Công luận và Truyền thông Phản Chiến Mỹ Làm Miền Nam Sụp Đổ?
Đỗ Kim Thêm
28-4-2018
Tóm lược: Quân đội Mỹ không hề bại trận nơi chiến trường Việt Nam, vì không phân biệt được Việt Cộng với người dân miền Nam; nhưng chính giới Mỹ không thể đối phó nơi chính trường Mỹ với các công luận, phương tiện truyền thông và các trường đại học.
Phe Bồ câu gây bất lợi cho Mỹ và VNCH trong việc phát huy chính nghĩa, hiệp định Paris là một đại bại cho VNCH, Watergate là một ô nhục cho Nixon, nhưng cả ba hậu quả tạo thành một đại bất hạnh cho miền Nam: Cộng sản thắng cuộc.
Vì không đủ bản lĩnh chính trị để tương kế tựu kế, nên VNCH đã không tận dụng cơ hội để xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì thiếu ý thức, nên giới ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản đã đắc lực làm cho miền Nam sụp đổ.
Dị biệt văn hoá Mỹ-Việt là một trong nhiều nguyên nhân làm sụp đổ miền Nam. “Người Pháp hiểu rõ người Việt, nhưng không còn muốn giúp, trong khi người Mỹ muốn giúp, lại không hiểu người Việt muốn gì.“ Bài học lịch sử còn đó.
Lịch sử tái diển. Việt Nam đang sụp đổ thảm khốc, toản diện và nhanh hơn VNCH vào ngày 30 tháng Tư năm 1975: Hung đồ xâm lược của phương Bắc rõ rệt, chính sự hoảng loạn, chính giới bất tài, gian tham, bạo ngược và lo tháo chạy, chính trường chỉ là chốn bát nháo hư danh và tinh thần Diên Hồng của dân Việt suy nhược, người Hoa hiểu người Việt rõ hơn người Pháp và Mỹ và sẽ thành công nhanh hơn, nên thảm hoạ diệt vong là hiện thực.
Các di sản văn hoá nhân bản của phe thua cuộc đang hồi sinh, đặc biệt nhất là kho tàng âm nhạc vô giá của miền Nam đã chinh phục lòng người thế hệ hậu chiến, đó là một loại vũ khí mềm mà phe thắng cuộc đang và sẽ hoàn toản đại bại.
***
Mỹ đại bại trên quê hương
Việc tham chiến của Mỹ tại Việt Nam là đề tài tranh luận gay gắt giửa hai phe chủ chiến và chủ hoà, gây ảnh hưởng không những trong việc định hình cho chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn vận mệnh của miền Nam Việt Nam.
Lúc còn chiến tranh, phe Diều hâu vẫn luôn lập luận là khi giao tranh tại các chiến khu, Mỹ không hề bại trận vì các lính Mỹ không thể phân biệt được Việt Cộng với người dân miền Nam; nhưng ngay trên chính quê hương mình, chính giới Mỹ lại không thể đối phó với hai kẻ thù quen biết là các phương tiện truyền thông và các trường đại học.
Chính các đài truyền hình Mỹ đã đem lại một hình ảnh lệch lạc về chiến tranh, làm cho dân chúng không còn ủng hộ chính quyền tiếp tục tham chiến. Tệ hại hơn, các phong trào phản chiến tại các trường đại học đã gây nhiểm độc cho không khí chính trị quốc nội, phân hoá công luận xã hội và suy giảm uy tín của chính quyền, kéo dài chiến tranh và thương vong cho binh sĩ nhiều hơn. Cuối cùng và quan trọng nhất, phe Bồ câu phải chịu trách nhiệm cho việc Mỹ phản bội Đồng minh và miền Nam Việt Nam sụp đổ. Lập luận này có đúng không?
Thiện cảm cho phe chủ chiến
Trước khi chiến cuộc leo thang, hầu hết cơ quan truyền thông Mỹ đã có tinh thần chung là cổ vũ cho chính quyền tham chiến. Các đài truyền hình soạn thảo chương trình và chọn lọc hình ảnh cẩn trọng nên có quá ít các cảnh giao chiến khốc liệt, người chết thương tâm hay làng xóm bị thiêu rụi. Xen kẻ với các chương trình quảng cáo thương mại là các bản tuyên bố của các phát ngôn viên của chính phủ, nhận xét của các tướng lãnh và tường thuật của các phóng viên về một triển vọng lạc quan. Dân chúng có thể trực tiếp theo dõi các tiến bộ của cuộc chiến qua hình ảnh các chiến sĩ quả cảm, các hoả lực hùng hậu của pháo binh và không quân Các bản tin hằng ngày đã ít đặt vấn đề ý nghiã tham chiến và không đóng vai trò hỗ trợ cho các phong trào phản chiến.
Ngược lại, các cơ quan truyền thông đã mô tả giới thiểu số phản chiến là thiếu nhận thức về hiểm hoạ xâm lăng cuả Cộng sản tại Đông Nam Á, trốn tránh nghiã vụ quốc tế và trút thêm gánh nặng cho binh sĩ. New York Times, Boston Globe và Newsweek là ba đại biểu truyền thông cho giới phản chiến. Họ thường nêu lên hai câu hỏi trong lo âu là Mỹ muốn gì tại Việt Nam và ai tại Washington có thể biết được giải pháp. Từ năm 1966 trở đi, họ bắt đầu có giọng điệu gay gắt hơn, nhưng chưa kêu gọi Mỹ phải triệt thoái binh sĩ.
Phe chủ hoà ra đời
Qua thời gian, tiếng nói của các sinh viên thuộc các phong trào phản chiến tác động ngày càng lan rộng, mà thay đổi tình trạng dân số và cải thiện trình độ giáo dục là hai lý do cho sự hình thành.
Từ những năm của thập niên 1960, các gia đình đông con tạo ra một thế hệ thanh niên mới (baby bommers). Đến năm 1970, dân số thanh niên Mỹ từ 18 đến 24 tuổi đã tăng khoảng 50%, lên đến 24,7 triệu. Vào cuối thập niên 1970, 1/3 giới trẻ đều có trình độ đại học hoặc College. Cả hai yếu tố phát triển dân số và thăng tiến giáo dục tạo ra một hiện tượng mới thứ ba và làm cho xã hội tăng thêm sự xung đột: lối suy nghĩ cách biệt giửa hai thế hệ phụ huynh và con em về các giá trị xã hội và giới thanh niên đang mong muốn thay đổi.
Trong khi các bậc phụ huynh đã quen sống thống khổ trong cảnh suy thoái kinh tế thế giới vào năm 1930, thăng trầm của phong trào quốc gia cực đoan theo chủ nghiã xã hội, Đệ nhị Thế chiến và bành trướng quyền lực của Phong trào Cộng sản Quốc tế do Liên Xô lãnh đạo, thì giới trẻ được sinh ra trong một bối cảnh thịnh vượng hậu chiến bắt đầu hình thành và giai cấp trung lưu lần lượt chiếm nhiều ưu thế trong mọi sinh hoạt xã hội.
Trong tinh thần lạc quan này, giới trẻ có một cái nhìn khác về sự đe doạ của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và mang một nhãn quan đạo đức về ý nghĩa của hoà bình. Vì hệ thống chính trị của nước Mỹ đang còn khoan dung về tình trạng kỳ thị chủng tộc tại các tiểu bang miền Nam mà nguy cơ đang lan tràn khắp nơi, nên họ bắt đầu có ý thức chống đối. Với chính sách ngoại giao của Mỹ thì họ cho đó là một chính sách của đế quốc và trật tự xã hội Mỹ mà họ đang sống là thuộc về tư bản chủ nghiã.
Cánh tả tân thời lên tiếng
Khác hẳn với giới cánh tả cựu trào (Old Left) trong thời thế chiến, giới trẻ hậu chiến tự cho mình không phải là thành phần của giai cấp công nhân bị bóc lột trong một xã hội công nghiệp theo suy luận của Karl Marx, mà là thuộc cánh tả tân thời (New Left), một lực lượng tổng hợp nhiều thành phần trong xã hội, gồm có sinh viên, thanh niên, trí thức, chuyên gia và công nhân. Tất cả cùng mang một ước vọng chung là làm thay đổi triệt để mọi giá trị xã hội.
Về mặt tư tưởng, New Left không còn theo các kinh điển của Mác Lê Nin và cho là các Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Cộng Sản lổi thời vì tìm cách nắm quyền qua các cuộc tranh cử trong hệ thống của chủ nghiã tư bản. Họ phát hành tạp chí “New Left Review”, một cơ quan ngôn luận chính thức nhằm trình bày những luận điểm mới. Sau đó, hằng loạt các tạp chí khác cùng chủ trương lần lượt ra đời như “Dissent”, “Monthly Review” và “Liberation”. Các nhà trí thức thiên tả nổi danh như Edward P. Thompson, Raymond Williams, C. Wright Mills, Paul Goodman và Erich Fromm cùng lên tiếng ủng hộ. Hai danh phẩm đậm màu Mác xít là The Power Elite (1956) của C. Wright Mill và The One-Dimensional Man (1964) của Herbert Marcuses gây tác động mạnh trong giới thiên tả tại Âu Mỹ.
Hoà nhịp với trào lưu New Left, nhiều danh tác khác cũng đã gây nhiều ảnh hưởng xã hội như Silent Sring của Rachel Carson mà nội dung chính là nêu lên vấn đề ô nhiểm môi sinh; The Other America (1962) của Michael Harrington diển tả tình trạng nghèo đói tại nông thôn. Với tác phẩm The Fire Next Time (1963), James Baldwin mô tả các hậu quả nghiêm trọng về tình trạng đói nghèo, phân biệt chủng tộc và viễn tượng bất ổn xã hội. Dựa theo luận thuyết của Simone de Beauvoir, tác phẩm The Feminine Mystique (1963) của Betty Friedan nêu lên vai trò của phụ nử da trắng trung lưu trong việc dung hoà giửa đời sống gia đình và nghề nghiệp. Với thanh thế là một tác giả có sách bán chạy nhất, Friedan đã lập phong trào National Organisation for Wonen (NOW) vào năm 1966 và chuyên tâm tranh đấu cho nử quyền.
Các phong trào phản chiến
Về mặt tổ chức, từ thập niên 1950, có nhiều tín hiệu khởi đầu: Martin Luther King thành lập Phong trào Southern Christian Leadership Conferen-ce (SCLC), mà mục tiêu chính là đạt đến tình trạng bình quyền sắc tộc bằng các phương tiện luật định và hiếu hoà. Hai phong trào National Committee for a Sane Nuclear Policy (SANE) và Women Strike for Peace (WSP) đã có các hoạt động chống đối các thử nghiệm vũ khí hạch tâm.
Năm 1960, Student Non-Violent Coordinating Committee (SNCC), một tổ chức chống phân biệt chủng tộc và kỳ thị Nam-Bắc ra đời và hình thức toạ kháng (sit-ins) trở thành phương tiện quen thuộc. Hai phong trào Civil Rights Movement và Free Speech Movement thuộc Đại học Berkeley bắt đầu lên tiếng kêu gọi đấu tranh cho dân quyền và bất công kinh tế xã hội.
Nhằm thể hiện tinh thần phản kháng của Albert Camus và C. Wright Mills, Students for Democratic Society (SDS), một tổ chức quy tụ 59 hội sinh viên thành hình vào muà hè năm 1962. Với tuyên cáo Port Huron Statement, họ đề cao luận thuyết “participatory democracy” của Arnold Kaufmann làm nội dung mới mà tác giả là Tom Hayden, Tổng biên tập của “Daily”, một tạp chí sinh viên thuộc Đại học Michigan. Tom Hayden cho là trong bối cảnh mới của nền dân chủ, tinh thần tham dự này cần phải hiểu theo một ý nghĩa đa dạng hơn: kiểm soát tài nguyên thiên nhiên và phương tiện sản xuất của doanh nghiệp, chống phân biệt chủng tộc, đe doạ của bom nguyên tử và nghèo đói tại các nước chậm tiến. Ý kiến táo bạo này gây được tiếng vang trong công luận.
SDS ca ngợi các nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Fidel Castro và Che Guevara như các thần tượng lãng mạn trong công cuộc đấu tranh cách mạng tại các nước chậm tiến, một mô hình lý tưởng mới cần xuất cảng sang Bolivie và Âu Tây; riêng tại Mỹ, họ cổ vũ lập thành một phong trào quốc tế đấu tranh chống đế quốc.
Để chống lại phong trào kỳ thị chủng tộc đang lên, ngày 13 tháng Bảy năm 1963, Martin Luther King đã tổ chức một cuộc biểu tinh quy mô tại Birmington, Alabama. Trong một cuộc biểu tình tại Washington vào ngày 28 tháng Tám năm 1963, trước 250.0000người tham dự, ông đã có một bài diễn văn bất hủ: “Tôi có một giấc mơ” (“I have a dream”).
Sau vụ mưu sát Tổng thống John F. Kennedy vào ngày 22 tháng Mười Một năm 1963, các đòi hỏi gia tăng quân số của Lyndon B. Johnson cho Việt Nam làm công luận suy nghĩ sâu xa hơn về ý nghiã đích thực của việc tham chiến. Phim ảnh và âm nhạc cũng có tác động nhất định trong thời gian này.
So với những năm của thập niên 1950, vai trò của phim ảnh và thị hiếu của khán giả cũng hoàn toàn khác biệt mà phim Dr. Stranglove của Stanley Kubrick trình chiếu vào tháng Giêng 1964 là một thí dụ. Hàng triệu khán giả say mê hình ảnh điên loạn của Jack D. Ripper do Sterling Hayden đóng, kẻ muốn tiêu diệt những tên nội gián của Phong trào Cộng sàn Quốc tế trong khi thế giới đang đến bên bờ hủy diệt do hiểm hoạ của vũ khí hạt nhân và Chiến tranh Lạnh.
Mấy tuần sau, vào ngày 11 tháng Hai năm 1964, ban nhạc The Beatles đã xuất hiện trong chương trình Ed Sullivan Show, họ chinh phục được tâm hồn của 67 triệu khán giả yêu nhạc, một kỷ lục chưa từng có.
Cùng mang lại một tinh thần phản kháng mới, Bob Dylan, nhạc sĩ lừng danh đã thành công trong tuyển tập nhạc The Times They Are Changing. Đồng hành với Bob Dylan là John Baez. Với phong cách dung dị và thân tình, Baez làm hàng triệu khán giả mộ điệu say mê với các bài hát hiếu hoà. Khẩu hiệu “Make love not war” trở thành quen thuộc cho mọi giới trẻ.
Từ muà hè năm 1964, Đại học Berkeley là cái nôi phát khởi các chống đối chiến tranh qua các hình thức “teach-ins” và “sit-ins”. Tháng Ba năm 1965, phong trào chống lan đến Đại học Michigan, Ann Arbor và Columbia, New York, rồi lan tràn qua nhiều đại học khác. Do sáng kiến của SDS, một cuộc biểu tình tại Washington đã diễn ra vào tháng Tư năm 1965 với trên 25.000 sinh viên tham gia.
Từ đó, phong trào SDS bắt đầu ảnh hưởng lan rộng đến châu Âu. Tháng Hai năm 1965, họ đã huy động được một cuộc biểu tình chống Mỹ quy mô tại Tây Berlin, và vào tháng Năm năm 1966 tại Frankfurt, rồi lần lượt đến Bonn và Rom.
Tại Pháp, tình hình phức tạp hơn. Dù bị phân hoá thành hai khuynh hướng theo Trotzkit và Mao trong Tổng hội Sinh viên của Đảng Cộng Sản Pháp, Unions des Etudiantes Communiste kết hợp nhau thành một tổ chức chung cùng biểu tình chống chiến tranh Việt Nam mà hai tổ chức Jeunesse Communistes Revolutionaires và Union des Etudiants Communiste tham gia.
Từ cuối năm 1965, một số người da đen thuộc nhóm SNCC lên tiếng là người da trắng không có quyền dùng bạo lực đàn áp làn sóng các phong trào giải phóng dân tộc và không nên tìm kiếm một thứ gì tại bất cứ một nước nào thuộc thế giới thứ ba.
Đến tháng Mười năm 1966, chủ trương “Bất bạo động” của SNCC mất đi ý nghiã nguyên thủy khi Stokely Carmichael, nhà lãnh đạo phong trào, kết hợp với thành phần hiếu động khác để lập ra tổ chức mới là Black Panther Party. Carmichael đề cao áp dụng chiến lược đấu tranh du kích của MTGPMN cho các khu da màu tại Mỹ. Hai khẩu hiệu “sit-ins” và “teach-ins” hiếu hòa nay thay là “Bringing the war home”.
Nhưng nổi tiếng nhất là phong trào phản chiến tại Stokholm vào tháng Hai và tháng Mười năm 1967 với sự tham dự của hai triết gia tên tuổi Bertrand Russell và Jean-Paul Sartre. Qua hai phiên toà “Russell-Tribunals”, cả hai kết án Mỹ đã vi phạm luật quốc tế với tội diệt chủng tại Việt Nam.
Phe chủ hoà không còn nhận ra quan điểm dị biệt về chính trị giửa hai nước Mỹ và Liên Xô. Theo họ, cả hai lo bảo vệ cho quyền lợi riêng và tìm cách bóc lột thế giới thứ ba, nơi mà cuộc cách mạng về các uớc vọng đang dâng cao.
Thoạt đầu, Martin Luther King nghi ngờ về ý nghĩa tham chiến và hy vọng rằng Johnson sẽ có một giải pháp hoà đàm. Về sau, khi biết được tỷ lệ thương vong cao của người da đen tham chiến, ông kêu gọi khẩn thiết hơn là Mỹ phải kết thúc chiến cuộc trong một cuộc biểu tình tuần hành tại Washington vao tháng Mười năm 1967 với hơn 100.000 người tham gia. Là người đoạt giải Nobel Hoà Bình và với uy tín đạo đức sẳn có, ông trở thành một biểu tượng chính cho các đoàn thể tranh đấu, lời kêu gọi của ông làm cho công luận Mỹ đồng tình ở mức độ cao nhất.
Cùng theo lý tưởng của Martin Luther King và SDS là linh mục Philip và Daniel Berrigan, lãnh đạo cho phong trảo bất phục tùng dân sự. Cả hai hô hào đốt các giấy gọi nhập ngủ. Trước đó, vấn đề trốn quân dịch đã không xảy ra. Đến năm 1967, chỉ có khoảng một vài trăm trường hợp được ghi nhận, nhưng đa số phải chịu hậu quả là nộp tiền phạt vạ hoặc chịu tù giam, một thiểu số tìm cách không chấp hành bằng cách trốn qua Canada hay Thụy Điển. Một trong số những người trốn sang Anh để tiếp tục theo Đại học và sau này nổi tiếng là Bill Clinton.
Năm 1966, nhà tranh đấu A. J. Muste kêu gọi thành lập một liên minh phản chiến kết hợp với sáng kiến của dân chúng. Trong một cuộc biểu tình tuần hành tại New York, đã có hơn 400.000 người tham gia. Đây là một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử của thành phố, gây tiếng vang đến các nơi khác làm cho nhiều phe chủ hoà địa phương ra đời.
Tinh thần chống đối có nhiều nguồn gốc, hình thức và chiến thuật khác nhau; họ theo các cách suy nghĩ khác nhau trong một hiện tượng chung, làm cho trào lưu có khả năng liên kết các phong trào đấu tranh dị biệt. Việt Nam chỉ là một trong nhiều lý do biểu kiến để họ chống đối các vấn đề tranh chấp trong chính trị quốc nội mà họ quan tâm để giải quyết.
Các thí dụ điển hình ít liên hệ đến chiến tranh Việt Nam là vấn đề nô lệ và giải phóng cho người da đen, vốn dĩ đã có từ lâu trong lịch sử Mỹ. Các phong trào đòi nử quyền nhận ra rằng sự tham chiến của Mỹ là một biểu hiện về một chính sách hiếu chiến đầy nam tính của nước Mỹ. Nhiều phong trào chống văn hoá Mỹ (Subculture and Counterculture) giải thích về cách mạng văn hoá trong thời chiến và chiến tranh Việt Nam làm băng hoại hệ thống xã hội Mỹ. Mục tiêu của họ là chống cơ cấu quyền lực của chính quyền, tệ nạn hành chánh, tiến trình hợp lý hoá công việc, lạm dụng các mục tiêu nghiên cứu khoa học và áp lực thành công trong xã hội Mỹ.
Hình thức biểu hiện phản chiến là một lối sống buông thả được gọi chung là văn hoá Beatnik và Hippies. Qua các dịp tổ chức các chương trình ca nhạc ngoài trời, họ sử dụng bạch phiến, quan hệ tình dục tự do, yêu chuộng thiên nhiên và hoà bình.
Nói chung, ý nghiã của chiến tranh Việt Nam không phải là nhằm bảo vệ thành trì của thế giới tự do, một giá trị cao cả của phương Tây để chống lại các nỗ lực bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản Quốc tế, mà là một cuộc nội chiến thuần túy. Họ đòi chính quyền Mỹ không có quyền can thiệp và phải rút quân để giúp cho Việt Nam thành một xã hội phi bạo lực và công bình. Nhưng không có một phong trào phản chiến duy nhất tại Mỹ; đó là một nhận định sai lạc về sự đa dạng của xã hội Mỹ.
Trí thức lên tiếng
Trước trào lưu chung này, một vài trí thức có tầm vóc cũng bắt đầu lên tiếng, ví dụ như Walter Lippmann đã viết bình luận ủng hộ trên New York Times. Nghị sĩ J. William Fullbright, người trước đây đã ủng hộ chính quyền trọng Nghị quyết về Vịnh Bắc Việt vào tháng Tám 1964, nay cũng thất vọng về chính sách của Johnson. Là Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, Fullbright đã mời George F. Kennan, người nổi danh với học thuyết be bờ ngăn chận (containment by counterforce), ra điều trần tại Quốc hội trong một chương trình trực tiếp truyền hình vào năm 1966. Fullbright yêu cầu Kennan xác nhận là, đối với Hoa Kỳ, Việt Nam không hề có một ý nghiả chiến lược nào. Fullbright phản bác các lập luận tham chiến, vì đó là một hình thức kiêu ngạo để biểu dương quyền lực nước Mỹ, thực chất là di sản chính trị của một chế độ thực dân và đế quốc.
Thực ra, cả ba Lippmann, Fullbright và Kennan đều không thuộc phe Bồ câu, mà là những chuyên gia đối ngoại theo trường phái thực tiễn, nhưng tiếng nói của họ làm mất uy tín của Johnson trên chính trường Mỹ và quốc tế. Vì thế, chính giới tại châu Âu và Nhật Bản có các ý kiến mới về chính sách an ninh khu vực. Họ đòi xét lại về ý nghiã của Hiệp định Genève và chủ trương Trung lập Hoá cho các nước Đông Dương.
Đa số thầm lặng lên tiếng
Trước năm 1965, chưa có một không khí phản chiến thành hình rõ rệt trong công luận Mỹ, vì mọi người hy vọng là chiến cuộc sẽ kết thúc sớm hơn. Nhưng quan điểm chung dân chúng thường thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận: 1/3 dân chúng chống chiến tranh và ủng hộ cho giải pháp hoà đàm. Dù đa số dân Mỹ ủng hộ cho việc tham chiến, nhưng chính sách của Johnson gây nhiều thất vọng: tháng Mười năm 1967, chỉ 39% dân chúng tin giải pháp của Johnson là đúng đắn. Trước năm 1968, phong trào phản chiến có khoảng từ 3 đến 4 triệu dân ủng hộ.
Nếu các phong trào phản chiến thu hút giới sinh viên và trung lưu trí thức, họ gây tiếng vang trong công luận, thì thực tế cho thấy họ lại không trực tiếp tham chiến, vì nhờ có một đạo luật đặc ân: Trước năm 1969, sinh viên được hoãn thi hành quân dịch cho đến khi tốt nghiệp. Tầng lớp chịu ảnh hưởng là những dân Mỹ nghèo và ít học: 80 % bị động viên thuộc tấng lớp thấp, 12,6% là da đen, tuổi trung bình của binh sĩ là 19 (có tài liệu khác cho là 23); ngược lại, trong Thế chiến thứ hai và chiến tranh Hàn quốc là 27. Do đó, có một sự dị biệt về tư duy cuả binh sĩ tham chiến. Họ khá chua chát khi nói về phong trào phản chiến:
“Ai chiến đấu trong chiến cuộc? Giới phản chiến làm gì khi họ còn ngồi trong các trường đại học danh tiếng? Nếu cuộc chiến là quan trọng cho nước Mỹ, thì tại sao giới lãnh đạo không gởi con cháu họ tham chiến?“. Người trực tiếp chiến đấu lại là đa số thầm lặng.
Phản ứng của chính giới
Dĩ nhiên, Johnson không thể bình tâm trước các phong trao phản chiến đang lan tràn trong nước và quốc tế. Khi đa số sinh viên là tầng lớp lãnh đạo tương lai cho nước Mỹ ngày càng chống đối và kết quả các cuộc thăm dò dư luận là tiêu cực, Johnson cảm thấy như bị nhục mạ và cố lập luận bảo vệ,
Nhưng Johnson làm gì? Ông muốn gây phân hoá và quy chụp họ là một công cụ của phong trào Cộng sản Quốc tế và cho phép FBI theo dõi hằng ngàn người tranh đấu. Nhiệm vụ chính của FBI là phải tìm ra các động lực của giới phản chiến: vì ý nghiã chiến tranh hay ý thức hệ. Cơ quan CIA cũng tham gia hỗ trợ điều tra.
Trước khi Richard M. Nixon dùng thủ thuật Watergate, Johnson cũng phạm pháp khi cho FBI và CIA theo dỏi các giới chống đối; ông còn nghi ngờ về lòng thành tín của các công sự viên, nên bí mật cho phép cài đặt một hệ thống nghe trong Toà Bạch ốc.
Johnson bị các địch thủ bao vây tứ phiá, nên phải cầu viện đến Tướng William C. Westmoreland. Vào tháng Mười Một năm 1967, ông mời Tướng Westmorland ra trình bày trước lưỡng viện quốc hội về thực trạng cuộc chiến.
Tướng Westmoreland đem lại tinh thần lạc quan cho cả nước khi giải thích về triển vọng chiến thắng: Trước các tổn thất nặng nề, Cộng sản sẽ không thể tiếp tục và chỉ trong hai năm nửa sẽ bị đánh bại; ưu thế quân sự của Hoa Kỳ là hiển nhiên; QLVNCH rất kiên cường và chính phủ VNCH có nhiều hiệu năng, nhưng cả hai cần kết hợp hơn để gia tăng kiểm soát các khu vực nông thôn, đây chính là phương sách buộc Cộng Sản đang suy yếu phải đầu hàng. Mọi tiến triển sẽ không thể đảo ngược.
Tướng Westmorland đã lầm. Chiến cuộc Mậu Thân và thảm sát Mỹ Lai là hai bi kịch khởi đầu với các hình ảnh kinh hoàng không thể xoá nhòa trong ký ức của thế hệ tham chiến.
Chiến cuộc Mậu Thân
Với một lực lượng 100 tiểu đoàn, ước khoảng 84.000 quân, CSBV tấn công năm trong số sáu thành phố lớn, 36 tỉnh lỵ trong số 44 tỉnh và các cứ điểm khác của VNCH cùng trong dịp Tết Mậu Thân.
Toà Đại Sứ Mỹ bị đột kích đẩm máu; hai phe đánh cận chiến trên từng gốc phố của thành phố Sài gòn làm nhà cửa cháy rụi, dân chúng chạy tán loạn và xác người đầy đường. Ngoài ra, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Phi trường Tân Sơn Nhất, các cơ quan dân sự cuả chính phủ VNCH và các cơ quan quân sự Việt Mỹ khác tại Sài Gòn cũng bị khoảng hơn 4000 binh sĩ CSBV khác tấn công.
Kinh khiếp nhất là cảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Lực lượng Cảnh Sát, xử tử Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp), ngay tại ngả tư đường Ngô Gia Tự và Sư Vạn Hạnh, gần chùa Ấn Quang. Các phóng viên truyền hình và phe Bồ câu đã gây ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong việc phổ biến hình ảnh này.
Truyền thông Hoa Kỳ lầm lạc khi đề cao khả năng chiến đấu CSBV trong chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Thực ra, đây là một đại bại quân sự, vì khả năng chiến đấu tinh nhuệ của QLVNCH chưa bị bị tiêu hao và toàn thể dân chúng miền Nam không một lòng ủng hộ, nhưng nó đã tạo ra các thắng lợi chính trị cho CSBV tại Hoa Kỳ và công luận thế giới thành một bước ngoặt chiến lược trong chiến tranh.
Qua màn ảnh truyền hình, công luận nghĩ rằng nguy cơ sụp đổ cho miền Nam đã đến khi CSBV vào tận đến Toà Đại Sứ Hoa Kỳ và các thành phố lớn. Dân chúng Mỹ tự hỏi tại sao Toà Đại Sứ uy nghi và Sài Gòn hoa lệ không còn an ninh nửa, trong khi con em của họ đang đem sinh mạng ra để ngày đêm bảo vệ cho VNCH và luôn tin là ngày chiến thắng đã gần kề.
Sau chiến cuộc Mậu Thân, thậm chí ba khuôn mặt có uy tín nhất trong chính giới của Mỹ là Georg Bundy, Georg Ball và Dean Acheson đã từng ủng hộ Johnson, không còn tiếp tục hỗ trợ khi nhận thấy tình hình khác hẳn: Áp lực của giới phản chiến lên cao, chia rẽ trong Đảng Dân Chủ nặng nề, Quốc hội chống đối chính quyền rõ rệt, Mỹ suy yếu trong việc lãnh đạo nền kinh tế thế giới và áp lực giới tài phiệt thuộc Wall Street mạnh hơn.
Nhận thức của chính giới và công luận thay đổi triệt để, nhưng sau vụ tàn sát tại Mỹ Lai làm cho tình hình bi thảm hơn.
Thảm sát Mỹ Lai
Ngày 16 tháng 3 năm 1968 thảm sát Mỹ Lai gây kinh động cho lương tâm dân chúng Mỹ: Trung uý William Calley hướng dẫn một toán lính Mỹ hành quân, lục soát và giết khoảng 400 dân làng tại khu vực thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; tất cả nạn nhân là trẻ con, phụ nử và người già. Đây là một biểu tượng thương tâm nhất về tội ác cuả Mỹ tại Việt Nam, tạo thành một hình ảnh đối kháng rõ rệt giữa lính Mỹ và người Việt, không phân biệt chiến tuyến. Khẩu lệnh của Calley còn vang động trong công luận về tinh thần sát cộng: “Giết phụ nử để không còn ai sinh ra Việt Cộng con, giết thiếu niên để không còn ai lớn lên đi theo Việt Cộng, tàn sát tất cả thì cuối cùng không còn ai là Việt Cộng“.
Calley bị đưa ra Toà Quân pháp vào tháng Ba năm 1971. Tổng thống Nixon ra đặc lệnh cho Calley được hưởng chế độ quản thúc tại gia cho đến khi vụ án được chung quyết. Sau đó, Calley được hưởng hàng loạt các biện pháp giảm khinh. Sau 44 tháng bị quản thúc, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Howard H. Callaway cho Calley được hưởng tự do. Các đồng phạm của Calley không một ai bị tuyên án.
CSBV cũng vi phạm luật thời chiến trong việc bảo vệ thường dân, nhất là thảm sát tại Huế và vụ pháo kích Cai Lậy, nhưng truyền thông Mỹ ít quan tâm. Ngược lại, thảm sát Mỹ Lai được truyền thông và phe Bồ câu khai thác triệt để nên gây bất lợi cho chính quyền Mỹ trong việc phát huy chính nghĩa yểm trợ cho VNCH.
Phe Diều hâu thắng thế
Tình thế đổi thay: áp lực của giới phản chiến xuống thấp khi Nixon tỏ ra mềm dẻo hơn so với Johnson. Nixon đề nghị Hoa Kỳ và CSBV rút quân khỏi Nam Việt Nam và mọi hình thức hoà đàm sẽ do hai phiá Bắc và Nam quyết định. Hoa Kỳ rút 25.000 quân vào tháng 6 năm 1969 và tiếp tục rút thêm 60.000 vào tháng 9. Lịnh nhập ngủ được thay thế bằng hình thức rút thăm và giới trẻ cũng như sinh viên ít khi gặp phải.
Đến tháng Mười, phong trào phản chiến gây sôi động trở lại, khi Quốc Hội thông qua đạo luật cấm đóng quân Hoa Kỳ tại Thái và Lào vào tháng Chín. Chống đối lên đến cao điểm khi có 4 triệu người biểu tình trên 200 thành phố. Bài hát của John Lenon “Give Peace a Chance“ và việc trưng bài danh sách các binh sĩ nằm xuống tại bậc thềm Quốc Hội là hai biểu tượng chính.
Trước áp lực của công luận, Nixon phản ứng mạnh. Trong bài diễn văn truyền hình vào ngày 3 tháng Mười Một, Nixon cảnh báo giới phản chiến là một hiện tượng tắm máu sẽ xảy ra khi miền Nam thất thủ và phong trào phản chiến gây khó khăn cho thiện chí của Mỹ đem lại hoà bình cho Việt Nam. Chính Hoa Kỳ có thể làm suy yếu CSBV và không có trường hợp ngược lại. Tài hùng biện trong diễn văn này đem lại thành công đáng kể cho Nixon khi gần 70% dân chúng đồng thuận với chính sách. Phong trào phản chiến suy giảm khi tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh bắt đầu, nhưng Nixon bị phản tác dụng khi truyền thông công bố về tài liệu về Bí mật Ngũ Giác Đài.
Pentagon Papers
Mùa hè 1971, The New York Times phổ biến tài liệu gọi là Bí Mật Ngũ Giác Đài, Pentagon Papers, làm hoang mang dư luận. Trong tài liệu này, Daniel Ellsberg cáo giác các chính quyền Kennedy và Johnson thông báo tin tức sai lạc cho dân chúng và lý tưởng hoá về tầm vóc tham chiến tại Việt Nam.
Để đối phó với mặt trận truyền thông ngày càng gay gắt, Nixon phải xin lịnh Toà án cho ngưng công bố các tài liệu này, nhưng gặp thất bại. Không thể khác hơn, cuối cùng Nixon đành phải yêu cầu các giới chức an ninh hỗ trợ cho ông để chận đứng tình hình. Một mặt, ông cáo buộc Ellsberg bị bịnh tâm thần; mặt khác, ông dùng các thủ thuật bất hợp pháp như tổ chức đánh cắp tài liệu mật, nghe lén, theo dõi thư tín và đời tư các người liên quan. Tháng Tư và Năm có hàng trăm ngàn dân phản chiến tham gia biểu tình và có vài thành quả nhất định.
Dù các đài truyền hình ít đưa tin về các hoạt động phản chiến hơn, nhưng Quốc Hội theo dõi chặt chẻ về các hoạt động của Tổng Thống, nên khả năng của Nixon càng thu hẹp. Ông phải đề ra kế hoạch tuần tự rút quân để thu phục cảm tình của giới phản chiến.
Thắng lợi trong việc cảị thiện bang giao Nga-Hoa làm cho các lo sợ của Hoa Kỳ phải trực tiếp đối đầu không còn. Áp lực quốc tế giảm đã đem lại một suy nghĩ mới trong công luận: Thuyết Domino không còn có giá trị thuyết phục cho Hoa Kỳ phải tiếp tục tham chiến.
Cuối cùng, Hiệp định Paris là một đại bại cho VNCH và Watergate là một bất hạnh cho Nixon, nhưng cả hai hậu quả tạo thành một đại bất hạnh cho miền Nam: Cộng sản thắng cuộc.
Phe Bồ câu thắng?
Tại sao phe Bồ câu gây được thanh thế trong công luận nước Mỹ và thế giới trong khi phe Diều hâu lại để cho chiến cuộc leo thang? Nhìn lại diễn biến trong toàn cảnh cho thấy là không phải lúc nào phe Bồ câu cũng thắng hay lúc nào phe Diều hâu cũng thua. Tùy theo tình hình mà công luận luôn thay đổi ý kiến.
Đến năm 1965, phong trào phản chiến chưa thành hình; đa số công luận đều tin là chính quyền Mỹ có thể kết thúc chiến cuộc bằng nhiều giải pháp khả dụng. Từ 1968-1971, hai phe Bồ câu và Diều hâu đối kháng gay gắt nhất. Vết nhơ Watergate của Nixon đã đưa vai trò báo chí lên đến đỉnh cao của đệ tứ quyền. Dân chúng không còn tin chính quyền bằng kết quả điều tra của báo chí. Báo chí đã hướng dẫn công luận thành hình và gây áp lực chính quyền theo nhiều hướng khác nhau.
Công luận hầu hết tập trung vào khiá cạnh quân sự để thảo luận, trong khi các sử gia và chuyên gia nhìn toàn diện hơn và đi đến kết luận là phe Diều hâu đã có quá nhiều cơ hội trong các thời kỳ khác nhau để chận đứng phe Bồ câu và thắng đối phương, nhưng lại không nhận ra hoặc không theo đến cùng.
Khái niệm Chống Du kích chiến (Counterinsurgency) của Kennedy là một sách lược chống Cộng phù hợp cho Việt Nam mà kinh nghiệm tại Mã Lai và Philippines đã chứng minh thành công. Thoạt đầu, chính phủ Ngô Đình Diệm được hai thành phần nông dân miền Nam và người Bắc di cư ủng hộ. Kết hợp các giáo phái và giải quyết xung đột địa phương là thí dụ điển hình cho một chính quyền còn non trẻ nhưng đã có khả năng xây dựng đất nước. Vào năm 1960, năng xuất nông phẩm tăng vọt và thặng dư ngân sách là các năng động khích lệ. Kinh tế trên đà phát triển trong một xã hội đang chuyển mình khi MTGPMN đang thành hình và chưa có lý do để tuyên truyền là lính Mỹ xâm lược hay bom Mỹ phá hoại xóm làng. Chính sách gia đình trị cũng như kỳ thị tôn giáo của Tổng thống Diệm chưa manh nha.
Từ năm 1963, sau vụ Bức tường Bá Linh và Cu Ba, Kennedy nhận định là về mặt ngoại giao, Mỹ không thể theo đuổi các sách lược be bờ ngăn chận của Harry S. Truman và Dwight D. Einsenhower. Khi uy tín của Mỹ đang xuông dốc, việc cấp thiết cho Kennedy là cứu vãn thanh thế và chờ kết quả tái tranh cử trong năm 1964. Sau đó, ông mới chung quyết cho vấn đề Việt Nam.
Nhưng nội tình miền Nam nguy kịch hơn: chương trình xây dựng đất nước không khả quan, dân chúng nông thôn không còn ủng hộ Tổng thống Diệm như trước, dân thành phố bắt đầu chống Mỹ rõ rệt với các phong trào sinh viên học sinh phản chiến đang lên cao. Nhưng tạo động loạn xã hội nhất là các phong đấu tranh của Phật giáo với các cảnh nhiều tăng ni tự thiêu liên tục. Biến chuyển dồn dập không cho phép Kennedy chờ đợi bầu cử mà phải trực tiếp can thiệp nội bộ của miền Nam.
Để làm chuyển biến tình thế, ông yêu cầu Tổng thống Diệm phải thay đổi triệt để chính sách đối nội, mà việc cụ thể khởi đầu là vô hiệu hoá quyền lực của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Nếu Tổng thống Diệm từ chối yêu sách này, thì chính ông phải ra đi. Kennedy giao cho Henry Cabot Lodge, tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thực thi nhiệm vụ.
Đến Sài Gòn vào ngày 22 tháng Tám năm 1963 để thay cho Đại sứ Nolting, Cabot Loge có một nhận định khác hơn sau khi điều nghiên tại chổ. Theo ông, giải pháp tốt nhất là Mỹ không trực tiếp can thiệp mà để cho các tướng lãnh trong Quân đội VNCH tác động việc ra đi của ông bà Nhu; nếu không, sẽ có một hình thức khác là đảo chính Tổng thống Diệm. Quan điểm này được Toà Bạch Ốc đồng ý.
Đúng như dự liệu của Mỹ: Đảo chánh ngày Một tháng Mười Một năm 1963 làm chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà sụp đổ; nhưng ngoài dự liệu là ông Tổng thống Diệm và ông Nhu bị các tướng lãnh đảo chánh thảm sát. Sau đó ba tuần, Kennedy cũng bị mưu sát tại Dallas, mọi kế hoạch đều không khả thi, một trang sử bi đát mới bắt đầu cho miền Nam.
Sự ra đi đột ngột của hai Tổng thống Việt-Mỹ đã để lại quá nhiều thương tiếc cho người dân miền Nam. Sau biến cố 1975, nhìn lại hai vụ mưu sát năm 1963 này, với lòng thành tín hoặc ngưỡng mộ, họ đều có cùng chung một lập luận đơn giản: Nếu cả hai còn sống, thì miền Nam còn. Dĩ nhiên, trước hai cái chết do định mệnh đã an bài, đó là ước vọng không thành cho một tương lai bất định của miền Nam.
Tài liệu giải mật chứng minh ngược lại. Tổng thống Kennedy không còn tín nhiệm khả năng lãnh đạo của Tổng thống Diệm như trước. Ông lo âu trước các biểu hiện độc tài, gia đình trị, tham nhũng và đàn áp tôn giáo. Khi được tin ông Nhu đơn phương tiếp xúc với đối phương, ông nổi giận và dọa sẽ cúp hết các kinh viện cho miền Nam. Mọi báo cáo về diễn tiến tình hình tại Việt Nam của Tướng Krulak, Cố vấn Mendenhall, Bộ trưởng McNamara và Đại sứ Taylor đều mâu thuẩn hoặc sai lạc.
Về sau, Robert Kennedy có tiết lộ là Tổng thống John F. Kennedy tỏ ra kiên quyết hơn khi cho là chính người Việt phải chiến đấu cho Việt Nam và Mỹ không thể thay thế. Sử gia John M. Newman xác quyết là sau khi tái thắng cử vào năm 1964, Kennedy sẽ rút toàn bộ các cố vấn ra khỏi Việt Nam khi trào lưu chống Mỹ còn lên cao hơn.
Giới quân sự có một luận điểm khác: Cơ hội đã đến, tại sao Kennedy không tiến hành chiến dịch Bình định Nông thôn và hành quân bộ binh ngay từ đầu mà để cho Johnson nhận ra và phải làm về sau?
Họ lập luận là Quốc sách Ấp Chiến Lược có nhiều sai lầm, gây bất mãn cho nông dân và MTGPMN bắt đầu có cơ hội phát triển cơ sở. Nhưng để tiêu diệt MTGPMN còn trong thời kỳ phôi thai này, VNCH phải có một công cuộc đấu tranh toàn diện, kể cả bằng quân sự.
Kennedy không quan tâm kết hợp các thành quả xây dựng này. Năm 1962, Kennnedy gởi 3200 cố vấn quân sự sang Việt Nam và đến tháng Mười Một năm 1963 tăng lên là 16300 (số thương vong là 78), dĩ nhiên là không đủ để đáp ứng cho tình hình. Trở ngại chính một phần là do phản ứng đầy tự ái dân tộc của Tổng thống Diệm, một phần do thiếu kiên quyết của Kennedy gây áp lực triệt để cho Tổng thống Diệm thực thi.
Giới ngoại giao nhận ra rằng, vào muà hè 1963, tình hình quốc tế biến chuyển thuận lợi cho phép Kennedy sử dụng giải pháp hoà đàm cho Việt Nam.
Sau vụ Cu Ba vào tháng Mười năm 1962, mọi lo sợ về hai hệ thống bom nguyên tử có khả năng huỷ diệt của Mỹ và Liên Xô (Mutually Assured Destruction, MAD) không còn đe doạ và đường giây điện thoại đỏ giửa Washington và Moscow đựợc thành lập. Vào tháng Sáu năm 1963, Mỹ ký với Liên Xô một thoả ước ngưng sử dụng và thử nghiệm vũ khí nguyên tử; vào tháng Tám, Mỹ ký với Anh một thoả hiêp tương tự. Hai thành quả ngoại giao này của Mỹ cho phép kết luận là đấu tranh trực diện giửa siêu cường quốc tế là đã tránh được và tất cả các xung đột có vũ trang tại các địa phương là có thể giải quyết bằng hoà đàm. Kennedy không nhận ra hai thuận lợi này mà luôn bị ám ảnh là chiến tranh Việt Nam sẽ trầm trọng hơn khi Nga-Hoa hợp tác.
Để tránh leo thang chiến tranh, hai chuyên gia Mỹ là Đại sứ Averell Harriman và John Galbraith cũng cho thời điểm này là thuận lợi để đem Hiệp định Geneve 1954 và Lào 1961/21 ra để làm cơ sở pháp lý nhằm giải quyết chung cho các nước Đông dương. Kenndey bác bỏ các lập luận này vì cho là Mỹ không bị ràng buộc về mặt pháp lý và triển vọng chiến thắng quân sự là hiện thực. Ông gởi McNamara và Taylor đến Việt Nam để quan sát về tinh hình để tiếp tục chiến đấu.
Khi Bắc Kinh phản đối thái độ thân Mỹ của Nikita Khruschchev, Nga rút hết các cố vấn quân sự về nước, trong khi đó xung đột vũ trang tại biên giới Nga-Hoa xảy ra. Xung đột lên cao điểm vào tháng Ba năm 1969 tại Ussuri cho phép giải thích là trong mọi tình huống, hai đàn anh sẽ không trực tiếp can thiệp giúp cho CSBV trong khi bang giao Mỹ-Hoa khởi đầu nhiêu dấu hiệu xích lại gần nhau. Nga-Hoa hợp tác là một kịch bản chính của Kennedy và Johnson, nhưng đã không bao giờ xảy ra.
Bất lợi trong bối cảnh này là thái độ chống Mỹ quyết liệt của Charles de Gaulle. De Gaulle lập luận là Chiến tranh Lạnh kết thúc, vai trò lãnh đạo của hai siêu cường không còn, ba trình tự chiến lược mà thế giới phương Tây cần áp dụng là giảm căng thẳng, thông cảm và hợp tác (détente, entente, cooperation); mọi tranh chấp quốc tế có thể giải quyết bằng thương thuyết và Trung lập Hoá cho Đông dương là khả thi. Pháp rút ra khỏi NATO và xây dựng một lực lượng phòng thủ nguyên tử độc lập (Force de frappe). NATO buộc phải dời trụ sở Paris về Bruxelles. Ngày 1 tháng Chín năm 1967, tại Nam Vang, De Gaulles đề cao vai trò Trung Lập Hoá các nước Đông Duong và kêu gọi Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. VNCH đoạn giao với Pháp và biểu tình rầm rộ chống đối de Gaulle.
Chiến tranh leo thang với quyết định của Johnson. Johnson quyết định leo thang, nhưng trong phạm vi giới hạn. Dị biệt quan điểm giữa các cố vấn dân sự và quân sự về sách lược đấu tranh làm cho Johnson thiếu kiên quyết. Ông chủ trương không gài mìn hải cảng Hải Phòng sợ làm chìm tàu Nga, luôn lo sợ là có thể bị Trung Quốc và Nga trả đuả; sai lầm nhất của ông là không theo đánh đuổi MTGPMN qua bên kia biên giới cuả Campuchia và Lào, vì sẽ mở rộng cuộc chiến. Các biện pháp này Nixon thấy là đúng đắn và thực hiện về sau.
Giới chức quân sự tin là vào cuối năm 1966 là cơ hội thích hợp nhất để Mỹ thắng, nếu Johnson oanh tạc các trục tiếp vận và phong toả các hải cảng miền Bắc mạnh hơn và tiến hành Việt Nam Hoá chiến tranh ở miền Nam. Ngược lại, Johnson-McNamara cho là chiến thắng quân sự không là một giải pháp tối ưu như quan niệm cổ điển, mà nghĩ là xây dựng dân chủ miền Nam, oanh tạc và đánh phá các căn cứ hậu cần để giảm mức độ xâm nhập của CSBV và không phá hủy miền Bắc là mục tiêu chính.
Năm 1967, mặc dù thực hiện chiến dịch Rolling Thunder và tăng quân lên 425.000, nhưng CSBV không chịu đàm phán, nên Johnson không có triển vọng để kết thúc chiến tranh.
Sự hiện diện nhiều binh sĩ Hoa Kỳ tại miền Nam và các đợt không kích tại miền Bắc giúp cho CSBV có lập luận mạnh hơn để thu phục nhân tâm tại nông thôn cũng như các trí thức cảnh tả phương Tây. Dù đấu tranh ngoại vận của Hoa Kỳ và VNCH thêm khó khăn, nhưng Nixon gặp nhiều thuận lợi hơn.
Hơn bao giờ hết, tinh thần của phe Diều hâu lên đến đỉnh cao với 70% dân chúng ủng hộ, đó cũng là một thuận lợi to lớn cho Nixon. Thành quả cuộc không kích Linebacker II của Nixon, đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tại sao Nixon không kéo dài oanh tạc trước sự nguy cơ sụp đổ của CSBV? Chiến thắng gần kề mà Nixon lại tạo cho CSBV cơ hội đàm phán và mua thời gian là sai lầm. Có quá nhiều cách giải thích về chuyện ngưng không tập này. Có nhiều cách giải thích khác nhau:
Vì dư luận thế giới kết án Hoa Kỳ nặng nề về mặt đạo đức và kêu gọi ngưng oanh tạc. Đó không phải là lý do chính mà Hoa Kỳ không tiếp tục không kích, mà là vì Hoa Kỳ cho là đã đạt được các mục tiêu. Oanh tac và phong toả hải cảng thành công làm cho các lực lượng phòng không BV phải thôi hoạt động.
Một lập luận khác cho rằng CSBV thắng lớn làm cho Không Quân Hoa Kỳ thiệt hại nặng nề, nên không thể tiếp tục. Thực ra, chỉ có 15 B-52 và 12 phi cơ chiến đấu bị bắn hạ. Một lập luận khó thuyết phục. Ngược lại, Nixon đã tỏ ra kiên quyết chống Cộng và có nỗ lực cuối cùng để tạo chiến thắng cho VNCH.
Dù theo lối giải thích nào, các lập luận này mang giá trị giải thích cho một sự kiện đã rồi của lịch sử: Phe Bồ câu đã thắng tại sân nhà.
Hàn gắn vết thương chiến tranh
Binh sĩ Mỹ cuốn cờ vào tháng 3 năm 1973 tại Đà Nẳng để về nước với tâm trạng mà họ tự cho là hoà bình trong danh dự, peace in honor. Trước hàng ngàn các sinh viên đang reo hò tại đại học Tulane, New Orleans vào ngày 23 tháng Tư năm 1975, Tổng thống Gerald F. Ford tuyên bố: “Chiến tranh kết liễu với những gì mà Mỹ liên hệ.“(“The war is over as far as America is concerned”). Nhưng Ford lầm lẩn, vì miền Nam sụp đổ, nhưng hoà bình chưa được tái lập và những liên hệ Việt-Mỹ vẫn còn tồn động và cần nhiều thời gian để giải quyết.
Phe Bồ câu thắng cuộc, nhưng nước Mỹ không có danh dự vì tháo chạy, phản bội Đồng minh và lãnh mọi hậu quả cuả chiến cuộc: trả 167 tỷ Đô la và hy sinh 58.000 binh sĩ.
Về đối ngoại, uy tín của Mỹ là một siêu cường không còn, phong trào chống Mỹ tại châu Âu, vốn dĩ đã có sẳn, nay lên cực điểm; các nước chậm tiến không còn dám kết ước liên minh quân sự với Mỹ, mà ngược lại, xem là Mỹ một tai hoạ.
Về đối nội, chiến bại là một vết nhơ lịch sử, làm biến chuyển tinh thần của người Mỹ sâu xa nhất, nó không riêng là một vết thương tinh thần cho các cựu chiến binh, mà còn vang động lại trong lương tâm của toàn dân. Tất cả phải triệt để đặt lại các giá trị cao cả mà họ đã đề cao trước đây để mong tìm một hướng đi mới làm hồi sinh dân tộc.
Mỹ đã thành tâm kiểm nghiệm các giá trị trong quá khứ, nghiêm túc học tập kinh nghiệm và dè dặt cho mọi định hướng tương lại. Qua nhiều thời đại, các tổng thống đã nỗ lực nhằm hàn gắn viết thương chiến tranh và cẩn trọng khi quyết định tham chiến.
Ronald Reagan đã tài trợ cho chiến cuộc tại El Salvador, Nicaragua và gởi quân tham chiến tại Grenada trong ngắn hạn. Kinh tế nội địa hồi phục làm cho dân Mỹ tự tin và lạc quan hơn về quyền lực của Mỹ trên trường quốc tế. Nhờ uy tín của Reagan lên cao, nên thanh thế ngoại giao cũng cải thiện so với các thời của Johnson, Nixon và Ford. Nhìn lại quá khứ, Reagan còn hãnh diện khi cho là tham chiến Việt Nam là một chính nghĩa cao đẹp (noble cause).
Lúc vận động tranh cử, để cố tình kiếm phiếu, Goerge Herbert Walker Bush tố giác Bill Clinton là trốn quân dịch, nhưng công luận không quan tâm lập luận này. Hình ảnh đối nghịch của hai phe Bồ câu và Diều hâu không còn thu hút cho truyền thông. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1990/91, Georg H. W. Bush đã không tự tuyên chiến mà có Quốc hội phê chuẩn
Song song với các biện pháp giúp đở việc tái hội nhập cho các cựu chiến binh và tìm kiếm các chiến sĩ còn mất tích, Jimmy Carter đã ân xá cho hơn 10.000 thanh niên trốn quân dịch.
Các can thiệp tại Somalia và Ruanda, dù hợp pháp, nhưng làm uy tín của Mỹ xuống thấp; Clinton bị công luận chỉ trích nặng nê nên càng dè dặt hơn khi tham gia cứu trợ nhân đạo tại Bosnie và kết thúc sớm để tránh các tác hại khác.
Sau thời Goerge W. Bush, vết thương chiến tranh Việt Nam trong công luận đã được hàn gắn. Hai cuộc chiến tại Afghanistan và Irak là một đề tài mới mà việc tham chiến tại Việt Nam là một cơ sở so sánh.
Phản tỉnh của phe Bồ câu
Thế hệ phản chiến Âu-Mỹ, về sau được goị chung là thế hệ 68, đã tự phê bình về hậu quả của các phong trào phản chiến, vô số sách vở và phim ảnh ra đời để trình bày về ý thức phản tỉnh này, trong khi đa số công luận tìm cách quên đi. Không dựa trên hai khía cạnh thắng và thua để luận bàn, phe Bồ câu đã đào sâu các lập luận về văn hoá và lịch sử một cách toàn diện.
Chống lại hệ thống công quyền Mỹ là chính danh. Trào lưu này là một biểu tượng để thể hiện tinh thần bât đồng chính kiến trong việc thực thi tự do ngôn luận. Tinh thần phản chiến bắt nguồn từ ý thức khai phóng của các bậc quốc phụ và thế hệ phản chiến đã cảm nhận được sự ủy thác này.
Áp dụng chánh sách ngăn chận be bờ cuả Mỹ tại Việt Nam là sai lầm. Về quan điểm văn hoá, Truman và Eisenhower đem các yếu tố ngoại lại để giải quyết các xung đột nội tại trong bối cảnh quốc gia hoàn toàn khác biệt về mọi mặt. Các vấn đề quyền dân tộc tự quyết, tranh chấp phe nhóm, tôn giáo, đảng phái và địa phương nằm trong bối cảnh xây dựng đất nước trong thời kỳ hậu thuộc địa. Eisenhower và Kennedy đã để cho Việt Nam lệ thuộc Mỹ quá nhanh và quá mức, đến độ là không có Mỹ, miền Nam không thể sống còn.
Cho dù Mỹ không bị ràng buộc về mặt pháp lý với Hiệp định Genève, nhưng Kennedy không tận dụng giải pháp ngoại giao; việc gởi cố vấn quân sự Mỹ làm cho tình trạng lệ thuộc của Việt Nam càng trầm trọng hơn và sự xung đột văn hoá Mỹ-Việt không có thể tránh.
Quyết định của Johnson làm Mỹ hoá toàn diện cuộc chiến là dùng một phương tiện sai lầm vì tinh thần chống Mỹ xâm lăng bắt đầu, làm cuộc chiến kéo dài trong khi mục tiêu theo đuổi là giới hạn các tầm vóc của hiểm hoạ xâm lăng của CSBV.
Trong một bối cảnh quốc tế thay đổi triệt để, Nixon có tinh thần chống Cộng mãnh liệt và biết tận dụng mọi khả năng để kết thúc chiến cuộc, nhưng Nixon không đủ phương tiện hoạt động hoặc dùng các thủ thuật phạm pháp và vô đạo đức, mà cái giá phải trả là Mỹ tháo chạy, nhưng đau đớn nhất cho kết quả này chính là người dân miền Nam, một nạn nhân trực tiếp.
Noble Cause
Hành vi cao cả nhất của Mỹ cho miền Nam là chương trình xây dựng đất nước (Nation-building) trong thời kỳ sau khi thay thế cho Pháp. Xây dựng định chế quốc gia theo thể chế cộng hoà và kinh tế thị trường tự do, Mỹ đã thể hiện lý tưởng cải thiện sinh hoạt mọi mặt cho người dân miền Nam; nhờ các phương tiện viện trợ hào phóng mà tương lai của dự án là khả thi.
Thực tế khác hẳn. Về phiá Việt Nam, vì không đủ bản lĩnh chính trị để tương kế tựu kế, nên chính giới đã không tận dụng cơ hội để xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là không tranh thủ được hai trận tuyến địch vận và truyền thông ngoại vận, nên tác hại nghiêm trọng. Cả hai phiá Mỹ-Việt, vì không có một hình thức tương tác văn hoá phù hợp, nên phong cách nhiệt tình dấn thân có màu sắc văn hoá Bắc Mỹ không thể đáp ứng cho nhu cầu tinh thần của Việt Nam, một đất nước còn chậm tiến tại Á Đông.
Dù khối lượng viện trợ khổng lồ, chương trình cũng không thành công. Các chương trình viện trợ thương mại hoá tạo nên một thành phần mới ở các thành phố giàu nhanh và sống nhờ viện trợ. Lối sống tiêu thụ vật chất Mỹ gây dị biệt về lợi tức, an ninh và bất công cho nông dân nhiều hơn. Chương trình viện trợ nông phẩm làm cho Việt Nam không thể cạnh tranh nông sàn trên trường quốc tế. Cả hai làm phản tác dụng phần nào về kinh tế và chính trị trong nỗ lực chống Cộng sản. Rút cục, của cho không bằng cách cho, mà cơ hội lịch sử sẽ không bao giờ trở lại cho miền Nam.
Khi uy tín của Mỹ trên chính trường xuống thấp, theo một ước lượng chung: 60% những nỗ lực của Mỹ là cứu vớt uy tín trong lĩnh vực ngoại giao, 30% là ngăn chận sự xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc và CSBV tại miền Nam và 10% là lo nâng cao mức sống cho dân miền Nam. Các vấn đề liên hệ đến giá trị văn hoá trong mối quan hệ Mỹ-Việt không còn.
Phản tỉnh của người Việt
Dị biệt văn hoá Mỹ-Việt là một trong nhiều nguyên nhân chính làm cho miền Nam sụp đổ. Cố Tổng thống Diệm là một trong số người Việt đã thấy vấn đề, ông có lần than thở: “Người Pháp hiểu rõ người Việt, nhưng không còn muốn giúp, trong khi người Mỹ muốn giúp, lại không hiểu người Việt muốn gì.“
Ngược lại, để xây dựng chế độ Cộng sản, Stalin không cần yếu tố văn hoá để cảm thông như Tổng thống Diệm, mà cần có một thành phần ngu xuẩn và hữu ích trong xã hội. Vì thiếu ý thức và bị giật dây, nên hoạt động nội gián của giới ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản đã đắc lực giúp cho CSBV làm sụp đổ VNCH. Hiện nay, họ tỉnh ngộ trong muộn màng và cũng không giúp gì cho đất nước, vì nhiệt huyết đấu tranh của tuổi hoa niên không còn và chống Cộng hiện nay khó khăn hơn chống Mỹ khi xưa.
Trước đây, trong khi phe Diều hâu thắng thế, phe Bồ câu khó thu phục được công luận với các lập luận văn hoá vì là một khảo hướng trừu tượng và toàn diện. Nhưng hiện nay, dù là Bồ câu hay Diều hâu, cái nhìn của người Mỹ cũng giống nhau: Việt Nam đã thắng trong chiến tranh, nhưng bại trong thời bình; ngược lại, Mỹ đã thua trong cuộc chiến nhưng lại thắng trong thời bình.
Khác hẳn với người Mỹ, hai phe trong cuộc không thay đổi ý thức qua thời gian: miền Bắc vẫn còn kiêu hãnh là thắng và miền Nam luôn không chấp nhận là thua. Do đó, việc hoà giải hoà hợp dân tộc chưa đạt. Dù theo quan điểm nào, toàn dân cũng đại bại, vì là nạn nhân trực tiếp phải chịu hậu quả do chiến tranh để lại và phe thắng cuộc gây ra sau này. Hy vọng Mỹ sẽ làm thay để cải thiện mọi sự thảm hại là sai lầm, vì Mỹ cũng không có phép lạ biến đổi toàn bộ nội tình của Việt Nam.
Thảm hoạ diệt vong và triển vọng?
Bải học về sự sụp đổ miền Nam còn đó. Lịch sử đang tái diển làm cho Việt Nam sụp đổ nhanh hơn năm 1975: hung đồ xâm lược của phương Bắc rõ rệt, chính sự hoảng loạn giống như miền Nam trước năm 1975, chính giới bất tài, gian tham, bạo ngược và lo tháo chạy, chính trường chỉ là chốn bát nháo hư danh và tinh thần Diên Hồng của dân Việt suy nhược, nên vận nước thật mong manh và thảm hoạ diệt vong là hiện thực.
Tiến trình sụp đổ phải đến nhanh, thảm khốc và toản diện hơn năm 1975 vì tương đồng văn hoá Hoa-Việt là nguyên nhân chính. Người Hoa sẽ thành công hơn người Pháp và Mỹ, vì họ hiểu người Việt rõ hơn. Đó là lý do tại sao “Việt Nam tôi đâu“ của Việt Khang, một hồi chuông báo tử mang nhiều âm hưởng của “Sài gòn ơi vĩnh biệt” của Nam Lộc, một khúc hát bi ai, lại được yêu chuộng nhất hiện nay.
Cuối cùng, thế hệ hậu chiến phát hiện các di sản văn hoá nhân bản của phe thua cuộc và đang làm hồi sinh, đặc biệt nhất là kho tàng âm nhạc vô giá của miền Nam đã chinh phục lòng người, đó là một loại vũ khí mềm mà phe thắng cuộc đang và sẽ hoàn toản đại bại. Biến động thầm lặng này có hiệu ứng lan toả làm thay đổi tư duy văn hoá chính trị không, triển vọng này còn cần thời gian trả lời.
***
Giới thiệu sách mới xuất bản của tác giả tại Amazon:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét