TPP: Cú sốc dịch chuyển lao động chăn nuôi
bauxitevnFri 9:02 AM
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Ảnh minh họa. Caytrongvatnuoi.com
Hàng triệu lao động trong ngành chăn nuôi gia cầm, heo, trâu bò của Việt Nam sẽ gặp cú sốc chuyển dịch nghề nghiệp, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP dự kiến có hiệu lực từ 2018. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.
Khu mậu dịch tự do lớn nhất thế giới được thiết lập qua Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP, trong tương lai đem lại cho Việt Nam nhiều hy vọng và những thách thức to lớn. Những con số đẹp như mơ được chính phủ Việt Nam công bố, như tăng GDP Tổng sản phẩm nội địa thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và tăng 33,5 tỷ USD vào năm 2025.
Lợi và hại của TPP
Ngay sau khi TPP hoàn tất đàm phán giữa 12 quốc gia thành viên hôm 5/10 tại Atlanta Hoa Kỳ, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện Chính phủ Việt Nam đã họp báo và nhìn nhận khi TPP có hiệu lực, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất.
Trả lời Nam Nguyên vào tối ngày 6/10, TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định là, nhìn tổng thể TPP có rất nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam trên cả ba khía cạnh xuất khẩu, tăng trưởng GDP, đầu tư và đặc biệt tác động đến quá trình cải cách mà Việt Nam đang thực hiện và muốn đẩy lên ở mức mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực kinh tế nào ở Việt Nam cũng được hưởng. TS Võ Trí Thành nhấn mạnh:
Gắn với các tác động tích cực ấy cũng hàm nghĩa về lao động và dịch chuyển lao động, sẽ có rất nhiều công ăn việc làm có thể là hàng triệu công ăn việc làm mới được tạo ra cho những ngành Việt Nam có lợi thế. Đây cũng là một cách để thu hút lao động từ các lĩnh vực khác, có thể chịu những tác động tiêu cực TPP như là ngành chăn nuôi
TS Võ Trí Thành
“ Gắn với các tác động tích cực ấy cũng hàm nghĩa về lao động và dịch chuyển lao động, sẽ có rất nhiều công ăn việc làm có thể là hàng triệu công ăn việc làm mới được tạo ra cho những ngành Việt Nam có lợi thế. Đây cũng là một cách để thu hút lao động từ các lĩnh vực khác, có thể chịu những tác động tiêu cực TPP như là ngành chăn nuôi. Thứ hai nữa rất quan trọng là sự dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp chế biến này, tạo điều kiện rất tốt cho Việt Nam tiến hành cải cách cơ cấu cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, mà ở đó vẫn còn khoảng 47% lực lượng lao động và năng suất tương đối là thấp…”.
Theo ghi nhận của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, qui mô ngành chăn nuôi hiện vào khoảng hơn 17 triệu hộ, bao gồm gần 11 triệu hộ chăn nuôi gà vịt, 4 triệu hộ chăn nuôi heo và khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi trâu bò. Trong số này chỉ có 23.000 hộ là chăn nuôi trang trại có áp dụng một phần hoặc toàn phần chăn nuôi theo công nghiệp hiện đại.
Trên thực tế ngành chăn nuôi Việt Nam đã gặp khó khăn và bế tắc từ lâu rồi. Chăn nuôi trâu bò thì không cần bàn vấn đề xóa sổ, vì năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu tới 115.000 trâu bò từ Úc để xẻ thịt. Còn lại là chăn nuôi heo, gà là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất vì không có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Không phải tới khi đàm phán TPP chung cuộc được thông qua hôm 5/10 ở Atlanta, thì sự báo tử của ngành chăn nuôi mới được đề cập tới. Cuộc khủng hoảng của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung được giới chuyên môn cho là hậu quả của tư duy tiểu nông, làm ăn nhỏ lẻ tự phát, không thể áp dụng khoa học công nghệ và tuân thủ đúng đắn các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việt Nam mỗi năm lại phải nhập từ 3 đến 4 tỷ USD bắp, đậu nành và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi (Screenshot Nghề Nông)
Ngoài ra theo các chuyên gia, chính sách đất đai chia nhỏ hàng chục triệu mảnh, vấn đề sở hữu toàn dân mù mờ và sự qui hoạch thiếu viễn kiến, còn khiến cho Việt Nam tuy sản xuất rất nhiều gạo để bán với giá rẻ, nhưng đồng thời mỗi năm lại phải nhập từ 3 đến 4 tỷ USD bắp, đậu nành và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Đây chính là hậu quả đau đớn nhất làm cho giá thành chăn nuôi ở Việt Nam rất cao không thể cạnh tranh với láng giềng, chưa nói tới công nghiệp chăn nuôi hiện đại của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Australia, các nước này cũng là thành viên TPP.
Thực trạng của ngành chăn nuôi
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, là doanh nhân từng có trại nuôi 20 ngàn con heo và 1 triệu con gà ở Đồng Nai, đã kể lại kinh nghiệm đắng cay của hoạt động chăn nuôi. Ông nói:
“Tôi làm trong ngành chăn nuôi nhiều năm, thứ nhất là về năng suất tại Việt Nam rất thấp kém. Ở trong nghề chúng tôi xác định là năng suất ở Việt Nam chỉ bằng 25% đến 30% của thế giới, so sánh với nền sản xuất cao như nước Mỹ thì bằng 30%. Như vậy không thể tồn tại được. Vấn đề thứ hai, tất cả những nguyên vật liệu cơ bản như bắp, đậu nành là hai nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi thì đều nhập khẩu từ nước ngoài, từ Mỹ và Nam Mỹ là chính. Từ đó dẫn tới giá thành rất là cao. Ngoài ra con giống cũng phải nhập khẩu, những chất phụ gia thuốc thú y…cũng đều nhập khẩu hết cho nên giá thành chăn nuôi Việt Nam gần như cao nhất thế giới. Tính cạnh tranh hầu như không có và khi hội nhập nếu nói xóa xổ thì quá đáng nhưng thiệt hại rất nặng nề.”
Bức tranh tổng thể về sự thiệt hại của ngành chăn nuôi Việt Nam thật ra khá phức tạp. Hiện nay giá trị ngành chăn nuôi được cho là trên 10 tỷ USD, nhưng một báo cáo cho thấy chỉ riêng về thị phần gà công nghiệp trên cả nước, các hộ nông dân chỉ chiếm 3%, nhập khẩu 25% trong khi một nhóm nhỏ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã thống lĩnh tới 72% thị phần
Bức tranh tổng thể về sự thiệt hại của ngành chăn nuôi Việt Nam thật ra khá phức tạp. Hiện nay giá trị ngành chăn nuôi được cho là trên 10 tỷ USD, nhưng một báo cáo cho thấy chỉ riêng về thị phần gà công nghiệp trên cả nước, các hộ nông dân chỉ chiếm 3%, nhập khẩu 25% trong khi một nhóm nhỏ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã thống lĩnh tới 72% thị phần.
Hội nhập TPP với thuế nhập khẩu dự kiến bằng 0 cho các mặt hàng thịt gà, heo, trâu bò, trâu bò sống hay sản phẩm sữa, sẽ nhanh chóng thu hẹp ngành chăn nuôi Việt Nam, chỉ tồn tại một bộ phận nhỏ sản xuất những sản phẩm được ưa chuộng như gà ta, gà vườn, gà lông màu dành cho giới trung lưu. Trên thực tế người nông dân Việt Nam chăn nuôi nhỏ lẻ, theo kiểu để dành, nuôi để cải thiện thu nhập gia đình chứ họ không thực sự sống bằng nghề chăn nuôi. Một số nông dân khác làm công cho các công ty chăn nuôi nước ngoài mà điển hình là CP Thái Lan, công ty này từng có thời gian chiếm 50% thị phần trứng gà, 30% thịt gà công nghiệp và 7% thịt heo của cả nước.
Hàng triệu hộ gia đình Việt Nam phải bỏ nghề chăn nuôi là điều khá chắc chắn. Nhưng bên cạnh người nông dân, chính các đại gia nước ngoài hoạt động chăn nuôi ở Việt Nam như CP Thái Lan, Japfa Indonesia, Emnivest của Malaysia mới là đối tượng chịu tác động tiêu cực lớn nhất khi TPP hiệu lực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét