Quá khứ oai hùng
2-9-2020
Mấy tút vừa rồi về kinh tế dường như làm cho không ít bạn FB buồn dù tôi mới chỉ thử phác họa ra vài con số mà thôi. Buồn mới là hay, còn nếu không thì chấm hết.
Với 75% dân số dưới tuổi 35, chúng ta có khát vọng vươn lên chứ không hài lòng với thực tại để tránh triển vọng chưa giàu đã già.
Hiện tại và tương lai, đừng cãi, luôn phải bắt đầu bằng nền tảng quá khứ. Chúng ta xuất phát như thế nào? Xin trích từ Việt Nam 2035: “đầu thế kỷ thứ XIX (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới”.
Tức là cha ông chúng ta đã đạt đến sự phồn vinh cấp khu vực, dù cũng chịu binh đao và khói lửa chiến tranh.
Bây giờ chúng ta ra sao?
GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2017 đạt 2.389 USD, gấp trên 24 lần năm 1990 (98 USD), nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1990 (2.441 USD); của Thái Lan năm 1993 (2.208 USD); của Indonesia năm 2008 (2.300 USD). Như vậy, Việt Nam đi sau sau Malaysia 27 năm; Thái Lan 23 năm; sau Indonesia và Philippines 9-10 năm.
Rõ rằng khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người trở nên rất khó khăn. Nếu tăng trưởng kinh tế 7%/năm trong 20 năm liên tục thì đến 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 98% của Malaysia hiện nay. Trong khi đó, những năm gần đây tăng trưởng kinh tế của các nước này không thấp và họ không dừng lại đợi chúng ta, trừ năm Covid này.
Năm 1990, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế của thế giới là 4.168 USD, của Việt Nam là 98 USD, cách nhau 4.070 USD. Đến năm 2012 GDP bình quân đầu người theo giá thực tế của thế giới là 10.178, của Việt Nam là 1.749 USD, cách nhau 8.429 USD. Sau 22 năm, khoảng cách doãng ra gấp 2,07 lần.
Năm 2019, GDP đầu người của Việt Nam là 2.715 USD, xếp thứ 135/189 quốc gia, chỉ trên 4 quốc gia ở Asean là Lào, Cam, Myanmar và Đông Timor.
Những con số trên cho thấy tụt hậu là hiện hữu, ở ngay đây, chứ không phải là nguy cơ trong tương lai gì nữa.
Người nước ngoài nói về chúng ta: “Người Việt Nam ý thức mạnh mẽ rằng con đường đi cũng quan trọng như đích đến”. Đó là một nhận xét rất rõ ràng chứ không vòng vèo, quẩn quanh kiểu như đi mà không biết đi đâu.
Có bạn sẽ nói, uh, chúng ta trải qua chiến tranh này nọ. Đúng, nhưng chiến tranh đã lùi xa 45 năm, khoảng thời gian để Nhật và Hàn vươn lên thế giới thứ nhất. Còn ta thì sao?
Ý thức được nghèo hèn thì mới vươn lên được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét