Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Cuối năm phóng sinh chữ nghĩa

Cuối năm phóng sinh chữ nghĩa

30-1-2019
Thật có lỗi khi nhận đến quyển sách thứ hai của anh Phan Trang Hy gửi tặng mà chưa có một lời cảm ơn anh. Thời sự và công việc thường nhật lôi cuốn đến mức gần như tôi không còn khoảng trống dành cho một sự thư giãn tối thiểu là đọc sách văn nghệ, trừ phi đó là những quyển sách có tính thời sự.
Sáng nay ngồi café một mình, cầm quyển sách mới tặng của anh Phan Trang Hy, bỗng dưng có hứng thú đọc liền một mạch. Có lẽ bởi cái truyện đầu tiên có tên lạ: “Phóng sinh chữ nghĩa”.
Ảnh bìa sách “Phóng sinh chữ nghĩa” của nhà văn Phan Trang Hy
Sau ngày 23 tháng Chạp, tôi ngán tận cổ cái cảnh người Việt phóng sinh động vật. Không biết cái lũ người quỷ ám kia sau mỗi lần phóng sinh như vậy đã hưởng được phúc đức gì khi “chim trời, cá nước” bị biến thành “chim lồng, cá chậu” trong trò chơi phóng sinh tàn nghiệt đến mức một đời chim cá bị cầm tù nhiều lần để được phóng sinh nhiều lần?
Từ ông Táo của dân gian đến ông Phật của Phật giáo khi khúc xạ qua tâm của người Việt hiện đại đã thành quỷ quái. Và tôi hình dung, người Việt sẽ bị quả báo bằng cuộc đày đọa trăm năm nữa mới có tự do đích thực.
Sự thực, người Việt đã từng phóng sinh cho chính mình suốt bốn nghìn năm trường kỳ giống như trò chơi phóng sinh động vật hôm nay. Những cuộc đổ máu để có tự do rồi tự tròng vào cổ chiếc gông nô dịch, rồi lại phóng sinh, và sau mỗi lần như vậy, người ta khắc vào chiếc gông hai chữ “tự do” để giữ sự ổn định .
Không biết anh Phan Trang Hy có “phóng sinh chữ nghĩa” bằng trò chơi như vậy không?
À thì ra câu chuyện của anh có hậu và thú vị hơn nhiều. Cái anh công chức nuôi con cá La Hán mang trên mình 4 chữ Tàu, ngẫu nhiên mà nó từng mang lại cho anh vận hên được thăng quan. Nhưng cái dòng chữ trên người của nó lại vừa như Phật ám lại vừa như Quỷ ám. Tùy tâm mà người ta đọc ra những điều tốt đẹp hay xấu xa. Nhưng dù tốt, dù xấu, những điều ấy đã cầm tù con người trong từ trường của những dòng chữ biến ảo ma ma phật phật đó. Rốt cuộc, anh ta đã phóng sinh con cá, dù nó có trị giá hàng trăm triệu.
Mọi sự nô dịch đều do chữ nghĩa. Con người bày trò phóng sinh cho động vật nhưng không phóng sinh nổi cho chính mình vì chính chữ nghĩa cầm tù con người.
Các nhà cách mạng tin rằng có thể cầm tù con người về thể xác, quyết không thể cầm tù tinh thần. Điều đó có thể đúng cho các nhà cách mạng có tư tưởng khai phóng chứ không đúng cho đám đông. Đám đông thường bị xỏ mũi bởi những tư tưởng huyễn hoặc nhưng lại cả tin về sự tự do. Tôi không nói đám đông dân chúng mà nói đến đám đông được trí thức hóa. Thành phần này thường bị nô dịch hơn cả nhưng lại tự hào là người rành chữ nghĩa.
Phóng sinh chữ nghĩa là thực chất là tự phóng sinh cho chính mình. Đọc xong cái truyện này, tôi day dứt một câu hỏi: liệu trí thức Việt có đủ tỉnh táo và dũng khí tự phóng sinh như anh công chức kia, hay tất cả vẫn đang hứng thú được nhốt tù trong mớ chữ nghĩa bịp bợm mà cha ông ta từng tự hào cả ngàn năm trước?
Tập truyện viết nhiều về biển đảo với nỗi lòng canh cánh của những người dân chài bình dị. Rất cảm động khi những con người bình dị ấy xem biển đảo như một phần máu thịt của mình, sống nhờ biển và chết về với biển. Một đảo bị mất là một phần máu thịt của Mẹ Biển bị cắt ra trong nỗi đau vô hạn của những người con sinh ra và sống chết cùng với biển.
Tôi hình dung, chính những con người ít học này mới không bị nô dịch bởi những tín điều bịp bợm, giả dối trong mớ chữ nghĩa trên kia. Mặc dù đọc các truyện của Phan Trang Hy, không khí tín ngưỡng phủ trùm trên trang sách, ăn sâu trong lòng người dân biển, nhưng đó là tín ngưỡng về người Mẹ Biển vĩ đại với tình yêu thương bao la dành cho những người con đất Việt chứ không phải ảnh hưởng bởi thứ tôn giáo huyễn hoặc nào.

Việt Nam bị tụt 10 bậc trong bảng xếp hạng về tham nhũng trên thế giới

Việt Nam bị tụt 10 bậc trong bảng xếp hạng về tham nhũng trên thế giới

Hiếu Bá Linh, tổng hợp
30-1-2019
Sau chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nạn tham nhũng, suy thoái của các quan chức ở Việt Nam đã được phơi bày nhiều hơn. Điều này được thể hiện trong Chỉ số CPI năm 2018 của Việt Nam, đã bị giảm 2 điểm và tụt 10 bậc so với năm 2017 trong bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế, có trụ sở chính tại Berlin, thủ đô nước Đức.
Chỉ số CPI năm 2018: Việt Nam chỉ đạt 33 điểm (tối đa 100 điểm), giảm 2 điểm và xếp hạng thứ 117, tụt mất 10 bậc so với năm 2017. Nguồn: Transparency International
Trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 29/01/2019 vừa qua, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency – TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, Việt Nam xếp hạng thứ 117 trong tổng số 180 nước, tụt xuống 10 bậc so với năm 2017.
Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) dựa trên đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về mức độ tham nhũng trong khu vực công. Thang điểm được chấm từ 0 – 100, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch. Năm 2018 Việt Nam chỉ đạt 33 điểm, giảm mất 2 điểm so với năm 2017.
GSTS Edda Müller (đứng), Chủ tịch tổ chức Minh bạch Quốc tế, công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2018, trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 29/01/2019. Ảnh trên mạng
Chỉ số CPI năm 2018 của Việt Nam được tính dựa trên 8 nguồn dữ liệu, là những khảo sát quốc tế độc lập. Việt Nam chỉ đạt 33 điểm/100 điểm, cho thấy, tình hình tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng. Có thể nói, nhờ chiến dịch “đốt lò”, chống tham nhũng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, nên nạn tham nhũng, hối lộ, suy thoái, biến chất của lãnh đạo đảng viên ở Việt Nam được phơi bày nhiều hơn, làm giảm chỉ số CPI của Việt Nam trong năm qua.
Để chống tham nhũng có hiệu quả, tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra những đề nghị cụ thể cho Việt Nam như sau:
– Việt Nam nên xử lý thực sự nghiêm minh và công bằng các vụ án tham nhũng,
– Tăng cường liêm chính trong khu vực công,
– Và thực hiện hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Các nước đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng. Nguồn: Transparency International
Năm 2018, Đan Mạch và New Zealand tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với điểm số lần lượt là 88 và 87 điểm. Khu vực các nước Châu Âu nói chung vẫn là khu vực có điểm số cao nhất (Phần Lan bằng điểm với Thuỵ Điển và Thuỵ Sỹ: 85 điểm, Na Uy 84 điểm, Hà Lan 82 điểm, Luxembourg 81, Đức và Anh cùng 80 điểm).
Tại khu vực Châu Á, ngoài Singapore, Hong Kong và Nhật là hai đại diện có thứ hạng khá cao, lần lượt là 76 điểm và 73 điểm. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là đại diện duy nhất có mặt trong top 10 các nước trong sạch nhất với 85 điểm. Đứng cuối bảng xếp hạng là các nước Somalia (10 điểm) và Syria (13 điểm).
Mối liên quan rõ ràng giữa tham nhũng và dân chủ
Theo đánh giá của tổ chức Minh bạch Quốc tế, có một mối liên quan rõ ràng giữa tham nhũng và sự suy giảm các cơ cấu nhà nước pháp quyền và dân chủ. Tham nhũng phát triển mạnh khi các thiết chế dân chủ bị suy yếu và không gian tự do cho xã hội dân sự và các phương tiện báo chí truyền thông độc lập bị thu hẹp.
Trong cuộc họp báo nêu trên, Giáo sư TS Edda Müller, Chủ tịch tổ chức Minh bạch Quốc tế, khẳng định: “Để chống tham nhũng, chúng ta phải ta phải tăng cường các thiết chế dân chủ và nhà nước pháp quyền của chúng taNó bao gồm một xã hội dân sự sinh động và các phương tiện báo chí truyền thông độc lập thực hiện việc giám sát quan trọng mà không phải sợ hãi và không bị hạn chế, hầu bảo vệ nền dân chủ đa nguyên”.
Từ hơn 10 năm nay tổ chức Minh bạch Quốc tế có mở một chi nhánh ở Việt Nam, được gọi là Tổ chức Hướng tới Minh bạch, một tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Địa chỉ văn phòng: Số 37, ngõ 35, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.
Nhân sự của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam. Ảnh trên mạng

Kết quả xử án vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

Kết quả xử án vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

30-1-2019
Một vụ án nằm ngoài hiểu biết của tôi, nhưng một cựu bác sĩ cứ khăng khăng đòi tôi phải lên tiếng bênh vực bác sĩ Hoàng Công Lương. Và có vẻ như oán trách tại sao tôi không lên tiếng.
Lâu nay tôi chỉ lên tiếng trong phạm vi tôi hiểu biết, tất nhiên là chỉ hiểu biết về luật khi mọi việc đã rõ. Còn khuất tất gì đó trong chuyên môn hẹp thì tôi chào thua. Không thể bạ đâu múa mồm đó.
Vụ án chạy thận ở Hòa Bình gây chết 9 mạng người là một vụ án phức tạp, mà khuất tất thì thuộc về chuyên môn của ngành y. Ngay cả có hồ sơ vụ án trong tay, người ngoài chuyên môn cũng không dễ lên tiếng.
Sự thực là tôi lên tiếng ngay từ đầu, tất nhiên đòi xét xử khách quan, đúng người đúng tội theo luật chứ không việc gì phải bênh vực ai. Bài mới nhất cách đây mấy ngày là phản đối luật sư của công ty Thiên Sơn đòi hoãn vụ án. Lý do luật sư đòi hoãn vụ án là có bằng chứng về một âm mưu đầu độc, nhưng lạ là anh ta đòi cung cấp bí mật cho cơ quan điều tra. Tôi hỏi bác sĩ “đầu độc bệnh nhân sắp chết với động cơ gì”, nếu không phải động cơ lúc này của luật sư là trì hoãn phiên tòa để… chạy án?
Theo thông tin đa chiều, từ kết quả điều tra và từ phía luật sư của BS. Lương, căn cứ theo luật, tôi cho rằng cần phải xét xử cả ba đối tượng: lãnh đạo bệnh viện Hòa Bình, công ty Thiên Sơn và… cả BS. Lương đúng như tòa đã làm. Dù theo luật sư của BS. Lương, hồ sơ vụ án có nhiều chỗ khuất tất, nhưng BS. Lương cũng không thể chối cãi rằng, chính mình là người có hiểu biết chuyên môn, phụ trách chính và trực tiếp ra y lệnh vận hành máy chạy thận với hậu quả gây chết 9 mạng người.
Dù là tai nạn nghề nghiệp, nhưng bác sĩ không thể không chịu một phần trách nhiệm về cái chết oan của 9 con người kia. Luật quy định dù vô ý gây chết người (điều này cũng giống như những tai nạn khác, tai nạn giao thông chẳng hạn), người trực tiếp để xảy ra tai nạn vẫn phải chịu trách nhiệm về sự vô trách nhiệm. Nếu không chịu trách nhiệm nào, tôi dám chắc các bác sĩ sẽ trở thành đao phủ!
Hình phạt nghiêm khắc có tác dụng răn đe bác sĩ trong thời đại các trường y không giáo dục y đức đến nơi đến chốn. Nhà tôi có không ít anh em, con cháu là bác sĩ và tôi biết bài học y đức hiện nay được thay bằng giáo trình “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đối với ngành y”.
Học tập chính trị để làm y đức thì bác sĩ dễ lạnh như tiền. Ba tôi chết không nhắm mắt vì 2 ngày thở ô xy mà không có bác sĩ nào đến thăm, chỉ giao cho một cô hộ lý mập như trâu, cả ngày ngồi trong phòng ăn vặt, đến khi tôi gào lên bình ô xy không hoạt động nó vẫn ung dung ăn cho đến khi ba tôi tắt thở. Bác sĩ còn lạnh như tiền đến mức tôi xin đưa xác ba tôi về quê sớm, tôi ở lại thanh toán sau, nhưng bác sĩ trực khoa lúc đó kiên quyết không chịu, buộc phơi xác ba tôi ở bệnh viên hơn hai tiếng để vợ tôi chạy xuôi chạy ngược thanh toán hết viện phí rồi mới chịu cho đưa xác ba tôi về.
Lâu nay tòa án chỉ xét xử một vài bác sĩ ở phòng khám tư, trong khi bác sĩ ở bệnh viện công dù có vô trách nhiệm đến mấy cũng an toàn như không. Mà ai từng ở bệnh viện rồi đều biết. Không có tiền lót tay ngoài viện phí, các bác sĩ thường lạnh như tiền, vì ai chết nấy chịu.
Vụ chạy thận ở Hòa Bình gây chết đến 9 mạng người chứ nếu một vài mạng người, tôi dám chắc sự vụ sẽ chìm xuồng. Vụ này không thể cảm tính chạy theo dư luận, rằng BS. Hoàng Công Lương vô tội. Tất nhiên, theo tôi, Lương tội một thì lãnh đạo bệnh viện và công ty Thiên Sơn tội mười mới đúng.
____

Bài 5: Những ám ảnh phía sau lời luận tội

Bài 5: Những ám ảnh phía sau lời luận tội

30-1-2019
Trong lời luận tội tại phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận nhân tạo những ngày qua, có nhiều vấn đề ám ảnh chúng tôi về tính thực, hư, chính xác của lời luận tội cho đến tận bây giờ. Những nội dung này là luận điểm vững chắc của cơ quan truy tố dùng để buộc tội đối với bác sĩ Lương, song hoàn toàn không thuyết phục nên đây là lý do khiến tôi viết tiếp bài này.
KSV xác định rằng theo quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành thận tiết niệu ban hành kèm theo Quyết định số 4590 từ nam 2000 của Bộ Y tế quy định bác sĩ lọc máu chu kỳ phải được đào tạo về kỹ thuật. Y lệnh của bác sĩ Nguễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền phải có chữ ký của bác sĩ Lương xác nhận mới có giá trị chạy thận…Do vậy việc y lệnh và ký xác nhận y lệnh của Hoàng Công Lương có tính quyết định trong việc kết nối máy chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29/5/2017.
Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa chiều 18/01/219, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng Khoa thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai) đã khẳng định Quy chế Khoa lọc máu quy định tại Quy chế Bệnh viện từ năm 1997 đến nay đã có phần lạc hậu, việc chạy thận nhân tạo liên tục thực hiện theo các quy trình mới do Bộ Y tế ban hành. Như vậy, chúng tôi nhận thấy việc đại diện VKS áp dụng quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành thận tiết niệu ban hành kèm theo Quyết định 4590 vào năm 2000 để buộc tội Hoàng Công Lương do quy định “Bác sĩ lọc máu chu kỳ phải được đào tạo về kỹ thuật” là không phù hợp vì tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, đang áp dụng theo quy trình quy định tại QĐ 3592 ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế. Mặt khác, nếu cơ quan truy tố cáo buộc Hoàng Công Lương việc ký xác nhận y lệnh cho bác sĩ Linh và bác sĩ Huyền có tính quyết định, thì như vậy chúng tôi cũng có thể đưa ra lập luận rằng nếu các bác sĩ này không thăm khám bệnh nhân, không đề nghị y lệnh, cũng như điều dưỡng viên Điệp không thông báo hệ thốn RO2 đã sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường; điều dưỡng viên Hậu không khởi động test máy và thông báo chỉ số đồng hồ đo độ dẫn diện trong giới hạn an toàn thì Hoàng Công Lương không ra y lệnh, và như vậy cũng không có hậu quả xảy ra. Trách nhiệm của các bác sĩ được đánh giá không sai phạm, trách nhiệm của điều dưỡng không phải xử lý thì Hoàng Công Lương đương nhiên không phạm tội hình sự được.
VKS cũng luận tội rằng qua lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu, điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng và 12 điều dưỡng đơn nguyên lọc máu và đơn nguyên HSTC trong giai đoạn điều tra bổ sung cho thấy Hoàng Công Lương được Hoàng Đình Khiếu phân công nhiệm vụ phụ trách chuyên môn điều trị tại đơn nguyên lọc máu.
Về vấn đề này, có lẽ VKS đã thoát ly khỏi những chứng cứ được cơ quan điều tra thu thập như sau:
+ Tại văn bản số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018 của Sở Y tế Hoà Bình trả lời cơ quan điều tra đã khẳng định:
“- Tại khoản 1,2 Điều 1 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định: 1. Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 2. Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
– Theo nội dung quy định tại Phần II Quy chế Bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 đã quy định về quy chế nhiệm vụ,quyền hạn, chức trách cá nhân của bác sĩ điều trị.
Theo nội dung của 02 văn bản nêu trên không có quy định về trách nhiệm của bác sĩ được giao phụ trách chuyên môn bác sĩ điều trị.”
+ Điều này cũng phù hợp với ý kiến của ông Hoàng Đình Khiếu tại Biên bản ghi lời khai ngày 19/6/2018: “Tôi phân công bác sĩ Lương phụ trách chuyên môn điều trị vì tôi là Trưởng khoa, chứ chưa có văn bản pháp luật nào quy định bác sĩ phụ trách chuyên môn điều trị” (BL 9267)
VKS luận tội cho rằng, Hoàng Công Lương phải biết tầm quan trọng nước RO dùng trong lọc máu sau tẩy rửa hệ thống đường ống phải có xét nghiệm hóa chất tồn dư, là điều kiện đảm bảo chất lượng nước bởi căn cứ Lương là người ký Biên bản kiểm tra xác định tình trạng sửa chữa hệ thống RO2 và ký thừa lệnh Trưởng khoa thể hiện rõ là tẩy rửa màng RO, hệ thống đường ống tuần hoàn.
Vấn đề này, tại bài viết thứ hai về những cứ “giả mạo” buộc tội Hoàng Công Lương, chúng tôi đã chỉ ra không có Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị hệ thống RO2, không hề có đề xuất sửa chữa RO2…mà tất cả là tạo lập, giả mạo từ giấy tờ phục vụ cho sửa chữa hệ thống RO1 nào đó. Chữ ký thừa lệnh Trưởng khoa của Hoàng Công Lương là sửa chữa hệ thống RO1 trước đây, không phải cho hệ thống RO2 vào ngày 28/5/2017. Còn vấn đề xét nghiệm tồn dư hóa chất là bắt buộc, nhưng VKS nghĩ sao khi biết rằng acid HF và HCL mà Bùi Mạnh Quốc dùng để tẩy rửa màng RO không có que thử hay thanh thử cho hóa chất này (không dùng trong khử khuẩn y tế) thì làm sao xét nghiệm nhanh tồn dư hóa chất?
Tiếp theo, VKS cũng luận tội buộc Lương căn cứ vào quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo của Bộ Y tế và của BVĐK tỉnh Hòa Bình có quy định mức kiểm tra máy không còn chất sát trùng…Với trình độ chuyên môn mà Lương được đào tạo buộc Bị cáo phải biết tầm quan trọng của nước RO, phải biết trước khi chạy máy phải kiểm tra không còn chất sát trùng trước, trong và sau khi lọc máu…
Về điểm này, chúng tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn về chuyên môn của cơ quan truy tố vì quy định các bước tiến hành trong đó có chuẩn bị, khởi động máy tại quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật TNT ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có yêu cầu phải kiểm tra máy thận, lưu lượng 500ml/phút, không còn chất sát trùng…thì đây là công việc của điều dưỡng viên, không phải của bác sĩ điều trị. Hơn nữa, việc kiểm tra không còn chất sát trùng cần hiểu rằng thông thường người ta sử dụng peracitic để sát trùng, việc làm này vô cùng đơn giản vì máy thận tự động báo và chất sát trùng phải kiểm tra này là chất sát trùng làm sạch đường ống bên trong máy thận, không liên quan gì đến hệ thống RO cấp nước cho máy thận. Chất sát trùng dùng cho đường ống máy thận không phải là chất acid đã dùng sực rửa hệ thống RO. Cơ quan truy tố cần nghiêm túc nghiên cứu và nhìn nhận lại việc buộc tội của mình vì tôi cho rằng có sự sai lầm về kiến thức khi buộc tội.
VKS luận tội Hoàng Công Lương là người ra y lệnh, có vai trò là cánh cửa chốt chặn cuối cùng để nguồn nước không thể đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả.
Chúng tôi thấy rằng ép lên Lương trách nhiệm của “cánh cửa chốt chặn” cuối cùng là không phù hợp với thực tế diễn biến hành vi và sự thật vụ án. Bởi lẽ:
+ Ngay vào ngày xảy ra sự cố 29/5/2017, vào hồi 22h30 Sơn đã cho lời khai tại Cơ quan điều tra: “Đến ngày 29/5/2017 tôi đi kiểm tra thiết bị máy thì có phát hiện độ dẫn điện đạt mức 8 (là mức an toàn). Sau đó, tôi có đi đến các buồng số 1, số 2 thấy các máy chạy thận đã được test qua và đang tiến hành lắp, chuẩn bị máy chạy thận cho bệnh nhân” (BL 859). Như vậy, tại thời điểm sáng 29/5/2017 khi Sơn đi kiểm tra thì đơn nguyên TNT mới đang chuẩn bị máy chạy thận cho người bệnh, chưa thực hiện lọc máu chu kỳ kỹ thuật TNT. Nếu Sơn biết nhiệm vụ còn phải lấy mẫu nước RO đi xét nghiệm, chưa thể tiến hành chạy thận thì Sơn phải yêu cầu đơn nguyên và ngăn chặn các điều dưỡng dừng test, tiến hành lắp máy cho người bệnh. Đây là cánh cửa chốt chặn trong tay Sơn sau ngay cả khi đã có hay chưa có y lệnh của Hoàng Công Lương.
+ Theo lời khai của Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng thì đầu giờ sáng, lúc bắt đầu chạy thận cho một số bệnh nhân đầu tiên, Sơn và Quốc đã có mặt tại khoa gặp Hằng và nói về việc lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng sau đó hẹn đến trưa quay lại lấy. Điều này chứng minh, họ đã đồng ý để cho đơn nguyên TNT thực hiện lọc máu cho các bệnh nhân khi chưa cần lấy mẫu nước xét nghiệm. Nếu họ cho rằng phải có kết quả xét nghiệm mẫu nước, mới cho hoạt động thì vì sao lại không yêu cầu điều dưỡng Hằng cho dừng ngay chạy thận vào đầu giờ sáng mà mặc nhiên đồng ý với nhau đến trưa mới lẫy mẫu nước mang đi xét nghiệm?
+ Còn một thực tế nữa, hệ thống RO2 sửa chữa, bảo dưỡng xong nếu cần lấy mẫu nước xét nghiệm thì có thể lấy mẫu nước ở ngay sau màng RO và sau tank RO2, không cần dừng chạy thận hay chờ hết ca lọc mới có thể lấy mẫu nước RO; chỉ trong trường hợp lấy mẫu nước để xét nghiệm endotoxin đối với hệ thống HDFonline (tức lấy qua hệ thống RO mini) mới phải dừng chạy thận khi cần lấy mẫu nước. Do vậy, việc Sơn và Quốc đồng ý để chờ lấy mẫu nước không phải là nhằm xét nghiệm cho chất lượng nước RO2 sau sửa chữa, bảo dưỡng.
+ Nếu Sơn và Quốc thông báo cho Hoàng Công Lương việc cần lấy mẫu nước xét nghiệm mới cho chạy thận và nếu điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng thông báo cho Hoàng Công Lương việc Sơn và Quốc xuống lấy mẫu nước đầu giờ sáng nhưng thống nhất để đến trưa …mà Lương vẫn ra y lệnh hoặc đã ra y lệnh khi biết các thông tin mà không y lệnh dừng lọc máu thì mới có cơ sở để quy buộc phần nào trách nhiệm thiếu sót của Lương!
Chỉ với những tình tiết khách quan liệt kê ở trên, cũng đủ thấy phía sau y lệnh của Hoàng Công Lương còn nhiều các cơ hội khác để ngăn chặn thảm họa của những người có trách nhiệm với công việc được giao, đó mới đúng là cánh cửa cốt chặn cuối cùng không để hậu quả ngày 29/5/2017 xảy ra nhưng không ai làm cả; tuyệt nhiên không là công việc và trách nhiệm của Hoàng Công Lương, cớ sao buộc tội bác sĩ này?
(Bài 6: Hệ thống RO – thiết bị y tế hay thiết bị thông thường?)

Thủ tướng nghiêng tai nghe thiên hạ

Thủ tướng nghiêng tai nghe thiên hạ

30-1-2019
1. Xưa Vệ Ưởng sang Tần yết kiến Tần Hiếu Công. Vệ Ưởng lấy Đế Đạo ra hiến kế. Vua Tần buồn ngủ không nghe. Đuổi Vệ Ưởng đi.
Vệ Ưởng lại tìm cách yết kiến Tần Hiếu Công lần nữa. Rồi đem Vương Đạo giảng giải cho vua Tần. Tần Hiếu Công vui vẻ hơn nhưng vẫn chưa dùng Vệ Ưởng.
Lần thứ ba yết kiến, Vệ Ưởng lấy Bá Đạo ra hiến kế. Vua Tần thích thú nghe mấy ngày vẫn đòi nghe tiếp. Tần Hiếu Công phong Vệ Ưởng làm tướng quốc. Nước Tần bá đạo thiên hạ nhờ Biến Pháp Thương Ưởng.
Ấy là vì Tần Hiếu Công cho rằng Đế Đạo và Vương Đạo là chuyện cao xa viển vông, còn Bá Đạo làm cho nước Tần hùng cường là chuyện thiết thực, nên mới nghe Vệ Ưởng. Nhưng đã nghe rồi thì nghe mấy ngày không chán để hiểu kế sách. Nhưng nghe chưa đủ để thực thi. Thực thi thì phải dùng người. Dùng người thì phải dùng vào vị trí cao nhất.
2. Nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêng tai nghe trí thức cả nước hiến kế trị quốc (29/01/2019, Baochinhphu.vn). Mưu sĩ của Thủ tướng triệu tập một lúc cả 300 người cùng đến. Tiếng là đại diện cho 4 triệu trí thức cả nước, nhưng thực ra cũng không hẳn vậy. Lại chỉ được nghe trong vòng một buổi. Cả trăm người cả trăm ý kiến. Mỗi người chỉ nói được về lĩnh vực của mình trong vòng vài phút. Thành ra trăm kế như trăm chiếc gai vỏ mít. Không đâm thủng được tấm da bò. Nói chi đến kế sách trị quốc, bình thiên hạ.
3. Thủ tướng có cả trăm mưu sĩ. Nhưng chưa thấy ai giúp cho Thủ tướng có bài phát biểu được thán phục như bài phát biểu của TT Obama tại TT Hội Nghị Quốc gia hôm 24/5/2016. Đã không được thế, lại còn hiến kế cho Thủ tướng “biến cô đẹp gái thành con hổ mới”, như trong truyện “ Tây Du Ký.”
4. Thần thiêng nhờ bộ hạ. Trước khi cải cách nội các, Thủ tướng phải cải cách văn phòng của mình trước một bước. Ai cũng bị giới hạn về thời gian và trí lực. Thủ tướng phải tập trung trí lực để giải quyết những vấn đề tối quan trọng của quốc gia. Thủ tướng sẽ không có thời gian dành cho các sự kiện cũng như các cuộc chúc thăm hình thức. Muốn tập trung trí lực cho đại sự, Thủ tướng rất cần bộ hạ giỏi.
5. Thủ tướng muốn nghiêng tai nghe mưu kế của nhân sĩ thì cũng nên tham khảo cách làm của tiền nhân. Chọn người mà nghe. Nghe phải nghe điều mới lạ. Nghe phải nhiều ngày.
Bởi thế, Thủ tướng phải nghiêng tai vào hướng khác. Những người mà bộ hạ của Thủ tướng triệu tập, họ chỉ biết ngợi ca một chiều trước mặt Thủ tướng. Nhưng khi nghiêng tai về hướng khác, Thủ tướng nghe được những điều họ nói sau lưng Thủ tướng.
Quan trọng hơn, nghiêng tai về hướng khác thì Thủ tướng sẽ nghe được tiếng nói của muôn dân – kết tinh từ khí thiêng của non song đất nước.
Khi nghe được tiếng nói của muôn dân rồi thì phải sử dụng. Đặt lên hàng “ Quốc Phụ”. Cùng ăn, cùng đi, như hình với bóng.
Lúc đó, cô gái đẹp sẽ biến thành nàng tiên. Không bao giờ trở thành hoang thú.

Sử dụng tổng cục tình báo để lũng đoạn bộ máy nhà nước, lẽ nào chỉ bị kết án như những kẻ trộm vặt?


Sử dụng tổng cục tình báo để lũng đoạn bộ máy nhà nước, lẽ nào chỉ bị kết án như những kẻ trộm vặt?

30-1-2019
Những văn bản đóng dấu tuyệt mật do hai ông tướng Thứ trưởng Bộ Công an ký được phát tán trên mạng từ lâu trước khi Vũ nhôm bị khởi tố, đã không ai dám xác nhận chúng là thật hay là giả. Nay Cáo trạng tại phiên tòa đang diễn ra đã gián tiếp xác nhận chúng là có thật.
Cần biết rằng, Tổng cục Tình báo Bộ Công an là một tổ chức siêu quyền lực. Với chức trách của nó, người dân có thể không việc gì phải sợ, nhưng tất cả các quan chức, không trừ một cấp nào, đều phải sợ nó. Nói cho công bằng, nếu cơ quan này làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì các quan chức lương thiện không việc gì phải sợ nó. Nhưng nhìn thấy Vũ nhôm làm mưa làm gió cùng với những văn bản tuyệt mật kia, không ai là không sợ Tổng cục Tình báo Bộ Công an.
Tôi đồ rằng, trừ các vị “tứ trụ”, không một quan chức nào là không sợ Tổng cục Tình báo, kéo theo đó sợ luôn Vũ nhôm. Vì sao vậy? Vì những báo cáo của Tổng cục Tình báo đều là tuyệt mật, ngay cả trong Bộ Chính trị cũng không phải ai cũng có quyền tiếp cận. Người ta có lý do để sợ rằng, khi những người lãnh đạo của nó bị thoái hóa biến chất, Tổng cục này hễ đưa ai vào danh sách cần phải theo dõi thì coi như người đó tàn đời. Đương sự không thể nào biết được mình có bị theo dõi hay không, có bị quy kết quan hệ chính trị bất minh hay không, có bị quy kết “cộng tác với địch” hay không. Những báo cáo quy kết tuyệt mật đó có thể không gây chết chóc tù tội gì, nhưng hễ đến đợt bầu bán bổ nhiệm đề bạt thì có người sẽ “thò” cái báo cáo đó ra, đương sự đâu thể nào biết mà thanh minh thanh nga gì được. Cho nên tốt nhất là không đụng tới Vũ nhôm và những người lãnh đạo Tổng cục Tình báo.
Tôi nghĩ rằng, nếu không có sự chỉ đạo của cụ Tổng Bí thư thì không ai có thể phá được đường dây phản dân hại nước này. Và nó sẽ làm những chuyện bí mật tày đình nào nữa sẽ không một ai biết được, dù biết cũng không ai dám mở miệng.
Bởi vậy, các văn bản của Bộ Công an do 2 ông tướng kia ký, đừng nói là văn bản mang tính chất đề nghị về thủ tục, mà là các văn bản có hiệu lực trên thực tế còn hơn là văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, vì không ai có đủ gan dám phản đối.
Và theo tôi mới được biết thì chỉ có một người (còn có ai nữa thì tôi chưa nghe nói). Đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ trước Võ Duy Khương. Ông Khương đã lên kế hoạch bán đấu giá khu nhà 16 Bạch Đằng, nhưng Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND thành phố mang cái văn bản do một trong hai ông tướng kia ký ra yêu cầu bán chỉ định cho Vũ nhôm không qua đấu giá (khu nhà này có tới 3 văn bản tuyệt mật gửi xuống ép, chứ không phải một). Ông Khương đã phát biểu với lãnh đạo thành phố rằng bán công sản theo yêu cầu của các văn bản tuyệt mật kia là sai luật, ông đề nghị báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, nhưng Thường trực Ủy ban vẫn bán cho Vũ nhôm mà không dám xin ý kiến Thủ tướng theo đề nghị của ông Khương.
Cáo trạng chỉ đề nghị hai ông nguyên Thứ trưởng Bộ Công an mức án 30-42 tháng tù, tôi thấy cơ quan công tố vẫn xem thường luật pháp. Sử dụng Tổng cục Tình báo để lũng đoạn bộ máy Nhà nước mưu cầu lợi ích cho cá nhân, xé bỏ pháp quyền mà chính Bộ Công an phải có trách nhiệm bảo vệ, lẽ nào chỉ bị phạt một mức án như những kẻ trộm vặt?