Quốc gia và đạo đức
6-9-2020
Sáng chủ nhật, cafe cùng người anh từ Mỹ về mở doanh nghiệp làm ăn. Anh bảo, mình làm trầy vi tróc vảy, năm dư được 2 tỷ đồng mừng hết lớn. Sao lãnh đạo vốc trăm nghìn tỷ đồng cứ như không. Lòng tham không có giới hạn sao ta?
Mình nói, chẳng lòng tham nào mà có giới hạn. Tiền cũng như nước biển ấy, càng uống càng khát, lại uống… luẩn quẩn tới chết. Cái phải giới hạn là quyền lực.
Dù là tổng thống Mỹ một mình ngồi trước chục triệu đôla cũng không ai đoán chắc được điều gì. Thậm chí, thêm một phó tổng thống nữa, ngồi trước chục triệu đôla, không ai dám bảo đảm rằng không có cú bắt tay 7/3, 6/4 hoặc 5/5.
Càng đọc sách, mình càng tin rằng xã hội vận hành dựa trên đạo đức là một ảo tưởng. Những xã hội kêu gào đạo đức như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên… đều điên đảo vì nó được neo trên tảng băng ngầm suy đồi. Kiểu như ông Mao có cả cung điện, đội văn công riêng. Ông già của Un thì biệt thự có hồ bơi mà ông ấy có thể lướt ván. Hoá đơn whisky mỗi năm tròm trèm 800 nghìn đôla.
Xã hội càng kêu gào đạo đức càng mục ruỗng, giống như một anh trộm vặt cạo đầu khoác áo sư. Những quốc gia như Hàn, Đài… anh mình bảo, mấy chục năm mà đã vượt mình cách xa mấy thế kỷ. Điều tuyệt vời mình thấy, là họ không chỉ giàu có mà còn bảo lưu được giá trị nhân văn, nhân bản.
Các giáo sư Mỹ gọi đó là “vòng thiện” của thể chế. Đó chính là đạo đức cốt lõi được xây dựng trên sự phồn thịnh và tri thức. Y như các cụ dạy “phú quý sinh lễ nghĩa”, chẳng cần triết lý cao xanh.
Người Hàn cũng từng trải qua nguy cơ độc đoán của họ Park. Park Chung Hy, người nổi tiếng với câu nói: “Tôi sẽ bắn bất cứ ai ăn cắp của dân dù chỉ một đồng”, đã từng có tham vọng nuốt trọn Đại Hàn Dân Quốc, nhưng quan hệ kinh tế mở thúc đẩy xã hội dân sự, quyền lực chéo đã cản bước ông ta.
Ở Đài Loan cũng vậy, ông Tưởng khai quốc nhưng hàng chục năm sau, con của ông bấm nút tự do báo chí, Đài Loan mới hoá rồng.
Vấn đề của mọi thể chế, là đưa hàng chục triệu đô la ra khỏi tầm mắt ông tổng thống, đưa hộp cúng dường ra khỏi tầm mắt ông sư. Tự do kinh tế và tự do báo chí là hai nút thắt của bất cứ thể chế nào. Ở ta, nó chưa xuất hiện. Và càng kêu gào đạo đức hình thức càng đi xuống.
Hôm nay dùng đạo đức ép học sinh mua bảo hiểm, ngày mai ông giám đốc bảo hiểm thuổng hàng nghìn tỷ đồng. Hôm nay kêu gọi tăng bảo hiểm, ngày mai nâng tuổi hưu. Nhà nước trở thành nhà cái chia bài miệng hô đạo đức, công dân thành con bạc không có lựa chọn. Đạo đức, rất dễ dàng biến thành lá bài gian lận.
Đạo đức là vấn đề cá nhân, pháp trị là vấn đề thể chế. Chỉ khi nào manh nha sự thay đổi, vòng thiện mới có cơ may thành hình. Đừng nghĩ đến Mỹ, Nhật, Đài, Hàn… Hãy sẵn sàng hít khói Lào và Campuchia trong tương lai gần!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét