Việt Nam: Đảng Cộng sản có thể bắt kịp những cải cách thị trường?
bauxitevn8:08 AM
Anton Tsvetov, The Diplomat, ngày 28, tháng Mười, 2016
Duyên Anh dịch
Posters cổ động bầu cử Quốc hội lần thứ 14 trên đường phố Hà Nội, Việt Nam (20/5/2016). Ảnh: REUTERS/Kham
Đảng Cộng sản có sẵn sàng đối mặt với những hệ quả chính trị từ sự chuyển đổi kinh tế Việt Nam?
Năm 1986, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) lần VI, nhà cầm quyền quyết định đã đến lúc thay đổi. Mười năm đã qua kể từ khi Đảng Cộng sản thống nhất quốc gia dưới sự cai trị của mình. Tính danh chính danh của Đảng, dựa trên thắng lợi từ cuộc tấn công quân sự, đã bắt đầu lung lay. Nền kinh tế phải vật lộn căng thẳng bởi những thực hành nhất nhất theo con đường chủ nghĩa xã hội không cung cấp đủ sản lượng nông nghiệp và công nghiệp cho dân chúng. Lối thoát là cải cách thị trường, được gọi là “Đổi mới”.
30 năm sau, Việt Nam đã chuyển dạng về kinh tế và xã hội, nhưng nền chính trị thì vẫn tụt hậu. Đảng Cộng sản vẫn duy trì tình trạng độc quyền về quyền lực, ít có sự tranh biện. Có thể có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, ĐCSVN đã thành công khi kiểm soát được hoàn cảnh chính trị, ngăn chặn các thế lực chính trị khác thâm nhập vào vũ đài chung. Thứ hai, nhưng cũng không kém phần quan trọng, Đảng đã xoay trở từ tính chính danh dựa trên thắng lợi quân sự chuyển sang tính chính danh dựa vào thành tựu [performance-based legitimacy.]
Nhờ vào công cuộc cải cách, Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa xuất khẩu. Chi phí lao động thấp, lực lượng lao động có trình độ, mở cửa với tư bản nước ngoài, tham gia vào hiệp định thương mại tự do đã đưa kinh doanh quốc tế đến Việt Nam. Tiền rót vào quốc gia được đưa vào sử dụng tốt, với mức giảm đáng kể tỷ lệ nghèo, gia tăng mức sống và tuổi thọ.
Đảng Cộng sản nắm quyền sở hữu hoàn toàn thắng lợi của công cuộc cải cách này. Tại các kì Đại hội Đảng và các phiên họp toàn thể, những quyết định then chốt đã được đưa ra; thành viên và các nhà lãnh đạo đã phác thảo và thực hiện cải cách thị trường; và Đảng đã không ngần ngại quảng cáo vai trò chính của mình trong việc cải cách nền kinh tế. Do đó, người dân được đưa cho lí do vững chắc để ủng hộ những người Cộng sản, vững chắc hơn là thắng lợi của họ ở miền Nam Việt Nam – một mô hình kinh tế bền vững và thành công.
Sau 30 năm và hai cuộc khủng hoảng tài chính, hiện nay Việt Nam đang trên bờ vực của một quá trình chuyển đổi nhiều khó khăn hơn. Duy trì và đẩy mạnh đà đổi mới kinh tế không còn chỉ là thu hút nhiều hơn tiền nước ngoài vào đầu tư, tín dụng và hỗ trợ phát triển. Để thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu kinh tế, gia tăng cổ phần các ngành công nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước, giải quyết khu vực nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả, và cải thiện đáng kể các thể chế của nó.
ĐCSVN dường như đã nhận ra mình đang nắm trong tay lực lượng lao động phi thường, như đã được ghi trong các văn kiện và tuyên bố chính thức của Đảng, cũng như trong bản báo cáo Vietnam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Đầu tư và Thương mại Việt Nam [tác giả nhầm, đúng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ND] cùng lập. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn cơ bản trong việc tái cơ cấu nền kinh tế vốn đã được tiến hành trong 30 năm qua và dường như còn tiếp tục ít nhất là 30 năm nữa. Sự chuyển đổi kinh tế đã làm nổi lên toàn bộ tầng lớp xã hội mới và các nhóm lợi ích, mà hiện nay có thể tương đối khá giả và không lên tiếng, nhưng chắc chắn sẽ yêu cầu can dự vào chính trị để bảo đảm vị trí của mình trong tương lai.
Lấy ví dụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã tăng lên nhanh chóng trong những thập kỷ vừa qua. Sự công nhận hoàn toàn các doanh nghiệp tư nhân đã mở ra khả năng tiềm tàng của tính chất tư bản Việt Nam, trên đất nước bây giờ là nhà của khoảng 500.000 doanh nghiệp, với 97 phần trăm trong số đó là DNVVN. Hiện nay họ sử dụng một nửa lực lượng lao động của đất nước. Nhưng ĐCSVN vẫn thắt chặt vị thế của nhóm này, vì tầm quan trọng cho sự ổn định xã hội Việt Nam. DNVVN và các doanh nghiệp tư nhân nói chung vẫn thèm muốn được tiếp cận tốt hơn về tín dụng, nạn quan liêu được nới lỏng và đảm bảo quyền sở hữu, và do vậy họ sẽ tìm kiếm đại diện chính trị tương xứng.
Một nhóm khác cũng được ĐCSVN giám sát là tầng lớp trung lưu thành thị. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh, từ 12 triệu vào năm 2012 đến ước lượng 33 triệu vào năm 2020, được cho là chiếm một nửa lượng tiêu thụ của cả nước. Nhóm này sẽ đóng một vai trò thiết yếu nếu Việt Nam xây dựng nền kinh tế mới dựa trên các ngành công nghiệp và dịch vụ giá trị gia tăng cao và nếu Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp”, như tuyên bố của lãnh đạo cao cấp nhất. Với chiều hướng gia tăng công bằng xã hội, nhóm này sẽ thúc đẩy các chiến dịch công cộng tùy biến qua các phương tiện truyền thông xã hội, phục vụ như là một bộ máy khuếch đại đối với mọi bất bình – từ những cuộc đình công của công nhân đến những thảm họa môi trường. Hơn nữa, qua con mắt của tầng lớp trung lưu thành thị - và đặc biệt là những người trẻ - thế giới nhìn thấy được các sự kiện xảy ra ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao ĐCSVN quan tâm đến việc hợp nhất nguyện vọng của nhóm này vào tiến trình chính trị.
Đây chỉ là hai ví dụ về các vai trò mới nổi lên trong bối cảnh xã hội Việt Nam sản sinh những cải cách kinh tế, nhưng những cơn đau tăng trưởng khác cũng có thể tìm đến sự chuyển đổi chính trị. Một nền kinh tế bùng nổ đã tạo ra tất cả sự mất cân bằng điển hình của quá trình phát triển nhanh chóng - tham nhũng trên quy mô rộng khắp, sự bất bình đẳng thu nhập và phát triển chênh lệch ngày càng lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, cũng như giữa dân tộc Kinh và nhiều dân tộc thiểu số. Về chính trị, người miền Bắc vẫn hiện diện nhiều hơn trong số các thành viên ĐCSVN và trong vai trò lãnh đạo các hội đoàn cũng như các ủy ban đoàn kết thuộc sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn rất dễ bị suy thoái môi trường, nạn phá rừng, xâm nhập mặn, và yếu tố con người gây ra như vấn đề ô nhiễm không khí đang gia tăng ở Hà Nội và các vụ việc cá chết (vô số) trên diện rộng xảy ra trong năm nay. Người dân địa phương đã cho thấy rằng họ sẵn sàng phản kháng vì lợi ích được sống trong môi trường trong lành, vì đây không chỉ là vấn đề chất lượng sống, mà còn là vấn đề sống còn về mặt kinh tế của các cộng đồng ven biển rộng lớn.
Tất cả những điều này có thể trở thành vấn đề với giới cầm quyền do một cộng đồng báo chí sôi động và các phương tiện truyền thông xã hội tương đối cởi mở. Không giống ở Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã không chọn đóng cửa Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác mà ủng hộ các giải pháp thay thế trong nước và dễ kiểm soát. Kết quả là tin tức chính trị và xã hội được trực tuyến ngay lập tức, mà ĐCSVN khó thể can thiệp. Đất nước đang ngày càng trở nên minh bạch hơn, với hàng triệu khách du lịch ghé đến mỗi năm, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tình hình ổn định và cai trị trong nước, và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) toàn cầu và trong nước đang xem chừng từng bước đi của chính phủ.
Không phải ĐCSVN không cảnh giác trước những rủi ro đe dọa sự tồn vong của mình mà tiếp tục đổi mới. Hoàn toàn ngược lại, các nhà Cộng sản Việt Nam đã thích nghi đáng kể trong suốt ba thập kỷ qua, uốn lại cách tiếp cận của họ với các vấn đề ý thức hệ và chính sách. Vì ĐCSVN không còn là đảng của giai cấp công nhân và nông dân, mà đại diện cho “toàn thể dân Việt Nam”, chung quy lại đó là sự mở rộng nền tảng xã hội.
Hơn nữa, các học giả đã nhận thấy rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh” đã giành được chỗ đứng trong nền tảng ý thức hệ của ĐCSVN, đẩy chủ nghĩa Mác-Lênin chính thống về hậu cảnh. Điều kỳ lạ là không ai biết chính xác “tư tưởng Hồ Chí Minh” là gì, ngoại trừ "một ứng dụng của chủ nghĩa xã hội đối với những đặc thù của Việt Nam”. Có thể dễ dàng hiểu được làm thế nào mà một loạt các chính sách to lớn có thể bị đặt dưới loại biểu ngữ này.
Dường như chính các quan chức Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến tình hình chính trị thực tế. Có một nỗ lực có thể nhìn thấy từ những người đứng đầu chính phủ khi tự nhìn nhận mình chủ yếu ở vai trò giám đốc điều hành và nhà kỹ trị, chứ không chỉ đơn thuần là đại diện của Đảng Nhà nước. Và với sự gia tăng của phương tiện truyền thông xã hội, lãnh đạo tỉnh và chính phủ đang nắm bắt các chính sách công [public politics] theo kiểu phương Tây, dự tính cởi mở để giám sát và thực hiện trò diễn PR như việc bơi ngoài biển để cho thấy là biển an toàn mặc cho thảm họa môi trường ngay cạnh.
Các vấn đề quan tâm hàng đầu của ĐCSVN, tất nhiên là sự độc quyền quyền lực. Khi xã hội Việt Nam phát triển, thì nền tảng xã hội và lực lượng nòng cốt của Đảng cũng phát triển. 30 năm tới với sự tiến hành những cải cách kinh tế sâu rộng hơn – là thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam – ĐCSVNsẽ tìm thấy chính mình trong một đất nước hoàn toàn khác. Đảng có trở thành một lực lượng chính trị khác, với sự độc quyền về quyền lực duy trì nguyên lý thống nhất duy nhất? Nó sẽ thừa nhận sự cạnh tranh đảng phái là lựa chọn duy nhất cho một hệ thống đa đảng? ĐCSVN sẽ ngăn chặn những cải cách xa hơn tại điểm mà chỉ cần thêm bước nữa thì sẽ làm lung lay sự độc quyền quyền lực mà không thể vãn hồi?
Dù cho kịch bản nào xảy ra, ĐCSVN cũng sẽ phải thay đổi cùng với nền kinh tế Việt Nam, hoặc là nó sẽ không còn phù hợp nữa.
A. T.
Dịch giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét