Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

TÁC ĐỘNG CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI CỦA VỤ XÉT XỬ ĐỒNG TÂM

 

TÁC ĐỘNG CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI CỦA VỤ XÉT XỬ ĐỒNG TÂM 

Các lãnh đạo Việt Nam họp Quốc hội ngày 20/5

Tác động chính trị, xã hội 
của vụ xét xử Đồng Tâm thế nào?

Quốc Phương
BBC News Tiếng Việt 

15.9.2020 

Phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm tại Việt Nam vừa khép lại với hai bản án tử hình được tuyên và nhiều án được cho là nặng nề khác dành cho nhiều bị cáo 'đầu vụ' chắc chắn tạo ra nhiều tác động, ảnh hưởng chính trị, tâm lý, xã hội tiêu cực ở trong nước và có thể ảnh hưởng tới hình ảnh đối ngoại, hai ý kiến nói với BBC News Tiếng Việt hôm 15/9/2020.


Từ Hà Nội và Sài Gòn, ba nhà quan sát tình hình thời sự và chính trị Việt Nam, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) và Phó Giáo sư Mạc Văn Trang (chuyên gia tâm lý học) trước hết đưa ra nhận xét tổng quan của mình về phiên tòa Đồng Tâm và xét xử, phán quyết của tòa.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Tôi thấy lại có thêm một cái án "bỏ túi", công lý không được thực thi đối với bốn cái chết: cho ba cảnh sát bị chết "than hóa" và cho ông Lê Đình Kình, bị cảnh sát bắn chết. Vụ án là bi kịch mới nhất của việc thực thi luật đất đai dựa trên "sở hữu toàn dân" một cách tùy tiện, tham nhũng. Phiên tòa tùy tiện, không tuân thủ luật tố tụng hình sự năm 2015, quyền được có phiên tòa công bằng, công khai của các bị cáo và bị hại đã bị tước đoạt. Phán quyết là một hình thức trấn áp bạo lực.

Phó Giáo sư Mạc Văn Trang: Tôi có thể nói ngay thứ nhất là phiên tòa xét xử vụ án đồng Tâm của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa qua là điển hình của những sai phạm pháp luật: một là điều tra không có chứng cứ giết người như thế nào, đốt xác ra sao, không có thực nghiệm hiện trường v.v… luận tội và kết án chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo, tức là trọng cung hơn trọng chứng v.v… mà trong cung thì đã có bao nhiêu vụ án quy tội giết người oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén...

Thứ hai là Toà còn vi phạm một loạt các quy định pháp luật và tố tung, mà ngay phiên khai mạc 10 luật sư đã kiến nghị chánh tòa phải xử lý. Nhưng họ lờ đi hết. Phiên tòa xử 29 người, trong đó có 25 người bị truy tố tội "giết người", vậy mà diễn ra một cách hết sức chóng vánh và bi hài. Vậy thì các lời luận tội và kết án đều không đủ tin cậy, không có giá trị. 

Hậu quả sẽ còn lan rộng?

Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Từ một vụ kiện hình sự địa phương, phiên tòa đã đã biến vụ việc thành một vụ xung đột giữa nhà nước và nông dân, và làm nổi bật lên tính chất bất công của các vụ tranh chấp về chủ quyền đất đai trong toàn quốc, giữa các cơ quan nhà nước được "cấp" đất và nhân dân bị "cướp" đất. Hậu quả từ vụ việc này sẽ còn lan rộng, và có khả năng dẫn đến các bất an xã hội chưa có hồi kết.

Ngoài ra vụ việc còn làm nổi bật tính chất yếu kém của hệ thống tòa án Việt Nam. Tại hôm đầu tiên của phiên sơ thẩm ngày 7/9, các luật sư bào chữa đã làm đơn khiếu nại vì phiên tòa có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nhưng không được Tòa quan tâm.

Vụ án còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của ba cán bộ công an. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thực nghiệm điều tra để góp phần làm sáng tỏ vấn đề. Không xác định 3 chiến sỹ, sỹ quan công an bị bắn chết thế nào? Có phải là do đồng đội bắn nhầm? Còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của ba cán bộ công an. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thực nghiệm điều tra để góp phần làm sáng tỏ vấn đề.

Với những sự kiện trên đây, các phán quyết, và các mức án được tuyên làm cho người theo dõi quan sát, liên tưởng đến các "Tòa án nhân dân" của thời đại Stalin.

Cũng cần nên lưu ý rằng khi vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm lên đến cao trào, đỉnh điểm là việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ hàng chục cán bộ công an làm con tin ngày 16/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống Đồng Tâm để đối thoại với người dân. Trong cuộc đối thoại trực tiếp hôm 22/4, ông Chung đã trao văn bản viết tay, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm. Trong cáo trạng cũng ghi rõ kế hoạch tấn công vào Đồng Tâm được công an TP Hà Nội đưa ra, đề nghị, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương, Bộ Công an phê duyệt. Như vậy rõ ràng là chính quyền đã không tôn trọng lời cam kết của nhà nước. 

Hậu quả sẽ là khó lường?

BBC: Sau phiên tòa này, công luận, người dân, cán bộ, đảng viên và các giới quan tâm theo dõi có thể đặt câu hỏi hay băn khoăn vấn đề gì không? Nếu có thì là gì?

Ông Hà Hoàng Hợp: Đây là phiên tòa bất chấp công luận và lẽ thường. Tất cả những người có lương tri đều đòi hỏi công lý, pháp quyền và sự công bằng.

Ông Mạc Văn Trang: Sau phiên tòa lòng dân ly tán. Nhiều người bi quan hoài ghi, buồn bã, bế tắc. Nhưng nhiều người lại cho rằng phiên tòa nói lên bản chất của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và đó là cơ sở để đòi hỏi phải thay đổi. Vấn đề chính sau phiên tòa sơ thẩm là phải điều tra lại với đầy đủ chứng cứ và phải thực nghiệm hiện trường đốt cháy ba cảnh sát bằng đổ xăng. Nếu không thực nghiệm hiện trường thì không thể kết tội mấy người dân đã đổ xăng giết công an dưới hố.

Ông Bùi Kiến Thành: Mọi người quan tâm theo dõi sẽ tự hỏi Công lý Việt Nam sẽ đi về đâu? Nhân quyền Việt Nam sẽ phát triển ra sao? Người dân, cán bộ, đảng viên sẽ còn là "đồng hội đồng thuyền, chia cơm xẻ áo" hay trở thành đối thủ, người có chức có quyền sẽ tiếp tục đàn áp người dân? Nếu tình trạng không được sửa sai, từ những vụ việc riêng lẻ, sẽ trở thành xung đột giữa nhân dân và nhà nước, với hậu quả khó lường 

BBC: Phiên tòa này có thể tạo ra hay gây ra tác động, ảnh hưởng hay phản ứng chính nào về mặt tâm lý, xã hội, luật pháp, chính trị và thậm chí đối ngoại đối với chính quyền và nhà nước Việt Nam?

Ông Hà Hoàng Hợp: Theo tôi, tuyên án chiều 14 tháng 9 năm 2020 của phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm để lại một sự chia sẽ sâu sắc trong xã hội Việt Nam, càng làm nhấn mạnh nhu cầu phải cải cách toàn diện xã hội Việt Nam.

Ông Mạc Văn Trang: Tôi cho rằng phiên tòa này ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tin của dân với nền tư pháp và chế độ nói chung. Quốc tế cũng nhìn vào phiên tòa này để thấy bản chất của chính quyền là thế nào. 

Ông Bùi Kiến Thành: Qua phiên Tòa này người dân cảm nhận rằng nhà nước, chính quyền không bảo vệ cho lẽ phải, cho pháp lý, dân quyền mà chỉ lo củng cố quyền lực của các tổ chức nhà nước, thậm chí ngụy trang các bằng chứng để kết tội người dân vô tội, vì quá bức xúc mà có những hành động mà nhà nước cho là chống đối, "phản động". Các nhà quan sát về chính trị, nhân quyền sẽ có thêm "bằng chứng" để đánh giá về tính chất "chuyên chính" của nhà nước Việt Nam, chưa ra khỏi tư duy "chuyên chính vô sản" để xây dựng một "Nhà nước Pháp quyền". 

BBC: Phiên tòa này có vị trí thế nào hay không trong bức tranh tình hình chính trị nội bộ của chính quyền, nhà nước và đảng cầm quyền hiện nay, đặc biệt trong lúc đảng CSVN đang hướng tới tổ chức Đại hội 13?

Ông Hà Hoàng Hợp: Trấn áp bạo lực tùy tiện là sai lầm của bất cứ chính quyền nào sử dụng công cụ trấn áp tùy tiện đó. Quốc gia chỉ có thể mạnh, khi trong nội bộ không có hoặc ít chia rẽ. 

Ông Mạc Văn Trang: Từ chính sách đất đai là sở hữu 'toàn dân' do nhà nước 'thống nhất' quản lý, rồi các nhóm lợi ích cướp đất vô tội vạ và dẫn đến vụ tập kích đẫm máu tàn ác ở Đồng Tâm là một sai lầm chính trị nghiêm trọng của giới cầm quyền. Làm rõ vụ này ra, theo tôi, sẽ làm rối bời, ảnh hưởng đến nhiều nhân sự của đại hội 13 của đảng.

Ông Bùi Kiến Thành: Theo tôi, đây sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh, báo động, đánh thức các lãnh đạo chân chính, cầu tiến của nhà nước Việt Nam, phải kiểm điểm lại chính mình, kiên định lập trường, ý chí phục vụ nhân dân và đất nước. Cũng đến lúc lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam tự khẳng định vai trò tiên phong của mình, củng cố tinh thần "chí công vô tư", loại bỏ những phần tử "sâu mọt", kiên quyết vứt bỏ những trái "Táo thối" ra khỏi hàng ngũ Đảng viên, bảo toàn thanh danh, không để "con sâu làm rầu nồi canh" đến mức phải bị nhân dân ruồng bỏ.

BBC: Cuối cùng qua vụ án này, đảng và nhà nước, chính quyền có nên cải cách, cải tổ gì hay không về các mặt như đường lối, chính sách, luật pháp, về cả tư pháp, pháp quyền cũng như về thể chế, chính trị?

Ông Mạc Văn Trang: Tôi cho rằng chắc chắn chính quyền sẽ phải thận trọng hơn trong các vụ án khác. Nhưng không hy vọng gì họ thay đổi được nền tư pháp khi vẫn độc đoán toàn trị, không có tam quyền phân lập, tự do báo chí và xã hội dân sự.

Ông Hà Hoàng Hợp: Sớm hay muộn, cũng phải xảy ra cải cách toàn diện Việt Nam, đưa đất nước này đến công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là một khẳng định, không phải lời khuyên với chính quyền!

Ông Bùi Kiến Thành: Chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam là xây dựng "Nhà nước Pháp quyền của dân, do dân, và vì dân" Một chính thể "Dân chủ, Công Bằng, Văn Minh". Theo tôi, các bước cần thiết sẽ phải đến một nhà nước "Tam quyền Phân Lập", ngành Lập Pháp không can dự vào quyền Hành Pháp, và ngành Tư Pháp không bị hai ngành kia "chỉ đạo" khống chế. Đất nước là của nhân dân, không phải của một Đảng phái nào, không một Đảng phái nào được quyền "Chủ đạo" đối với Hiến Pháp cũng như đối với các cơ quan nhà nước. Đó là nguyên tắc cơ bản của một chính thể dân chủ, của một "Nhà nước Pháp quyền"".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét