Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Chưa bao giờ Cộng Hòa đoàn kết hơn


Chưa bao giờ Cộng Hòa đoàn kết hơn

Hoàng Ngọc Nguyên
30-9-2018
Tuần qua (17-23 tháng 9) là một tuần cực kỳ sôi nổi – thực ra, có tuần nào dưới thời Donald Trump mà chẳng sôi nổi. Đó là thành công rõ ràng nhất của ông – không thể chối cãi. Ông vẫn chủ trương tạo ra chuyện hàng ngày, bất kể tai tiếng, miễn là được ngưòi ta nói đến, nhắc nhở thường xuyên. Và đó cũng là cách ông củng cố – không cần tăng cường – quần chúng cơ sở của mình. Ông vẫn tin rằng khi chuyện này chưa xong đã tiếp nối bằng chuyện khác, rốt cuộc mọi chuyện sẽ qua hết và ông vẫn được an toàn. Bởi thế ông vẫn tự hào từ trước đến nay chưa có tổng thống nào như ông.
Gallup là một hãng thăm dò rất kỳ cựu vẫn được ông Trump tín nhiệm. Mặc dù các hãng thăm dò khác nhau thường đưa ra những kết quả giống nhau, nhưng khi nào nói đến CNN hay Washington Post, ông gọi ngay đó là “fake news”, trong khi đó Gallup quá “cổ điển” nên ông thường không đụng đến.
Thế nhưng trong tuần qua, Gallup đưa ra kết quả thăm dò suy nghĩ của người dân về đạo đức, luân lý của các tổng thống gần đây của nước Mỹ. Tính từ thời Tổng thống Richard Nixon (sau đó: Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George Bush cha, Bill Clinton, George Bush con, Barack Obama và Trump).
Kết luận của Gallup: Bình thường, hay trước khi có ông Trump, người ta vẫn nghĩ Nixon là số 1, Clinton là số 2, nhưng nay ông Trump đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong mắt thế giới cho nên đoạt vương miện của Dick và Bill; chưa đến một nửa số người được hỏi (43%) cho rằng đạo đức của Trump tồi tệ hơn Nixon, nhưng chỉ có 37% nói ông Trump đạo đức hơn Nixon.
Ông Trump thua nặng các ông Reagan, Carter và hai cha con ông Bush với tỷ lệ 2/1. Ông Trump cũng thua đáng kể ông Obama – đến hơn 60% cho rằng người tiền nhiệm của ông Trump có tư cách đạo dức hơn. Ngay cả ông Clinton cũng hơn hẳn ông Trump. Nixon là người nổi tiếng với vụ Watergate, khiến ông phải từ chức để tránh truất bãi. Clinton bị “đàn hặc” vào năm 1998 vì tội nói dối và cản trở công lý liên quan đến chuyện ông bò dưới bàn trong Phòng Bầu Dục, nhưng được “tha bổng” khi đưa ra Thượng Viện xét xử. Lẽ ra bà Clinton trước những tai tiếng như thế phải biết ngưng tham vọng chính trị, nhất là sau khi đã ngồi ở Thượng Viện tám năm và bốn năm làm ngoại trưởng cho Tổng thống Obama, người đã không đủ can đảm để nói với bà dù chỉ trong hai chữ: “Thôi đi”.
Một sự kiện “bình thường” cũng đáng nhắc lại đây nhân cuộc thăm dò. Điểm về đạo đức của ông Trump xuống thấp là phải vì ông vẫn còn dây dưa với vụ án “vui một đêm nay” với cô đào phim bạo dâm Stormy Daniels – cô này một vài tuần tới sẽ tung ra một cuốn sách bạo dâm không kém có tựa là “Full Disclosure”, “nói hết” câu chuyện “cái đêm hôm đó đêm gì” mà nữ diễn viên là cô và nam diễn viên duy nhất là ông Trump. Dù chỉ một đêm thôi nhưng vui cũng quá chừng mà tai hại cũng khôn kể. Đố ông Trump ngồi yên được khi cô này không ngại nêu ra từng chi tiết nhỏ về ngoại hình, ngoại vật của ông trong sách đề chứng tỏ câu chuyện là có thật.
Và còn câu chuyện “thông đồng với người Nga” trong bầu cử tổng thống năm 2016 đang có thể nổ ra hai tội khác: trốn thuế và cản trở luật pháp. Những chuyện này tất trầm trọng hơn, tai tiếng hơn, bẩn thỉu hơn những vụ Watergate và Monica Lewinsky. Như thế mà ông Trump chưa bị “đàn hặc”, đúng ông là “thiên tài rất ổn định”. Hay “Nước Mỹ thời nay đã hỏng rồi?”
Người ta kể lại rằng bà Kellyane Conway phụ tá của ông Trump hỏi ông “Cho thiếp hỏi, tại sao điện hạ đọc tin về kết quả thăm dò không hay như thế mà còn cười được?”; ông đáp, miệng cười mỉm như Tào Tháo trên đường tháo chạy trong trận Xích Bích năm nào: “Nàng không hiểu. Ta cười là vì cho đến nay vẫn có đến hơn 1/3 người trong quần chúng chưa sáng mắt ra”.
Đúng là trong thăm dò này, đến 80% người Cộng Hòa vẫn nhiệt tình ủng hộ ông Trump và cho rằng đạo đức của ông vượt trội bao nhiêu tổng thống Dân Chủ. Người Cộng Hòa vẫn tin rằng ông Trump có căn tu (hú), cho nên có thể thua ông Reagan và Bush cha, nhưng hơn ông Nixon và Bush con. Bởi thế, ông Trump mới cười.
Sách lược thành công của ông Truimp hiện nay đang được thử thách trong “vụ án Brett Kanavaugh”. Số là sau khi thẩm phán Tối cao Pháp viện Anthony Kennedy đã có ác ý từ chức về hưu kịp thời vào thời điểm này để cho ông Trump nói riêng và đảng Cộng Hòa nói chung một cơ hội bằng vàng tiêu diệt sự “trung lập” của Tối cao Pháp viện. Ông Trump đã tức thì đề cử Chánh án Tòa Kháng án Brett Kavanaugh thay thế và thúc hối Thượng Viện mà nay đảng Cộng Hòa đang nắm đa số, sớm thông qua trước khi có bầu cử giữa mùa (6/11) vì e rằng sau bầu cử tương quan giữa hai đảng ờ viện trên có thể thay đổi. Đương nhiên, những người Dân Chủ cô thế tại Thượng Viện hết sức bối rối, tưởng như vô kế khả thi. Lẽ ra trong tuần lễ giữa tháng chín, Thượng Viện đã biểu quyết thông qua đề cử của ông Trump, và ít nhất đảng Cộng Hòa cũng có được 50 hay 51 phiếu – chưa kể một số thượng nghị sĩ Dân Chủ vì bầu cử sắp đến cũng có thể phá rào bỏ phiếu cho ông Kanavaugh để kiếm phiếu của cử tri Cộng Hòa.
Thế nhưng ở đâu bỗng xuất hiện bà Christine Blasey Ford, 51 tuổi, một nhà tâm lý học và tiến sĩ giáo sư khoa thống kê tại Đại học Palo Alto (San Francisco, California), lên tiếng tố cáo ông Kavanaugh vào năm 1982, khi bà mới 15, từng tìm cách cưỡng hiếp bà tại một hội tiệc của trường trung học tại Maryland, trước mặt một người bạn a tòng. Bà nói phải lên tiếng vì đó là vấn đề lương tâm và nghĩa vụ công dân. Bà đã gởi thơ đến cho Thượng nghị sĩ Dân Chủ Dianne Fenstein của tiểu bang California, và bà Feinstein chuyển bức thư đến cho cơ quan FBI cuối tháng tám đề nghị mở cuộc điều tra. Bởi thế mới có chuyện tạm đình hoãn việc bỏ phiếu thông qua đề cử của ông Trump để làm sáng tỏ vấn đề.
Bà Ford và phía đảng Dân Chủ muốn có một cuộc điều tra của FBI trước khi Thượng Viện mở cuộc điều trần, tức mời người tố cáo ra Thượng Viện để trả lời chất vấn. Có điều tra, đương nhiên phải có chuyện thẩm cung một số người. Đây là chuyện sẽ kéo dài. Cho nên những người Cộng Hòa tại Thượng Viện không chịu, nói rằng chính Thượng Viện sẽ điều tra, không để cho FBI can dự vào, và họ sẽ chỉ để cho bà Ford điều trần. Không chịu thì thôi.
Mặc dù dư luận báo chí hầu như đồng tình cho rằng đây là một chuyện nghiêm trọng, bà Ford không thể bịa đặt ra câu chuyện này, cho nên cần thời gian điều tra, cần nhân chứng. Tuy nhiên, vào thời nay, Đệ tứ quyền cũng không qua được sự độc quyền đa số đảng trị. Cho nên, cuối cùng xem chừng bà Ford chịu ra “tòa Thượng Viện” cuối tuần này (24-29 tháng 9) để cho mấy thượng nghị sĩ Cộng Hòa “làm thịt”.
Câu chuyện này ngày càng khó lường và dễ đoán. Người bạn của Kavanaugh tham dự trò chơi của ông Kavanaugh cách đây 36 năm nói rằng ông ta chẳng nhớ gì một chuyện xa xưa như thế. Có nghĩa là ông không phủ nhận nhưng cũng không xác nhận. Nhiều người cũng nói một chuyện đã 35 năm rồi, làm sao nhớ chính xác được. Nhưng ta nên hiểu rằng nhớ chính xác hay không, câu chuyện này cũng không thể nào quên được với một cô gái 15 tuổi.
Ông Kavanaugh thì nghe lời của một người nhiều kinh nghiệm là Tổng thống Trump, cứ chối phăng. Và còn có thể tố ngược. Cũng có người Cộng Hòa đưa ra giả thuyết có thể bà Ford nhầm người tấn công mình với ông Kavanaugh chăng! Với thế đa số, những người Cộng Hòa có thể kết thúc cuộc khẩu tra này trong một tuần. Và có lẽ cuối cùng, Kavanaugh cũng trở thành thẩm phán trẻ nhất của TCPV Mỹ, cho dù dư luận nay đang đồn đoán mọi chuyện, đại khái là đảng Cộng Hòa đang nhức đầu vì sợ chuyện tai tiếng này sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Hạ Viện và Thượng Viện vài tuần tới đây.
Ai cũng có thể nhớ chuyện cách đây 28 năm, Tổng thống Bush cha đề cử ông Clarence Thomas da đen làm thẩm phán TCPV, cô Anita Hill, một giáo sư luật và từng làm việc với ông Thomas, đã lên tiếng tố cáo ông này lạm dụng cô thường xuyên. Nhưng cuối cùng, Thượng Viện với đa số là Cộng Hòa cũng thông qua. Thomas trở thành chánh án TCPV ù ù cạc cạc nhất lịch sử. Và lịch sử xem chừng cũng đang tái diễn.
Đáng để ý là ông Trump bỗng dưng đã tỏ ra “khả ái”, dịu dàng cho đến khi ông “trở mặt” vào ngày thứ sáu 21-9. Ông biết rằng nếu ông Kavanaugh nghe lời ông, quyết liệt phủ nhận tới cùng (tôi không biết, không có làm, không nhớ) thì chuyện nào cũng qua. Đây là sách lược vô cùng hiệu quả của ông Trump đề chống lại cao trào Me-Too. Ông Trump cứ nói “Không, Vạn lần không” cho nên 19 người nói Me-Too với ông đều thất bại. Huống chi ông Kavanaugh chỉ bị một người tố. Cho nên ông Trump vừa nói “tụi Dân Chủ chơi ông Kavanaugh chẳng đàng hoàng tí nào”, nhưng cũng nói “cứ tiến hành tiến trình điều trần đi”. Vì ông biết FBI sẽ không điều tra, và Thượng Viện rồi sẽ cho chìm xuồng tất cả.
Ngày thứ năm, báo chí đưa tin ông Trump đang đắc chí vì ai cũng trầm trồ và ngạc nhiên tại sao ông bỗng quá “nice”. Ông Trump nghĩ rằng hoặc ông sai lầm trong phản ứng có thể gây hiểu lầm, hoặc dư luận đánh giá sai lầm về ông. Cho nên hôm thứ sáu, ông “trở mặt”, không ngại ngùng tấn công bà Ford. Đúng là ông làm người ta kinh ngạc hơn nữa. Ông nói: Nếu bà Ford bị cưỡng bức mạnh tay, mạnh chân như thế, tại sao bà hay cha mẹ của bà không đi tố cáo với chức trách. Ông còn đòi bà phải trưng ra hồ sơ, ghi rõ ngày tháng, thời gian và nơi chốn của “hiện trường”.
Những đòi hỏi này bằng thừa, bởi vì khi ra điều trần thế nào bà cũng nói. Người ta đoán chừng rằng ông Trump sợ mất khí thế với quần chúng ủng hộ ông, cho nên ông phải thay đổi thái độ, không sợ mất phiếu phụ nữ nữa. Bà Susan Collins, thượng nghị sĩ Cộng Hòa của tiểu bang Maine, nói rằng phản ứng của ông Trump là sai lầm và thiếu hiểu biết. Biết bao nhiêu người bị cưỡng hiếp đã giữ im lặng không dám tố cáo? Đương nhiên, trong tuần này độc giả có thể biết rõ hơn diễn tiến của câu chuyện Me-Too của bà Christine Blasey Ford. Câu chuyện này đã làm mờ nhạt bao nhiêu chuyện trong tuần hấp dẫn, đáng nói khác.
Ví dụ như chuyện ông Trump nhất quyết leo thang trong chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc, cho nên đầu tuần ra quyết định áp đặt thuế quan trên 200 tỷ hàng hóa của Trung Quốc. Người ta phỏng đoán nhiều lý do. Hoặc vì ông Trump không ngồi yên được và quen nghĩ rằng trong chiến tranh mậu dịch là cần và dễ thắng. Hoặc ông tức giận vì Trung Quốc chưa chịu đầu hàng mà cứ đòi thương lượng; hoặc bầu cử đến nơi, ông Trump muốn làm tỏ mặt anh hùng với quần chúng cử tri vẫn ủng hộ ông; hoặc ông Trump đi nước cờ liều lĩnh nhưng có tính toán theo cách của ông: ông đánh Trung Quốc sụm thì sẽ được sự ủng hộ rộng rãi trên thế giới, còn kinh tế nước Mỹ đang mạnh, còn có thể chịu được những thiệt hại cho cuộc chiến này gây ra. Ngay tức thì, Trung Quốc nói rằng họ không có lựa chọn nào khác, nên trả đòn trên 60 tỷ hàng hóa nhập vào Trung Quốc từ Mỹ.
Tính toán của ông Trump có thể chỉ có thế: hàng của Mỹ nhập từ Trung Quốc nhiều hơn hàng của Trung Quốc nhập từ Mỹ. Cho nên Trung Quốc thiệt hại nặng hơn. Nhưng ông Trump quên rằng trong chiến tranh, nhất là chiến tranh mậu dịch, đôi bên đều bị thiệt hại, tổn thất. Và thiệt hại của Mỹ đang nhằm vào những nạn nhân là giới tiêu thụ, giới nông dân ở những tiểu bang ủng hộ ông Trump. Nạn lạm phát hay thất nghiệp đều đang đe dọa, và có nhiều khả năng dẫn đến suy thoái mới hay khủng hoảng tài chánh. Bởi vậy ông Trump nguyền rủa Trung Quốc chơi khăm ông trước ngày bầu cử, và đe dọa ông sẽ còn làm tới – cho đến khi ông vào chân tường! Phải chăng chung quanh ông Trump, chẳng ai khuyên can được ông? Nhất là trong khi nước Mỹ đang dồn sức lo cứu trợ cho đồng bào bị bão lụt ở Carolina.
Hiện ông Trump đang còn lo đối phó với hai cuốn sách sắp ra sau khi đã vất vả với dư luận quần chúng với cuốn sách “Fear: Trump in the White House” của nhà báo Bob Woodward. Hai tác giả đều là phụ nữ. Một người là bà Hillary Clinton, mà ông Trump vẫn thường xuyên chưởi rủa. Để đáp lại, trong cuốn sách “What happened”, bà Clinton gọi ông Trump là “gian hùng”, “vô lại”, là một tai họa khủng khiếp cho nước Mỹ mà một nền dân chủ què quặt đang dung túng một cách khó hiểu.

Ông Trump đang chuẩn bị đối phó với hai tác giả của hai cuốn sách sắp ra

Một cuốn khác, như đã nói, lại có vẻ thân mật, gần gũi với ông Trump hơn. Đó là cuốn “Nói Hết”, để cho độc giả tin rằng Stormy Daniels quả thật biết rất rõ, đến từng sợi tóc, con người bên trong của Tổng thống cách đây 12 năm, bởi vì ông Trump đã không che đậy gì cả với “nàng”. Đây là cuốn sách hấp dẫn, phần đầu kể lại đoạn đời đầu đường của nàng lúc còn nhỏ đã bị cha lạm dụng, phần sau là kinh nghiệm hiếm có với một người khách chơi, nay là tổng thống Mỹ. Chỉ có điều, “Full Disclosure” có thể bị xem là dâm thư như câu chuyện “Cô giáo Thảo”.
Vừa qua, ở Pháp tòa án quyết định phải giám định tâm thần bà Marine Le Pen, chủ tịch Mặt trận Dân tộc, từng là ứng cử viên tổng thống năm 2016 đại diện cho phía da trắng bảo thủ cực đoan. Bà Le Pen đã đưa lên mạng Facebook của bà hình ảnh loạn quân Nhà nước Hồi giáo chặt đầu một người da trắng. Bà đã chống lại quyết định này. Phải chăng bà chống lại một tiền lệ có thể ảnh hưởng đến lãnh đạo ở các nước khác – như ông Trump chẳng hạn, là người cũng bị tiếng tâm thần bất ổn.
Vấn đề tâm thần của ông Trump sở dĩ được đặt ra vì mới đây, ông gợi ý với thủ tướng Tây Ban Nha để chống lại “hiểm họa xâm nhập của người Ả-Rập Hồi giáo vào Tây Ban Nha, chính phủ Madrid nên bỏ tiền xây tường ở Sahara như Mỹ nay đang muốn xây tường biên giới với Mexico. Người nghe đúng là ngạc nhiên và thích thú: ông Trump không có được ý niệm sa mạc Sahara bao lớn, là lãnh thổ của ai, và Tây Ban Nha dính líu gì mà phải xây tường. Nhất là kinh tế Tây Ban Nha khủng hoảng mấy năm nay, tiền đâu mà bỏ ra hàng trăm tỷ đô la xây tường. Hay Tây ban Nha cứ xây trước, rồi bắt các nước Hồi giáo trả lại sau? Ngay cả Mỹ cũng không có ngân quỹ cho nên ông Trump cứ mang tiếng “hứa cuội” về chuyện xây tường.
Nếu không tâm thần, ông Trump đã không than thở trở lại: “Tôi không có Tổng biện lý” (Attorney General – tức Bộ trưởng Tư pháp). Bởi vì ông Trump vẫn cay cú Bộ trưởng Jeff Sessions chẳng làm gì để đình chỉ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cho nên có lẽ ông Trump sẽ gặp rắc rối lớn với Paul Manafort, từng là trưởng ban vận động tranh cử của ông Trump năm 2016, trong vài tuần tới mà không sao đỡ được. Người ta đã nhắc ông Trump: Sessions là tổng biện lý của nước Mỹ, chẳng phải của riêng ông, nhưng tâm thần ông không đủ ồn định để hiểu.
Và bởi vậy, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosentein đã xem xét áp dụng Tu chánh án 25 trong trường hợp năng lực và tâm thần như tổng thống, phải chăng phải đưa phó tổng thống lên thay cho kịp thời. Đó là câu chuyện rôm rã trong cuối tuần. Ông Rosentein từng tính thu băng đối thoại với ông Trump và tập hợp thế lực trong Quốc Hội đề bứng đi tổng thống đương nhiệm.
Câu chuyện đương nhiên còn dài. Nhưng chúng ta dù sao cũng phải lắc đầu bái phục ông Trump. Ông như thế mà ngồi lâu hơn Nixon. Vì Watergate, Nixon đến tháng 8 năm 1974 đã phải nhường ghế cho Phó tổng thống Ford. Đảng Cộng Hòa thời nay cũng mạnh hơn, đoàn kết hơn so với năm 1974, vì Cộng Hòa 1974 không phải là đảng của Nixon, nhưng đảng Cộng Hòa năm nay là đảng của Trump!

Nhất thể hóa – Trẻ trâu chơi trận giả


Nhất thể hóa – Trẻ trâu chơi trận giả

1-10-2018
Cái chúng ta cần cho một quốc gia tiến bộ là bao nhiêu % ghế đối lập trong quốc hội, tổ chức nghị viện, nghị sĩ và bầu cử được giám sát ra sao, chứ không phải 2,3 hay 4 người lãnh đạo. Tổ chức nghị viện và bầu cử tốt, khắc sẽ có người lãnh đạo tốt.
Nhất thể hoá thì lại rập khuôn Trung Quốc. Còn nếu theo kiểu Tổng bí thư cuối cùng – Tổng thống đầu tiên, ta lại quay về với bài học của Nga. Chả có gì đáng vui mừng, hoan hỉ.
Thời buổi đa chiều, không cần nghĩ giống nhau, cũng không nhất thiết phải chung một chủ thuyết, một con đường. Có nhiều người nghĩ khác nhau và chịu chung một sự chế tài của pháp luật mới có thể mạnh lên được.
Suy cho cùng, tất cả đều là vì dân. Sự cạnh tranh khốc liệt bao giờ dân cũng được lợi, bất kể đó là bài toán kinh tế hay chính trị. Nó có lợi cả về vấn đề tìm kiếm nhân tài, kìm hãm quyền lực và thượng tôn pháp luật.
Một chi tiết máy đồng bộ với dây chuyền thì bao giờ dây chuyền cũng vận hành trơn tru, êm ái. Nửa kia, nửa tiến bộ của thế giới hoàn toàn khác với ta, nếu ta là một chi tiết không phù hợp, ta sẽ lắp ráp thế nào để cùng chạy với họ, hướng tới sự tiến bộ?
Đừng nghĩ rằng ta có đặc thù gì đó về tuyền thống, văn hoá để rồi tự tách biệt khỏi thế giới văn minh. Trong 4,5 thập kỷ qua, quốc gia nào nhận ra điều này, quốc gia ấy đều phát triển thần tốc. Singapore hay nhiều quốc gia Đông Âu là những ví dụ điển hình,…
Chậm tới đích bao nhiêu, tương lai dân tộc càng đen tối bấy nhiêu. Dân tộc càng bị chia cắt, phân rã và xung đột tư tưởng.
Thế giới hiện tại, một bên là Trung Quốc, một bên là Mỹ. Đừng ngu ngơ đem dân tộc mình làm chuột bạch, thí điểm cho sự xung đột ấy.
Tưởng chừng như ta đang bị động giữa 2 luồng tư tưởng, nhưng, nếu không mạnh dạn đi một bước dài, kiên quyết và mạch lạc, tương lai sẽ bị động gấp đôi.
Ta đã từng khăng khít với những người bạn Nga, bạn Trung Quốc trong quá khứ. Các mối quan hệ này không giúp dân tộc phát triển được. Thậm chí nó còn gây chia rẽ ngay trong lòng dân tộc.
Vậy tại sao ta không mạnh dạn thử với người bạn Mỹ trong thập kỷ tới xem sao? Ta chần chừ điều gì khi họ vẫn luôn nhìn ta với con mắt đầy thiện chí?

Chuyện lạ ở LH các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam: Tuyển người gần 50 tuổi vào biên chế nhà nước


Chuyện lạ ở LH các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam: Tuyển người gần 50 tuổi vào biên chế nhà nước

Lê Văn Đỏ
30-9-2018
Trong khi Chính phủ đang chủ trương tinh giản biên chế, các cơ quan, ban ngành cứ 2 người nghỉ hưu thì mới được tuyển 1 suất biên chế để thay thế, vậy mà Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tuyển liền một lúc 6 suất biên chế, trong đó có người đã gần… 50 tuổi.
Những ngày gần đây, cán bộ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (số 53 Nguyễn Du, Hà Nội) xôn xao bàn tán về việc cơ quan tuyển liền một lúc 6 suất biên chế không qua thi tuyển, mà theo hình thức xét tuyển. Điều khuất tất ở đây là việc tuyển dụng này tiến hành âm thầm, không thông báo rộng rãi cho cán bộ cơ quan biết, mà tự ý lãnh đạo thích cho ai thì cho. Không có tiêu chuẩn cho các chức danh xét tuyển.
Trong số những người được tuyển dụng, toàn là con cháu, người thân của lãnh đạo, hoặc có người đã chạy chọt từ lâu. Bởi thế, mới có chuyện lạ đời là 4/6 người được tuyển đã quá tuổi theo quy định của Nhà nước.
Cụ thể, 6 người được tuyển dụng biên chế ở cơ quan này là: Lê Văn Hồng (sinh năm 1969, đã 49 tuổi); Nguyễn Minh Thuận (sinh năm 1972, đã 46 tuổi); Trần Hồng Ánh (sinh năm 1973, đã 45 tuổi); Chu Tú Hoa (sinh năm 1973, đã 45 tuổi); Trần Dũng Hà (sinh năm 1979); Tạ Thanh Quế (sinh năm 1979).
Theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tại Điều 5 “Điều kiện của người đăng ký dự tuyển viên chức” thì: “Tuổi đời dự tuyển từ đủ 18 tuổi đến dưới 45 tuổi. Đối với ngành nghề đặc biệt, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và có thể trên 45 tuổi nhưng không được quá 50 tuổi”.
Thông tư số10/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước” thì chỉ các chức danh: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Viên chức trong doanh nghiệp nhà nước; Cán bộ, công chức cấp xã; Những người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ thuộc chuyên ngành phù hợp với ngạch viên chức tuyển dụng… mới được quyền quá tuổi 45 và dưới 50 tuổi.
Như vậy, xét theo quy định mà Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành, thì Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng, khi tuyển 4/6 người đã quá tuổi quy định vào biên chế (chiếm tới 2/3 số người được tuyển).
Một điều cũng cần nói thêm, đó là trong số 6 người vừa được tuyển biên chế này, có 2 người là Lê Văn Hồng và Trần Hồng Ánh vừa mới về Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam được 3-4 năm, trong khi nhiều cán bộ làm việc tại cơ quan này hàng chục năm không được xét biên chế. Tìm hiểu thì được biết, cả 2 người này là đồng hương của ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Và cả 2 người này cũng là những trường hợp quá tuổi xét tuyển biên chế.

Ông Phạm văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, là người phải chịu trách nhiệm về những sai phạm về tuyển dụng ở cơ quan này. Ảnh: Tác giả gửi tới

Không chỉ vi phạm quy định của Chính phủ về tuyển dụng biên chế, với việc tuyển dụng liền một lúc 6 suất biên chế, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã vi phạm Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký.
Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW thì: “Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 – 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp”.
Cũng cần nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam làm việc bất chấp pháp luật. Những sai phạm về tài chính, về tuyển dụng nhân sự của cơ quan này đã nhiều lần bị nêu trên các trang mạng xã hội như Danlambao, danluan.org… Bản thân các ông Phạm Văn Tân (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký); Đặng Vũ Minh (Chủ tịch); Phan Tùng Mậu (Phó chủ tịch) đã từng bị tố cáo ăn hối lộ, đưa người nhà, con cháu vào lũng đoạn cơ quan, phong chức bừa bãi cho đàn em thân tín, chèn ép các cán bộ ngay thẳng trung thực, khiến một ông Phó ban Khoa học (một người có năng lực chuyên môn và ngoại ngữ rất giỏi), vì uất ức phải xin về hưu non. Trong khi đó, họ lại tuyển dụng vào biên chế toàn những kẻ mà tiếng Anh không biết 1 câu vào biên chế. (Trong số tuyển dụng biên chế lần này có 1 anh xuất thân lái xe, học đại học tại chức).
Chúng tôi, những cán bộ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khẩn thiết mong Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ vào thanh tra vấn đề khuất tất trong tuyển dụng cán bộ của cơ quan này. Đồng thời cũng mong Bộ Tài chính vào kiểm tra những sai phạm về tài chính, ăn hối lộ, rút tỉa ngân sách của lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Đài Tiếng nói Việt Nam gỡ bỏ bài có ảnh viên chức BNG Việt Nam ngủ giữa hội trường LHQ


Đài Tiếng nói Việt Nam gỡ bỏ bài có ảnh viên chức BNG Việt Nam ngủ giữa hội trường LHQ

Hiếu Bá Linh
30-9-2018

Ảnh chụp màn hình báo mạng Iran, đưa tin viên chức BNG Việt Nam ngủ say sưa giữa phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc

Hôm qua, ngày 29/09/2018 báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam đăng bài viết “Sự thật sau bức ảnh thành viên phái đoàn Việt Nam ngủ say tại phòng họp LHQ”, nhưng chưa đầy một ngày sau đã phải gỡ bỏ bài báo này. Hiện trên Google vẫn còn lưu dấu tích của nó.
Trong vài ngày qua, báo chí khắp thế giới, như báo Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Iran v.v… đã đăng tin và hình ảnh một đại biểu Việt Nam ngủ say sưa trong một tư thế phản cảm tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc ở New York – Mỹ.
Sau khi bức ảnh “làm nhục quốc thể” này gây một cơn bão lớn chưa từng có trên mạng, một số cơ quan truyền thông trong nước đã vội vã đăng những bài chữa cháy, điển hình là bài viết trên trang báo điện tử của kênh truyền hình VTC News ngày 29/9/2018 và cũng được đăng trên trang báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bài viết nêu trên cho rằng bức ảnh gốc của Hãng Thông tấn Pháp AFP đã bị cắt xén mất “hình ảnh cô gái bên cạnh thành viên phái đoàn Việt Nam” (trích nguyên văn), và thành viên phái đoàn Việt Nam không ngủ trong phiên họp mà là trong “thời gian nghỉ giải lao giữa giờ thảo luận”.
Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đăng bài viết này vào ngày 29/09/2018, nhưng chưa đầy 1 ngày sau đã cho gỡ bỏ bài báo này. Hiện nay trên Google vẫn còn dấu tích của nó.

Dấu tích trên Google của bài báo trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đã bị gỡ bỏ.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu nguyên do vì sao Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng gỡ bài báo xuống.
1.- Bức ảnh có bị cắt xén hay không?
Sự thật là phóng viên AFP đã chụp 2 bức ảnh khác nhau và cả 2 bức ảnh này đã được tác giả rao bán trên mạng với giá 475 Euro mỗi tấm. Ghi chú bên phải của mỗi bức ảnh ghi rõ:
– Tác giả của cả 2 tấm ảnh là ông Don Emmert, phóng viên của Hãng Thông tấn Pháp AFP.
– Ngày chụp 2 tấm ảnh là 25/09/2018, ngày khai mạc Phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ Khóa 73.
– Mỗi tấm hình đều có kích thước, độ lớn, độ phân giải khác nhau.
Như vậy là hoàn toàn không có chuyện cắt xén bức ảnh. Tờ báo mạng của Iran (xem ảnh chụp màn hình ở trên) đăng cả 2 tấm ảnh song song với nhau trong bản tin của mình.

Bức ảnh được Getty Images rao báo với giá 475 EUD trên mạng

2.- Ngủ say trong lúc đang họp hay trong thời gian giải lao?
Tác giả 2 bức ảnh này là Don Emmert,Trưởng phòng phóng viên ảnh của AFP tại Newyork, đã chú thích rõ dưới mỗi bức ảnh  là “naps during the General Debate” nghĩa là ngủ trong lúc đang họp chứ không phải “trong thời gian giải lao”.
Kể cả bức ảnh “bên cạnh thành viên phái đoàn Việt Nam đang ngủ có một phụ nữ mang balo, khom lưng ngồi dùng điện thoại” cũng được tác giả ghi chú là “một thành viên Phái đoàn Việt Nam đang ngủ trong lúc họp Phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ Khóa 73 tại New York ngày 25 tháng 9 năm 2018” (A member of Vietnamese delegation naps during the General Debate of the 73rd session of the General Assembly at the United Nations in New York September 25, 2018).
3.- Có phải là thành viên Phái đoàn Việt Nam mới từ Việt Nam bay sang? 
Trong phần sau cùng, bài báo đã “chữa cháy” bằng cách trưng ra nhiều ảnh chụp “nguyên thủ, chính khách nổi tiếng ngủ gật hay tranh thủ ngủ giữa giờ giải lao ở các phiên họp của Đại Hội đồng LHQ”, nguyên do là vì “mệt mỏi” do “múi giờ chênh lệch lớn”.
Trong phần này, bài viết đã ngụ ý nói rằng cán bộ ngoại giao Việt Nam ngủ trong ảnh là thành viên Phái đoàn Việt Nam mới từ Việt Nam bay sang: “di chuyển từ Hà Nội đến New York, múi giờ chênh lệch lên đến 13h đồng hồ”, cho nên “có mệt mỏi và tranh thủ chợp mắt giữa giờ thảo luận cũng là điều bình thường”.
Nhưng sự thật, cán bộ ngoại giao này là thành viên thuộc Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc (New York), nó có trụ sở và giờ làm việc (tiếp khách) hằng ngày không khác gì một Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Một thí dụ là gần đây nhất đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở trụ sở này.

Cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ trong lễ viếng tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại trụ sở của phái đoàn ở New York
Nhân vật “gây bão” trên mạng đang làm phụ tá cho Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Nga trong một phiên họp Liên Hiệp Quốc ngày 22/5/2018
Cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Đại diện Việt Nam đứng trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York – Trưởng Phái đoàn Nguyễn Phương Nga (bìa trái) và nhân vật “gây bão” (đứng giữa, hàng sau)

Vậy là rõ ràng nhân vật ngủ say giữa hội trường LHQ không phải từ trong nước mới sang dự, mà là một cán bộ ngoại giao THƯỜNG TRÚ tại New York thuộc Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.
Tóm lại, với tất cả những bằng chứng rõ ràng như trên, Đài Tiếng nói Việt Nam không còn cách nào khác hơn là phải nhanh chóng gỡ bỏ bài báo chữa cháy, một bài viết tuy đề tựa “Sự thật sau bức ảnh …” nhưng đã xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn và thô thiển.

Nhất thể hóa


Nhất thể hóa

30-9-2018
Tôi không bình luận nhân sự cụ thể. Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất “biên chế” sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ.
Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống. 
Chủ tịch – nên là chức danh duy nhất được coi là nguyên thủ – thống lĩnh lực lượng vũ trang và đại diện Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại. Đây là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào.
Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế – xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với “nội các”.
Tháng 9-1997, khi chuẩn bị rời nhiệm sở, ông Võ Văn Kiệt nói về người kế nhiệm, “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Trong khi ông Phan Văn Khải thừa nhận, “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sách với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Cho dù bị trì hãm trong cái kiềng “Tam Nhân”, ông Kiệt đã hành động như một nguyên thủ và ông Khải thực sự là người đứng đầu “nội các kinh tế”. Ông Khải là một nhà kỹ trị. Chính phủ của ông rất khác với Chính phủ Võ Văn Kiệt và càng rất khác với Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Và, cho dù dưới thời một Tổng bí thư như Tướng Lê Khả Phiêu hay như Nông Đức Mạnh, ông Khải vẫn điều hành “nội các kinh tế” (phần mà ông có thực quyền) một cách mực thước và để lại các di sản rất là quan trọng.
Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một “vua”. Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất “quần ngư tranh thực”; thị trường chỉ là chợ đen; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.
Con đường để một quốc gia đi đến thịnh vượng còn rất dài. Nhưng với những gì vừa diễn ra chiều nay, nếu không phải để tập trung quyền lực mà nhằm mở ra một hướng đi thì thời gian không lúc nào là quá trễ để bàn một lộ trình đáng hy vọng hơn cho đất nước.