Ý kiến của luật sư liên quan đến vụ em Đỗ Đăng Dư
bauxitevnMon 7:11 AM
Vụ em Đỗ Đăng Dư Nhiều khả năng Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an huyện Chương Mỹ đã phạm tội hình sự.
Thứ nhất: Em Dư lấy trộm 1,5 triệu là chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Vì căn cứ theo Điều 138 Bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản, tài sản trộm cắp phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Do vậy với số tiền chỉ là 1,5 triệu thì việc tạm giữ hình sự để khởi đầu cho việc xử lý hình sự em Dư là trái pháp luật.
Tại sao lại có vi phạm đơn giản như vậy?
Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ tại Điều 86 về tạm giữ hình sự, theo đó tạm giữ phải có quyết định của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an huyện và phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp xin phê chuẩn.
Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Do vậy khi thấy số tiền trộm cắp chỉ là 1,5 triệu chưa đến mức xử lý hình sự thì ngay Trưởng công an xã là người có kiến thức phải biết hành vi của em không phải là tội phạm nên chỉ cần lập biên bản lại để xử lý hành chính và tha cho em. Chẳng lẽ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng công an huyện mà lại không biết, lại ra quyết định tạm giữ để khơi mào xử lý hình sự. Như thế là trái pháp luật.
Do vậy tôi cho rằng việc đầu tiên là việc tạm giữ hình sự em Dư là trái pháp luật.
Thứ hai: Ngoài việc ra quyết định tạm giữ hình sự trái pháp luật, tại sao lại xử lý hình sự với hành vi trộm cắp chỉ 1,5 triệu chưa đến mức 2 triệu?
Có khả năng trong khi bị tạm giữ hình sự trong quá trình khai báo em Dư đã khai ra 4 vụ trộm cắp khác và giá trị tài sản lớn hơn 2 triệu nên đủ mức xử lý hình sự. Nhưng liệu việc áp dụng biện pháp bắt tạm giam em có đúng luật hay trái luật?
Căn cứ theo điều 303 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thủ tục tố tụng hình sự xử lý người chưa thành niên, thì trẻ vị thành niên chỉ bị bắt giam nếu có phạm tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Điều 138 về tội trộm cắp tài sản thì em Dư phải trộm cắp tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên mới là phạm tội nghiêm trọng và bị áp dụng biện pháp tạm giam. Còn nếu em chỉ trộm cắp vặt giá trị tài sản chỉ vài trăm nghìn hoặc một vài triệu, giá trị không đến 50 triệu thì không được bắt tạm giam em.
Như vậy nếu làm rõ được giá trị tài sản trộm cắp chưa đến 50 triệu đồng mà vẫn áp dụng biện pháp bắt giam em Dư sẽ là trái pháp luật.
Tóm lại: Tôi cho rằng rất có khả năng Cán bộ điều tra của công an Huyện Chương Mỹ và Viện kiểm sát huyện Chương Mỹ đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự, có khả năng đã vi phạm pháp luật hình sự và phạm vào tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 Bộ luật hình sự
Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật
1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Việc Thủ trưởng hay Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra Quyết định tạm giữ hình sự, Quyết định tạm giam em Dư nhiều khả năng đã phạm vào tội ra quyết định trái pháp luật nêu trên.
Đi sâu vào vụ án có thể còn có những vi phạm khác nữa, việc điều tra các sai phạm này thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cụ thể trích từ một bài báo như sau:
Ngày 6-8-2015, tin từ lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết, sáng cùng ngày VKSND Tối cao đã tổ chức lễ ra mắt Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6). Ông Nguyễn Việt Hùng được lãnh đạo VKSND Tối cao bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ 6.
Như vậy Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được lập thêm cơ quan chuyên sâu chuyên xử lý các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tức là những tội phạm do các cán bộ tư pháp gây ra. Do vậy gia đình em Dư và các luật sư cần làm đơn trình báo tới vụ 6 Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu trên.
Cuối cùng: Việc bắt giam em thiếu cơ sở xác đáng và đặt tính mạng sức khỏe của em vào môi trường giam giữ không an toàn cho thấy nền tư pháp hình sự hiện tại vô cùng nghiệt ngã và nặng nề bạo quyền.
Việc em Dư phải khai ra 4 vụ trộm cắp tôi tin chắc cũng do bị đánh đập, điều này đặt ra đòi hỏi phải có quy định về quyền im lặng, việc lấy lời khai phải có luật sư tham gia, trong phòng giam giữ và phòng hỏi cung phải lắp camera ghi âm ghi hình.
Nếu không thực hiện những việc này thì tội ác do cán bộ công quyền gây ra (vô tình hay cố ý) cho con người sẽ vẫn còn tiếp diễn.
N.N.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét