Điếu văn của nhà văn Trần Mạnh Hảo, đọc tại tang lễ nhà văn, đạo diễn Văn Lê – Lê Chí Thụy
8-9-2020
Điếu văn của nhà văn Trần Mạnh Hảo, thay mặt gia đình và đồng đội, sẽ đọc trong tang lễ nhà văn – đạo diễn Văn Lê (Lê Chí Thụy) lúc 7h sáng ngày 9-9-2020: Văn Lê – Lê Chí Thụy sống để truy tìm linh hồn đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh để quy hoạch họ vào nghĩa trang chữ nghĩa.
Kính thưa: bà quả phụ nhà văn, đạo diễn Văn Lê – Ngô Hoa Hỷ – và gia đình.
Kính thưa bạn bè, đồng đội cũ và mới của Văn Lê có mặt trong tang lễ.
Trong trường ca “Đất nước hình tia chớp”, tôi đã viết: “Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/ Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”.
Hàng triệu đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh, không về được Sài Gòn trong ngày 30 tháng tư năm 1975 như Văn Lê và Trần Mạnh Hảo.
Sau chiến tranh, Thụy và Hảo cùng về thăm quê trong một chuyến. Thụy về Ninh Bình, Hảo về Nam Định. Hai đứa về đến làng thì hầu như các bà mẹ của cả làng đều òa lên khóc: anh Hảo ơi, anh Thụy ơi, con của tôi đâu, sao không thấy đứa nào về, không thấy tin tức gì, hay là các con của chúng tôi đã chết cả rồi.
Cả làng khóc, cả làng như có tang khi chúng tôi về làng sau ngày chiến thắng! Thụy bảo tôi: chiến tranh là thế đấy: viên đạn bắn vào những người lính trẻ mười chín, đôi mươi nhưng lại trúng vào tim các bà mẹ.
Hai đứa Thụy và Hảo trước khi chia tay ở nhà ga Ninh Bình bước vào quán phở. Thụy không ăn được, tất cả thìa đều bị đục thủng vì sợ mất. Cầm thìa múc nước phở đưa lên miệng, nước chảy hết, Thụy khóc thương Miền Bắc quá, thương nước mình quá. Ôi, chiến tranh!
Năm 1966, học xong trung học, chính ra Thụy, con một cán bộ cao cấp phải đi học đại học ở Liên Xô hay Đức, Thụy lại xung phong đi B, đi vào chỗ chết để tìm sự sống. Rồi Thụy và Hảo được về tạp chí Văn Nghệ quân giải phóng để làm báo, viết văn.
Thụy rút ruột mình ra làm thơ. Trong cuộc thi thơ của báo “Văn Nghệ” năm 1974-1975, Thụy – tức nhà thơ Văn Lê, bằng bài thơ “Tiếng gọi bò” đã được giải nhất, đồng giải với nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Anh Ngọc. Trong tốp mười người làm thơ hay nhất của lứa “các nhà thơ chống Mỹ”, có nhà thơ Văn Lê; tất cả họ đều đã được giải thưởng Nhà Nước hoặc giải thưởng Hồ Chí Minh, chỉ trừ Văn Lê. Vì sao vậy?
Một lần nhà văn Trần Bạch Đằng nói với tôi: “Văn Lê làm phim tài liệu hay lắm, không thua gì Trần Văn Thủy”. Là đạo diễn của nhiều bộ phim tài liệu xuất sắc, Văn Lê đã đóng góp rất lớn cho nền điện ảnh nước nhà mà mới chỉ được phong nghệ sĩ ưu tú, chưa được giải thưởng nhà nước vì sao?
Văn Lê còn là một nhà biên kịch xuất sắc. Trong cuộc thi viết kịch bản mừng kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long do Bộ văn hóa và Hội điện ảnh tổ chức, với kịch bản “Long Thành cầm giả ca” Văn Lê đoạt giải nhất.
Văn Lê, một nhà thơ tài ba, một đạo diễn phim tài liệu xuất sắc, vào loại gạo cội đứng đầu của hãng phim Giải Phóng, một nhà biên kịch giỏi giang và một nhà tiểu thuyết hàng đầu viết về chiến tranh. Hôm qua, trong tang lễ Văn Lê, tôi ngồi bên hàng chục bạn bè là nhà văn, là đạo diễn, nhiều người nói, trong sự nghiệp văn học nghệ thuật, Văn Lê thậm chí không thua mà còn có thể hơn Hữu Thỉnh. Sao Hữu Thỉnh được hết giải thưởng nhà nước đến giải thưởng Hồ Chí Minh, còn Văn Lê thì không?
Không thể kể hết các giải thưởng văn học và điện ảnh của Văn Lê ra đây được vì nó rất dài. Có lần, sau khi xem một bộ phim tài liệu về chiến tranh của Văn Lê, nhà thơ Chế Lan Viên xúc động hỏi tôi và mấy người ngồi cạnh: Sao không đưa Văn Lê vào trung ương để sau này cậu ấy lãnh đạo ngành văn nghệ? Thưa anh Chế, Văn Lê không phải đảng viên, sao vào trung ương được?
Thực ra, Văn Lê thời trong rừng chống Mỹ, cùng sinh hoạt chi bộ với tôi do nhạc sĩ Xuân Hồng làm bí thư chi bộ. Sau hòa bình, do sự hiểu lầm và cố chấp của tổ chức, Văn Lê phải tự nguyện ra khỏi đảng. Nhưng anh lại xin tái ngũ, sang Campuchia đánh Pôn Pốt…
Thụy từng nói với tôi: Mình không dám nhìn lên, cũng không dám nhìn ngang nhìn dọc, vì nếu nhìn lên, mình sụp đổ mất. Thụy bảo: Toàn bọn đi buôn cách mạng kiếm lời. Hảo ơi, Thụy chỉ nhìn về phía hàng triệu đồng đội chúng ta ngã xuống trong chiến tranh. Lý tưởng, chân lý cách mạng mà mình tin, mình viết, hình như chỉ còn trong các đồng đội đã hi sinh của chúng ta? Mình mắc nợ hàng triệu đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh. Thụy khóc và Thụy viết, chân thành, thiêng liêng những trang viết ròng ròng máu tươi, ròng ròng ký ức nơi tâm hồn Thụy!
Thụy không ưa một số nhà văn cơ hội, nhảy lên truyền hình múa mép khua môi vì lý tưởng cộng sản mà thực ra họ không còn tin tưởng, bên trong thì chửi bới mà lúc nào cũng ca ngợi, hoan hô, luồn lách như trạch chạy giải, chạy chức chạy quyền…
Văn Lê, một nhà văn, một đạo diễn đã phải dựa vào đồng đội hi sinh trong chiến tranh để sống và viết. Người như Văn Lê bây giờ hiếm vô cùng. Anh vẫn viết tiểu thuyết về chiến tranh. Thụy bằng ngòi bút, vẫn truy tìm linh hồn của đồng đội đã hi sinh để đưa họ sống mãi trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của mình.
Xin vĩnh biệt người bạn thân nhất trong rừng của tôi là Lê Chí Thụy bằng bài thơ:
LÊ CHÍ THỤY – NGƯỜI TRUY TÌM LINH HỒN
Thơ Trần Mạnh Hảo
Sẽ gục ngã nếu không vịn vào những người đã chết
Hàng triệu người hiến thân cho xã hội bây giờ
Truy tìm linh hồn đồng đội hi sinh để đưa vào trang viết
Thụy đi rồi, ai dắt họ vào thơ?
Thụy vừa viết về chiến tranh vừa khóc
Thiêng liêng ơi người có thật trong đời?
Hình như không còn ai tin khi nhà dột nóc
Thụy một mình đi ngược tuổi hai mươi …
Thụy truy tìm linh hồn những người lính trận
Dành nhau đi trước để ăn mìn
Lấy thân mình đỡ đạn cho bè bạn
Ngã xuống rồi còn trao lại niềm tin…
Chả lẽ niềm thiêng liêng chỉ còn trong cái chết
Linh hồn chiến tranh nâng thân xác hòa bình
Vì sao Thụy vừa khóc vừa viết…
Có lẽ nào Tổ Quốc mãi hi sinh…?
Vĩnh biệt Thụy đã về cùng đồng đội
Về hái rau rừng về chôn xác anh em
Những trang viết hình như bom vẫn dội
Máu chảy hoài khi mở sách ra xem…
Vĩnh biệt Thụy trời Lộc Ninh nghẹn ứ
Hai chúng ta đi tát cá bẫy cheo rừng
Anh Oánh, anh Nam Hà đợi Thụy ngoài quá khứ
Lá đổ vàng như gió khóc rưng rưng…
Vĩnh biệt Hỷ mối tình đầu của Thụy
Và các con bố đi trận sẽ về
Vịn vào đồng đội hi sinh sẽ không ngã quỵ
Thụy đi rồi, ai dẫn Hảo về quê…
Vĩnh biệt Thụy có các linh hồn chữ
Những trang văn còn đẫm máu tinh thần
Không phải nước mắt đâu chính là ngôn ngữ
Là những lời Thụy trối lại người thân…
Sài Gòn lúc 4 giờ sáng ngày 8-9-2020
Trần Mạnh Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét