“Không tra tấn thì phá án thế đ… nào được”
11-9-2020
Ngày thứ 3 phiên toà xét xử “vụ án Đồng Tâm”, một trong các Luật sư bào chữa cho dân oan (mà toà gọi là “bị cáo”), ông Đặng Đình Mạnh có câu hỏi chung cho 29 người. Ông hỏi rằng:
– Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì xin vui lòng giơ tay.
Có 19 người ngồi yên, đồng nghĩa với việc 19/29 người bị tra tấn trong quá trình điều tra. Nhưng không có gì chắc chắn rằng 10 người còn lại không bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần trong giai đoạn bị giam giữ để lấy cung. Nên nhớ, thái độ của “bị cáo” tại toà sẽ quyết định họ được đối xử như thế nào trong nhà tù, nhất là khi phiên xử vẫn chưa kết thúc. Nói cho dễ hiểu, nếu xuôi theo toà án, theo Viện kiểm sát và cơ quan điều tra, thì khi trở lại trại giam sẽ dễ thở hơn. Nếu phản kháng, ví dụ kêu oan hoặc không nhận tội sẽ bị trù dập.
Tôi là một nhân chứng, một nạn nhân của kiểu đối xử khốn nạn này nên tôi hiểu hơn ai hết. Thậm chí bạn tù còn kể rằng quản giáo ra chỉ thị với nhiều người trong buồng, đại ý vì tôi cứng đầu, ngoan cố không chịu nhận tội nên phải “cho nó biết thế nào là lễ độ”.
Phiên toà được mở ngày 7/9 và dự kiến sẽ diễn ra trong 9 ngày. Nhưng mới bước sang ngày thứ 4, chủ tọa phiên tòa đã… đột ngột thông báo ngày 14/9 sẽ tuyên án.
Xin lưu ý, ngày 12 và 13/9 là hai ngày cuối tuần, tòa không làm việc. Bởi vì ngay ngày đầu tiên, cái gọi là “phiên tòa” đã để lộ ra nhiều điều khuất tất, bất lợi cho nhà cầm quyền. Sau khi các luật sư liên tục đưa ra những vi phạm trong quá trình tố tụng của vụ án Đồng Tâm và nhất là những dữ liệu giúp công luận thấy rằng: Sự thật và chính nghĩa không nằm trong tay kẻ cầm quyền. Và rằng toà án chỉ là một trò hề nhằm luật hoá việc giết người Đồng Tâm và che đậy một âm mưu kinh khủng mà thủ phạm thuộc “thượng tầng” bộ máy cai trị, không phải hệ lìu tìu cỡ quan chức.
Không ít người đã linh tính về những rủi ro, hiểm nguy mà các vị luật sư quả cảm sẽ phải lãnh nhận. Quả thật, chiều 10/9/2020, khi kết thúc ngày thứ 4 phiên xử, ít nhất 3 luật sư là các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Ngô Anh Tuấn đã bị những “kẻ lạ” mặt tấn công. Luật sư còn bị đối xử như kẻ thù, thì tình trạng của “bị cáo” trong nhà giam hẳn là không thể tưởng tượng nổi.
Tôi từng nghe nhà thơ Trần Đức Thạch kể về việc ông bị chính các điều tra viên đánh đập, tra tấn, bức cung nhiều lần trong nhà tù. Không cho ngủ, hỏi cung cả ban đêm. Đánh vào người, vào đầu, vào mặt, vào bất cứ đâu trên thân thể ông. Nhưng “sáng kiến” ghê tởm nhất của bọn điều tra viên là lột hết quần áo và đánh vào… dương vật của nạn nhân. Đấy là lần tù đầu tiên của ông Thạch, chục năm về trước. Còn lần này, bước chân vào tù ông đã 70 tuổi. Chẳng biết ông có bị chúng hành hạ như lần trước nữa không. Không ai biết tin tức gì về ông. Ông đi tù can tội chống độc tài, ủng hộ nhân quyền và dân chủ.
Câu chuyện về nhà thơ Trần Đức Thạch khiến tôi nhớ đến một người bạn tù ở Trại 5-Thanh Hóa tên là Huệ. Chị Huệ bị kết án chung thân trong một vụ án ma túy. Một lần, tôi nghe chị bộc bạch về cực hình chị phải chịu trong quá trình đi cung. Chị bị bọn điều tra viên lột trần truồng, treo hai cánh tay lên cửa sổ. Rồi chúng lấy kìm, bấm vào hai đầu vú đến chảy máu. Tên khác đi giày đá liên hồi vào chỗ kín của chị. Tôi nghe chị kể, không khỏi rùng mình, kinh khiếp đến nỗi không thể hỏi thêm được câu nào nữa dù có nhiều điều tôi rất muốn tìm hiểu. Chị bảo “Nó tra tấn dã man như thế thì đến một trăm bánh hê-rô-in cũng phải nhận. Có khi nó bắt mình nhận tội giết cha giết mẹ cũng nhận nốt”.
Câu chuyện tra tấn, bức cung, dùng nhục hình là chuyện thường như cơm bữa ở Việt Nam. Thậm chí, nó còn được coi như là một biện pháp nghiệp vụ được ngành công an khuyến khích cho dù luật pháp (do chính họ làm ra) ngăn cấm. Hơn thế, Việt Nam còn tham gia khá sớm vào Công ước chống tra tấn. Thì cũng tương tự như việc họ đặt bút ký kết với Quốc tế về việc bảo đảm các quyền Dân sự và Chính trị cho dân chúng, nhưng là để đàn áp, tước đoạt các quyền chính đáng này, rồi chối tội và lừa mị thế giới cho dễ dàng.
Phần cuối bài viết xin trích nguyên văn một đoạn trong status của luật sư Ngô Anh Tuấn trên trang facebook cá nhân để độc giả hiểu thêm về “vụ án Đồng Tâm”: “Trong phòng xét xử, khi các luật sư đang tranh luận với đại diện viện kiểm sát về các luận điểm mà đại diện viện kiểm sát chưa đối đáp hoặc không đồng ý với các quan điểm đối đáp (lần 1) của họ, thì đột nhiên vị chủ tọa phiên toà tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần Nghị án trước sự ngỡ ngàng của các luật sư và cả những kiểm sát viên.
Có vẻ như họ đang muốn dấu giếm một điều gì đó mà chính các vị kiểm sát viên cũng không nên biết. Buổi chiều, phần nội dung nói lời nói cuối cùng của đa phần các bị cáo có “format” giống y như nhau: “xin lỗi gia đình bị hại, cảm ơn các thầy trong trại giam đã giáo dục để nhận ra lỗi lầm, xin cảm ơn các luật sư và xin từ chối hoặc đề nghị luật sư không bào chữa theo hướng trả hồ sơ nữa, và cuối cùng là xin giảm nhẹ hình phạt. Đây rõ ràng là những lời nói theo kiểu “đọc thuộc lòng” theo kịch bản có sẵn mà những ai hay tham gia phiên toà đều biết vì vốn dĩ các bị cáo vốn không được ở cùng phòng với nhau, nếu không có “định hướng” thì lấy đâu ra kịch bản trơn tru như vậy được.”
Hãy so sánh hình ảnh của 29 người dân Đồng Tâm trước và sau khi bị bắt để có cảm nhận của riêng mình.
Tóm lại, khẩu hiệu của côn an là “Không đánh đập, bức cung, mớm cung thì phá án thế đ*o nào được”. Đấy, hiểu một cách ngắn gọn và dân dã là thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét