Ai có quyền miễn nhiễm với bất công?
15-9-2020
Đôi khi, nghe thấy sự bất công, chúng ta cứ nghĩ là chuyện của thiên hạ. Có thể ở Văn Giang, Tiên Lãng, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, Đồng Tâm… nhưng chẳng phải là nhà mình.
Có thể là những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải… nhưng sẽ chẳng bao giờ là chúng ta, những người chẳng làm gì sai trái, những người không tranh chấp gì với ai, những người sống tôn trọng luật pháp, những người biết lẽ phải và lương thiện…
Những người dân Vườn Rau Lộc Hưng chỉ biết kính Chúa, yêu rau chắc đã có những lúc nghĩ như vậy cho đến khi máy xúc xuất hiện trước cửa, cào nát ngôi nhà của họ thành đống gạch vụn trong chốc lát.
Những người dân Thủ Thiêm đã có lúc liều mình nuôi dấu cán bộ, góp tay “giải phóng miền Nam” cũng đã có lúc nghĩ thế, cho đến khi bị cưỡng chế, tài sản vứt ra cửa, người xô ra vỉa hè để bắt đầu cuộc sống màn trời chiếu đất.
Nhiều lắm, những người dân ở Văn Giang, Tiên Lãng, Đồng Tâm… cũng đã từng thờ ơ, không nghĩ bất công sẽ đến với mình cho đến khi chúng xộc đến.
Những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải… thì lại chưa từng có tranh chấp gì với ai. Nhưng rủi thay, danh tính của họ lại “lọt mắt xanh” của cơ quan điều tra để bù trừ cho sự bất lực của họ, để thế thân cho thủ phạm đang nhởn nhơ đâu đó ngoài xã hội.
Ở Hà Nội, bạn có thể đi dọc theo lề đường Ngô Thì Nhậm, nơi dân oan vẫn còn tin rằng bất công của họ sẽ được gỡ bỏ. Họ sẽ kể cho bạn nghe đã nghĩ gì về bất công trước khi điều đó đổ ập xuống số phận của họ.
Bạn đã có từng thấy những hình ảnh người mặc cảnh phục giăng biểu ngữ trên phố đòi công lý? Bạn có từng xem clip chiến sĩ công an nhờ cộng đồng lên tiếng vì bất công? Chưa hết, nếu bạn còn nhớ đến người đã leo đến tột đỉnh danh vọng, là ủy viên bộ chính trị, là bộ trưởng… ước mong: “Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người” thì xem ra, chức vụ tột đỉnh cũng không thể cứu ông ấy thoát bất công khi phải tham gia tố tụng?
Cho thấy, bất công như con thú phàm ăn, nó không từ một ai cả. Sau người dân đen, thì nó đã “đánh chén” cả những thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ chỉ biết một lòng một dạ “còn đảng, còn mình” và đến cả người leo đến gần hết bậc danh vọng.
Hãy nhìn gương Đồng Tâm, hãy nhìn gương cụ Kình mà tự ngẫm về thân thế của bạn. Bạn có đã từng là công thần xây dựng nên chế độ? Bạn có đã từng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt một địa phương? Bạn có tuổi đảng lên đến gần sáu thập niên? Nếu người có thân thế như thế mà còn là biểu tượng bi thảm của bất công, thì bạn nghĩ mình là ai mà được quyền miễn nhiễm với bất công đang chực chờ đầy rẫy ngoài kia?
Bất công có thể đến với bất cứ ai và bất cứ lúc nào, chỉ có điều, đừng ngây thơ nghĩ rằng chúng ta có thể miễn nhiễm cho đến trước khi nó ập xuống số phận. Cuộc sống có nhiều lựa chọn, nhưng để lựa chọn đúng, thì đừng bao giờ quên tấm gương ông cụ đất Đồng Tâm, đừng bao giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét