Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Bản tin ngày 29-11-2019

Bản tin ngày 29-11-2019

Trước phiên xử Mobifone mua AVG
Thông tin trước phiên xử vụ AVG: Lần đầu 3 kiểm sát viên cao cấp giữ quyền công tố, theo VOV. TAND TP Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, các bị cáo chính gồm 2 cựu Bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn; Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT AVG; Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone; Võ Văn Mạnh, GĐ Công ty thẩm định AMAX.
Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên ở một phiên xử sơ thẩm, “có tới 3 Kiểm sát viên cao cấp được VKSND Tối cao biệt phái đến giữ quyền công tố tại tòa. Ba kiểm sát viên cao cấp này gồm ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng”.
Trang An Ninh Thủ Đô thống kê: Hơn 40 luật sư tham gia vụ xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Số lượng đông đảo như vậy nhưng thật ra chỉ có 3 LS bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son và 5 LS bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn. Đại diện Bộ 4T và đại diện AVG cũng được mời đến tòa với tư cách là tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, còn đại diện MobiFone thì được mời tới phiên tòa với tư cách là bị hại.
Vay nợ làm đường sắt
Trong khi dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn tiếp tục hứa hẹn ngày vận hành, Hà Nội dự kiến vay 30.572 tỷ đồng làm tuyến đường sắt qua Hồ Gươm, báo Tiền Phong đưa tin. Dự án này được phê duyệt từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2015 với tổng vốn đầu tư đề xuất ban đầu là 19.555 tỉ đồng. Bây giờ UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xin phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.678 tỉ đồng, lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2027.
Đất nước đang bế tắc trong nợ nần, nhưng UBND TP Hà Nội vẫn “hồn nhiên” tuyên bố: “Trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của JICA để đầu tư thực hiện Dự án là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian ân hạn 10 năm, thời gian hoàn trả 30 năm, lãi suất vay vốn thấp hơn, từ 0,1% đến 0,2%/năm so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 7% – 8%/năm”.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Có cần làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với vốn ‘khủng’ 100.000 tỉ đồng? Trước một số ý kiến lo ngại viễn cảnh TQ viện trợ không hoàn lại để lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, sẽ tạo tiền đề để phía TQ đầu tư luôn dự án sau này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trấn an: “Việc xác định đầu tư vào thời điểm nào, ai đầu tư, nguồn vốn từ đâu sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư ra quyết định”
Một độc giả bình luận: “Lập quy hoạch giao thông do chuyên gia nước ngoài làm, có khác gì mở cửa cho họ vào đất nước nghiên cứu địa hình. Lại là con đường huyết mạch nữa chứ. Không hiểu Bộ Giao thông vận tải nghĩ gì khi đồng ý điều này?”
Điều tra viên dùng luật rừng
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Điều tra viên bị tố làm sai lệch hồ sơ được tòa triệu tập. Ngày 28/11/2019, TAND quận Ô Môn, TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lần 3 vụ cố ý gây thương tích ở phường Long Hưng sau 2 lần hoãn tòa. Cán bộ điều tra Công an quận Ô Môn và Công an phường Long Hưng cũng bị tòa triệu tập, sau khi vợ của bị cáo Nguyễn Văn Hận cho rằng, chồng mình bị oan và tố cáo vụ cán bộ chậm giao nộp, bổ sung một dữ liệu liên quan tới vụ án.
Theo hồ sơ vụ việc, chiều 10/3/2018, bị cáo Hận mâu thuẫn với con gái ông Đặng Mừng về vấn đề rào lối đi và xảy ra xô xát, khiến ông Mừng bị thương. Trong quá trình điều tra, bà T, vợ bị cáo Hận “cho rằng chồng mình bị oan và gửi đơn tố cáo điều tra viên Phạm Anh L. có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án”.
Diễn biến mới vụ điều tra viên bị tố có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án: Xuất hiện tình tiết mâu thuẫn, theo VTC. Bản kết luận điều tra bổ sung của Công an quận Ô Môn xác định, ngày 26/6/2019, cán bộ Phạm Văn Quyết đã giao nộp cho Cơ quan CSĐT Công an quận Ô Môn, TP Cần Thơ 1 USB chứa 1 video dài 5 phút 47 giây và 1 video dài 1 phút 27 giây, do người phụ nữ tên Đặng Thị Thu Yên quay lại vụ việc.
Nhưng ông Quyết lại nói: “Hôm đó tôi đang trực ở cơ quan. Thu Yên qua gặp tôi nói là quay được cảnh đánh nhau. Lúc đó lực lượng công an phường xuống tới rồi. Tôi xem qua thấy không có gì nhạy cảm nên xin Thu Yên chép lại. Tôi chép vào máy cơ quan, sợ mất dữ liệu nên có chép vào laptop của tôi nữa. Tôi chỉ chép vậy thôi chứ không làm biên bản”.
Cập nhật vụ Asanzo
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Sharp Việt Nam tiếp tục tố cáo Asanzo giả mạo tài liệu, lừa dối người tiêu dùng. Ông Masashi Kubo, Tổng GĐ Công ty TNHH điện tử Sharp VN ký đơn tố cáo gửi 6 bộ, ngành, tiếp tục tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin sai sự thật của công ty Asanzo. Các cơ quan nhận đơn gồm: Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN và Đội 4 Kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thuộc Tổng cục hải quan.
Theo đơn tố cáo, Sharp trình bày: “Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã có hành vi cố tình tạo ra tài liệu giả mạo với mục đích đánh lừa người tiêu dùng và các cơ quan ngôn luận rằng Asanzo vẫn đang có quan hệ hợp tác với Tập đoàn Sharp, để người tiêu dùng và dư luận tin rằng hàng hóa và công nghệ của Asanzo có nguồn gốc từ Sharp”.
Đơn tố cáo gửi 6 bộ, ngành của Công ty TNHH điện tử Sharp VN. Ảnh: T.M/TT.
Sau khi sự việc diễn tiến theo hướng rất bất lợi cho Asanzo, ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo thừa nhận có nhầm lẫn khi công bố thông tin ‘sở hữu công nghệ Nhật Bản’, theo VTC. Ông Tam nói không muốn tranh cãi về vấn đề này nhưng thừa nhận, đơn vị này từng nhầm lẫn về mốc thời gian khi công bố việc sở hữu công nghệ Nhật Bản. Ông Tam nói: 
“Nói gì thì nói, chúng tôi cũng có cái sai là chưa tìm hiểu kỹ thông tin dẫn đến có những công bố nhầm lẫn. Sau khi để xảy ra sai sót, chúng tôi đã gửi lời xin lỗi tuy nhiên phía Sharp không chấp nhận. Chúng tôi cũng xin đặt lịch hẹn để gặp nhưng vẫn chưa thấy họ trả lời”. Phía Asanzo cho biết họ vẫn đang làm việc với đơn vị thứ 3 để “tìm hiểu và xử lý về các tài liệu được cho là nhầm lẫn”
Tin Hồng Kông
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tổng thống Trump đã ký dự luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong. Ông Trump tuyên bố sau khi ký dự luật Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông: “Tôi đã ký những luật này với sự tôn trọng dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hong Kong. Các luật này được ban hành với hi vọng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc và Hong Kong sẽ có thể giải quyết những khác biệt của họ một cách thiện chí vì nền hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người”.
Bài báo lưu ý, dự luật này “được hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua trong tuần trước”, nhưng Trump không ký ngay mà “ngâm giấm” trong mấy ngày qua, chỉ ký trước khi lưỡng viện QH Hoa Kỳ thực hiện các thủ tục để thông qua luật này mà không cần chữ ký của Tổng thống.
Phía TQ phản ứng ngay sau đó, VOA dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Mỹ sẽ lãnh hậu quả khôn lường vì luật ủng hộ dân chủ Hong Kong. Bắc Kinh tuyên bố, “các âm mưu can thiệp vào thành phố do Trung Quốc cai trị tất phải thất bại”. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Le Yucheng của TQ đã triệu tập Ðại sứ Terry Brandstad của Mỹ, lần thứ hai trong tuần này, để phản đối và yêu cầu Washington phải ngay lập tức chấm dứt can thiệp vào các vấn đề nội bộ của TQ.
Tin giáo dục
Báo Dân Trí đưa tin: Một ứng viên giáo sư xin rút khỏi danh sách công nhận của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước xác nhận, Hội đồng đã nhận đơn của một ứng viên GS ngành Khoa học Trái đất – Mỏ, xin rút khỏi danh sách GS đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư năm 2019 của Hội đồng GS Nhà nước với lý do cá nhân.
Bài báo chỉ cho biết ứng viên GS này thuộc trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, nhưng không nói rõ danh tính. Sau khi người này xin rút dù được công nhận đạt tiêu chuẩn, thì số lượng giáo sư được công nhận năm nay còn 74 người. Vậy là có đến 74 tân “GS” năm 2019 trong một đất nước vẫn đang bế tắc về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị đến xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường…
UBND tỉnh Hòa Bình vừa cách chức giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Bùi Trọng Đắc bị cách chức do “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình”. Trước đó, ngày 5/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp xem xét, thi hành kỷ luật ông Đắc bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Tin môi trường
VnExpress có bài: Không khí ô nhiễm dễ gây mù lòa. Kết quả của một nghiên cứu vừa được công bố bởi các nhà khoa học ở ĐH London ngày 25/11 xác nhận, người dân sinh sống tại các khu vực ô nhiễm có nguy cơ cao bị cườm nước (Glaucoma), còn gọi là chứng tăng nhãn áp dẫn đến mù vĩnh viễn. “Glaucoma xảy ra do sự tổn hại các tế bào võng mạc ở đáy mắt”.
Theo các nhà khoa học nói trên, “6% dân số trong các khu vực ô nhiễm nặng mắc bệnh cườm nước, cao hơn nhiều so với những vùng có môi trường trong lành. Nhiều người có giác mạc mỏng, một trong những tiến triển điển hình của bệnh glaucoma”.
Trang Hành tinh Titanic cho biết: Ngày 27/11/2019, một nhóm nhà khoa học hàng đầu về khí hậu, bao gồm GS Tim Lenton, GĐ Học viện Nghiên cứu các Hệ thống Toàn cầu, thuộc ĐH Exeter, Anh Quốc và nhiều cộng sự khác, đồng xác nhận, hơn một nửa số điểm tới hạn về mặt địa – khí hậu, được xác định trong thập kỷ vừa qua, giờ đây đã thực sự “khởi động” và bị vượt qua. 
Các điểm tới hạn chính bao gồm: 1. Biển băng ở Bắc Cực vẫn đang thu hẹp diện tích, thời gian tạo băng ngày càng rút ngắn so với thời gian tan băng; 2. Phiến băng khổng lồ ở Greenland – lượng băng ở đây ngày càng giảm; 3. Các cánh rừng Phương Bắc – nơi tưởng như lửa cháy rừng không thể lan tới thì trong năm 2019 đã cháy dữ dội ở Canada và các vùng phía Bắc nước Nga; 4. Các tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia và vùng cận cực – vẫn tiếp tục tan chảy, giải phóng các mỏ khí methane. 
Một số điểm tới hạn khác: 5. Dòng Đối lưu Kinh tuyến Đại Tây Dương; 6. Rừng nhiệt đới Amazon; 7. Các rạn san hô ở vùng biển ấm; 8. Phiến băng ở khu vực phía Tây của lục địa Nam Cực; 9. Các khu vực đóng băng ở phía Đông của lục địa Nam Cực. 
Các điểm tới hạn của hệ thống khí hậu trên Trái đất đã được “khởi động”. Nguồn: FB Hành tinh Titanic.
TS Phil Williamson, thuộc ĐH Đông Anglia bình luận: “Thật không may, dự báo của Tim Lenton và các cộng sự, hoàn toàn hợp lý: rằng chúng ta có thể đã không thể kiểm soát được nền khí hậu của hành tinh này nữa”.
Vẫn còn một số ý kiến trên các diễn đàn khí hậu khác cho rằng, con người chưa phải đã hết hy vọng, nhưng với sự hiện diện của các nhân vật như Donald Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin, Boris Johnson, Scott Morrison… làm lãnh đạo các quốc gia hàng đầu thế giới, con người đi tới chỗ diệt vong không còn bao xa.
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét