Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Lịch sử Đế quốc Ottoman (Phần 3)

Lịch sử Đế quốc Ottoman (Phần 3)


Bayezid II

Vua Bayezid sinh ở Dimetoka ngày 3 tháng 12 năm 1448. Ông là con của Mehmed II. Thân mẫu ông là Mukrime Hatun. Bayezid là một con người dũng cảm, mộ đạo và điềm tĩnh. Giống tất cả các hoàng tử của đế quốc Ottoman, Bayezid được giáo dục bởi nhiều danh nhân thời đó. Ông là vị vua thứ 8 của Đế quốc Ottoman đã trị vì từ 1481 đến 1512
Ông mới 7 tuổi khi trở thành tỉnh trưởng Amasya, một trung tâm văn hóa và học vấn kể từ thời nhà Seljuk. Thành phố này là một nơi lí tưởng để dạy dỗ cho thái tử.
Vua Bayezid II mộ đạo và rất giỏi về văn học. Ông mời nhiều thi sĩ nổi tiếng đến cung điện. Ông là một vị vua nhân ái và vì vậy ông hay giúp đỡ người nghèo. Ông nói giỏi tiếng Ả Rập và Ba Tư, sau đó, ông còn tìm hiểu về tiếng địa phương Catagay và Uygur. Ngoài ra, ông còn học về triết học và toán học. Triều đại ông ghi dấu ấn thắng lợi của Ottoman trong cuộc chiến với Venezia trong các năm 1499-1503. Ngày 24 tháng 4 năm 1512 ông bị con trai là Selim I lật đổ. Bayeizd II mất một tháng sau đó, ngày 26 tháng 5 năm 1512

Selim I

Selim I ( 1465 – 1512) là vị vua thứ 9 của đế quốc Ottoman, trị vì từ năm 1512 đến 1520. Ông là một vị vua tài ba trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, người đã sát nhập vùng Trung Đông vào đế quốc của mình sau một loạt chinh chiến. Vì tính khí tàn bạo, ông có ngoại hiệu là Yavuz Sultan Selim, dịch là Selim the Stern trong tiếng Anh, và tạm dịch là ‘Selim Hà khắc’
Selim chào đời năm 1465 tại Amasya, là con trai của Bayezid II (1481-1512) và là cháu nội của Mehmed II (1444-46 rồi 1451-81). Mẹ của Selim là Aysha Hatun. Selim được mô tả là một con người cao to, và rất giỏi về cưỡi ngựa và đánh kiếm. Thuở nhỏ, ông theo học Mevlana Abdulhalim, một nhà giáo có tiếng ở kinh thành. Dưới triều đại Bayezid II, Selim được vua cha phong làm quan Tổng trấn Trabzon. Tại đây, ông được học hỏi thêm về phương pháp cai trị cũng như hệ thống quân sự của nhà nước phong kiến Ottoman.
Thấy nước Gruzia láng giếng có nhiều hoạt động chống lại nhà Ottoman, Selim đã ba lần ra quân đánh nước này. Quân Ottomani toàn thắng, và chiếm giữ Kars, Erzurum và Artvin (1508). Hầu hết người Gruzia sống ở các vùng đất này đều cải đạo Hồi.
Năm 1502, Ismail I sáng lập nhà Safavid ở Ba Tư. Ismail I vốn là một người theo hệ phái Shia của đạo Hồi, đã tiến hành xâm lấn lãnh thổ đồng thời truyền bá Shia vào Ottoman thuộc hệ phái Sunni.[2] Hay tin, Bayezid II cho quan quân đi đánh dẹp, nhưng không nổi. Thậm tệ nhất là khi tể tướng của triều đình Ottoman là Ali Pasha chết trong khi dẹp giặc.
Thấy sự yếu kém của nhà vua, các quan quyết định phế Bayezid và thay vào đó là con thứ của vua, Ahmed, người mà họ tin sẽ là một vị vua mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giành quyền kế vị bùng nổ giữa Ahmed và Selim. Kết quả là Selim, với sự giúp đỡ của toán Cấm vệ quân Janissary, giành chiến thắng, còn Ahmed bại vong. Sau đó, các quan dự định mời con thứ sáu của vua là Korkut lên ngôi, nhưng toán Janissary từ chối. Ngày 25 tháng 4 năm 1512, Bayezid ban chiếu thoái vị và truyền ngôi cho Selim. Thế là ông lên ngôi, trở thành vua thứ 9 của nhà Ottoman. Ngay lập tức, ông xử tử các anh em của mình, và cả các con của họ.
Sultan Selim I có tham vọng xâm chiếm vùng Trung Đông và tiếp tục những cuộc chinh phạt của ông nội là sultan Mehmed II.
Thoạt đầu, ông cất quân xâm lược Đế quốc Ba Tư, để ngăn chặn sự truyền bá giáo phái Shia vào lãnh thổ Ottoman. Sultan Selim I và vua Ismail I nhà Safavid đã gửi nhau nhiều tối hậu thư.
Ngày 23 tháng 8 năm 1514, hai vua thân chinh đối nhau trong trận Chaldiran nổi tiếng. Selim – với 60.000 – 212.000 quân, đã đại phá 312.000 – 40.000 quân của Ismail. Ismail bị thương, và vợ của vua này bị bắt làm con tin. Sau đó, quân đội Ottoman tạm thời chiếm Tabriz, kinh đô của đế quốc Ba Tư.
Selim Yavuz qua đời tại Corlu, Erdine năm 1520, hưởng thọ 55 tuổi, ở ngôi 8 năm. Tương truyền trong thời gian này ông đang chuẩn bị chinh phạt đảo Rhodes ở Hy Lạp.
Nghe tin vua cha qua đời, quan Tổng trấn Manisa là Suleiman 25 tuổi lên thay, xây dựng đất nước hùng mạnh. Đó là vua Suleiman I.

Suleiman I (*)

Suleiman I ( 1494 – 1566) là vị Sultan thứ 10 và trị vì lâu dài nhất của đế quốc Ottoman, từ năm 1520 đến khi qua đời năm 1566. Ông được biết đến ở phương Tây với cái tên Suleiman Đại đế, cái tên bắt nguồn từ công cuộc tái xây dựng hệ thống pháp luật nhà Ottoman của ông.
Suleiman I trở thành một vị vua lỗi lạc của châu Âu vào thế kỷ 16, là người làm nên sự tột đỉnh vinh quang của nền quân sự, chính trị và kinh tế của đế quốc Ottoman. Ông phát động 13 cuộc chiến tranh và thường thân chinh cầm quân trên chiến trường. Ông đã mở đầu triều đại mình với cuộc chinh phạt thành Beograd vào ngày 30 tháng 8 năm 1521. Ông tiếp tục chinh phạt các vùng đất Ki-tô giáo như Ródos và phần lớn Hungary, cho đến khi vây hãm Viên thất bại năm 1529. Ông còn thôn tính phần lớn vùng Trung Đông trong các cuộc chiến với Ba Tư, và một phần lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Phi xa về phía Tây đến tận xứ Algérie. Dưới triều đại ông, Hải quân Ottoman làm chủ phần lớn các vùng biển từ Địa Trung Hải tới Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư.
Suleiman đích thân cải tổ lại luật pháp về xã hội, giáo dục, thuế má và hình phạt đối với kẻ phạm tội. Bộ luật của ông (được gọi là Kanun) được triều đình Ottoman áp dụng trong nhiều thế kỷ sau đó. Không những là một thi sĩ và một thợ kim hoàn; ông còn là một nhà bảo trợ lớn của nền nghệ thuật, chính ông đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên một thời kì vàng son của nền mỹ thuật, văn học và kiến trúc của đế quốc Ottoman. Suleiman nói được 4 thứ tiếng: Ba Tư, Ả Rập, Serbia và Chagatay (nguồn gốc cổ nhất của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ).
Suleiman đã phá vỡ truyền thống vốn có của đế quốc khi ông cưới Roxelana, một phi tần trong hậu cung và phong bà làm Hürrem Sultan; những âm mưu trong triều và quyền lực lớn khiến cho bà trở nên nổi danh. Con trai của Suleiman và Roxelana là Selim II lên kế vị năm 1566, khi ông qua đời sau 46 năm trị vì.
Thiếu thời
Suleiman ra đời khoảng ngày 6 tháng 11 năm 1494 tại Trabzon dọc theo bờ biển Hắc Hải. Mẹ ông là Thái hậu (Valide Sultan) Ayşe Hafsa Sultan tức Hafsa Hatun Sultan, qua đời năm 1534. Khi lên 7 tuổi, ông được học về khoa học, lịch sử, ngữ văn, thần học và sách lược quân sự trong các phòng học ở Hoàng cung Topkapı tại Constantinopolis. Suleiman kết bạn với Ibrahim, một nô lệ sau được phong làm Tể tướng (Vezir-i Azam).
Năm 17 tuổi, ông được cử đi làm Tổng đốc thành Kaffa (Theodosia) rồi thành Sarukhan (Manisa), và sống tại Erdine trong một thời gian ngắn. Sau khi vua cha Selim I qua đời, Suleiman về kinh đô Constantinopolis và lên ngôi, trở thành vị Sultan thứ 10 của đế quốc Ottoman. Công sứ Venezia là Bartolomeo Contarini đã miêu tả về ông:
Ông đã 25 tuổi, dáng người cao, nhưng rắn rỏi, và thanh tú. Cổ ông hơi cao, khuôn mặt gầy gò với chiếc mũi diều hâu. Ông có chút ria mép và một bộ râu quai nón hẹp; tuy thế mà khuôn mặt ông rất dễ nhìn, mặc dù da ông gần như tái nhợt. Ông được tung hô là Chúa thượng uyên bác, học rộng, và cả triều thần đều hy vọng ông sẽ là một minh quân. Khăn quấn trên đầu ông phải nói là rất lớn.” —Bartolomeo Contarini
Nhiều sử gia cho rằng thuở nhỏ Suleiman thán phục Alexandros Đại đế. Sau này, ông đã noi theo sự nghiệp lẫy lừng của Alexandros Đại đế bằng những cuộc chinh phạt ở châu Á, châu Âu và cả châu Phi.
Mở mang bờ cõi
Khi Suleiman I lên ngôi, cả châu Âu đều thở phào nhẹ nhõm do nghĩ rằng vị Sultan mới là người uyên thâm, trầm lặng và ưa chuộng hòa bình. Tuy nhiên, họ đã nhầm : tuy thông thái và trầm tĩnh nhưng Suleiman I không phải là một ông vua hiếu hòa. Với chủ trương mở mang bờ cõi, ông đã trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của phương Tây
Chiến tranh ở châu Âu
Sự lên ngôi của Suleiman I đã mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của đế quốc Ottoman. Sau khi lên ngôi, Suleiman I bắt đầu một loạt cuộc chinh phạt, bao gồm việc dẹp cuộc nổi loạn của quan Tổng trấn thành Damascus do triều Ottoman lập nên năm 1521. Ban đầu, ông quyết định chiếm Beograd từ vương quốc Hungary. Trước kia, ông cố Suleiman I là Mehmed II đã vây hãm Beograd nhưng bị đánh bại. Việc đánh chiếm Beograd có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc chinh phạt Hungary, thế lực mạnh cuối cùng ở vùng Balkan còn đối địch với đế quốc Ottoman sau khi các thế lực Đông La Mã, Bungary và Serbia bị tiêu diệt. Năm 1521, Suleiman bắt đầu xâm lược Hungary và lệnh cho hải quân Ottoman vây hãm Beograd. Pháo binh Ottoman từ một hòn đảo trên sông Donau ngày đêm nã pháo dữ dội vào thành phố. Cuộc chiến đấu rõ ràng là không cân sức: trong khi đối phương Ottoman thì có quân số đông đảo và hoả lực rõ ràng trội hơn quá nhiều thì quân thủ thành chỉ có 700 binh sĩ, đồng thời họ còn không nhận được tiếp viện từ Triều đình Hungary. Cuối cùng Beograd rơi vào tay quân Ottoman vào ngày 21 tháng 8 năm 1521.
Tin tức về sự thất thủ của Beograd – một thành lũy quan trọng của các thế lực Kitô giáo – nhanh chóng lan khắp châu Âu. Đại sứ đế quốc La Mã Thần thánh tại Constantinopolis viết:
Việc Beograd bị quân Ottoman chiếm là ngọn nguồn của mọi bi kịch xảy ra với Hungary sau đó. Nó dẫn đến cái chết của vua Lajos, đến việc thành Buda thất thủ, việc xứ Transylvania bị chiếm đóng, sự hủy diệt của một vương quốc phồn thịnh và nỗi sợ hãi của các quốc gia lân cận rằng họ có thể cũng sẽ chịu một số phận tương tự…
Con đường tiến vào Hungary và Áo rộng mở, nhưng Suleiman lại chuyển tầm nhìn sang đảo Ródos ở miền đông Địa Trung Hải, nơi hoạt động của các Hiệp sĩ Cứu tế, hoạt động như cướp biển của họ gần Tiểu Á và vùng Levant đã là một vấn đề nhức nhối đối với người Ottoman trong nhiều năm. Mùa hè năm 1522, thấy mình có khả năng lãnh đạo hải quân mà ông thừa hưởng từ cha, Suleiman phái một hạm đội gồm 400 chiến thuyền, phần mình thì dẫn 10 vạn quân vượt Tiểu Á để đến vùng đối diện đảo Ródos. Sau 5 tháng vây hãm với nhiều trận đánh khốc liệt, Ródos đầu hàng. Các Hiệp sĩ đảo Ródos được Sultan Suleiman I cho phép rút lui yên bình khỏi đây. Họ thiết lập một căn cứ mới ở đảo Malta sau đó.
Thấy quan hệ giữa Hungary và đế quốc Ottoman trở nên xấu hơn, Suleiman I tiếp tục chiến dịch ở Đông Âu và vào ngày 29 tháng 8 năm 1526, ông đánh bại vua Lajos II của Hungary (1506 – 1526) trong trận đánh quyết định tại Mohács, Quân đội Hungary bị hủy hoại, còn bản thân vua Lajos II Jagiellon cũng tử vong. Lajos II là vị vua độc lập cuối cùng của xứ Hungary và Bohemia. Thảm bại tại Mohács sau cùng là cái chết của Lajos khiến cho sức kháng cự của Hungary nhanh chóng sụp đổ; và đế quốc Ottoman trở thành một cường quốc thống trị tại Đông Âu. Theo sử sách, khi trông thấy thi thể bất động của Lajos, Suleiman I đã tỏ thái độ thương cảm với ông vua xấu số:
Ta vốn đem quân đội đến để chống lại hắn; nhưng ta không hề có ý muốn kết liễu cuộc đời của hắn trong khi hắn chỉ vừa mới cảm nhận được hương vị ngọt ngào của cuộc sống và của vương vị”.
Hôm sau Sultan viết vào nhật kí của ông:
Trẫm ngự trên ngai cao, các đại thần (vizier) và chúa đất (bey) bái lạy, 2.000 tù binh bị thảm sát, mưa đổ như trút”.
Chiến thắng Mohacs được xem là thắng lợi lớn nhất của Suleiman I và có ảnh hưởng rất lớn đến châu Âu, do hiếm ai nghĩ rằng người Thổ sau khi chiếm được Beograd có thể thọc sâu vào Trung Âu đến vậy. Sau thắng lợi, vào ngày 10 tháng 9 năm 1526, ông chiếm được thành Buda (Ofen) mà không gặp phải bất kỳ một sự kháng cự nào. Ông lấy rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có thư viện của vua Hungary Matthias Corvinus được xem là một trong những thư viện quý giá nhất thời ấy, và buộc quý tộc Hungary phải đầu hàng. Sultan kéo quân về đế đô Constantinopolis vào tháng 11 năm 1526 trong sự vẫy chào nồng nhiệt của thần dân, đánh dấu chiến bại của người Kitô giáo. Ông chỉ để lại một đồn binh duy nhất ở Petrovaradin. Với các chiến thắng Beograd, Ródos và Mohács và sự xâm nhập của quân Ottoman vào thế giới Kitô giáo, Suleiman I vững tin rằng ông là vị vua vĩ đại nhất thời ấy.. Nhưng dưới quyền Karl V và em là Ferdinand, Đại công tước Áo, triều đình Habsburg đã đoạt lại Buda (1527) và chiếm lĩnh Hungary. Kết quả là Suleiman I lại phải vượt thung lũng sông Donau, lấy lại Buda vào ngày 8 tháng 9 năm 1529. Mùa thu năm đó, ông xua 125000 quân Ottoman – Hungary chinh phạt nước Áo[25] và vây hãm kinh thành Viên từ tháng 9 đến tháng 10. Đó là chiến dịch quân sự tham vọng nhất của đế quốc Ottoman thời đó và cũng đánh dấu điểm xa nhất mà cường quốc này vươn tới Trung Âu. Nhưng rồi, chỉ với một đạo quân thủ thành chừng 16 nghìn binh sĩ đế quốc Áo khiến Suleiman nếm phải thất bại đầu tiên, và cũng từ đó gieo mối hận thù dai dẵng giữa hai nước, tồn tại mãi cho tới tận đầu thế kỷ 20. Vào ngày 16 tháng 10 năm 1529, mùa đông đến, Sultan phải rút quân khỏi Viên. Cuộc triệt binh này trở thành một thảm họa. Sau đó, vào năm 1532 Suleiman I cũng thử tấn công thành Viên lần thứ hai nhưng cũng không thành. Nguyên do của hai lần thất bại một phần lớn là vì thời tiết xấu nên quân đội Ottoman không thể đem đầy đủ thiết bị công thành cần thiết đến chiến trường.
Vào thập niên 1540 sự thay đổi của chiến sự ở Hungary đã khiến Suleiman I có thời cơ để trả thù cho chiến bại tại thành Viên. Một số quý tộc Hungary tôn Ferdinand, Đại công tước Áo (1519 – 1564) làm vua Hungary. Ferdinand là chồng của Anna Jagellonica, chị gái Lajos II, và một hiệp ước trước đó đã quy định nếu Lajos chết mà không có con nối dõi thì Ferdinand làm vua Hungary. Tuy nhiên, một bộ phận khác vẫn trung thành với nhà quý tộc János Szapolyai, người được Suleiman I ủng hộ nhưng các thế lực Ki-tô giáo châu Âu không công nhận.
Năm 1541 chiến tranh Ottoman-Habsburg lại nổ ra, Vương triều Habsburg xua quân tấn công Buda. Suleiman I phản công và nhanh chóng đánh đuổi được quân của Ferdinand, đế quốc La Mã Thần thánh lại để mất thêm nhiều thành trì khác và họ chỉ còn nắm giữ được miền bắc Hungary. Kết quả là Ferdinand và Karl buộc phải ký một hiệp ước 5 năm với đế quốc Ottoman, theo đó Ferdinand từ bỏ ngôi vua Hungary và phải triều cống hàng năm cho Sultan, với tư cách là một lãnh chúa trên lãnh thổ Hungary. Ngoài ra trong hiệp ước còn có điều khoản quy định người Ottoman không công nhận Karl là “Hoàng đế” mà chỉ là “Vua Tây Ban Nha”, còn Suleiman I mới là người danh chính ngôn thuận giữ tước hiệu cao quý “Hoàng đế La Mã” (Caesar).
Với việc các kẻ thù Âu châu liên tiếp bị đánh bại, đế quốc Ottoman nhanh chóng trở thành một liệt cường đáng sợ trên bức tranh chính trị châu Âu. Người ta gọi đế quốc này là “nỗi khiếp sợ của thế giới phương Tây”
Chiến tranh với nhà Safavid
Sau khi Suleiman kí Hiệp ước Constantinopolis với các kẻ thù châu Âu thì ông nhanh chóng chuyển chú ý của mình sang Ba Tư, do nhà Safavid thuộc hệ phái Shi’a trị vì. Có hai nguyên nhân trực tiếp châm ngòi cho cuộc chiến tranh Ottoman – Safavid: Thứ nhất, vua Tahmasp I của Ba Tư sai người ám sát Tổng đốc thành Bagdad – một người thân Thổ – và thay thế bằng một nhân vật thân Ba Tư. Thứ hai, Tổng đốc thành Bitlits làm phản và chạy về phe Ba Tư.
Ngay lập tức, năm 1533, Suleiman hạ lệnh cho Tể tướng Ibrahim Pasha xua quân tấn công Bitlits và sau đó lấy luôn cả Tabriz mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự đáng kể nào. Sang năm sau, Suleiman hội quân với Ibrahim và đánh thẳng vào lãnh thổ Ba Tư, tuy nhiên Tahmasp không giao chiến trực diện với Suleiman mà áp dụng chiến thuật rút lui bảo toàn lực lượng, đồng thời cho quân quấy nhiễu các cánh quân Ottoman khiến cho cuộc tiến quân trở nên rất khó khăn.[34] Cuối cùng, năm 1535, thành Bagdad cũng đầu hàng và thừa nhận Suleiman I là minh chủ tối cao của thế giới Hồi giáo, truyền nhân của các khalip nhà Abbas.
Với quyết tâm đánh dứt điểm Ba Tư, Suleiman khởi xướng chiến dịch Ba Tư thứ nhì (1548 – 1549). Một lần nữa, Tahmasp lại áp dụng chiến thuật rút lui và quấy nhiễu, khiến quân đội Ottoman phải trải qua một mùa đông khó khăn tại dãy núi Kavkaz.[34] Suleiman buộc phải bỏ dở chiến dịch nhưng ông đã giành được (dù là tạm thời) các vùng đất Tabriz, Azerbaijan thuộc Ba Tư, Van và một phần Gruzia. Năm 1549, Suleiman I ca khúc khải hoàn trở về kinh đô Constantinopolis.
Đến năm 1553 Suleiman lại khởi xướng chiến dịch Ba Tư. Vốn đã mất Erzurum về tay con trai Tahmasp, Suleiman nhanh chóng phản công, đoạt lại Erzurum rồi vượt qua sông Euphrates và tàn phá một phần lãnh thổ Ba Tư. Vua Tahmasp I lại tiếp tục chiến thuật như trước và kết quả là chiến cuộc trở nên dằng co. Cuối cùng hai bên ký Hiệp ước Amasya (1555), trong đó Suleiman đồng ý trả lại Tabriz nhưng được giữ toàn bộ miền đông Tiểu Á, Lưỡng Hà, thành phố Bagdad và một phần duyên hải Vịnh Ba Tư. Ngoài ra Ba Tư và Ottoman cũng cam kết sẽ không bao giờ tấn công nhau nữa
Các chiến dịch ở Ấn Độ Dương và Ấn Độ
Ở Ấn Độ Dương, Suleiman I phát động vài chiến dịch nhằm đánh đuổi người Bồ Đào Nha ra khỏi khu vực này và thiết lập lại con đường giao thương với Ấn Độ. Năm 1538 quân Ottoman chiếm Aden và Yemen để biến nơi đây thành bàn đạp cho những cuộc đột kích vào các thuộc địa Bồ Đào Nha ở bờ biển phía Tây Ấn Độ. Trên đường đến Ấn Độ, hải quân Ottoman bị Bồ Đào Nha đánh bại trong cuộc vây hãm Diu vào tháng 9 năm 1538, nhưng sau đó họ rút về cố thủ tại Aden và củng cố hệ thống phòng ngự của họ tại đây với 100 khẩu pháo. Từ căn cứ này, Sulayman Pasha làm chủ toàn xứ Yemen, đồng thời chiếm giữ Sa’na. Tuy nhiên sau đó người dân Aden nổi dậy chống lại đế quốc Ottoman và cầu cứu kẻ thù của họ – Bồ Đào Nha, vì vậy người Bồ lại kiểm soát thành phố này cho đến khi nó bị Piri Reis chiếm lấy trong cuộc xâm chiếm Aden (1548).
Việc nắm vững quyền kiểm soát khu vực Biển Đỏ đã giúp Suleiman I phần nào giành được quyền khống chế con đường giao thương với Ấn Độ từ tay người Bồ Đào Nha và duy trì mối quan hệ giao thương ở mức độ đáng kể với Ấn Độ trong suốt thế kỷ 16.
Năm 1564, có phái bộ sứ thần xứ Aceh (Indonesia ngày nay) đến Ottoman và thỉnh cầu Suleiman giúp đỡ họ trong cuộc kháng chiến chống Bồ Đào Nha. Suleiman đã nhận lời và phát động Cuộc viễn chinh của Ottoman vào Aceh, việc này đã cung cấp sự ủng hộ về quân sự rất đáng kể cho những người Aceh.
Chiến tranh ở Bắc Phi và Địa Trung Hải
Trong khi đang dốc sức củng cố những vùng đất mới chiếm được, Suleiman I nhận được hung tin: thành Koroni ở Morea (Peloponnese hiện nay) bị mất vào tay của Andrea Doria, Đại Đô đốc Hải quân của hoàng đế Karl V. Sự hiện diện của hải quân Tây Ban Nha trên biển Địa Trung Hải làm cho Suleiman tỏ ra lo lắng. Ông xem đó là dấu hiệu cho thấy Karl muốn tranh đoạt quyền thống trị Địa Trung Hải với đế quốc Ottoman. Suleiman cũng nhận thấy rằng Hải quân Ottoman cần phải được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo ưu thế của người Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này, vì vậy, ông bổ nhiệm Khair ad Din (còn được biết đến với tên gọi Barbaros Hayreddin Pasha) làm Đại Đô đốc Hải quân Ottoman. Barbaros nhanh chóng tiến hành việc tăng cường và xây dựng Hải quân Ottoman, đến mức khiến cho Hải quân Đế quốc này có số lượng ngang bằng với tất cả các nước Địa Trung Hải.] Năm 1535, Karl V đoạt lại Tunis, một thành trì quan trọng của Quân đội Ottoman. Vào năm 1536, chiến tranh với Cộng hòa Venezia nổ ra khiến Suleiman I phải chấp nhận liên minh với vua François I của Pháp nhằm cùng chống nhau với Karl V. Vào năm 1538, Barbaros Hayreddin đánh tan tác hải quân Tây Ban Nha trong trận đánh lừng lẫy tại Preveza. Các chiến thắng tại Preveza (1538) và Djerba (1565) sau đó khiến cho Đế quốc Ottoman vẫn duy trì quyền thống trị Địa Trung Hải suốt 33 năm cho đến khi diễn ra trận Lepanto năm 1571.
François I (trái) và Suleiman Đại đế (phải) đã khởi xướng liên minh Pháp-Ottoman vào thập niên 1530.
Phía đông Maroc và một phần lãnh thổ Bắc Phi bị sát nhập vào bản đồ Ottoman. Các quốc gia người Berber tại Tripolitania, Tunisia, và Algérie trở thành các tỉnh tự trị của đế quốc, đóng vai trò như một tiền đồn trong cuộc chiến chống Karl V – vị Hoàng đế đã thất bại trong mưu đồ đuổi quân Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Tunisia năm 1541.[44] Những hoạt động của cướp biển người Berber tại Bắc Phi cũng được xem là một phần trong cuộc chiến chống lại hải quân Tây Ban Nha. Các hoạt động bành trướng của Suleiman I cũng giúp cho Hải quân Ottoman thống trị Địa Trung Hải trong một thời gian ngắn. Thậm chí, họ còn kiểm soát cả Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư cho đến khi bị đế quốc Bồ Đào Nha đánh bại. Quân Bồ Đào Nha đã đánh chiếm Ormus (nằm trên Vịnh Hormuz) năm 1515 và tiếp tục tranh giành Aden (ngày nay là Yemen) với Triều đình Suleiman I.
Năm 1542, để chống lại kẻ thù chung khi đó là triều đại Habsburg, François I đã nối lại liên minh Ottoman-Pháp. Năm 1543, Suleiman hạ lệnh cho hải quân của Barbaros Hayreddin dẫn 100 chiến thuyền galley phối hợp với hải quân Pháp ở Tây Địa Trung Hải.[45] Barbaros trước tiên đem quân đánh phá bờ biển của Napoli và đảo Sicilia, trong khi đó François I thì biến cảng Toulon thành một căn cứ của hải quân Ottoman trên đất Pháp. Tiếp sau đó liên quân Ottoman-Pháp phối hợp đánh chiếm Nice – một thành phố của đế quốc La Mã Thần thánh. Nhưng đến năm 1544 liên minh giữa François I và Suleiman I tạm thời chấm dứt do François đã ký hòa ước với đế quốc La Mã Thần thánh. Vào năm 1547, triều đình Ottoman tái lập hoà bình với Giáo hoàng Phaolô V, Áo, Venezia và Pháp.
Sau khi Ródos thất thủ (1522), đảo Malta trở thành căn cứ mới của các Hiệp sĩ Cứu tế. Tại đây họ tiếp tục phát động những cuộc tấn công chống lại lực lượng hải quân Hồi giáo và điều này khiến cho người Thổ nổi giận. Trước tình hình đó, Suleiman I đưa một đạo quân gồm 4 vạn người đến đánh Malta (1565), nhằm loại trừ vĩnh viễn mối họa từ các Hiệp sĩ Cứu tế. Cuộc đại vây hãm Malta được quân Ottoman thực hiện trong suốt gần 4 tháng (18 – 5 đến 8 – 9 – 1565), và được mô tả hết sức sinh động trong các tranh tường của Matteo Perez d’Aleccio trong đại sảnh St. Michael và St. George. Kịch bản lặp lại gần giống chiến thắng của quân Ottoman tại Rodós trước kia khi hơn một nửa các hiệp sĩ tử trận tại Malta và gần như toàn bộ các pháo đài trên đảo bị phá hủy. Nhưng, Turgut Reis qua đời trong cuộc vây hãm và đến phút cuối hải quân Ottoman bị các hiệp sĩ và viện binh từ Tây Ban Nha đập tan, rồi phải rút khỏi Malta với 25 nghìn binh sĩ thiệt mạng.[47] Tuy Malta tồn tại, nhưng trong khi xứ Algérie (1529) và xứ Tripoli (1551), đều lọt vào tay Đế quốc Ottoman khi đó, sau này họ sẽ còn chiếm được xứ Síp (1571) và đoạt lại xứ Tunis (1574).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét