Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 8)

 

Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 8)

Nghiêm Huấn Từ

10-9-2020

Tiếp theo: Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án; Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải; Bài 5 và bài 6Chặng đường gian lao đi đến phiên giám đốc thẩm; Bài 7A: Khúc khuỷu con đường tới phiên tòa tái thẩm; Bài 7B: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phiên tòa tái thẩm

***

Hoán đổi vị thế giữa bên “Buộc tội” và “Gỡ tội”

Diễn biến 12 năm vụ án Hồ Duy Hải cũng chính là diễn biến về sự tương quan nhiều mặt của cuộc đấu tranh không thỏa hiệp giữa hai bên: Bên buộc tội và bên gỡ tội, giữa phi nghĩa và chính nghĩa.

Các nút buộc tội trong Bản Cáo Trạng được thắt rất chặt chẽ (để bị cáo không thể cựa quậy), cách thắt rất bài bản, lắt léo (để luật sư gỡ nút khó lần ra), lại được canh giữ cẩn mật (để công luận khó bén mảng, khó tiếp cận); bề ngoài còn được dán dòng chữ: Không bỏ lọt tội, không để oan sai (để chinh phục niềm tin của dư luận). Qua đó, đủ thấy sự gian nan, bền bỉ biết dường nào của bên gỡ tội.

Mục tiêu ban đầu chỉ là cố gỡ tội cho một cá nhân, nhưng ròng rã 12 năm trời cuộc đấu tranh giữa ngoan cố và ngoan cường đã phơi bày ngày càng rõ sự tha hóa nhiều mặt của cả một xã hội, cả một thể chế.

1- Hành trình đi đến phiên giám đốc thẩm

a- Hàng chục năm kháng cáo để có phiên giám đốc thẩm

Ngay trong phiên tòa sơ thẩm (cuối năm 2008) luật sư Nguyễn Văn Đạt đã sớm nhận ra sự oan ức của Hồ Duy Hải, do vậy đã kháng cáo ngay sau đó. Ông càng bức xúc và càng có ấn tượng xấu khi phiên phúc thẩm vẫn y án tử hình (đầu 2009). Ông gửi nhiều đơn đề nghị mở phiên giám đốc thẩm, với hy vọng bản án phúc thẩm sẽ bị hủy để Hồ Duy Hải được xử lại. Sau đó, hành trình khiếu kiện kêu oan được chuyển sang LS Trần Hồng Phong. Dư luận bắt đầu nhận ra, đây là một vụ án bất công, hàm chứa một âm mưu khi thấy nghi can số 1 là Nguyễn Văn Nghị bỗng dưng biến đi không còn dấu vết.

Theo luật, muốn hủy bản án phúc thẩm phải có hai điều kiện:

(1) Phải có (những) chứng cứ nói lên sự vi phạm nghiêm trọng (của tư pháp Long An) trong quá trình tạo ra bản án.

(2) Phải có một cơ quan “tối cao” trong ngành Tư Pháp (tức là VKS và Tòa Án) kháng nghị bản án (do cấp dưới tạo ra).

Như vậy, điều kiện 1 do bên “gỡ tội” thực hiện (nhằm thuyết phục cấp trên của bên “buộc tội”); còn điều kiện 2 do bên “buộc tội” thực hiện – thực chất là cấp trên có đủ căn cứ để bắt lỗi một sản phẩm (tức bản án) của cấp dưới. Cơ chế này nhằm đem lại công bằng, công lý, nếu (vâng, nếu) tư pháp thật sự độc lập và nghiêm túc.

Khốn nỗi, trong vụ án này, cấp tư pháp tối cao đã chỉ đạo sát sao cấp dưới, duyệt bản án do cấp dưới trình lên; như vậy, nếu có sự vi phạm luật tố tụng, ắt hai cấp sẽ trở thành đồng phạm của nhau. Kết quả đương nhiên: Chứng cứ do luật sư thu thập ngày càng thỏa mãn điều kiện 1, nhưng những cơ quan có quyền kháng nghị vẫn khăng khăng không kháng nghị (thiếu điều kiện 2). Thời gian chờ đợi kéo dài tới 12 năm. Dẫu vậy, cuối cùng, vẫn… có phiên tòa giám đốc thẩm, khai mạc ngày 6-5-2020. Sao lạ vậy?

b- Các câu hỏi liên hoàn: Nhờ đâu có phiên tòa giám đốc thẩm?

– Nếu suy nghĩ dễ dãi, có thể trả lời phăng: Đó là nhờ ơn ông viện trưởng VKS (bất ngờ) có Văn Bản kháng nghị (2019). Đây là đồng chí viện trưởng mới (Lê Minh Trí), không phải đồng chí cũ (Nguyễn Hòa Bình). Cùng là viện trưởng VKS, tại sao một ông quyết giết bị cáo, còn ông kia lại cứu? Xin đọc tiếp.

– Câu hỏi là: Tại sao người kế nhiệm lại làm ngược với người tiền nhiệm? Để trả lời, đành phải tạm “đoán”. Phải chăng, người tiền nhiệm (Nguyễn Hòa Bình) chưa nhận ra sự oan sai của Hồ Duy Hải, vẫn tưởng Hồ Duy Hải có tội (và sau 12 năm vẫn “tưởng” như vậy). Còn người kế nhiệm sáng suốt hơn?

Nhưng… Chả phải! Đồng chí Lê Minh Trí đã biết về vụ này từ năm 2013 – khi đồng chí được đề bạt làm phó trưởng ban Nội Chính. Rồi ba năm sau, (năm 2016), đồng chí Trí trở thành viện trưởng VKS tối cao. Chính ở cương vị này, đồng chí càng có cơ hội trực tiếp tìm hiểu vụ án, qua rất nhiều đơn kêu oan của luật sư và gia đình Hồ Duy Hải.

Ngoài ra, còn có cả đơn tố giác nghi phạm Nguyễn Văn Nghị nữa. Trong các đơn này, số chứng cứ được đưa ra ngày càng nhiều và càng vững chắc. Nếu định kháng nghị bản án phúc thẩm, thì đồng chí Trí có thừa thời gian (3,5 năm) để làm sớm, không cần đợi đến tận cuối năm 2019, khi đồng chí sắp hết nhiệm kỳ.

– Đến đây, phải nói sự thật là… cả hai đồng chí (Bình và Trí) thừa biết Hồ Duy Hải bị oan. Tuy cả hai đều có quyền kháng nghị, nhưng cả hai đều không kháng nghị. Lẽ ra, đến đây phải có câu hỏi về tâm địa con người. Nhưng thôi, còn dịp khác.

– Đương nhiên, một câu hỏi tiếp: Vì sao, phải đợi đến tận cuối năm 2019, đồng chí Lê Minh Trí mới kháng nghị? Không cần suy đoán, vì nguyên nhân đã rõ. Đó là do ông chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính thức đề nghị VKS hãy xem xét lại vụ án này. Đáng sợ, vị chủ tịch này còn kiêm luôn tổng bí thư. Vậy, thử hỏi: liệu VKS có dám thoái thác?

Đến đây, xin mọi người nhớ lại: Trước đó, chủ tịch nước Trương Tấn Sang (không kiêm bí thư) cũng đã từng hỏi về vụ án này, nhưng cả hai cơ quan “tối cao” về pháp luật đều trả lời “đã xử đúng người, đúng tội”; đã vậy, lại còn xui chủ tịch chớ ân xá. Nhưng lần này thì khác. Một điểm khác là đồng chí Lê Minh Trí – trong 12 năm qua – không chỉ đạo tư pháp Long An trong vụ này, không xui chủ tịch nước “chớ ân xá”. Nói khác, đồng chí không phải là đồng tác giả của cái bản án tội lỗi này.

– Câu hỏi tiếp: Tại sao đức vua bỗng nhiên lại nhân từ đến vậy? Té ra, đó là do sức ép quốc tế đủ mạnh mẽ (điều này đã nói ở bài trước). Sao quốc tế biết đến cái tên “Hồ Duy Hải” để mà can thiệp đích danh? Vì cuộc đấu tranh ở trong nước mạnh tới mức… vượt khỏi biên giới. Đây mới chính là nguyên nhân của các nguyên nhân. Nó khiến chủ tịch nước phải có ý kiến, khiến VKS tối cao phải kháng nghị và khiến Tòa Án tối cao phải miễn cưỡng ra Quyết Định mở phiên tòa giám đốc thẩm.

2- Thay đổi vị thế

a- Phía buộc tội từ chỗ rất mạnh, nay teo tóp, trơ trọi

– Bốn năm đầu tiên, phía buộc tội rất đông đảo, rất mạnh, do vậy rất nhơn nhơn tự đắc… vì có thành tích phá án nhanh, tìm được thủ phạm sau hai tháng; đáp ứng sự mong đợi của dư luận. Các cơ quan tư pháp Long An rất mạnh miệng khi họp báo, khi trả lời phỏng vấn. Cấp trên cao nhất của họ là đồng chí Trương Hòa Bình, chánh tòa tối cao và tại vị tới hai nhiệm kỳ (từ 2008 tới 2016), rồi vào Bộ Chính trị làm phó thủ tướng thường trực, phụ trách Nội Chính, kiêm phó trưởng ban Cải cách tư pháp. Rất dễ hình dung chiếc ô này lớn cỡ nào.

Một cấp trên khác là đồng chí Nguyễn Hòa Bình từ năm 2011 tới nay lần lượt đứng đầu cả VKS lẫn Tòa án tối cao; đồng thời vào được ban bí thư. Hai vị này góp công rất lớn trong chỉ đạo, kiểm tra, phê duyệt và che chở cho cấp dưới ở Long An. Vai trò quyết định của hai vị (nói theo ngôn ngữ dân sự) là sử dụng quyền lực để bác bỏ mọi đề nghị xem xét lại bản án tử hình Hồ Duy Hải…

Cho tới khi có một nhân vật “không dính dáng tới bản án này” thay cương vị của một trong hai vị nói trên, đứng đầu VKS và kháng nghị cái bản án phi pháp nói trên. Từ đó, bên buộc tội chỉ còn một nhân vật quyền lực – nhưng cũng sắp hết nhiệm ký – trơ trọi bảo vệ nó. Dư luận nghiêng hẳn về phía chính nghĩa. Những đồng chí “nhúng chàm” ở tư pháp Long An bắt đầu lo bản thân sẽ trở thành bị cáo, bắt đầu tìm cách tự che đỡ mà rất ít hy vọng cấp trên sẽ cứu được mình.

b- Thành công và thất bại?

– Bị chặn lại tới 12 năm, một tin làm nức lòng bên gỡ tội và dư luận cả nước: Phiên tòa giám đốc thẩm sẽ mở trong thời gian tới. Đây là phiên tòa đem cái bản án tử hình oan ra xét xử. Ngược lại, đồng chí Nguyễn Hòa Bình không thể hoan hỉ về cái việc miễn cưỡng phải làm này. Đồng chí thấy rõ, đây là một thất bại của chính mình. Các đồng chí tư pháp Long An tự thấy phải chuẩn bị lập luận để đối chất tại tòa, đặng tự gỡ tội.

– Vụ này, đã qua hai phiên tòa nhưng rất hạn chế thông tin, còn đây là phiên tòa được xử giữa thủ đô, được báo chí theo sát sao từng diễn biến nhỏ, đưa tin rất nhanh, đồng thời kèm bình luận theo nhiều chiều. Số người theo dõi vụ án – Google cho biết – cao bất ngờ.

Ngay khi Hội Đồng xét xử chưa có Quyết Định cuối cùng, nhiều người đã ngao ngán, vì thấy đây là phiên tòa không có tranh tụng và không thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội. Buổi cuối cùng, mới thật là hài kịch: Bốn câu hỏi soạn sẵn từ trước (để lấy biểu quyết tại tòa) không khác gì bản án bỏ túi mà tác giả 4 câu hỏi lại chính là những người biểu quyết. Ngay sau khi biểu quyết và trước khi bế mạc phiên tòa, một Quyết Định dài tới 20 trang “bác bỏ kháng nghị của VKS” đã được công bố. Thì ra, nó được soạn sẵn từ trước. Hài kịch này mới thật lớn, nhưng lương tri xã hội không cười nổi.

– Bằng cách thiếu chính đáng và phạm luật này, bên buộc tội đã thành công bác bỏ “từng điểm một” bản kháng nghị 10 trang của VKS với tỷ lệ phiếu thuận 17/17. Nhưng có thật đây là thắng lợi? Để còn xem.

c- Phản ứng lập tức

– Tức thời, có hàng trăm bài báo nêu ra những sai phạm của phiên tòa, trước hết là sai phạm của đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã từng 3 lần khẳng định Hồ Duy Hải đáng chết, nay đồng chí lại chủ tọa phiên tòa (sai quy định) thử hỏi làm sao nạn nhân thoát chết? Có những bài gay gắt tới mức coi phiên tòa này có tác dụng khai tử nền tư pháp Việt nam. Ví dụ: Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa hoặc “Nếu không hủy bản án Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, uy tín của nền tư pháp Việt nam sẽ bị sụp đổ. Đến nay, hỏi Google bằng hai cụm từ “hồ duy hải” và “giám đốc thẩm” nó tuôn ra trong nháy mắt tới gần 500.000 kết quả.

– Tức thời, sự phẫn nộ của dư luận bốc cao, thể hiện trên các trang cá nhân với hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn like. Khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến chất vấn về phiên tòa này.

– Tức thời, đồng chí Nguyễn Hòa Bình vội điều trần trước quốc hội, với thời gian dài hơn quy định, nhưng Quốc hội vẫn tranh luận tại phiên họp toàn thể, Có ý kiến nói uy tín của nền Tư Pháp VN xuống thấp chưa từng thấy. Quốc Hội đi đến quyết định giao cho cơ quan chuyên môn tìm hiểu và báo cáo… Ủy ban Tư Pháp lập tức triệu tập phiên họp toàn thể, đa số ủy viên đã đề nghị xem xét lại kết quả của phiên tòa giám đốc thẩm…

– Tức thời, nhiều chứng cứ vô tội của Hồ Duy Hải (bị tư pháp Long An giấu nhẹm) nay rò rỉ tới tay luật sư (do lương tâm, hay do muốn lập công chuộc tội?). Đó là những bản khai của nhân chứng (bút lục) và những ảnh chụp hiện trường, nhưng đã bị cơ quan tư pháp Long An loại bỏ khỏi hồ sơ vụ án. Đây là bằng chứng không thể chối cãi về tội vi phạm luật tố tụng hình sự.

– Và không muộn, với những chứng cứ mới này, luật sư có ngay Đơn minh oan cho Hồ Duy Hải đồng thời tố cáo tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án” gửi tới chủ tịch nước, quốc hội, ủy ban tư pháp QH và các cơ quan tư pháp tối cao từ ngày 03-7-2020. Chắc chắn nó đã đến tay đồng chí Nguyễn Hòa Bình.

– Quan trọng nhất là phản ứng rất sớm, rất công khai của VKS tối cao – là nơi kháng nghị bản án. Điều này đã nói ở trên. Khi tiếp xúc cử tri, đồng chí viện trưởng VKS Lê Minh Trí – với tư cách đại biểu quốc hội – đã nói: Kháng nghị vụ Hồ Duy Hải chắc chắn không sai và ông khẳng định 3 điều: 1) Kháng nghị của VKS là Đúng pháp luật, để bác bỏ ý kiến (của Hội Đồng xét xử giám đốc thẩm) cho rằng một khi chủ tịch nước đã không ân xá thì không cơ quan nào có quyền kháng nghị nữa. 2) Có căn cứ – tức là sẽ kiến nghị tiếp để làm rõ sự thật, và 3) Cần thiết – vì đây là việc phải làm để công lý được sáng tỏ.

Tin này được đưa rất rộng rãi, có thể đưa nhiều ví dụ. Chỉ nêu một dẫn chứng (trích nguyên văn):

Trước đó, ngày 15/5, Viện trưởng Lê Minh Trí đã gửi báo cáo đến đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm của mình về vụ án Hồ Duy Hải ở Long An là có căn cứ và cần thiết.

Ông Trí nhận định vụ án này có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng, đặc biệt là bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu bị cáo không nhận tội, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay, cần huỷ án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.

Ông Trí khẳng định quy định hiện hành không có bất cứ điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Kể cả trường hợp quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, thì kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào.

Sau 4 trang phân tích những sai sót của vụ án và sự cần thiết kháng nghị, ông Trí viết: “Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định quyết định kháng nghị ngày 22/11/2019 là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết, vì vụ án có nhiều thiếu sót, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Lê Minh Trí thấy không an tâm nên kháng nghị huỷ án, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra lại vụ án để khẳng định một lần nữa Hồ Duy Hải có tội hay không.

Việc làm này là thể hiện sự thận trọng, khách quan, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đồng thời củng cố lòng tin của người dân và xã hội với nền tư pháp Việt Nam. Do đó, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự“.

Luật sư Trần Hồng Phong cho rằng Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ này. Nếu đúng, đây là cạnh tranh cá nhân hay nhóm? Để rồi xem.

Trang 2 / 2

Nghiêm Huấn Từ

10-9-2020

Tiếp theo: Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án; Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải; Bài 5 và bài 6Chặng đường gian lao đi đến phiên giám đốc thẩm; Bài 7A: Khúc khuỷu con đường tới phiên tòa tái thẩm; Bài 7B: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phiên tòa tái thẩm; Bài 8: Hoán đổi vị thế giữa bên “Buộc tội” và “Gỡ tội”

***

Liệu “kiến nghị” của VKS có cứu được Hải?

1- Nhắc lại để nói tiếp

a- Hồ Duy Hải sống/chết phụ thuộc số phận bản án phúc thẩm

Vụ án này xảy ra năm 2008, sau đó cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều kết tội tử hình Hồ Duy Hải. Cho tới giữa năm 2020, đồng chí Nguyễn Hòa Bình vẫn (ngoan) cố vẫn bảo vệ “giá trị thi hành” của bản án này – nghĩa là, trong 12 năm đó, Hải có thể bị lôi ra xử tử bất cứ lúc nào. Muốn cứu Hồ Duy Hải, bên gỡ tội (gồm 1 LS + 3 thân nhân = 4 người) cần chứng minh rằng: Đây là bản án được tạo ra bằng con đường phạm pháp (gọi là “vi phạm luật tố tụng”).

Nói cho dễ hiểu, phải chứng minh (với các chứng cứ vững chắc): Đó là bản án cố ý vu oan. Đương nhiên, thế lực bảo vệ bản án này (gọi là bên buộc tội) gồm 2 lực lượng rất đông đảo và rất mạnh: thứ nhất, đó là rất đông đảo các nhân viên điều tra, kiểm sát và tòa án của tỉnh Long An (nơi đẻ ra bản án); và thứ hai, đó là nơi chỉ đạo, kiểm tra và đỡ đầu… để đứa con chung này chính thức ra đời. Đó là các cấp trên trực tiếp của ngành tư pháp Long An (đều tối cao, và đều là thành viên Ban chấp hành trung ương của ĐCS).

a- Năm 2019 Viện KS hết nhất trí với Tòa Án, mà kháng nghị

Suốt 12 năm qua, Tòa Án và Viện Kiểm Sát (tối cao) luôn luôn nhất trí coi bản án tử hình Hồ Duy Hải là “vẫn có giá trị thi hành”. Có thể nói, đây là sự nhất trí giữa hai cá nhân đứng đầu hai cơ quan trên, là đồng chí Trương Hòa Bình và đồng chí Nguyễn Hòa Bình. Nhưng đến cuối năm 2019 thì Viện KS thay đổi quan điểm 180 độ – nghĩa là không còn “nhất trí” với Tòa Án nữa. Sử dụng đúng thẩm quyền, đồng chí Lê Minh Trí (đứng đầu VKS) đã ra Bản kháng nghị dài 10 trang, gửi tới đồng chí đứng đầu Tòa Án tối cao, đòi lôi cổ cái bản án phúc thẩm (nói trên) ra tòa. Nghĩa là, nó trở thành bị cáo. Lúc này, đồng chí Trương Hòa Bình không còn đứng đầu Tòa Án tối cao nữa (mà lên cấp cao hơn); người kế nhiệm là đồng chí Nguyễn Hòa Bình.

Suốt 12 năm qua, trong số 3 đồng chí (Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình và Lê Minh Trí) chỉ có riêng đồng chí Nguyễn Hòa Bình là có mặt toàn bộ thời gian trong ngành tư pháp. Cụ thể, năm 2008 khi vụ án vừa mới xảy ra, đồng chí Nguyễn Hòa Bình lãnh đạo cơ quan Điều Tra trung ương, sau đó – từ 2011 – đồng chí đứng đầu VKS (nhiệm kỳ 5 năm), rồi đứng đầu Tòa Án (từ 2016, nay sắp hết nhiệm kỳ). Tới mức, dư luận coi đồng chí này là “đồng tác giả” số 1 của bản án giết Hồ Duy Hải, còn đồng chí Trương Hòa Bình chỉ là “đồng tác giả” số 2.

Riêng đồng chí Lê Minh Trí thì hầu như không liên quan trong quá trình tạo ra bản án. Khi đồng chí nhận cương vị đứng đầu VKS thì bản án đã có từ trước đó rất lâu rồi. Dư luận căn cứ vào diễn biến về chức vụ của 3 người này để cắt nghĩa vì sao đồng chí Nguyễn Hòa Bình cay cú bảo vệ cái bản án “giết Hồ Duy Hải” đến vậy. Chỉ cần xem thái độ và cách thức của đồng chí trong vai chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm, cũng đủ rõ.

Một nguyên nhân mới – nay trở nên nổi bật – là sắp tới đại hội 13 của đảng CSVN, đồng chí Nguyễn Hòa Bình có thể vào Bộ Chính trị, hoặc có thể chấm dứt sự nghiệp (lại còn mang tội) nếu vụ án này đem lại thắng lợi cho cho đối thủ Lê Minh Trí. Tuy nhiên, đây chỉ là sự suy đoán và bàn tán của dư luận.

b- Năm 2020, bị thất bại ở phiên giám đốc thẩm, VKS sẽ “kiến nghị tiếp”

Bản KHÁNG NGHỊ của VKS (do đồng chí Lê Minh Trí ký tên) đã buộc đồng chí Nguyễn Hòa Bình phải mở phiên tòa giám đốc thẩm, khai mạc sáng 6-5-2020. Sau 3 ngày xét xử, tòa tuyên bố “tuy có một số sai sót trong công tác điều tra, nhưng không làm thay đổi bản chất bản án“. Nghĩa là, bản án phúc thẩm vẫn có giá trị thi hành. Nghĩa là Hồ Duy Hải vẫn phải chết. Nghĩa là VKS (cụ thể là đồng chí Lê Minh Trí) thất bại toàn diện.

Điều trớ trêu, đã là Quyết Định của Hội Đồng xét xử tối cao thì những cơ quan ngang cấp hết quyền kháng nghị, mà chỉ còn quyền kiến nghị (xin phân biệt 2 từ này), với ý nghĩa là… xin các đồng chí xem xét lại (cho tôi “được nhờ”) cái Quyết Định mà 17/17 thẩm phán cao cấp đã thông qua. Nay, nếu “xem xét lại” thì vẫn là 17 người này.

c- VKS rất kiên quyết

Trên lời nói, VKS đã nhiều lần tuyên bố mỗi khi có dịp: Việc kháng nghị là đúng luật, có căn cứ và cần thiết. Về việc làm, VKS đã gửi văn bản phản đối cái Quyết Định của phiên giám đốc thẩm (giữ nguyên giá trị thi hành của bản án) tới các cấp: Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban tư pháp của QH…

Như vậy, có thể tin rằng Tòa Án tối cao phải họp toàn thể Hội Đồng thẩm phán (17 người) để xem xét lại cái Quyết Định do chính 17 người này đã ban hành… Câu hỏi: Liệu “kiến nghị” của VKS có đem lại kết quả nào không?

Để trả lời, hãy coi lại cách thức tiến hành phiên giám đốc thẩm vừa qua.

2- Phiên tòa giám đốc thẩm cứ như xét xử nội bộ…

a- Theo Luật, đây là phiên tòa công khai

– Bị cáo đứng trước tòa chính là cái bản án phúc thẩm (giết Hồ Duy Hải) mà đồng chí Nguyễn Hòa Bình tận lực bảo vệ. Nay, sau 12 năm, chính đồng chí phải tự phân công bản thân làm chủ tọa phiên tòa (dẫu bị phản đối rất dữ), để cứu bản án. Nếu bản án này vẫn sống thì Hải phải chết. Ngược lại, nếu nó bị xử vào tội “chết” (bị hủy), Hải mới được sống (thoát chết). Do vậy, cũng có sự đảo ngược vai trò tại phiên tòa này. Trước kia, bên gỡ tội cho Hồ Duy Hải thì nay trở thành bên buộc tội cái bản án này. Còn bên trước đây vẫn nằng nặc buộc tội Hồ Duy Hải, nay trở thành bên gỡ tội cho đứa con đẻ của mình. Nếu không gỡ được tội cho bản án, rất nhiều đồng chí tư pháp Long An sẽ đối mặt với một tòa án khác (về tội tạo oan sai) đồng thời gây liên lụy tới các cấp trên của mình. Ngoài ra, năm 2020, đang cạnh tranh chính trị với nhau khi Đại hội 13 ĐCS sắp mở.

– Lẽ ra, theo Luật tố tụng mới (2015) Hội Đồng xét xử (17 thẩm phán cao cấp, do đồng chí Nguyễn Hòa Bình chủ tọa) phải đứng trung lập để đóng vai trò trọng tài, nghe kỹ hai bên tranh tụng mà đi đến nhận định thắng/ thua. Nhưng đó là “lẽ ra”. Như ta thấy, ở tình thế của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, có đem kẹo ra nhử, đồng chí vẫn phải lèo lái để cái Hội Đồng xét xử vẫn phải bênh vực cho thế lực tạo ra bản án, vì chính đồng chí cũng là đồng tác giả.

– Về danh nghĩa, đây là phiên tòa công khai, nhưng nó hành xử như một phiên tòa nội bộ (đúng như lời chủ tọa nói với luật sư). Tức là Hội Đồng xét xử không trung lập, mà đứng hẳn về bên bảo vệ bản án. Do vậy, bên đi kiện sẽ yếu hẳn đi; và càng yếu khi luật sư bị đuổi khỏi phiên tòa. Viện KS chỉ oai về danh xưng, nhưng chứng cứ thì không nắm đủ và càng không nắm chắc, do vậy cãi lại rất yếu ớt. Luật sư đủ chứng cứ, đủ lập luận, lẽ ra, phải là mũi chủ công làm sáng tỏ sự thật và công lý… thì bị đuổi khỏi tòa sau 20 phút trình bày. Chính miệng chủ tọa Nguyễn Hòa Bình nói trước toàn thể phiên tòa: Để Tòa xét xử nội bộ…

b- Cách đuổi luật sư

Phiên tòa họp 3 ngày, mỗi ngày 8 giờ = 8X3=24 giờ, tức 1440 phút, nhưng luật sư chỉ được trình bày trên 20 phút. Rồi bị đuổi. LS viết đơn xin dự tiếp, thì cả 17 thẩm phán “hội ý” và “nhất trí” tuyên bố: LS cút đi…

Ra khỏi tòa, luật sư nói với báo chí: Tôi nhận Thư Mời ghi rõ LS được dự 3 ngày, nhưng chủ tọa Nguyễn Hòa Bình không thực hiện điều đã ghi rõ trong giấy mời. Ngoài ra, LS còn tường thuật trên báo Pháp luật TPHCM về chuyện vì sao mình bị “mời” ra khỏi tòa. Xin trích (nguyên văn): “Sau đó, chủ tọa nói rằng phần trình bày của LS đã được hội đồng ghi nhận. Do vậy, kể từ lúc này phiên tòa không cần LS có mặt và tham dự nữa, vì tôi không phải là LS trực tiếp tham gia bào chữa trong các phiên tòa trước đây. Phần tiếp theo sẽ có tính chất nội bộSau đó, chủ tọa tuyên bố tạm nghỉ.

Một tờ báo khác cũng nêu chuyện này, Xin mời mọi người đọc nguyên văn một đoạn trên tờ báo, như sau: “…sau khi LS Phong trình bày trong khoảng thời gian hơn 20 phút thì chủ tọa nêu ý kiến là LS không cần tiếp tục tham gia nữa vì phần sau là phần xét xử mang tính nội bộ. LS Phong đã nêu ý kiến và làm văn bản đề nghị xin được tham gia đầy đủ nhưng sau khi hội ý, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thống nhất không đồng ý.

c- Hai Bản Án bỏ túi: Trắng trợn thách thức công lý

Buổi sáng đầu tiên của phiên tòa, luật sư bị đuổi. Hôm sau ông về tới Sài Gòn lại nhận được tin “được dự tiếp phiên tòa”… Tuy ông tức tốc trở lại phiên tòa, nhưng rất nhiều người đã hết hy vọng sẽ có công lý cho Hồ Duy Hải, chính vì toàn thể Hội Đồng xét xử đã “nhất trí” đuổi LS vừa ngược với nội dung giấy mới, lại vừa ngược với luật (LS thuộc về bên “kiện bản án” phải có mặt cùng với VKS). Từ đó về sau, phiên tòa tranh cãi qua lại “cho có”, nhưng kết quả phiên tòa đã được nhiều người dự đoán chính xác, khi thấy không có tranh tụng đúng nghĩa. Quả nhiên, tới thời khắc cuối cùng của phiên tòa (sắp bế mạc), người ta đưa ra 4 câu hỏi để Hội Đồng xét xử biểu quyết.

(1) Bản án bỏ túi số 1. Đọc lại 4 câu hỏi này, rất dễ thấy đây là những câu hỏi soạn sẵn, tuy chúng đầy sơ hở và bất cập, nhưng dễ thấy nhất là những người bỏ phiếu cững chính các tác giả soạn ra 4 câu hỏi đó. Trách gì họ chẳng thống nhất 17/17. Chính 4 lần giơ tay bỏ phiếu thuận khiến âm mưu của đồng chí chánh án Nguyễn Hòa Bình đã thành công. Đó là, từ nay toàn thể thẩm phán tối cao của nước CHXHCNVN buộc phải gắn tương lai và số kiếp của mình vào cái bản án phi nghĩa, khiến họ phải bảo về bản án (giết Hồ Duy Hải) tới cùng. Dư luận coi cái Hội Đồng xét xử này (gồm 17 vị) là “Hội Đồng dao thớt” vì đây là hai vật chứng mua ngoài chợ.

Có thể viết cả một bài riêng để nói lên những sơ hở của 4 câu hỏi mà chủ tọa đưa ra để Hội Đồng xét xử bỏ phiếu – nhưng không thuộc bài này. Chỉ nêu hai ý ngắn. Ngay câu hỏi đầu tiên (tuy có sai sót trong điều tra, nhưng có làm thay đổi bản chất vụ án hay không) đã sơ hở về từ ngữ. Đó là hai từ cần tranh luận cho rõ trắng/đen. Đầu tiên là: “sai sót” hay “vi phạm”? Trong Luật, không có khái niệm “sai sót”, còn viết thêm vào bản khai (ngược ý người khai) và giấu nhẹm tờ khai… chính là “vi phạm”.  Và, thứ hai là, thế nào là “bản chất” vụ án? Nếu được tranh tụng tới cùng, sẽ đi tới kết luận rằng bản chất vụ án là “giết người” (không thay đổi tên gọi của vụ án) nhưng “sai sót” (vi phạm) khi điều tra sẽ làm thay đổi hung thủ… khiến kẻ giết người thoát tội, còn người lương thiện bị oan.

(2) Bản án bỏ túi số 2. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa giám đốc thẩm, Hội Đồng xét xử đã (nhân danh nước CHXHCNVN) kịp công bố một bản Quyết Định dài tới 20 trang “bác bỏ từng điểm một” cái văn bản KHÁNG NGHỊcủa VKS dài 10 trang. Làm sao trong 3 ngày soạn nổi một văn bản dài như vậy, để công bố ngay sai khi bế mạc (cùng ngày 8-5-2020) phiên tòa?

Quyết Định này gồm 22 điểm, trong đó 17 điểm đầu tiên nhằm bác bỏ toàn bộ bản Kháng Nghị của VKS. Vì không được tranh tụng tới kết luận “từng điểm một” nên khi cái Quyết Định này được công bố, VKS thấy rất bất ngờ, lập tức phản bác lại: “Kháng nghị của chúng tôi là đúng luật, có cơ sở và cần thiết“. Và khẳng định: VKS sẽ kiến nghị tiếp.

Thử đọc 17 điểm đầu tiên (liên quan vụ án Hồ Duy Hải), bất cứ ai theo dõi chi tiết vụ án, đều thấy cái Hội Đồng xét xử này – hoặc do quan liêu, hoặc do cạn lương tâm – đã lập luận rất kém cỏi, thiếu cơ sở, ngụy biện để kết tội oan.

Điểm số 1, được bản Quyết Định nói dài dòng nhất. Nó liên quan tới thời gian và thời điểm Hồ Duy Hải có mặt ở hiện trường (hồi 17h30′) và thời điểm gây án (20h30′). Điều này nói lên chỗ “yếu nhất” của bên buộc tội cho Hồ Duy Hải. Suốt 12 năm nay họ lúng túng, ngụy biện nhất ở điều này.

Có thể nói, không ai “bám” vụ án này bằng luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải, với đầy đủ các chứng cứ và kịp thời gửi văn bản tới Tòa và VKS (tối cao).

2- Có thể trông vào sự kiến nghị tiếp của VKS?

a- VKS đã thể hiện quyết tâm kiến nghị tiếp

Sau khi Văn Bản kháng nghị của mình bị Tòa giám đốc thẩm bác bỏ 100% – bằng một bản Quyết Định dài tới 20 trang, lại còn bị chỉ trích “Kháng nghị không đúng luật”, VKS tối cao đã rất nhiều lần biểu lộ thái độ phản đối cái Quyết Định (nói trên). Và khẳng định sẽ kiến nghị tiếp. Ví dụ, ngày 21-7-2020 trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, VKS đã nhắc lại khẳng định này.

Đến dây, cần nhắc lại một quy định: Những cơ quan ngang cấp không có quyền “kháng nghị” Quyết Định của tòa giám đốc thẩm, mà chỉ có thể “kiến nghị” xem xét lại cái Quyết Định đó (phân biệt “kháng nghị” với “kiến nghị”).

Tất nhiên, bản Kiến Nghị phải nêu rõ những sai trái và cung cấp các chứng cứ về sự sai trái đó. Nơi nhận Kiến Nghị (tức là nơi ban hành Quyết Định nói trên) sẽ thực hiện 2 vòng bỏ phiếu. Vòng 1, bỏ phiếu có đồng ý “xem xét lại” hay không. Nếu đa số trong 17 thẩm phán “đồng ý xem xét lại” mới tiến hành xem xét, và sau đó 17 người bỏ phiếu tiếp vòng 2: Có đồng ý sửa chữa (hoặc có phế bỏ) cái QĐ này không… Cứ cho rằng Kiến Nghị của VKS đáp ứng những điều đã nêu… Liệu có hy vọng gì không?

b- Hy vọng đến đâu vào Kiến Nghị của VKS?

Phải trả lời bằng nhiều chữ “nếu” và nhiều chữ “hoặc”, bởi vì đồng chí Nguyễn Hòa Bình và 16 thẩm phán dưới quyền không sợ ai, kể cả Trời, Phật, Chúa và Thần Thánh, mà chỉ sợ cấp trên – là ĐCS.

– Trong trường hợp tốt đẹp nhất (giả sử) NẾU đồng chí chánh tòa tối cao và các thẩm phán không đủ lý lẽ bác bỏ Kiến Nghị của VKS, đành chấp nhận làm theo Kiến Nghị… Nhưng như vậy thì khác gì 17 vị thẩm phán quốc gia tự nhận mình kém cỏi và ngoan cố? Xin coi khả năng này bằng số không: 0

– Hoặc, NẾU đồng chí Bình chợt hối hận và tự vấn lương tâm – nghĩa là đồng chí thừa nhận sai lầm suốt 12 năm qua. Tuy nhiên, mức độ hy vọng cũng rất không cao. Chúng ta chớ nên đánh cược sự sống của Hồ Duy Hải vào những thứ mơ hồ, không sờ thấy và không đo được (ví dụ, lương tâm của người CS duy vật, vô thần).

– Hoặc NẾU đa số thẩm phán cao cấp bỗng dưng “vùng lên” (hết sợ vị chánh án, đương là bí thư trung ương) mà đòi xem xét lại Quyết Định của chính họ. Thật đáng mừng quá. Nhưng có lẽ từ ngày có “chuyên chính vô sản” và “dân chủ tập trung” tới nay, chuyện tương tự chưa bao giờ xảy ra.

– Hoặc NẾU Ban bí thư hoặc Bộ Chính trị ra chỉ thị (vì lo tư pháp XHCN sụp đổ – như đã được cảnh báo)… Cũng tốt. Nhưng chưa ai biết xác suất sẽ là bao nhiêu. Và vân vân…

Đón đọc bài 10: Phiên tòa tái thẩm: Hy vọng sống của Hồ Duy Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét