Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Phiên xử vụ án Đồng Tâm: Ngày thứ nhất

 

Phiên xử vụ án Đồng Tâm: Ngày thứ nhất

BTV Tiếng Dân

Ngay trước khi phiên xử vụ án Đồng Tâm bắt đầu, 11 tổ chức NGO kêu gọi LHQ lên tiếng để vụ Đồng Tâm được ‘‘xét xử công bằng’’, RFI đưa tin. Có 11 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã công bố một bức thư chung gửi LHQ về vụ xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm. Bức thư chung được gửi đến bà Elisabeth Tichy-Fisslberger, chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ yêu cầu chính quyền VN “xét xử công minh”, công khai thông tin về phiên tòa cho thân nhân của những người bị cáo buộc chống chính quyền, cũng như các tổ chức phi chính phủ, truyền thông quốc tế và đại diện của LHQ. “Các bị cáo cần được đối xử công bằng theo đúng Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam tham gia”.

Thêm diễn biến đáng lưu ý trước phiên tòa, LS Ngô Ngọc Trai đặt câu hỏi: Bài viết của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp về vụ Đồng Tâm? Đó là bài viết của ông Trọng nhân dịp Quốc khách vừa qua, có đoạn: “Chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách để giải quyết hiệu quả, hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Đặc biệt, phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể”.

Ngay trước phiên xử, phía an ninh đã có hành động mờ ám, cho thấy họ không hề có chính nghĩa trong vụ này. Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng cho biết: “Người nhà cụ Kình báo tin, bắt đầu có kẻ giở trò bẩn với gia đình, bằng cách đạp hỏng cửa kéo rồi bỏ chạy. Người nhà chạy ra, không kịp quay clip. Sẽ còn nhiều trò bẩn thỉu để khủng bố tinh thần người nhà của 29 người bị bắt ở Đồng Tâm, cũng như những người ủng hộ bà con Đồng Tâm. Hãy cùng nhau theo dõi và lên án bọn bất lương này”.

Cửa nhà người thân cụ Lê Đình Kình bị kẻ gian quấy phá. Ảnh: FB Đặng Bích Phượng

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho biết“Chính quyền cho quân phá tan vườn bưởi của nhà chị Cấn Thị Thêu. Đã bắt đi 3 người nhà người ta lại còn nhẫn tâm độc ác phá đi miếng cơm manh áo của người ta nữa. Côn đồ chứ chính quyền gì” Bà Thêu là đại diện dân oan Dương Nội, cũng là “cái gai” trong mắt chính quyền Hà Nội và thường thể hiện sự ủng hộ với cuộc đấu tranh của người dân Đồng Tâm.

Facebooker Trịnh Thị Thảo có clip kể lại sự việc trên:

***

Sáng nay 7/9, TAND TP Hà Nội đã bắt đầu xét xử 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm: An ninh siết chặt quanh tòa án, theo báo Thanh Niên. Vụ xử dự kiến kéo dài từ ngày 7/9 đến 17/9, HĐXX gồm 5 người, do thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội làm chủ tọa. Có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 29 người dân Đồng Tâm tại phiên tòa, trong đó có 25 người bị cáo buộc tội “Giết người” với hình phạt tối đa là tử hình.

Phía tòa án thông báo, đây là phiên tòa “công khai”, nhưng từ sớm, an ninh đã được siết chặt xung quanh địa điểm xét xử. Phía công an giữ nguyên các cáo buộc, cho rằng các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển đã chủ mưu kêu gọi người dân Đồng Tâm chống trả, dẫn đến cái chết của 3 viên công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phó trung đoàn trưởng E22; Phạm Công Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội; Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ C2D1E22.

Thông Tấn Xã VN đăng hình ảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tại xã Đồng Tâm trong phiên tòa sáng nay:

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kênh Truyền Hình Đồng Tháp có clip: Hôm nay, bắt đầu xét xử vụ án tại Đồng Tâm.

Về phía các nhà hoạt động nhân quyền, bà Đặng Bích Phượng cho biết, an ninh canh phòng đến mức không chỉ bố trí dày đặc xung quanh tòa, mà đứng gác trước cả nhà dân: “Không thể không đai đi đai lại, một phiên tòa kẻ cướp xử nạn nhân đang diễn ra công khai. Đám sai nha canh phòng đến một con ruồi bay qua cũng bị đuổi. Không một người mẹ, người vợ/ chồng/ con của nạn nhân được vào. Họ đang phải đứng cách nơi xử cha/ chồng/ vợ/ con họ gần 1 km. Ngoài trời mưa đang tuôn rơi”.

Bà Phượng cho biết thêm: “Nhiều người dân Đồng Tâm đã bí mật rời khỏi nhà từ đêm qua. Nhưng sáng nay, họ không thể đến được cổng tòa. Mọi hy vọng nhìn thấy người thân của mình sau 8 tháng trời xa cách tắt ngấm. Họ đang đứng ngoài trời, dưới làn mưa nặng hạt. Xót thương quá! Căm uất quá!”

PGS.TS Mạc Văn Trang đặt câu hỏi về phiên tòa “công khai” nhưng an ninh bủa vây không cho người dân tiếp cận: “Xử vụ Đồng Tâm nếu chính đáng, sao chính quyền sợ hãi, chặn người khắp nơi? Ở TP HCM nhiều người cũng bị chặn!?” Phiên tòa diễn ra ở miền Bắc nhưng an ninh ở tận miền Nam cũng phải đề phòng dân!

Nhà báo Huy Đức bình luận“Vẫn biết chúng ta đang có một nền tư pháp có rất ít khả năng cung cấp công lý; nhưng, không vì thế mà chúng ta thủ tiêu khát vọng công lý. Vẫn biết các vị thẩm phán rất khó ‘độc lập, chỉ tuân theo pháp luật’; nhưng, nếu không chỉ tuân theo pháp luật thì đâu cần một phiên tòa”.

Nhà văn Thùy Linh nhận định: “Khi người ta công khai bạo lực, công khai sự bất lý và bằng mọi giá bảo vệ sự bất lý, bất nhân, bất đạo lý thì xã hội sau đây sẽ như thế nào? Chúng ta quá bất lực, cả ngôn từ, thái độ, hành động… Cả xã hội như một thùng thuốc nổ bị dồn nén. Tôi nhớ lời một Lạt ma bị Trung cộng tra tấn đến thân tàn ma dại mà ngài vẫn nói rằng: khó khăn nhất mà ngài phải vượt qua là không nuôi lòng thù hận với kẻ thù. Điều đó thật khó với nhiều người dân Việt trước thực cảnh xã hội bây giờ, mà điển hình là vụ Đồng tâm”.

Facebooker Phạm Minh Vũ lưu ý sơ hở trong “kịch bản” của phía công an: “Có một chi tiết trong hiện trường vụ án tuy nhỏ nhưng nó đủ để bác bỏ các cáo buộc đối với 29 người Dân vô tội Đồng Tâm hôm nay, đó là sợi dây điện ở dưới giếng trời. Nhà cầm quyền lên kế hoạch giết người cướp đất quá bài bản, quá sắc bén, đưa ra cáo buộc nghe có vẻ không hợp lý nhưng vẫn thuyết phục được một số người mê muội. Nhưng, hình ảnh này đã nói lên tất cả. 3 người cháy xém nát thây dưới cái giếng trời ấy, mà sợi dây điện vẫn còn nguyên là sao?”

Cái giếng trời cạnh nhà cụ Kình bị công an nâng lên thành “hố kỹ thuật” mà họ cho là dân Đồng Tâm đã đẩy công an vào đây rồi đổ xăng thiêu cháy. Nhưng ông Phạm Minh Vũ cho rằng sợi dây điện còn nguyên là sơ hở trong lời cáo buộc này. Ảnh: FB Phạm Minh Vũ

***

Diễn biến đáng lưu ý nhất trong ngày đầu của phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm: Luật sư đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung, báo Thanh Niên đưa tin. Các LS cho biết, họ đã đề nghị triệu tập 22 cá nhân liên quan đến dự phiên xử, chứ không chỉ ông Chung, trong đó có bà Dương Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình; cô Nguyễn Thị Duyên, vợ Lê Đình Uy (cháu nội ông Lê Đình Kình)…

Vấn đề triệu tập ông Nguyễn Đức Chung là đáng lưu ý nhất vì ông ta là đương kim Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào thời điểm xảy ra thảm án Đồng Tâm. Nhưng phiên tòa này đã có dấu hiện dàn xếp để đổ tội lên đầu dân ngay từ đầu, nên không lạ khi chủ tọa bác kiến nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung, theo báo Tuổi Trẻ.

Thẩm phán Trương Việt Toàn thừa nhận, các LS đã kiến nghị triệu tập một số cá nhân liên quan, nhưng “xét thấy những người này không liên quan vụ án nên HĐXX không triệu tập”. Nếu Chủ tịch UBND TP Hà Nội không liên can, thì còn ai liên can khi công an ra tay sát hại ông Kình vào ngày 9/1?

VTV có clip: Xét xử vụ Đồng Tâm: Bác đề nghị triệu tập Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Về phía bào chữa, LS Đặng Đình Mạnh cho biết: “Buổi làm việc đầu tiên của phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm là những tranh đấu của các luật sư về vô số các vấn đề thuộc về thủ tục tố tụng… dẫn đến việc đơn khiếu nại được soạn thảo ngay trong bữa cơm trưa để kịp nộp vào tòa án vào đầu buổi làm việc chiều”.

Đơn khiếu nại của các luật sư về việc HĐXX không cho các luật sư tiếp xúc thân chủ của họ. Ảnh: FB Mạnh Đặng
Chữ ký của các luật sư trong đơn khiếu nại. Ảnh: FB Mạnh Đặng

LS Lê Văn Luân chia sẻ: “Tại phần thủ tục phiên toà sáng nay, khi chúng tôi đề nghị giải quyết vấn đề gặp bị cáo tại phiên toà, do trước đó có người mặc thường phục ngăn cản khiến tôi sửng sốt không hiểu chuyện gì xảy ra”, nhưng viên thẩm phán chỉ nói rằng việc tiếp xúc bị cáo này là “không cần thiết”.

LS Luân cho biết thêm: “Và ngay lập tức, chúng tôi phải thực hiện việc khiếu nại tới Chánh án toà án TP Hà Nội để giải quyết yêu cầu của chúng tôi về hành vi gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền bào chữa, quyền tiếp xúc bị cáo tại phiên tòa của luật sư. Đây là một tiền lệ tôi chưa từng gặp trong các phiên tòa trước đây”.

LS Trịnh Vĩnh Phúc kêu gọi“Chúng tôi cấp thiết đề nghị Ban thường vụ Liên đoàn luật sư VN và Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn cấp thời ra văn bản lên tiếng yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc và tức thời quy định của bộ luật tố tụng hình sự, đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp và bình đẳng của luật sư, đảm bảo các luật sư bào chữa được tiếp xúc với thân chủ bị cáo theo quy định pháp luật, nhằm tránh các hệ lụy pháp lý nguy hại khó lường…!!!” 

LS Nguyễn Danh Huế cho biết“Tôi đã từng tham dự nhiều phiên toà liên quan đến tội danh ‘Chống người thi hành công vụ’ hay ‘Gây rối trật tự công cộng’. Hầu hết những phiên tòa này đều có lực lượng cảnh sát dày đặc, thậm chí phong toả toàn bộ khu vực xét xử, cấm luật sư đem điện thoại, máy tính vào phòng xử án hoặc lắp đặt hệ thống máy phá sóng. Trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát cũng không chịu đối đáp đến cùng với luật sư, hội đồng xét xử thường hỏi theo hướng buộc tội, nhân chứng quan trọng để gỡ tội thường vắng mặt và cuối cùng, mức án rất nghiêm khắc được đưa ra”.

Những người dân Đồng Tâm gào khóc trong phiên tòa, bị an ninh chặn nên không tới gần người thân của họ được. Ảnh: FB Nguyễn Danh Huế

***

Đến chiều, báo Lao Động đưa tin: Bị cáo cầm đầu vụ Đồng Tâm xin lỗi gia đình 3 cảnh sát hy sinh. Tin cho biết, trong khi trả lời thẩm vấn của chủ toạ về việc có suy nghĩ gì về hành vi của mình, ông Lê Đình Công trình bày: “Sau khi bị bắt, giam bị cáo biết được sự hy sinh của ba chiến sĩ, hết sức hối hận. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới gia đình 3 người này. Mong gia đình hết sức tha thứ cho các bị cáo”.

Facebooker Bùi Văn Thuận bình luận: “Khi lọt vào tay của bọn sát nhân, khủng bố, trong vòng vây của bọn tra tấn, ép cung, nhục hình, bị hành hạ cả về thể xác và tra tấn về tâm lý. Khi tính mạng, sự an toàn của vợ con, anh em, gia đình, bạn bè… bị bọn khủng bố đem ra đe dọa, tất cả những lời xin lỗi, nhận tội trên báo chí, truyền hình (vốn là công cụ của bọn khủng bố) chỉ là chiêu trò lưu manh, khốn nạn và mị dân“.

Thêm diễn biến vi phạm nhân quyền bên ngoài phiên tòa, bà Đặng Bích Phượng cho biết“Không chỉ ngăn chặn cho thân nhân của 29 người bị bắt ở Đồng Tâm mon men đến cổng ra vào của tòa án, mà an ninh đông đặc, quây xung quanh chỗ bà con đang đứng co cụm lại. Chúng đứng chen lẫn vào bà con, soi mói xem bất cứ có ai sử dụng điện thoại để chụp ảnh và liên lạc là cướp liền. Ông Trịnh Bá Khiêm đã đến được cùng bà con lúc ban đầu, nhưng sau đó ông đã bị bắt đưa đi nơi khác”.

_____

Mời đọc thêm: Việt Nam: Tòa án Hà Nội bắt đầu xét xử ‘vụ Đồng Tâm’ (BBC). – Nhân quyền Quốc tế: Phiên toà Đồng Tâm là án bỏ túi (RFA). – Hôm nay  29 nông dân Đồng Tâm bị xét xử tội giết người (FB Lưu Trọng Văn). – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sát hại đảng viên Lê Đình Kình (FB Tráng Nguyễn). – Người tuôn nước mắt – trời tuôn mưa (FB Phạm Minh Vũ).

Báo “lề đảng”: 29 người ra tòa trong vụ án ở Đồng Tâm (VNE). –  Đất sân bay Miếu Môn địa giới xã Đồng Tâm là đất quốc phòng(VTV). – Xét xử vụ Đồng Tâm: Bác đề nghị triệu tập Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (DT). – Xét xử vụ Đồng Tâm: Ông Nguyễn Đức Chung không liên quan đến vụ án nên không triệu tập (NĐT). – Lời ân hận của các bị cáo vụ 3 chiến sỹ hy sinh ở Đồng Tâm (VNN).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét