Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

2.9.1945 - 2.9.2020. Có nhiều con đường để đi, nhưng đảng cộng sản kiên quyết lựa chọn con đường tệ hại nhất

 

2.9.1945 - 2.9.2020. Có nhiều con đường để đi, nhưng đảng cộng sản kiên quyết lựa chọn con đường tệ hại nhất

Song Chi

Chỉ tính từ thế kỷ XX cho đến nay, nhân loại đã thử nghiệm nhiều mô hình thể chế chính trị khác nhau, trong đó có mô hình xã hội chủ nghĩa (XHCN) kiểu cộng sản hay XHCN Mác xít (Marxist socialism) mà Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu cũ từng áp dụng, và nó cũng từng tồn tại ở Việt Nam, Trung Quốc. 

Về lý thuyết, lý luận, đó là một xã hội không có giai cấp, mọi người hoàn toàn bình đẳng, không có tư hữu, không có kinh tế tư nhân, một nền kinh tế quốc doanh tập trung do nhà nước bao cấp, quản lý, v.v. Khoan hãy nói đến chuyện độc tài, không có tự do dân chủ, thì chỉ riêng những “lý tưởng” như thế là đã không thể thực hiện thành công, và các nước đi theo mô hình đó đã hoàn toàn thất bại, kể cả Việt Nam và Trung Cộng.

Ai cũng biết ở Việt Nam hay Trung Quốc bây giờ, mặc dù vẫn do đảng cộng sản lãnh đạo, về tên gọi thì Việt Nam vẫn giữ cụm từ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” còn Trung Quốc là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, nhưng thực chất chỉ là những quốc gia độc tài độc đảng, với nền kinh tế tư bản thời hoang dã. Hai quốc gia này đã đi ngược lại hoàn toàn những “lý tưởng”, lý thuyết, lý luận ban đầu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, mà một thời họ tụng ca và dùng nó vẽ lên cái “thiên đường” để mỵ dân. 

Ở Việt Nam hay Trung Quốc hoàn toàn không có bình đẳng xã hội, không có an sinh, phúc lợi xã hội gì cả, mọi thứ là tiền, đi học hay đi khám bệnh, vào bệnh viện… đều phải trả tiền.

Bây giờ mô hình XHCN kiểu cộng sản chắc chỉ còn có… Bắc Hàn. Cu Ba cũng đã “đổi màu” phần nào!

Được khen ngợi nhiều là các nước Bắc Âu: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland. Ba quốc gia Scandinavia Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy là các quốc gia quân chủ lập hiến, trong khi Phần Lan và Iceland là các nước cộng hòa từ thế kỷ 20. Các quốc gia này theo mô hình Dân chủ Xã hội (the Social Democratic model), một nhà nước phúc lợi xã hội với hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, hệ thống an sinh xã hội toàn diện, và các giá trị của nó bắt nguồn từ lý tưởng bình đẳng. Nhưng kinh tế vẫn là kinh tế thị trường, tuy nhiên với tỷ lệ cao lực lượng lao động được công đoàn hóa và tỷ lệ lớn dân số làm việc trong khu vực công (khoảng 30% lực lượng lao động).

Các nước Bắc Âu luôn được đánh giá rất cao về chất lượng cuộc sống, bình đẳng thu nhập, bình đẳng giới, tự do báo chí, và luôn nằm trong top 5 thế giới về Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index), Chỉ số Dân chủ (the Democracy Index), là những quốc gia hạnh phúc nhất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) hàng năm, và cũng là những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trên thế giới.

Có người cho rằng mô hình của các nước Bắc Âu là gần hơn cả với khái niệm xã hội XHCN lý tưởng, nhưng phải nói ngay rằng chả có cái gì giống nhau giữa mô hình Dân chủ Xã hội này với mô hình XHCN tiến lên cộng sản chủ nghĩa do các đảng cộng sản lãnh đạo cả. Người dân tại các quốc gia này được hưởng mọi quyền tự do dân chủ, đa đảng, kinh tế tự do như các quốc gia tư bản khác. Tuy nhiên, họ phải đóng thuế khá cao để có y tế và giáo dục miễn phí, tùy theo thu nhập, thuế có thể từ 20, 25% - 40, 45%. Càng làm ra nhiều tiền thì càng đóng thuế nhiều. Chính vì vậy mà khoảng cách giàu nghèo không quá cách biệt.

Người dân cũng không phải đi làm nhiều, như dân Na Uy đi làm một tuần 5 ngày với 7,5 giờ/ngày tức 37,5 giờ/tuần, một năm có 4-5 tuần lễ nghỉ ăn lương, chưa kể các ngày nghỉ lễ khác. Họ sống tà tà, dành thì giờ đi nghe nhạc, xem phim, chơi thể thao, đi du lịch, và những hobby khác. Mặt tiêu cực của điều đó là đôi khi con người không muốn cố gắng vươn lên để làm giàu hoặc thành đạt hơn nữa, hoặc có một thiểu số ỷ lại, lạm dụng vào chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Ngoài ra, mảng kinh tế tư nhân, dịch vụ tư nhân vẫn còn chiếm tỷ lệ chưa cao trong nền kinh tế quốc gia.

Các nước Canada, Pháp, Đức, Úc… cũng có một hệ thống phúc lợi xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân và giáo dục đại học cho công dân của mình.

Trong khi đó Mỹ là một nước hoàn toàn theo chủ nghĩa tư bản, mọi thứ là thị trường, con người phải cạnh tranh nhiều để tồn tại, điều đó làm nên sự phát triển vượt bực của Mỹ.

Điều quan trọng là mỗi nước lựa chọn được một mô hình chính trị - xã hội phù hợp nhất cho quốc gia dựa trên các yếu tố khách quan và chủ quan thì mới có thể phát triển tốt đẹp.

Các nước Bắc Âu không thể đi theo mô hình của Mỹ và Mỹ cũng không thể áp dụng mô hình của các nước Bắc Âu, vì sự khác biệt lớn về dân số cho tới lịch sử hình thành quốc gia, văn hóa, tập quán sống của con người.

Mỹ là một quốc gia vĩ đại về nhiều mặt, không ai có thể phủ nhận, nhưng Mỹ cũng có những vấn đề nội tại mà những người đang sống trên đất Mỹ đều nhận thấy. Chẳng hạn, khoảng cách giàu nghèo quá lớn do chính sách thuế và cách tổ chức kinh tế; không có bảo hiểm y tế cho mọi người, ở Mỹ, nếu đi làm thì có bảo hiểm qua công việc, nhưng nếu bị mất việc, đau ốm hay tai nạn là bị phá sản, trở thành vô gia cư như không; chưa kể những vấn đề khác như bạo động súng đạn, nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn…

Không có một quốc gia nào là hoàn hảo trên thế giới này. Nhưng cái hay của những quốc gia tự do, dân chủ là người dân luôn luôn có quyền lên tiếng chỉ trích, phản đối, xuống đường biểu tình, báo chí truyền thông săm soi phê phán những người đứng đầu quốc gia và chính phủ hàng ngày, từ đó chính phủ biết mà điều chỉnh những sai sót để xã hội tốt đẹp hơn, quốc gia phát triển hơn nữa.

Nhìn lại trên toàn thế giới, những quốc gia giàu mạnh, phát triển, con người có đời sống tự do, hạnh phúc đều là những quốc gia lựa chọn mô hình tự do, dân chủ, đa đảng, tam quyền phân lập; cho dù là quân chủ lập hiến, dân chủ nghị viện như Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Luxemburg, Thụy Điển, Na Uy…, ở châu Âu hay Nhật Bản ở Châu Á, mô hình nghị viện - liên bang như Đức, cộng hòa bán tổng thống như Pháp, cộng hòa liên bang (chế độ Tổng thống) hoạt động theo hệ thống hai đảng trong phần lớn lịch sử của mình như Hoa Kỳ…

Ngược lại, ở những quốc gia độc tài độc đảng như Việt Nam, vì không có một cơ chế nào để kiểm soát, hạn chế quyền lực của đảng và chính phủ, từ quốc hội, chính phủ, luật pháp cho đến truyền thông đều nằm trong sự kiểm soát, chỉ đạo của đảng cộng sản, người dân nếu lên tiếng chỉ trích, phê phán nhà cầm quyền thì bị xách nhiễu, bắt bớ, cầm tù… nên đảng và nhà nước muốn làm gì thì làm.

Hậu quả là ở Việt Nam, con người hoàn toàn không có tự do dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, về kinh tế thì khoảng cách giàu nghèo quá lớn, bất công xã hội đầy rẫy, người dân đóng đủ loại thuế nhưng lại không được hưởng bất cứ sự hỗ trợ gì từ nhà nước, giáo dục nát bét, đạo đức xã hội xuống cấp, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, tham nhũng trở thành “quốc nạn” không thể diệt trừ… Đối ngoại, một mặt thì đơn độc không có đồng minh vì không dám liên minh với bất cứ nước nào, mặt khác lại lún sâu vào mối quan hệ bất xứng và nguy hiểm với Trung Cộng làm mất bao nhiêu lãnh thổ lãnh hải và thường xuyên bị đe dọa về chủ quyền.

Trong số các quốc gia do đảng CS lãnh đạo còn sót lại trên thế giới, chỉ có mỗi Trung Quốc là giàu mạnh, và đang có tham vọng vươn lên chiếm lấy vị trí dẫn đầu thế giới về nhiều mặt của Hoa Kỳ, nhưng về tình trạng không có tự do, dân chủ, hồ sơ nhân quyền tệ hại hay bất công xã hội, ô nhiễm môi trường… thì cũng như Việt Nam, thậm chí đảng cộng sản Trung Quốc không chỉ tàn ác đối với dân tộc mình như đảng cộng sản Việt Nam mà còn tàn ác với các dân tộc khác như Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, tàn ác với tổ chức Pháp Luân công… khiến thế giới kinh sợ. Đối ngoại thì Trung Cộng hoàn toàn không có “quyền lực mềm”, không có đồng minh thực sự, cái nhìn của đa số các nước trên thế giới đối với Trung Cộng là tiêu cực, dè chừng.

Kể từ khi thành lập cho đến nay, đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra vô số sai lầm, tội ác đối với đất nước, dân tộc, bắt nguồn từ việc chọn lựa một học thuyết sai lầm, lựa chọn một mô hình thể chế chính trị sai lầm. Thời kỳ đầu thì còn có thể bào chữa là do mông muội, học theo Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu cũ, nhưng đến bây giờ thì không còn có lý do gì để bào chữa ngoài việc đảng kiên quyết bám lấy mô hình thể chế chính trị tồi tệ chỉ vì muốn độc quyền ngồi trên đầu trên cổ nhân dân mà thôi.

Sắp đến ngày 2.9. Năm nay chắc đảng và nhà cầm quyền VN sẽ kỷ niệm khá trọng thể bởi vì đây là 75 năm ngày đảng cộng sản chọn làm ngày Quốc khánh VN: 2.9.1945 - 2.9.2020.

Với “bề dày” 75 năm cầm quyền trên miền Bắc và 45 năm độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, Đảng CS chắc chắn không bao giờ muốn thay đổi vì như thế là từ bỏ quyền lực, vấn đề là 95, 96 triệu người dân sẽ chịu đựng tới bao giờ.

Bài viết cho blog RFA 

Phát triển ý từ một status đã post trước đó

S.C.

Nguồn: FB Song Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét