Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Lại thêm đường sắt gần trăm ngàn tỉ?

 

Lại thêm đường sắt gần trăm ngàn tỉ?

BTV Tiếng Dân

Hôm nay 21/9, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hà Nội (MRB) cho biết, UBND TP Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt hơn 65.000 tỷ đồng, VnExpress đưa tin. UBND Hà Nội đã trình đề xuất này lên Chính phủ về vấn đề thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5, tuyến Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Tuyến đường sắt này dự kiến dài 39km với 21 nhà ga, tổng mức đầu tư dự kiến 65.400 tỉ đồng.

Tin cho biết, dự án này không phải mới có mà nó đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, chia làm 2 giai đoạn: 2016 – 2020 và 2020 – 2030. UBND TP Hà Nội nhận định, “từ lúc lập quy hoạch đến nay đã hơn 4 năm và mục tiêu giai đoạn 2016 đến 2020 không còn khả thi, nên đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 đến 2025 là phù hợp“. Không rõ “phù hợp” chỗ nào, chỉ thấy dự án có “mùi Tàu” giống như tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Biếm họa về Đường Sắt VN. Nguồn: Ohay.tv

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi về tuyến metro số 5 ở Hà Nội: Lặp lại “kịch bản” đường sắt Cát Linh – Hà Đông? Tin cho biết, trong tổng mức đầu tư khoảng 65.400 tỉ đồng của dự án, chi phí xây dựng chiếm 24.800 tỉ đồng, chi phí thiết bị vào khoảng 16.600 tỉ đồng. Dự án sẽ sử dụng khoảng 15.000 tỉ lấy từ ngân sách thành phố, và 18.000 – 20.000 tỉ lấy từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, cùng vốn phát hành trái phiếu, vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Ai có thể quyết định đầu tư dự án này? ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết: “Quan trọng là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội có đồng ý với dự án hay không. Bởi số tiền đầu tư hơn 65 nghìn tỷ là con số không nhỏ và phải được quốc hội thông qua. Đây là dự án rất lớn chứ không phải là một dự án nhỏ. Do đó, cần phải có sự cân nhắc rất thận trọng, kỹ càng. Trong điều kiện Việt Nam đang khó khăn về kinh tế do dịch bệnh COVID-19 khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Có cần thiết thực hiện dự án này ở thời điểm hiện nay hay không“.

Nhắc lại, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư ban đầu là khoảng 552 triệu Mỹ kim, dự kiến hoàn tất vào tháng 6/2014 và khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Bây giờ đã là cuối tháng 9/2020, dự án còn chưa nghiệm thu, nói chi đến khai thác thương mại. Sau nhiều lần đội vốn, tổng mức đầu tư dự án lên tới khoảng 968 triệu Mỹ kim, trong đó tiền vay từ TQ chiếm khoảng 669 triệu Mỹ kim. Gần đây, tổng thầu TQ đòi hỏi VN phải chi thêm 50 triệu Mỹ kim nữa thì mới chịu bàn giao công trình này.

Gần 10 năm trôi qua, đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chỉ là “cái bánh vẽ”, là một trong các vấn đề nhức nhối nhất ở thủ đô. Tổng mức đầu tư ở thời điểm này tăng gần gấp đôi so với con số lúc mới khởi công dự án. Dự án trễ thời hạn hoàn thành đến hơn 6 năm, trễ thời hạn khai thác hơn 5 năm, nhưng chưa thấy tổng thầu TQ phải chịu trách nhiệm gì. Dư luận cho rằng, chẳng có “dự án đường sắt” nào cả, chỉ có “quả bom nợ” mà TQ tìm cách tống vào tay người dân VN, trong khi lãnh đạo CSVN đã vui vẻ đón nhận.

Báo Người Lao Động có bài: Ì ạch đường sắt đô thị Hà Nội. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy bình luận, đến thời điểm này, tuyến metro số 2A Cát Linh – Hà Đông đã “vỡ trận”, cho thấy rõ thất bại cả về tiến độ, giá cả lẫn công nghệ: “Việc xây dựng đường sắt đô thị hiện rất ì ạch, gây ra những hệ lụy cho xã hội. Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là bài học rõ nhất”.

Tuyến Cát Linh – Hà Đông đã là gánh nặng lớn về kinh tế, xã hội, nhưng vẫn chưa bằng tuyến metro số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi. Dự án metro số 1 bắt đầu từ năm 2002 có tổng mức đầu tư lúc đầu là 9.197 tỉ đồng, chia thành 3 giai đoạn. Sau nhiều lần thay đổi kế hoạch, tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng… 81.537 tỉ đồng, nghĩa là tăng gấp 9 lần con số ban đầu! Nhưng, “đến nay, sau 18 năm, dự án vẫn chưa được chính thức khởi công”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Hà Nội sẽ có bao nhiêu tuyến đường sắt đô thị đến năm 2030? Theo đó, quan chức Hà Nội đã vẽ ra 8 dự án đường sắt đô thị, các tuyến 1, 2, 3, 5 đều được xác nhận là chưa hoàn thành, tuyến số 2 và 3 thì đang xây, còn tuyến 1 và 5 thì còn chưa khởi công. Số phận 4 tuyến còn lại không được nói rõ.

Dự án metro số 2A dự tính làm từ tháng 10/2011 đến tháng 6/2014, nhưng đến nay chưa xong, lại còn đội vốn gấp đôi so với ban đầu. Dự án metro số 1 bắt đầu từ năm 2002, đến nay còn chưa chính thức khởi công, trong khi tổng mức đầu tư đã tăng gấp 9 lần. Vậy thì một dự án mới với số vốn đầu tư tới 65.000 tỉ đồng, sẽ đội vốn lên bao nhiêu lần và biết đến bao giờ mới xong?

Mời đọc thêm: Hà Nội đề xuất chi hơn 65.000 tỉ làm tuyến metro số 5 Văn Cao – Hòa Lạc (LĐ). – Đường sắt số 5 trị giá 65.000 tỷ đồng ở Hà Nội dự kiến hoàn thành trong 4 năm (TTVN). – Lực cản từ giải phóng mặt bằng (TCTC). – Nỗ lực hoàn thành giải phóng mặt bằng (HNM). – Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công (LĐ). Mời đọc lại: Nghe lỏm tâm sự Cát Linh – Hà Đông và Bến Thành – Suối Tiên (TT).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét