Cố tình lãng quên lịch sử
LS Lê Văn Luân
Hàng nghìn sinh viên Thái Lan biểu tình đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.
Thủ tướng Prayuth, 66 tuổi, lên nắm quyền từ năm 2014 sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra. Sau cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đảng Palang Pracharat thân quân đội của ông Prayuth thành lập liên minh cầm quyền với các đảng khác để lãnh đạo Thái Lan. Thái Lan cũng ban hành luật khi quân, cấm xúc phạm hoặc nói xấu nhà vua, hoàng gia; người vi phạm có thể bị phạt tù tới 15 năm.
Các cuộc biểu tình khởi đầu từ các khuôn viên viện đại học và diễn ra gần như mỗi ngày từ trung tuần tháng Bảy.
Trong giờ hát quốc ca hôm thứ Ba 18/8, các học sinh của hàng chục trường trung học Thái Lan đã giơ 3 ngón tay lên theo kiểu chào trong phim ‘Hunger Games’ của Hollywood, cho thấy các cuộc biểu tình chống chính phủ do sinh viên lãnh đạo đã lan sang các trường trung học.
Trang Trung Đoàn 47 này hẳn đã quên hoặc muốn phủ nhận hoàn toàn lịch sử, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình khi mới hơn 17 tuổi và sau đó bị đuổi khỏi Quốc học Huế.
Những quốc gia dân chủ thực sự thì những vấn đề chính trị được giáo dục từ sớm và những đứa trẻ cũng đều có thể thực hiện các quyền của mình một cách công khai và đầy đủ.
Những học sinh, sinh viên Thái Lan cho thấy tầm thức về chính trị của họ thực sự đáng trân trọng biết nhường nào. Một đất nước có thể đứng vững và phát triển được hay không phải dựa vào những người trẻ bản lĩnh, hiểu rõ những vấn đề chính trị của đất nước mình.
Văn bản Hiến pháp nào cũng đều nhấn mạnh về tương lai của những đứa trẻ, được bảo vệ, được chăm sóc, được đảm bảo các quyền con người, trong đó có quyền bày tỏ chính kiến, quan điểm. Đó là những quyền đương nhiên và cơ bản của bất cứ quốc gia nào.
Cất lên tiếng nói không phụ thuộc vào độ tuổi của cá nhân, nó phụ thuộc vào khả năng của chính họ. Và một đứa trẻ 5 tuổi cũng như một người già 80 tuổi, đều được nói lên suy nghĩ và thực hiện các quyền của mình. Và các vấn đề chính trị là vấn đề của tất cả mỗi chúng ta.
Những đứa trẻ ở châu Âu, Mỹ, chúng tự tin nói lên chính kiến của mình về cả hệ thống chính trị, về tổng thống, về bộ máy hành pháp hoặc bất kỳ một quan điểm nào về chính trị mà không sợ bị trừng phạt hoặc bị hạn chế. Thái Lan hay Hồng Kông, Đài Loan hoặc Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng đảm bảo sự dân chủ này như ở các quốc gia dân chủ Tây phương khác.
Kim Đồng, chú Lượm, chị Lý, chị Sáu chẳng tham gia cách mạng chính trị (theo Đảng cộng sản) từ lúc 7 tuổi, 10 tuổi, 12 tuổi và 16 tuổi? Những “thiếu nhi” này chẳng đã được dạy về sự dũng cảm, quên cả thân mình cho cuộc cách mạng của thế kỷ trước?
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, chẳng phải là một thông điệp toàn cầu mà những người cộng sản (XHCN) tán dương nhiệt thành? Tại sao lại không ủng hộ những người trẻ đấu tranh ngay từ khi được sinh ra, như một con người chính trị về bản chất?
Hay chúng lại muốn ngu dân để dễ bề cai trị những con cừu ngoan ngoãn với cái máng lợn cho hết đời sinh học của bản thân? Còn chúng thì lại có quốc tịch hay thẻ xanh ở xứ sở tự do khác?
L.V.L.
Nguồn: FB Luân Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét