TPP sẽ giúp Việt Nam ‘thoát Trung’?
bauxitevnWed 7:37 AM
06.10.2015
Mỹ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương khác đã đạt được thoả thuận chung cuộc về một hiệp định thương mại sẽ hạ thấp thuế quan và giảm thiểu những rào cản mậu dịch cho gần phân nửa nền kinh tế thế giới.
Thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trong nhiều thập kỷ mà Hà Nội và 11 đối tác mới ký kết mang lại hy vọng về khả năng Việt Nam sẽ thoát khỏi cái bóng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới được 12 nước hoàn tất hôm qua, 5/10, sau nhiều năm đàm phán cam go, dự kiến sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các tiêu chuẩn mậu dịch cho các quốc gia tham gia.
Thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất nhằm tiến tới việc chung quyết TPP.
Hiện nay nền kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều. Cán cân thương mại hai nước rất là lệch. Thứ hai nữa, phần lớn các công trình ở Việt Nam, các công trình quan trọng, là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Thế thì nếu Việt Nam vào TPP, thì có khả năng là với nhiều đối tác khác, có sự hợp tác chặt chẽ thì sự lệ thuộc này nó sẽ dần dần giảm bớt.
Cựu đại biểu Quốc hội VN Nguyễn Minh Thuyết nói.
Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho VOA Việt Ngữ biết rằng cũng giống như nhiều người Việt Nam khác, ông “rất vui” về diễn biến này.
Ông cho rằng “đây sẽ là một cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường buôn bán với một số ưu đãi nhất định cũng như đỡ lệ thuộc hơn vào một số nền kinh tế khác”. Ông Thuyết nói thêm:
“Việt Nam ở cạnh Trung Quốc là nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam nhiều. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều. Cán cân thương mại hai nước rất là lệch. Thứ hai nữa là, phần lớn các công trình ở Việt Nam, các công trình quan trọng, là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Thế thì nếu Việt Nam vào TPP, thì có khả năng là với nhiều đối tác khác, có sự hợp tác chặt chẽ thì sự lệ thuộc này nó sẽ dần dần giảm bớt. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế trước đi đã còn những việc khác theo tôi cũng phải qua một quá trình với một quyết tâm thì mới có thể đạt được. Có thể nói là hầu hết người Việt Nam mong muốn như vậy.”
Phát biểu sau khi TPP được ký kết, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Washington không thể để Trung Quốc lập ra luật lệ về thương mại toàn cầu.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói trong một thông cáo phổ biến hôm 5/10: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để các nước như Trung Quốc viết ra luật lệ của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta cần phải viết ra các luật lệ đó, mở ra các thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ trong khi đặt ra các tiêu chuẩn cao nhằm bảo vệ các công nhân và giữ gìn môi trường”.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia không nằm trong 12 nước ký vào TPP, đã lên tiếng phản ứng thận trọng về TPP. Bắc Kinh tuyên bố “để ngỏ trước bất kỳ cơ chế nào” tuân thủ các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tân Hoa Xã trích lời thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng TPP là “một trong các thỏa thuận thương mại tự do quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Cái này [TPP] sẽ dần dần mở ra quan hệ với nhiều nước, nó sẽ là cái tốt hơn cho mình. Mặt khác, chính việc Việt Nam tham gia vào cái này, nó cũng là một cơ hội tốt cho kể cả phía Trung Quốc trong việc làm ăn thông qua thị trường của Việt Nam. Cho nên là nó cũng mang lại nhiều mặt tích cực”.
Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhận xét.
Bộ này được trích tiếp: "Trung Quốc hy vọng thỏa thuận TPP và các cơ chế mậu dịch tự do khác trong khu vực sẽ hỗ trợ cho nhau và góp phần làm gia tăng thông thương, đầu tư và kinh tế cho khu vực châu Á Thái Bình Dương”.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng thỏa thuận sẽ có ý nghĩa mang tính chiến lược hơn nếu Trung Quốc gia nhập TPP trong tương lai.
Cũng giống như cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nói với VOA Việt Ngữ rằng TPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường. Ông nói:
“Trong lĩnh vực thương mại của mình với Trung Quốc, thì Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn. Mình thấy cần phải đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường. Cái này [TPP] sẽ dần dần mở ra quan hệ với nhiều nước, nó sẽ là cái tốt hơn cho mình. Mặt khác, chính việc Việt Nam tham gia vào cái này, nó cũng là một cơ hội tốt cho kể cả phía Trung Quốc trong việc làm ăn thông qua thị trường của Việt Nam. Cho nên là nó cũng mang lại nhiều mặt tích cực”.
Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ phải được quốc hội từng nước thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Cũng có quan điểm như ông Thảo, cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông “chưa nhìn thấy vướng mắc gì” tại cơ quan lập pháp ở Việt Nam.
Ông nói:
“Trong quá trình đàm phán, các vị đại biểu quốc hội cũng đã theo dõi và cũng được chính phủ thông tin thường xuyên, nên khi mà trình ra để thông qua quốc hội thì tôi chắc rằng câu chuyện không có gì phức tạp, vả lại, với thể chế của Việt Nam thì việc thông qua quốc hội, nó cũng không phải là khó khăn lắm”.
Ông Thuyết nói thêm rằng, cũng như người dân Việt Nam khác, ông “rất mong muốn chính phủ sẽ phải có một kế hoạch rất là chu đáo để chuẩn bị cho Việt Nam bước vào TPP một cách thật là thuận lợi”.
Trong khi TPP được dự báo sẽ dễ dàng được thông qua tại Quốc hội Việt Nam thì thỏa thuận thương mại tự do này được cho là sẽ tiếp tục vấp phải nhiều trở ngại tại quốc hội Mỹ.
Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố ông sẽ "làm tất cả những gì có thể để đánh bại thỏa thuận này" tại cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ.
Nhận định trên trang blog cá nhân, tiến sỹ Jonathan London từ Đại học Thành thị ở Hong Kong, viết rằng “TPP sẽ mang lại những cơ hội tốt cho Việt Nam. Nhưng những tác động của TPP tới sự phát triển của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các thể chế chính trị, kinh tế ở Việt Nam trong những năm tới. Còn sớm là đúng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét