Điều tra Nhị Khê 'cực kỳ nghiêm trọng'
- 3 giờ trước
Đại diện Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) nói trong chương trình Bàn tròn thứ Năm hôm 17/11 của BBC Tiếng Việt rằng những cáo buộc tham nhũng và quan chức liên quan tới buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã của Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC) tại làng Nhị Khê là điều tra cực kỳ quan trọng.
"Chúng tôi coi trọng những tìm hiểu này và đây là một trong những điều tra kỹ lưỡng và chi tiết nhất về buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, và điều tra này đã được một hội đồng các nhà báo và luật sư kỳ cựu ở lĩnh vực này thông qua, mà một số người trong đó cũng rất nổi tiếng.
"Và nếu họ đã kết luận rằng điều tra này là đúng thì đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng và cần được xem xét kỹ lưỡng," chuyên gia phân tích chính sách về buôn bán trái phép động vật hoang dã, Tiến sỹ Colman O Crodain nói trong chương trình.
Ông cũng cho biết phía WWF muốn được biết quan điểm của chính phủ Việt Nam về vụ việc này.
Tuy nhiên, phóng viên Ben Ngo tường thuật từ Hà Nội cho biết trong trao đổi bên lề hội nghị với BBC Tiếng Việt, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) nói: "Những thông tin mà tổ chức này đưa ra được chụp từ trên Internet."
"Thật sự thì các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã hành động quyết liệt, dẫn đến những vụ bắt giữ buôn trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác gần đây."
Động thái hủy khoảng hai tấn ngà voi gần đây của chính quyền Việt Nam được một đại diện của Cơ quan Điều tra Môi trường Quốc tế (EIA) đánh giá là dấu hiệu tích cực "nhưng chỉ là con số rất nhỏ trong toàn bộ số lượng ngà voi mà Việt Nam lưu trữ".
"Ví dụ, từ năm 2005 đến nay, Việt Nam thu được 46 tấn ngà voi, như thế có nghĩa là có ít nhất 6.000 con voi đã chết. Việt Nam cũng thu được hơn một nghìn kg sừng tê và cũng có nghĩa là rất nhiều tê giác đã phải chết.
"Ngoài ra còn là buôn bán hổ và các loài động vật lớn họ mèo ở châu Á, rồi tê tê... tất cả những loài này đều nằm trong hạng mục có nguy cơ tuyệt chủng," cô Shruti Suresh, nhà vận động chiến dịch cấp cao của EIA nói.
Hôm 14 - 15/11, một phiên điều trần đặc biệt của WJC đã diễn ra ở The Hague với một số cáo buộc nghiêm trọng liên quan tới chính phủ Việt Nam, được trình bày trước hơn 200 thành viên tham dự.
Lo ngại về Bộ luật hình sự
Chuyên gia của hai tổ chức bảo tồn thiên nhiên quan trọng của quốc tế cũng tỏ ra đặc biệt lo ngại trước việc hoàn chỉnh và thực thi Bộ luật Hình sự của Việt Nam trong ngăn chặn buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã.
Tiến sỹ Colman O Criodain nói trong chương trình bàn tròn của BBC Tiếng Việt rằng, Việt Nam cần "củng cố Luật Hình sự để có các mức phạt thích đáng đối với những ai phạm tội".
Đây cũng là lo ngại lớn nhất của Cơ quan Điều tra Môi trường Quốc tế (EIA).
"Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khâu trung chuyển cũng như tiêu thụ những loài này thế nhưng những người liên quan lại không bị xử lý một cách thích đáng, đó là lo ngại lớn nhất của chúng tôi," nhà vận động chiến dịch cấp cao của EIA, cô Shruti Suresh nói trong chương trình trực tiếp.
"...EIA hối thúc chính phủ Việt Nam sửa đổi những vấn đề trong Bộ luật hình sự, và sớm đưa ra thực thi một cách có hiệu quả vì cần có những hành động mạnh mẽ để chống lại tội phạm về động vật hoang dã," cô nói thêm.
Bàn tròn thứ Năm về các vấn đề bảo tồn môi trường được thực hiện cùng các khách mời quốc tế và Việt Nam trong bối cảnh Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Trái phép Động vật, Thực vật Hoang dã (IWT) lần thứ ba được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị IWT lần 2 diễn ra tại London năm 2014.
Bấm vào đây để xem lại thảo luận trực tuyến
'Hàng ngàn voi chết'
Tiến sỹ Colman của WWF cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam chủ động đề nghị tổ chức hội nghị IWT năm nay, và điều này "giúp chúng tôi soi rọi vào tình hình ở châu Á cũng như ở Việt Nam".
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc một video trên mạng xã hội của WWF cáo buộc Việt Nam "hầu như không làm gì" trong việc ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã, ông Colman nói:
"Nói là Việt Nam làm rất ít thì cũng không chính xác nhưng chắc chắn là họ vẫn làm chưa đủ. Chúng tôi muốn thấy có 3 điểm được thực hiện cụ thể:
- Đóng cửa các trại nuôi hổ và các trại nuôi trái phép động vật hoang dã
- Ngừng hẳn việc mua bán động thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động thực vật hoang dã như sừng tê và ngà voi ở thị trường nội địa
- Và chúng tôi cũng muốn thấy Việt Nam củng cố Luật Hình sự để có các mức phạt thích đáng đối với những ai phạm tội
Chuyên gia Suresh của EIA cũng cho biết, tổ chức này đã thực hiện điều tra và đánh giá việc thực hiện các cam kết về môi trường của 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sau hội nghị IWT ở London.
"Chúng tôi phát hiện thấy ở những quốc gia này, tuy về mặt hạ tầng đã có những thứ như luật cơ bản, các cơ quan chống buôn bán trái phép động vật hoang dã vv. Tất cả những điều này đều đã sẵn có nhưng không được huy động hết mức có thể để chống lại tội phạm về động vật hoang dã, để bắt giữ, truy tố tội phạm và tất nhiên là cả với các quan chức tham nhũng nữa.
"Đặc biệt với trường hợp của Việt Nam, đã có một số tiến bộ như việc xem xét lại Luật Hình sự - là bước phát triển đáng hoan nghênh mà có thể giúp giải quyết một số vấn đề đang tồn tại. Nhưng điều này đang bị tạm hoãn cho tới khoảng năm sau."
Trả lời câu hỏi của khán giả theo dõi trực tiếp chương trình về việc điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam không thực hiện lời hứa với quốc tế của mình, cô Suresh nói "mọi chú ý đang dồn vào Việt Nam và cũng chỉ có chính phủ Việt Nam mới có thể biến tất cả những cam kết, lời hứa ngăn chặn tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã của mình thành hành động.
"Việt Nam tham dự Hiệp ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, vậy nếu họ không thực hiện những cam kết của hiệp ước này, họ có thể áp dụng những hành động nghiêm trọng hơn, như cấm vận thương mại, và có lẽ là chính phủ Việt Nam không muốn để điều này xảy ra.
"Tất nhiên cũng có những biện pháp khác và tôi mong là sự việc sẽ không đi xa tới mức đó, nhưng chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp có hành động cụ thể bởi chúng ta không có thời gian cứ ngồi đó mà không làm gì."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét