Các chiến binh gậy gộc cuốc thuổng chuẩn bị mở chiến dịch “đánh tư sản”
27-4-2018
Lòng căm hận đối với người giàu được kết nối và tổ chức lại, đó là ngọn nguồn của mô hình kinh tế kế hoạch hóa, biến tướng của nó là cuộc cải cách ruộng đất sau năm 1954 ở miền Bắc và cuộc cải tạo “đánh tư sản” ở miền nam sau năm 1975. Hai sự kiện bi thương đó của dân tộc đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức thừa nhận sai lầm.
Nhưng các bậc trí thức văn hay chữ tốt và các chiến binh gậy gộc cuốc thuổng lề phải cũng như lề trái hãy nhớ rằng, từ những năm 1930 của thế kỷ trước mãi cho đến tận bây giờ, trên thế giới đã tồn tại một luận điểm trong kinh tế học và chính trị học, luận điểm này đã bám rễ vào một số thiết chế của các nhà nước dân chủ phương tây, đó là gán cho nhà nước sứ mệnh “tái phân phối thu nhập để bảo đảm công bằng xã hội”. Sứ mệnh này thể hiện rõ nhất trong việc đánh thuế lũy tiến (cả đối với thuế thu nhập lẫn thuế bất động sản). Thuế lũy tiến, tức là người giàu phải chịu một mức thuế cao vống lên so với người không giàu, thực chất là sự tước đoạt một phần tài sản của người giàu, nói là để chăm sóc cho người nghèo nhưng sự thật là để phình to bộ máy nhà nước. Mà mọi sự phình to bộ máy nhà nước đều dẫn đến xu hướng hạn chế tự do của người dân, triệt tiêu dần kinh tế thị trường, đưa xã hội tiến vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa.
Cái thằng thuế lũy tiến này xuất thân từ đâu ? Nó không phải là con đẻ của xã hội tự do gắn với kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Nếu lần mò trong mớ bòng bong rối rắm của kinh tế học và chính trị học, ta có thể thấy nó chính là đứa con lai giữa chủ nghĩa tư bản kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa. Người ta đã mang môn kinh tế học và môn chính trị học sang Liên Xô cho phối giống, kết quả là đẻ ra đứa con lai này. Đó là nói nôm na cho dễ hiểu mà không sai bản chất, còn nếu ai quan tâm đến học thuật có thể truy ra tới tận ông cố tổ của nó, “tiền hiền” của nó đích thị là các nhà chính trị học tả khuynh coi nhà nước là đấng cứu thế của dân chúng.
Nước ta đang chuyển sang kinh tế thị trường, và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố, dù là kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng phải là kinh tế thị trường đầy đủ. Mà kinh tế thị trường đầy đủ thì phải hướng đến cảnh giới lô hỏa thuần thanh của nó, chứ cần chi phải áp dụng cái món điều tiết thu nhập lai tạp của kế hoạch hóa mà chúng ta đang loại bỏ.
Cảnh giới lô hỏa thuần thanh của nó là : Nhà nước thiết lập khuôn khổ luật pháp theo tinh thần pháp trị để đảm bảo cho mọi người được bình đẳng trước pháp luật. Ở đó, mọi người ai có khả năng sáng tạo đều có điều kiện để sáng tạo, ai có chí khí và nỗ lực làm giàu đều có cơ hội trở nên giàu có. Ai không đề phòng rủi ro đều có “cơ hội” trắng tay. Tóm lại là : cơ hội ngang nhau và rủi ro ngang nhau. Nhiệm vụ của nhà nước là duy trì luật pháp để cho sự tự do của người này không xâm hại đến tự do của người kia và đảm nhiệm một số nhiệm vụ như bảo đảm quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường và phòng chống bệnh tật, bảo đảm thực thi giáo dục cưỡng bức (phổ cập giáo dục), duy tu đường sá và các công trình phục vụ công cộng, bảo đảm cho những người bất hạnh không nơi nương tựa không rơi xuống dưới mức sống tối thiểu và cung cấp những dịch vụ tương tự khác mà người dân và tư nhân không có khả năng cung cấp. Nhà nước không làm những gì mà người dân có thể làm được, như hoạt động kinh tế. Người dân có nghĩa vụ phải nộp thuế để cho nhà nước có điều kiện thực thi các nhiệm vụ nói trên và chỉ để thực thi những nhiệm vụ nói trên mà thôi. Cho nên mức thuế phải được thu vừa phải và công bằng theo hướng : những người được hưởng các dịch vụ mà nhà nước cung cấp ngang nhau thì nộp thuế ngang nhau.
Trong kinh tế thị trường và xã hội tự do vận hành theo tinh thần pháp trị, người giàu là người sáng tạo, bỏ ra nhiều công sức, biết tận dụng cơ hội và biết phòng ngừa rủi ro. Sự giàu có là thành quả của lao động và trí tuệ của họ. Họ có thể dành một phần thu nhập của họ để giúp đỡ người khác, đó là sự tự nguyện của họ. Bắt họ phải nộp thuế nhiều hơn người khác thực chất là dùng quyền lực để tước đoạt tài sản của họ mang đi chia cho người không giàu, trong khi sự không giàu của những người không giàu không phải do những người giàu tạo ra. Đó là chưa nói bản thân sự giàu có của những người làm ăn chân chính luôn có tác dụng làm “đầu tàu” thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng, ít nhất là bằng công ăn việc làm do họ tạo ra.
Khuyến khích việc tước đoạt tài sản của người làm giàu chân chính bằng những khẩu hiệu đại loại như : “Thuế tài sản nhà, đất: Đánh mạnh vào người giàu, 90% dân không ai phản đối!” (Dân Trí, 19-4-2018) là sự khơi dậy lòng căm ghét của đám đông đối với người giàu, chỉ là một bước đưa đất nước đi lùi lại con đường “đánh tư sản” vào những năm sau 1975 mà thôi.
Tôi bất tài vô dụng nên suốt đời không thể giàu, làm nghề báo thu nhập phải 10 năm mới trả góp xong 1 căn hộ, giờ mua được cái vườn với giá 1 ha chưa đủ mua 1 mét vuông đất ở trung tâm thành phố, cũng không được những người giàu cho đồng xu cắc bạc nào. Nhưng tôi vẫn tin rằng nếu nước ta xác lập được một thể chế kinh tế thị trường đầy đủ thì con cháu tôi hoàn toàn có thể trở thành những người giàu có nếu như chúng nó muốn.
Trên đây là tôi nói những người giàu chân chính. Còn những người tích lũy tài sản bằng khai thác lợi thế chính trị, bằng sự câu kết lũng đoạn luật pháp để cướp đất của dân, bằng con đường tham nhũng rồi rửa tiền, v.v… đương nhiên không nằm trong phạm vi đề cập ở đây, vì sự giàu có của họ kéo theo sự bần cùng hóa nông dân và làm tan hoang đất nước. Sự giàu có bằng ăn cướp đó chỉ có cách là truy ra chứng cứ để thu hồi lại chứ đánh thuế cái gì!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét