Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Vụ án Hồ Duy Hải: Hồ sơ tử tù

Vụ án Hồ Duy Hải: Hồ sơ tử tù

Anh Kiệt – Hồ Hùng
2-12-2019
Em gái Hồ Duy Hải nhận thông báo của Viện KSND Tối cao. Ảnh trên mạng
LTS: Vụ 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, Long An) bị sát hại dã man gây rúng động dư luận suốt một thời gian. Các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy xét và tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải. Thế nhưng, việc các cơ quan tố tụng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm sai lệch hồ sơ vụ án đã khiến gia đình và bản thân bị cáo liên tục kêu oan… nên “ngẫu nhiên” hiện nay nạn nhân vẫn chưa phải thi hành án. Sự thật ra sao?
Kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89”
Sau khi nghi can bị bắt, đã hơn 6 năm nay, người nhà của anh ta đã ròng rã lặn lội khắp nơi để kêu oan. Thậm chí, họ đã gửi đơn cho Chủ tịch nước. Tiếc thay đều hoài công. Nhưng bất ngờ, trưa 4/12 – ngay trước ngày thi hành bản án tử 1 ngày (5/12), thì Phó chánh án TAND tỉnh Long An đã ký giấy tạm hoãn, để người nhà tiếp tục kêu oan!
Vì sao người nhà cho rằng nghi can suýt bị tử hình oan?
1. Tuyên án chỉ dựa vào lời khai!
Theo bản án phúc thẩm: Khoảng 19 giờ ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải (SN 1985, tạm trú ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đi xe mô tô của bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột) đến Bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành), vào bên trong ngồi nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh Hồng.
Khoảng 20h30, Hải đưa tiền và kêu Nguyễn Thị Thu Vân, cũng là nhân viên bưu điện, đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với Hồng, nhưng bị chị Hồng phản ứng. Điên tiết, Hải bèn đánh vào mặt, bóp cổ, rồi hung hãn hơn là lấy thớt đập vào mặt và đầu làm chị Hồng bị ngất. Sau đó Hải lấy dao cắt cổ chị Hồng…
Không bao lâu sau, từ chân cầu thang, Hải thấy Vân đi mua trái cây về, kéo đóng cửa sắt và đi vào. Khi Vân vừa xuống phòng sau, Hải lập tức dùng ghế đánh vào đầu Vân làm cô này ngã xuống nền gạch. Sau đó Hải xốc nách Vân kéo đến chỗ xác chị Hồng, đặt đầu Vân nằm trên bụng chị Hồng và lấy dao inox cắt vào cổ chị Vân 2-3 cái. Rồi Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao, bỏ dao vào sau tấm bảng, mở tủ lấy 1,4 triệu đồng, sim card điện thoại, điện thoại Nokia 1.100, xong lại tiếp tục xuống nơi xác chị Hồng và chị Vân nằm lấy nữ trang của các nạn nhân. Xong đâu đó, Hải leo qua hàng rào ngăn giữa sân phía sau và sân trước, lấy xe rồi chạy về nhà dì ruột tên Nguyễn Thị Len, kêu cửa thì được mẹ ruột (chị Loan) mở cửa. Hải cất nữ trang vào bịch nilon rồi đi ngủ.
Và bản án nhận định như sau: “Mặc dù qua điều tra không thu giữ được thớt tròn, dao Thái Lan, song những cung khai của bị cáo đều trùng khớp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bông, bịch trái cây, tấm nệm… Khi khám nghiệm thu con dao không dính máu là phù hợp với cung khai của bị cáo rằng sau khi gây án đã rửa sạch dao. Những cung khai và bản tự khai của bị cáo còn phù hợp với các biên bản nhận dạng về hung khí, về các tài sản đã chiếm đoạt của các nạn nhân, về các địa điểm mà bị cáo đã đến sau khi gây án. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thừa nhận chính là thủ phạm giết chết Hồng và Vân, ngay cả bản tự khai, các bản cung có luật sư, có đại diện viện kiểm sát tham gia, bị cáo đều xác định và mô tả tỉ mỉ hành vi giết người của bị cáo. Toàn bộ chứng cứ có đủ căn cứ xác định Hải là người đã giết chết chị Hồng và chị Vân”.
Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hồ Duy Hải mức án tử hình!
2. Thi hành án tử vào ngày 5/12/2014
Năm 2013, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của bị án. Tuy nhiên, việc thi hành chưa thực hiện vì trong quá trình chuyển đổi hình thức tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc. Theo bản án đã có hiệu lực, Hải bị cấp phúc thẩm tuyên tử hình vào năm 2009. Nhưng suốt từ năm 2009 đến năm 2013 (thời điểm Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá), Hải vẫn chưa bị xử tử do Chủ tịch nước (ông Nguyễn Minh Triết) có 2 lần đề nghị các cơ quan tố tụng báo cáo vụ việc.
Do việc báo cáo kéo dài nên tính đến lúc này, Hải đã bị giam giữ hơn 6 năm. So với nhiều vụ án giết người cướp của khác, tử tù thường bị xử tử sau khi án có hiệu lực chỉ trong thời gian khá ngắn. Theo quyết định thi hành án tử hình do Chánh án TAND tỉnh Long An đã ký trước đó, thì ngày 5/12/2014, Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Long An sẽ thi hành án đối với tử tội Hồ Duy Hải!
3. Hoãn thi hành án tử vào “phút 89”
Nhưng vào “phút 89”, lúc 12h ngày 4/12, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, Thẩm phán Lê Quang Hùng, đã bất ngờ thay mặt Chánh án ký quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hải! Chỉ bằng chưa tới 50 chữ viết tay vào ngoài giờ làm việc và trên tờ giấy A4 cùng chữ ký có đóng dấu tòa, mạng sống của tử tù Hải đã tạm thời không bị tước bỏ.
Sở dĩ việc hoãn thi hành án diễn ra chỉ cách thời gian xử tử chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, là do có lệnh khẩn từ cấp trên. Cụ thể, trong ngày 4/12 TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao cho biết 2 cơ quan này đã nhận được công văn từ Văn phòng Chủ tịch nước do ông Giang Sơn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ký đề nghị các cơ quan này yêu cầu Hội đồng Thi hành án Long An tạm dừng việc thi hành bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải vào ngày 5/12, để xem xét lại vụ án theo đúng trình tự của pháp luật!
Trưa 4/12, khi bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hải đang trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất đáp chuyến bay ra Hà Nội để cầu cứu lần cuối cho con, thì khoảng 10 người thân của Hải đã tụ tập trước trụ sở TAND tỉnh Long An. Những người này giơ cao các tấm bìa carton với những hàng chữ viết bằng bút lông rằng “Kết án tử hình oan sai Hồ Duy Hải! Đại biểu Quốc hội hãy cứu người vô tội…”, “Ngừng thi hành án Hồ Duy Hải”… Họ liên tục la hét, yêu cầu tòa dừng ngay việc thi hành án. Nhiều người đi đường hiếu kỳ tụ tập lại xem và đã gây kẹt đường cục bộ. Cảnh sát trật tự, cơ động lập tức có mặt để ổn định an ninh.
Đến xế trưa 4/12, người nhà báo tin cho bà Loan, mẹ của Hải rằng tòa đã ký lệnh hoãn thi hành án. Bà Loan đã bỏ vé máy bay, tức tốc đi xe ôm từ TP. HCM về lại Long An để gặp người thân và báo chí.
4. Tấm lòng của luật sư
Trong vụ Hồ Duy Hải và gia đình liên tục kêu oan, nhiều luật sư ở TP. HCM suốt nhiều năm qua đã đeo bám vụ việc, tư vấn pháp luật, trực tiếp thu thập chứng cứ, viết đơn đề nghị xem xét lại bản án như luật sư Nguyễn Văn Đạt, luật sư Trần Hồng Phong, luật sư Trần Văn Tạo. Là người bào chữa cho Hải ngay từ đầu, luật sư Đạt đã vạch ra gần 50 điểm sai phạm về tố tụng lẫn nội dung của các cơ quan tố tụng.
Trong bài bào chữa, luật sư Đạt khẳng định, những bằng chứng cơ bản để kết tội Hồ Duy Hải phạm tội giết người như, dấu vân tay: “không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”, theo Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự tỉnh Long An; Hay các tang vật như con dao và cái thớt bị tiêu hủy và sau đó cơ quan cảnh sát điều tra sai dân quân… ra chợ mua về để làm tang chứng. Hoặc vỏ dao màu vàng, cái ghế, đôi dép xốp màu trắng, tóc, dấu vết máu… chưa được Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ.
Thậm chí, các cơ quan chức năng đã để các “dấu vết máu” thu được ở hiện trường kéo dài hơn 5 tháng (13/1/2008 – 14/5/2008) mới đem đi giám định, khiến cho Phân viện Khoa học hình sự tại TP. HCM của Tổng cục Cảnh sát phải kết luận rằng: “Mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh của Bưu cục Cầu Voi là máu người. Nhưng không xác định được nhóm máu do mẫu đã bị phân hủy”. Tức là các dấu vết máu người này thuộc nhóm máu nào, của ai vẫn chưa được xác định. Hoặc tang vật là ‘tóc’ được thu giữ tại hiện trường cũng không được mang đi giám định ADN.
Qua quá trình nghiên cứu vụ án thì luật sư Đạt khẳng định, vụ án có nhiều sai phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự như là: biên bản bị sửa chữa nghiêm trọng mà không có chữ ký xác nhận của “bị can và Điều tra viên” được quy định khoản 2 Điều 132 BLTTHS; Hoặc Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam 3 ngày (kể từ 20 giờ ngày 25/3/2008 đến 20 giờ ngày 28/3/2008) nhưng không có lệnh tạm giữ… Chính vì vậy, ông Đạt yêu cầu phải điều tra cho rõ trước khi tuyên án tử đối với 1 con người.
Box: Tương tự, luật sư Trần Hồng Phong cho biết ông vẫn đang tiếp tục làm đơn gửi đến Chủ tịch nước và các cơ quan chức năng liên quan xem xét để kháng nghị bản án. Ông Phong không tham gia bào chữa cho Hải, nhưng với vụ án có quá nhiều uẩn khúc này, ông đã tự điều tra độc lập, nghiên cứu hồ sơ và phát hiện hàng loạt dấu hiệu sai phạm của các cơ quan tố tụng.
PV: Như vậy, niềm tin của ông và các luật sư khác đã phần nào được đền đáp?
– Luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP. HCM: Tiếng kêu của tôi và gia đình Hồ Duy Hải cũng như các cơ quan báo chí bước đầu đã có kết quả. Dù chặng đường còn dài nhưng đây là sự khích lệ lớn đối với tôi.
– Sau khi tôi gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, cả 2 cơ quan có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm là TAND Tối cao và Viện Kiểm sát ND Tối cao đều đã có văn bản trả lời cho tôi, cho rằng việc xét xử và kết luận về tội danh đối với Hải là đúng người, đúng tội. Thật khó mà nói rằng 2 cơ quan này đã trả lời theo kiểu “ẩu tả”, vô tâm. Đó là quan điểm, cũng là quyền của họ.
Tuy nhiên, cá nhân tôi chưa bao giờ có bất kỳ áp lực nào hay phải đạt được mục tiêu là “thoát tội” cho Hải. Nhưng tôi tin, Hải không giết người!
PV: Đó cũng là lý do mà ông quyết định bảo vệ cho Hải suốt những năm qua?
– Khi gia đình Hải nhờ tôi làm đơn kêu oan, họ cũng chỉ nói rằng họ có niềm tin là Hải bị oan, và có cung cấp cho tôi một số thông tin, nhưng không có chứng cứ, nên tôi không thể công khai. Và tôi cũng nói là tôi chỉ viết đơn đề nghị giám đốc thẩm khi tự mình nhận thấy Hải có dấu hiệu bị kết án oan. Chính vì vậy, trên tinh thần hết sức thận trọng, phân tích kỹ hồ sơ vụ án, quyết tâm tìm bằng được những nhân chứng hay nhân vật quan trọng nhất, tôi mới chính thức gửi lá đơn của mình. Có người hỏi tôi: “Sao anh biết Hải bị oan? Niềm tin nội tâm của anh cho rằng Hải bị oan?”.
Xin thưa rõ: tôi không khẳng định Hải bị oan, cũng hoàn toàn không đặt bất kỳ niềm tin nội tâm nào ở đây cả. Nhưng qua nghiên cứu hồ sơ, qua xác minh, qua trao đổi với đồng nghiệp, trợ lý … tôi không tin là Hải là kẻ giết người. Mà trong đó, chứng cứ ngoại phạm quan trọng nhất là dấu vân tay. Kết luận giám định đã khẳng định dấu vân tay không phải của Hải, trong khi hồ sơ vụ án thể hiện đó là dấu vân tay của kẻ thủ ác.
Vậy làm sao có thể nói kẻ giết người là Hải?
(Còn tiếp)
Lưu ý của Báo Sạch: Chúng tôi muốn đưa những sự thật về vụ án Hồ Duy Hải đến rộng rãi với công luận. Chúng tôi cần các bạn giúp sức. Do đó, cứ mỗi bài đủ 1.000 reactions và 200 shares chúng tôi mới đăng kỳ tiếp theo. Rất cám ơn sự chung tay của các bạn. Cùng nhau chúng ta hãy cứu một mạng người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét