Giấc mơ thống nhất Triều Tiên
28-4-2018
Cuộc gặp của lãnh đạo hai miền Nam –Bắc Triều Tiên ngày 27/4/2018 đã thổi một luồng không khí mát cho nhân dân hai miền Nam – Bắc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Nhưng nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân và Nam – Bắc Triều Tiên sẽ sớm thống nhất thì đúng là quá lạc quan.
XUỐNG THANG VỚI MŨI TÊN NHẮM NHIỀU ĐÍCH
Tuyên bố ngừng thử vũ khí hạt nhân của ông Kim Jong Un đơn giản chỉ bởi hai lý do:
1. Một là, Bắc Triều Tiên đã có kho vũ khí hạt nhân, đã có tên lửa đạn đao mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa, không cần phải thử nghiệm thêm nữa.
2. Hai là, cấm vận đã làm cho Bắc Triều Tiên rơi vào hoàn cảnh lao đao cùng cực, khó thể chịu thêm được nữa. Phải bằng mọi cách phá bỏ hay ít nhất là nới lỏng cấm vận. Muốn vậy bước đầu tiên, tối thiểu là phải tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo để mở ra cơ hội ngồi vào bàn đàm phán.
Ông Kim Jong Unn đồng ý đưa tuyên bố phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào thông cáo chung với ông Moon Jae In cũng đơn giản bởi vì:
1. Không phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì Mỹ không từ bỏ cấm vận.
2. Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên dưới chính thể Kim Jong Un là mục tiêu không khoan nhượng của Mỹ.
2. Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên dưới chính thể Kim Jong Un là mục tiêu không khoan nhượng của Mỹ.
Cho nên, tuyên bố ngừng thử hạt nhân là để ngồi vào đàm phán. Tuyên bố về phi hạt nhân hóa là để nới lỏng và xóa bỏ cấm vận.
Ông Kim Jong Un đã có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông cần nới lỏng cấm vận để nghỉ ngơi và thoát dần khỏi thế cô lập cùng cực. Ông cần thở để củng cố tiềm lực kinh tế.
GIẢM CĂNG THẲNG HAI MIỀN. NHÂN DÂN BẮC TRIỀU TIÊN THÊM MỘT ÍT KHÍ THỞ
Điều mà chính phủ và nhân dân hai miền Nam – Bắc Triều Tiên sáng lên hy vọng là sẽ giảm cẳng thẳng thù địch hai miền. Khả năng đối đầu quân sự giảm xuống. Cả hai phía sẽ bớt nghẹt thở và ngủ ngon hơn.
Nhân dân Nam triều Tiên sẽ bớt đi nỗi canh cánh bùng nổ chiến tranh từ phía Bắc.
Nhân dân Nam triều Tiên sẽ bớt đi nỗi canh cánh bùng nổ chiến tranh từ phía Bắc.
Còn nhân dân Bắc Triều Tiên sẽ lóe lên niềm hy vọng nới lỏng 2 tầng thòng lọng: 1). Gồng mình chống lại cuộc cấm vận nghẹt thở của Mỹ; 2). Dưới ách cai trị hà khắc, vắt đến cùng kiệt sức lực, của chính thể Kim Jong Un.
ĐỪNG NGHĨ RẰNG ÔNG KIM JONG UN TỪ BỎ VŨ KHÍ HẠT NHÂN
Ba đời nhà ông Kim Jong Un, kể từ ông nội Kim Il Sung và đời bố Kim Jong Il, đã trải qua bao cơ cực chống chọi với các lệnh cấm vận khắc nghiệt của Mỹ để đạt được mục đích có vũ khí hạt nhân. Với nhà họ Kim, vũ khí hạt nhân là bảo bối duy trì quyền lực. Về đối nội, là thanh bảo kiếm tiếp tục quyền cai trị của nhà họ Kim đối với nhân dân Bắc Triều Tiên. Về đối ngoại, là tư thế thống lĩnh một quốc gia hạt nhân để ngồi ngang hàng đàm phán với các quốc gia hạt nhân khác. Mất vũ khí hạt nhân là họ Kim mất quyền lực. Nên ông Kim Jong Un sẽ không bao giờ tự hủy bỏ khả năng hạt nhân.
Ông Kim Jong Un đang dùng kế hoãn binh. Ông dừng thử hạt nhân, tuyên bố phi hạt nhân hóa bằng một quá trình đàm phán.Từng bước nới lỏng cấm vận. Nhưng vẫn bằng mọi cách để bảo tồn khả năng hạt nhân.
Liệu kế hoãn binh“Dưỡng sức, Nâng lực” của ông Kim Jong Un đôi co được bao lâu với Mỹ thì còn phải chờ thời gian phía trước. Nhưng chắc chắn kế hoãn binh sẽ cho ông Kim Jong Un một cơ hội phục sức.
ĐỪNG VỘI MƠ VỀ THỐNG NHẤT
Những kẻ độc tài không bao giờ tự nguyện từ bỏ quyền lực. Ngoại trừ bị ép buộc.
Dẫu rằng đã từng du học ở Thụy Sĩ, nhưng ảnh hưởng dân chủ không thể thắng nổi quyền lực gia đình trị trong con người ông Kim Jong Un.
Ông Kim Jong Un sẽ không bao giờ đồng ý thống nhất hai miền Nam – Bắc Triều Tiên bằng con đường tổng tuyển cử dân chủ. Bởi vì tổng tuyển cử dân chủ tự do thì ông sẽ thua. Đồng nghĩa với mất quyền lực.
Liên hệ lại, theo Hiệp định Giơveơ 1954 thì hai miền Nam – Bắc Việt Nam sẽ tổng tuyển cử vào năm 1956. Nhưng thế yếu của chính quyền ông Ngô Đình Diệm vào lúc đó đã khiến ông Diệm không chịu tiến hành một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc mà ông Diệm biết chắc chắn là thất bại.
Đừng so sánh Nam – Bắc Triều Tiên với Đông Đức – Tây Đức. Đó là hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau, trong hoàn cảnh cũng hoàn toàn khác nhau.
CÒN LÀ TRUNG QUỐC
Nam – Bắc triều Tiên khó thống nhất không phải chỉ bởi từ một phía ông Kim Jong Un. Mà còn có một nhân tố khác nữa. Đó là Trung Quốc.
Trung Quốc không bao giờ muốn Nam – Bắc Triều Tiên thống nhất. Và Trung Quốc sẽ đi những nước cờ để Triều Tiên bị chia cắt dài lâu nhất có thể.
CÓ CHĂNG LÀ MỘT HÌNH THỨC HỢP TÁC LIÊN BANG LỎNG LẺO?
Cuối cùng thì hai miền Nam – Bắc Triều Tiên nhất định sẽ thống nhất. Đó là khi nền Dân chủ ở Bắc Triều Tiên được phát triển ở một mức độ chín muồi đủ để xẩy ra “phản ứng”.Trước đó, có thể là thời kỳ quá độ của một hình thức hợp tác liên bang lỏng lẻo?
Ông Kim Jong Un ý thức trước được rằng, mưu kế hoãn binh của ông, cùng với hợp tác kinh tế Nam – Bắc, một hình thức hợp tác liên bang lỏng lẻo, hay là sự mở cửa ra thế giới bên ngoài, tất cả sẽ thúc đẩy sự phát triển Dân chủ ở Bắc Triều Tiên. Nhưng ông cũng đã sắp sẵn kế sách thắt chặt nó trong tầm kiểm soát.
Nhưng rồi sẽ đến ngày mà ông Kim Jong Un sẽ không thể khống chế được sự lớn mạnh của nền Dân chủ ở Bắc Triều Tiên. Đó không chỉ là thời điểm hạnh phúc trăm năm mong đợi của nhân dân hai miền Nam – Bắc Triều Tiên, mà còn là sự tất thắng của tiến bộ nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét