Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Bộ trưởng Công an Tô Lâm đích thân bay sang Slovakia, dàn xếp đưa Thanh về nước?
Hiếu Bá Linh
26-4-2018
Ba ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Trung tướng Đường Minh Hưng có mặt tại Bratislava, thủ đô Slovakia, để gặp mặt, nói chuyện với ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia. Các nhà điều tra Đức cho rằng, có khả năng trong thời điểm đó, Trịnh Xuân Thanh vẫn còn ở châu Âu. Vì sao có cuộc họp, cùng lúc nhiều nghi phạm chính đến tham dự? Liệu Việt Nam và Slovakia có thảo luận cách đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi châu Âu không? Trong tình huống như thế thì Slovakia có thể giúp đỡ không?
Hôm nay 26/04/2018, báo Frankfurter Allgemeine, một nhật báo uy tín của Đức và có tầm vóc liên bang, đã đăng một bài báo về vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin. Đặc biệt, phần cuối bài báo này cho biết một tin tức mới mà từ trước đến nay các nhà điều tra Đức chưa hề tiết lộ. Sau đây là bản dịch nguyên văn phần cuối bài báo:
“Và thậm chí sự dính líu hoạt động của mật vụ Việt Nam đã lan rộng đến tận Slovakia. Ba ngày sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, một số nghi phạm tham gia vụ bắt cóc này đã thuê một chiếc xe từ Praha để lái đến Bratislava thủ đô Slovakia (ghi chú của người dịch: Đức hay gọi theo tên xưa của thành phố này là Pressburg) vào ngày 26/7/2017. Chiếc xe đã đỗ trong bãi đậu xe của khách sạn Borik – theo dữ liệu của hệ thống định vị GPS trang bị trong chiếc xe này mà các nhà điều tra thu thập được.
Khách sạn này là nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính phủ Slovakia, và đúng vào ngày các nghi phạm đỗ xe ở đó (ngày 26/07/2017), một cuộc họp làm việc của các chính trị gia cấp cao Việt Nam và Slovakia đã diễn ra tại khách sạn Borik này. Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Tô Lâm, và Trung Tướng Đường Minh Hưng – nghi phạm chính và là đầu não của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Cuộc họp này quan trọng đến nỗi, Tướng Hưng thậm chí phải bay từ Việt Nam đến tham dự, mặc dù ông ta mới vừa rời Châu Âu về nước. Về phía Slovakia, ông Robert Kalinák là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng thời là Phó Thủ tướng đã tham gia cuộc họp này.
Các nhà điều tra Đức cho rằng có khả năng trong thời điểm đó Trịnh Xuân Thanh vẫn còn ở châu Âu. Vì sao có cuộc họp, cùng lúc nhiều nghi phạm chính đến tham dự? Việt Nam và Slovakia có thảo luận cách đưa ông Trịnh ra khỏi châu Âu không? Trong tình huống như thế thì Slovakia có thể giúp đỡ không?
Theo tường thuật của truyền thông Slovakia, các cuộc đàm phán nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh công cộng. Ông Bộ trưởng Nội vụ Kalinák cũng phát biểu tương tự theo ý nghĩa này.
Vài ngày sau, Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam lần đầu tiên”.
Chiếc xe mà bài báo Frankfurter Allgemeine đề cập tới, chính là chiếc xe Mercedes Vito màu xanh đen mang biển số 4SF-5888 mà trang Thời Báo đã đưa tin trước đây.
Chiếc xe này do nghi phạm mật vụ Nguyễn Hải Long và ông cậu Đào Quốc Oai, là người đang bị phía Đức truy nã, thuê tại văn phòng dịch vụ thuê mướn xe của Bùi Hiếu tại chợ Sapa ở Praha. Chiếc xe này đã được thuê từ ngày 25 đến 27.07.2017, trùng khớp với thời gian trong bài báo Frankfurter Allgemeine.
Một người Việt đang kinh doanh trong khu chợ Sapa ở Praha cho biết: „Tôi đã gặp ông Nguyễn Hải Long đi cùng ông Đào Quốc Oai hôm 25.7.2017, họ tới cửa hàng thuê xe Bùi Hiếu tại khu chợ Sapa để mướn một chiếc xe Mercedes 9 chỗ màu sẫm, xe này có thể chở được rất nhiều người trên một quãng đường dài. Kể từ đó đến nay tôi không thấy ông Oai xuất hiện trở lại nữa“.
Đối chiếu hành trình còn lưu trữ trên thiết bị định vị GPS gắn trong xe Mercedes này, thì thấy lộ trình được chỉ rõ chuyến đi theo hướng Praha – Brno – Bratislava, hoàn toàn trùng khớp với lộ trình nêu trong bài báo Đức Frankfurter Allgemeine.
Như báo Der Spiegel tường thuật (xem bản dịch tại đây), buổi sáng xảy ra vụ bắt cóc ngày 23.07.2017, Trung tướng Đường Minh Hưng rời khách sạn lúc 8 giờ 18 phút và không trở lại. Cùng ngày, Nguyễn Hải Long đã đến quầy lễ tân khách sạn để hủy bỏ phòng đã được đặt trước cho những ngày kế tiếp và lấy dùm hành lý cho Trung tướng Hưng.
Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra, tướng Hưng cũng vội vàng rời khỏi Đức. Ông được Đào Quốc Oai, cậu của Nguyễn Hải Long, dùng xe thể thao hạng sang Porsche chở đến Praha. Còn Nguyễn Hải Long lái chiếc xe VW bắt cóc trở lại thủ đô Séc.
Buổi tối, cả ba gặp nhau trong một nhà hàng Việt Nam ở Praha. Đó có phải là buổi tiệc ăn mừng thực hiện thành công vụ bắt cóc hay không? Mọi người đã uống rất nhiều bia, Nguyễn Hải Long kể lại với cảnh sát như thế.
Ngày hôm sau 24.07.2017, Trung tướng Hưng đã rời Praha, đi đến Moscow để bay trở về Hà Nội. Vừa về đến Hà Nội tướng Hưng có lẽ lại nhận được lệnh khẩn cấp phải bay ngay sang Bratislava thủ đô Slovakia để tham dự một cuộc họp quan trọng với giới chức tình báo Slovakia, dưới sự có mặt của ông Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia, và Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Có phải Trung tướng tình báo Đường Minh Hưng phải bay sang Slovakia gấp để trợ giúp Bộ trưởng Công an Tô Lâm dàn xếp, thương lượng với tình báo Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh về nước?
Mặc dù Slovakia là một thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU), nhưng có phải qua cuộc thương lượng này Slovakia đã đồng ý giúp Việt Nam, đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi châu Âu hay không?
Điều đáng ngạc nhiên là Việt Nam đã giữ bí mật và hoàn toàn “dấu nhẹm” chuyến đi của Bộ trưởng Công an Tô Lâm sang Slovakia, gặp nói chuyện với ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia, vào ngày 26/07/2017. Người ta không thể tìm thấy một tin tức bằng tiếng Việt nào về chuyến đi này của ông Tô Lâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét