Đã có lần tranh cử như thế
Nguyễn Đình Cống
Ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản, gần như toàn bộ các cuộc bầu cử những chức tước quan trọng không hề có tranh cử. Chưa họp, chưa bầu mà người ta đã biết và kháo nhau ai sẽ làm chức gì. Tuy vậy, ở nơi này nơi nọ, vào lúc ấy lúc kia thỉnh thoảng đã từng xảy ra các cuộc bầu có lựa chọn, trong đó có những cuộc có tranh cử.
Ở cấp cao, từng có cuộc Quốc hội bầu thủ tướng vào năm 1988 (thay Thủ tướng Phạm Hùng vừa qua đời lúc đương chức). Có hai người được giới thiệu. Đầu tiên là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công giới thiệu ông Võ Văn Kiệt, đang là Phó thủ tướng. Ông Kiệt đã nhận lời. Sau đó Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh giới thiệu thêm ông Đỗ Mười, ủy viên Bộ Chính trị. Khi biết ông Mười được đề cử bổ sung thì ông Kiệt xin rút, nhưng Quốc hội không cho rút. Cả hai ông không tranh cử. Kết quả ông Mười thắng. Cuộc bầu này tuy chọn một trong hai, nhưng trước khi bầu người ta cũng biết chắc kết quả.
Trước đây tôi đã viết về cuộc bầu Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng năm 1991 với 5 ứng viên. Cả 5 người đều phải tranh cử. Kết quả GS Nguyễn Văn Chọn thắng cử và làm Hiệu trưởng. Trước đó ông Chọn là Hiệu phó phụ trách đào tạo. Sau nhiệm kỳ ông Chọn, việc bầu Hiệu trưởng bị bãi bỏ. Kế đến GS Nguyễn Như Khải được Bộ trưởng chỉ định từ Hiệu phó phụ trách đào tạo lên làm Hiệu trưởng. Tiếp theo ông Khải là GS Nguyễn Lê Ninh, cũng được chỉ định từ Hiệu phó phụ trách đào tạo. Sau ông Ninh thì TS Nguyễn Văn Hùng, trưởng phòng đào tạo được lãnh đạo Bộ chọn làm Hiệu trưởng. Khi ông Hùng sắp hết nhiệm kỳ, ông giới thiệu TS Nguyễn Văn Mợi, trưởng phòng đào tạo là ứng viên hiệu trưởng tiếp theo. Toàn thể Ban Giám hiệu và Đảng ủy tán thành sự giới thiệu đó và tin tức được loan truyền rộng rãi.
Nhưng để tỏ ra có quyền dân chủ, trường mở hội nghị để lấy ý kiến giới thiệu của toàn thể cán bộ. Kết quả người được trên 60% số phiếu là TS Lê Văn Thành, nguyên Hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất thời Hiệu trưởng Nguyễn Lê Ninh. Trong 4 năm vừa qua ông Thành chỉ làm một thầy giáo bình thường tại Bộ môn Cơ học kết cấu. Ông hiệu trưởng Hùng kiên quyết không để ông Thành nhận một chức vụ gì. Kết quả quá bất ngờ. Thế là bắt đầu cuộc vận động. Một bên là lãnh đạo trường, với cả hệ thống tổ chức, vận động cho ông Mợi. Một bên là là các thầy giáo và cán bộ vận động cho ông Thành. Không thấy hai ông này tự vận động cho mình.
Trong tình hình đó, Tổ chức của Bộ về trường triệu tập cuộc họp cán bộ cốt cán để lấy ý kiến tín nhiệm. Kết quả 50/50. Tiếp theo lấy ý kiến của Đảng ủy. Ông Mợi là đảng ủy viên còn ông Thành chỉ là đảng viên thường. Kết quả bỏ phiếu, ông Mợi được 68%, ông Thành được 32%. Lãnh đạo nhà trường đem kết quả của 3 lần báo cáo lên Bộ để tùy Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân quyết định. Những cán bộ của trường có quan tâm phấp phỏng chờ đợi.
Một buổi chiều, tại văn phòng của Trung tâm Tư vấn Thiết kế có người đề xuất rằng các giáo sư về hưu nên lên tiếng. Do sự thông báo của Đinh Chính Đạo, ngay tối hôm đó tôi đã cùng vài GS hưu trí đến nhà GS Ngô Thế Phong bàn việc. Tôi được giao soạn thảo một thư gửi Bộ trưởng. Tôi đã nhanh chóng soạn, viết ra 1 trang A4, khoảng trên 300 chữ. Đọc lên, các bạn cho là quá dài. Chỉ cần viết thật ngắn. Tôi đã rút ngắn đến mức chỉ còn như sau:
Kính thưa Bộ trưởng. Bộ trưởng sắp quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Xây dựng. Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là cán bộ đã nghỉ hưu, xin trình bày để Bộ trưởng biết rằng chúng tôi ủng hộ ứng viên Lê Văn Thành.
Bức thư quá ngắn, vẻn vẹn 48 chữ, chỉ nói lên ý chính, không nêu lý do, không yêu cầu gì.
Ngay tối hôm đó các bạn đi gặp các bậc lão thành hưu trí để xin chữ ký. Đến 22 giờ đã lập được danh sách 20 người, ghi tên, chức vụ trước khi nghỉ hưu, chủ yếu là các cán bộ lãnh đạo, các giáo sư, phó giáo sư. Đứng đầu danh sách là GS Nguyễn Xuân Đặng và GS Lê Văn Thưởng. Hai ông là nguyên hiệu phó. Ông Đặng nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức, ông Thưởng nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học thời Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ. Tiếp theo là các GS nguyên hiệu trưởng, hiệu phó và các chủ nhiệm khoa. Ngay sáng hôm sau GS Ngô Thế Phong thay mặt những người ký tên đến đưa thư trực tiếp cho Bộ trưởng.
Hình như trước đó lãnh đạo Bộ đã có ý chọn ông Mợi. Sau khi nhận thư, Bộ trưởng tạm dừng việc ra quyết định để cân nhắc kỹ hơn bằng cách yêu cầu mỗi ứng viên lập một đề cương tranh cử và trình bày trước một Hội đồng 7 người, gồm lãnh đạo của Bộ và đại diện của Thành ủy Hà Nội. Mỗi ứng viên trình bày không quá 60 phút. Hội đồng nghe xong, hỏi vài câu, thảo luận và bỏ phiếu. Kết quả 6 người chọn Lê Văn Thành, 1 người bỏ phiếu cho Nguyễn Văn Mợi.
Qua chuyện này có nhiều bình luận khác nhau. Riêng tôi nghĩ rằng quyết định của tập thể Đảng ủy không phải bao giờ cũng đúng. Họ tự ý quyết định rồi gán cho đó là sự lựa chọn của toàn thể cán bộ trong trường (rộng ra là sự lựa chọn của nhân dân, của lịch sử). Ngoài ra để tìm được người xứng đáng để bầu cử thì phải có tranh cử. Chỉ có qua tranh cử trước Hội đồng thì ông Thành và ông Mợi mới thể hiện được tiềm lực và phẩm chất. Đáng ra, hay hơn nên tổ chức cho hai ông đối thoại và tranh cử trước đông đảo cán bộ và sinh viên trong toàn trường.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét