Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Ý nghĩa thực sự của Đạo luật Hong Kong?

Ý nghĩa thực sự của Đạo luật Hong Kong?

2-12-2019
Tuần rồi, Đạo luật Nhân Quyền và Dân chủ Hong Kong 2019 (ĐLNQDC) được TT Donald Trump ký, xem như được thông qua và từ bill sẽ trở thành luật.
Mình đã tìm đọc đạo luật trên trang Quốc hội Mỹ. Thật ra, đạo luật này chủ yếu là một bản điều chỉnh và bổ sung cho Đạo luật Chính sách Hong Kong năm 1992 của Mỹ.
ĐLNQDC 2019 có 3 điểm đáng chú ý:
1. Báo cáo thường niên về tình trạng tự chủ của HK:
Trong Đạo luật 1992 Mỹ đã cho HK tình trạng giao thương và đầu tư đặc biệt, vẫn đối xử với HK như lúc HK còn là thuộc địa của Anh. Tuy nhiên, cũng trong Đạo luật 1992 Mỹ đã trao cho Tổng thống quyền cắt tình trạng giao thương & đầu tư đặc biệt này, nếu Tổng thống quyết định HK không đủ tự chủ (dưới sự quản lý của TQ).
ĐLNQDC 2019 vẫn giữ quyền này của Tổng thống. Nhưng khác với 1992, ĐLNQDC 2019 bắt buộc Chính phủ, thông qua Ngoại trưởng, phải làm một Báo cáo (hay chứng nhận – certification) thường niên đánh giá tình trạng tự chủ của HK. Báo cáo này phải phân tích một danh sách khá dài những yêu cầu, chủ yếu liên quan đến luật pháp và tình trạng những quyền cơ bản của con người ở HK, ví dụ quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, và những quyền khác dựa theo Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền 1948 và Hiệp định Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự 1966.
Như vậy, ĐLNQDC 2019 có đổi mới ở chỗ bắt buộc Chính phủ phải chủ động hơn trong việc giữ sự tự chủ của HK.
2. Đảm bảo visa cho sinh viên Hong Kong
ĐLNQDC 2019 đảm bảo cư dân HK muốn “vào, học tập, làm việc” ở Mỹ được nhân viên sứ quán xét hồ sơ mà không từ chối dựa trên tiền sử bị bắt vì chính trị ở Hong Kong. Nhân viên sứ quán ở HK phải có một bản danh sách những người HK bị chính quyền đặc khu bắt giữ, buộc tội vì thực hiện các nhân quyền cơ bản.
Thật ra, phần này trong Đạo luật chỉ nêu rằng các nhân viên sứ quán sẽ được huấn luyện đặc biệt để xét những hồ sơ này. Nó không thực sự đảm bảo visa cho những người HK rơi vào trường hợp này. Vì, trong lịch sử án lệ của Mỹ, chưa có ai kiện nhân viên sứ quán xét visa Mỹ mà thắng được. Dù sao đi nữa, các nhân viên sứ quán Mỹ vẫn luôn có quyền từ chối visa người nộp đơn. Phần này trong đạo luật chủ yếu như một sự khuyến khích cho những người tham gia biểu tình ở HK, vì hầu hết họ là người trẻ và có thể sẽ xin visa học tập ở Mỹ sau này.
3. Hình phạt với những ai vi phạm nhân quyền
Section 7 trong ĐLNQDC 2019 là phần được chú ý nhất, vì nó đánh thẳng vào quyền lợi của những quan chức nào ra lệnh việc đàn áp biểu tình, vi phạm nhân quyền ở HK.
Sec 7 nói Tổng thống sẽ báo cáo (Quốc hội) về những người nước ngoài nào mà Tổng thống quyết định họ có trách nhiệm trong việc hỏi cung bất hợp pháp, bắt giữ vô cớ, và tra tấn bất cứ người HK nào, hoặc những hành động vi phạm nhân quyền khác ở HK.
Hình phạt (sanction) cho những người này là: đóng băng/chặn tài sản của họ (ở Mỹ hoặc liên quan đến Mỹ); từ chối visa hoặc hủy visa.
Một số báo ghi là “những quan chức HK”, trong khi từ dùng trong ĐL là “foreign person”, như vậy nếu các quan chức của Trung Quốc có dính líu đến đàn áp người biểu tình HK, họ cũng sẽ chịu hình phạt trên.
Có nhà phân tích cho rằng, chữ “determine” – quyết định – trong Sec 7 này cho Tổng thống quyền không xử những quan chức TQ/HK vi phạm nhân quyền. Điều này là chính xác.
Nhưng nên biết rằng, quyền xử phạt những người vi phạm nhân quyền của Tổng thống Mỹ thực ra đã có từ trước ĐLNQDC 2019 HK. Vào năm 2017, Mỹ thông qua Đạo luật Magnitsky để xử những quan chức Nga đã ám sát một luật sư bất đồng chính kiến với chính phủ Nga. Đạo luật Magnitsky cho phép Tổng thống Mỹ sanction tất cả những ai vi phạm nhân quyền ở bất cứ nước nào, bằng hình phạt phong tỏa tài sản ở Mỹ và từ chối/hủy visa. Như vậy, Sec 7 của ĐLNQDC 2019 HK cũng không cho Tổng thống quyền gì mới. Điểm khác biệt duy nhất đó là trong Magnitsky từ được dùng là “may”, còn trong ĐLNQDC 2019 HK từ được dùng là “shall”. Như vậy, Tổng thống Mỹ thích thì xử không thì thôi, nhưng đối với HK Tổng thống “shall” – tức là sẽ phải xử. Nhưng bù lại, Tổng thống Mỹ sẽ phải – “shall” – phạt những ai mà Tổng thống quyết định – “determine” – là đáng bị phạt. Chữ “determine” xem như triệt tiêu chữ “shall” phía trước. Nói cách khác, ĐLNQDC 2019 cố tình bắt Tổng thống chủ động hơn, nhưng quyền quyết định xử hay không vẫn là ở sự quyết định của Tổng thống. Tóm lại, không có gì đảm bảo những ai vi phạm nhân quyền sẽ bị xử. Có thể nói không có gì mới cả.
ĐLNQDC còn có Sec 5 liên quan đến việc kiểm soát luật xuất khẩu, ý muốn ngăn việc Trung Quốc hay lợi dụng HK để nhập khẩu một số hàng hóa của Mỹ mà Mỹ cấm nhập trực tiếp vào Trung Quốc. Mục tiêu chính của phần này mình chưa rõ, nhưng có vẻ như liên quan nhiều đến việc Mỹ muốn ngăn TQ nhập một số phụ kiện, thiết bị dùng cho việc kiểm soát quần chúng, vd Skynet, Sharp Eyes, v.v…
Qua 3 ý trên, ĐLNQDC 2019 cho HK mà Mỹ vừa thông qua bởi lưỡng viện và Tổng thống KHÔNG mang lại nhiều ý nghĩa về mặt pháp lý. Theo đó, ĐLNQDC 2019 được đánh giá mang tính biểu tượng nhiều hơn. Nói cách khác, lần đầu tiên một đạo luật được lưỡng viện thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối như vậy là một áp lực và một tín hiệu mạnh mẽ cho Tổng thống Donald Trump: Quốc hội Mỹ không muốn Trump đánh đổi vấn đề Hong Kong trong thương chiến Mỹ – TQ. Chúc mừng người biểu tình HK vì công cuộc đấu tranh của họ ít nhất đã đánh động và được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét