Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...
Mai Hoa Kiếm
17-7-2022
Trong những ngày gần đây, dư luận Đà Nẵng dấy lên hai luồng thông tin về Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng, là người đã bị cơ quan điều tra bắt giam hôm 20-6 vừa qua.
Thông tin được cho là xuất phát từ các cán bộ lãnh đạo cơ sở y tế thì cho rằng, vụ án CDC Đà Nẵng tham ô tài sản, nâng khống giá test kit, thông thầu Việt Á trong đại dịch Covid-19 sẽ phải đình chỉ điều tra vì không có bằng chứng kết tội, Tôn Thất Thạnh sắp được trả tự do.
Luồng tin này lập luận, Tôn Thất Thạnh cũng như các giám đốc bệnh viện ở Đà Nẵng đã phát huy tinh thần đảng viên “cao cấp chính trị” và “dòng máu người cộng sản” chỉ biết tận tâm công hiến cho nhân dân, nên khi nhận phần trăm “hoa hồng” từ Việt Á, đều có báo cáo tổ chức đảng và nộp tiền sung công quỹ, chứ không bỏ túi, tơ hào đồng nào.
Thế nhưng, luồng thông tin thứ hai hiện đang râm ran trong quần chúng, nhân dân lao động thì ngược lại. Người ta rỉ tai nhau về nghi án hình sự, rằng Tôn Thất Thạnh có thể sẽ bị thủ tiêu trong trại tạm giam, hòng bịt đầu mối. Dân chúng không phải không có cái lý của họ, khi mà việc “giết người diệt khẩu” kinh hoàng đã có tiền lệ, xảy ra nhiều lần dưới triều đại Nguyễn Bá Thanh cầm đầu tại Đà Nẵng. Hơn nữa, diễn biến có dấu hiệu “chìm xuồng” vụ test kit Việt Á ở Đà Nẵng càng làm cho dư luận gia tăng nghi ngờ.
Sau gần ba tháng với trò “gia hạn thanh tra”, cùng nhiều lần trì hoãn, ngày 29-6-2022, Thanh tra Đà Nẵng buộc phải công bố kết luận thanh tra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) về việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, kết luận thanh tra rất ngớ ngẩn và khôi hài:
– Thanh tra TP Đà Nẵng kiến nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan điều tra Công an thành phố tiến hành điều tra, xử lý đối với những gì Thanh tra đã chuyển sang.
– Thanh tra TP kiến nghị Sở Y tế thành phố tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định đối với các tập thể, cá nhân.
– Thanh tra TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế thành phố thực hiện kiểm tra, xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
– Thanh tra TP Đà Nẵng kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổng hợp và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định về điều kiện báo giá, đấu thầu…
Cái gọi là “Kết luận thanh tra” xem ra sơ sài và thách đố. Một văn bản không rõ ràng, không bóc tách được sai phạm và không chỉ ra được ai phải chịu trách nhiệm trong vụ mua sắm test kit Việt Á với số tiền cao nhất nước là 275 tỷ đồng.
Nhiều người am hiểu pháp luật cho hay, văn bản này “đánh bùn sang ao”, giải cứu cho các quan chức lãnh đạo Đà Nẵng và trút hết mọi tội lỗi cho một mình Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC.
Chiêu bài của lãnh đạo Đà Nẵng là trút hết tội lỗi cho CDC, các sở liên quan chỉ kiểm điểm, còn lãnh đạo thành phố thì vô can!
Nếu như “nhóm lợi ích” hướng được mọi dư luận đổ dồn vào Tôn Thất Thạnh, thì kịch bản Tôn Thất Thạnh “tự tử trong tù” sẽ khép lại vụ án, các “đồng chí” bên ngoài sẽ ôm nhau “chào thân ái và quyết thắng”.
Được biết vụ việc liên quan đến mua sinh phẩm, kit test Việt Á, Công an thành phố Đà Nẵng đã nhận được sự uỷ thác của Bộ Công an, thông qua Cục Cảnh sát Kinh tế chủ trì và công an Đà Nẵng phối hợp điều tra. Vụ án phức tạp này, khi quyết tâm điều tra, sẽ xác định các nhóm tội danh: “Vi phạm các quy định về đấu thầu”, “đưa, nhận hối lộ”, “tham ô” hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn…”. Thế nhưng, ai sẽ quyết tâm và ai sẽ cản trở điều tra? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ.
Ngày 13/7, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, để mủi lòng cử tri và tìm sự đồng cảm, những ông bà nghị “cò mồi” đã ngợi ca ngành y Đà Nẵng chịu nhiều áp lực về thể chất, tinh thần, không được bảo vệ lúc sai phạm…
Bà Trần Thanh Thuỷ, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng giải trình, cho rằng có hơn 300 nhân viên y tế, phân nửa trong đó là bác sĩ đã bỏ việc, xin nghỉ vì sức ép công việc, lương thấp, nguy hiểm rủi ro…
Những người nắm rõ thông tin đều nhận ra rằng, bà Thủy nguỵ biện, bởi thực tế số người nghỉ việc là bác sĩ tập sự, làm việc không lương, không được vào biên chế, nhiều năm bị bóc lột sức lao động. Số nhân viên y tế khác thì bị o ép, trả công rẻ mạt, không có chế độ bảo hiểm, phúc lợi khi ốm đau, thai sản… cho nên họ nghỉ việc để đi tìm việc khác.
Sự dối trá của các quan chức ngành y Đà Nẵng càng được phơi bày khi mà hiện nay, điều dưỡng hoặc bác sĩ ra trường xin một suất vào làm việc tại bệnh viện công, các giám đốc bệnh viện đưa ra giá “lót tay” thấp nhất đã là 300 triệu đồng. Trong khi đó, các giám đốc bệnh viện nhờ “hút máu” bệnh nhân và xà xẻo ngân sách nên đều giàu “nứt đố đổ vách”, nhiều người có hàng chục căn nhà mặt phố cho thuê, tiền nhiều đâm hư đốn, lập “phòng nhì”, bồ nhí.
Tất cả những nguỵ biện chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giải cứu cho Ngô Thị Kim Yến, thành uỷ viên, Phó chủ tịch UBND TP, giám đốc Sở Y tế, cùng các giám đốc bệnh viện công lập và các quan chức lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, liên quan đến nghi án nhận hối lộ của công ty Việt Á, tránh bị khởi tố hình sự.
***
Phó Chủ tịch Ngô Thị Kim Yến và Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, Thường trực UBND TP Đà Nẵng, là hai nhân vật “đầu tàu” trong việc mua 275 tỷ test kit Việt Á. Bà Yến là cháu ruột cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, còn ông Minh là con nuôi của vợ chồng Nguyễn Văn Chi. Cả hai vị Phó Chủ tịch đều là “đệ tử ruột” của Nguyễn Bá Thanh, được ông ta cài cắm và quy hoạch chức danh.
Có một chuyện thật khôi hài, có lẽ chỉ xảy ra ở “thiên đường XHCN”. Chồng bà Ngô Thị Kim Yến là ông Đàm Văn Tàu, trước đây làm nhân viên chạy quảng cáo cho Tạp chí Du lịch, thuộc Sở Văn hoá – Thể thao Đà Nẵng. Khi làm lãnh đạo Sở Y tế, bà Yến rút chồng về làm lái xe cho Sở Y tế. Một thời gian sau, bà Yến chạy cho Đàm Văn Tàu về ngồi ghế Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, trực thuộc Sở Công thương TP, một vị trí hết sức “ngon ăn”.
Dưới chế độ độc tài đảng trị, việc xếp ghế, bố trí cán bộ không dựa vào năng lực của người được bổ nhiệm, mà tùy thuộc vào các mối quan hệ của đương sự. Nguyễn Hồng Diên học “cử nhân thanh vận” từ Học viện Thanh thiếu niên nhưng vẫn được leo lên ngồi ghế bộ trưởng Bộ Công thương. Mới đây, Đào Hồng Lan học “kinh tế công nghiệp” của đại học Kinh tế quốc dân, có thể nhảy tót lên nắm ghế Bí thư Ban Cán sự đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, để sai khiến hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ y khoa khác.
Quay lại câu chuyện Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng, hiện nay Tôn Thất Thạnh là đầu mối duy nhất, nắm rõ toàn bộ đường đi của khối tiền hối lộ nhận từ Việt Á, cũng như rất nhiều phi vụ chia chác khác trong ngành y tế Đà Nẵng. Căn nhà riêng bốn tầng, mặt tiền đường Lê Lợi của ông Thạnh trị giá hơn 1 triệu Mỹ kim, nằm giữa một bên là Sở Công an và một bên là Ban Tổ chức thành uỷ Đà Nẵng, không biết ông ta có may mắn sống sót để trở về căn nhà này hay không.
Trong một diễn biến khác, ngày 13-7-2022, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đột quỵ vì nhồi máu não, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng, chưa rõ sống chết ra sao.
Đoạn kết “hậu test kit Việt Á” sẽ là nỗi ám ảnh kéo dài đối với các quan chức y tế khắp các tỉnh thành. Nhưng đáng sợ hơn cả là nỗi khiếp đảm khi các “đồng chí” Cao cấp chính trị, lo sợ rằng, một ngày nào đó chính mình sẽ bị thủ tiêu một cách mờ ám.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét