Phạm Phú Quốc, cần phải cải cách chế độ bầu cử ứng cử
2-9-2020
Như vậy là ông Phạm Phú Quốc đã phải xin thôi Đại biểu Quốc hội sau khi bị phát hiện mua quốc tịch Cộng hòa Síp với giá 2,5 triệu đô.
Qua sự việc này tôi cho rằng nhiều người không đảm bảo tư cách phẩm chất mà vẫn trúng cử Đại biểu Quốc hội hoặc tôi tin rằng có nhiều người cũng chẳng thiết tha gì với cương vị này nhưng vẫn bị đề cử phải tham gia Quốc hội.
Điều đó dẫn đến làm mất tính năng tác dụng của cơ quan lập pháp, nơi ban hành ra các văn bản chính sách pháp luật, khiến chất lượng làm luật thấp, ảnh hưởng đến phát triển quốc gia.
Ngược lại ngoài xã hội có rất nhiều người xứng đáng lại không thể tham gia trúng cử Đại biểu QH, đó là những doanh nhân, nhà báo, luật sư, nhà hoạt động xã hội… Những người mà qua nỗ lực tự thân đã chứng minh được thành tựu bản thân và có phẩm chất của một đại biểu QH, đó là thường xuyên lên tiếng về các vấn đề xã hội, chất vấn, nêu ý kiến, đưa ra yêu cầu, phần việc của một đại biểu đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri.
Từ thực tế đó và qua vụ việc ông Phạm Phú Quốc tôi cho rằng lãnh đạo nhà nước cần phải cải cách chế độ bầu cử ứng cử, chia sẻ dành không gian cho các ứng viên tự do ngoài xã hội được có cơ hội thành công khi tham gia ứng cử bầu cử vào Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các tỉnh thành phố. Thay vì để hầu hết đại biểu được cơ cấu chỉ định, thành ra điều nhận được không phải là sự bảo toàn quyền lực mà kết quả đem lại là sự ngược lại mà thôi, ví như qua trường hợp ông Phạm Phú Quốc.
Làm như thế thì nguồn nội lực quốc gia mới được trân trọng, đó là những năng lực phẩm chất về chính trị xã hội của người dân trong xã hội, tránh sự lãng phí tài năng xã hội. Làm việc đó chính là củng cố nội lực quốc gia, nhất là ở thời kỳ môi trường quốc tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến phát triển của đất nước như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét