Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Ông Trump đã phớt lờ vi phạm nhân quyền như thế nào?

Ông Trump đã phớt lờ vi phạm nhân quyền như thế nào?

Mai V. Phạm
25-11-2018
Vào tháng 2/2017, tập đoàn bán lẻ Nordstrom thông báo ngừng bán các sản phẩm thời trang của Ivanka Trump khiến ông Trump tức giận và đã chỉ trích Nordstrom: “Con gái tôi Ivanka đã bị đối xử rất bất công bởi Nordstrom. Đó là một người tuyệt vời – luôn thôi thúc tôi làm điều đúng đắn! Thật khủng khiếp!” Ấy vậy mà cái chết đầy thương tâm của nhà báo/ thường trú nhân Mỹ, ông Jamal Khashoggi, do bàn tay ác độc của hoàng gia Saudi, lại không đủ trọng lượng để ông Trump phải nổi giận và lên án hành vi man rợ đó.
Với các bằng chứng thuyết phục, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cơ quan tình báo CIA đều khẳng định, Thái tử Arab Saudi là chủ mưu vụ ám sát dã man nhà báo Jamal. Nhưng, tổng thống Donald Trump chọn không lên án và tiếp tục “hợp tác” với nhà cầm quyền Saudi. Cứ nhìn cách Trump bao che và nhượng bộ Saudi, có thể dễ dàng nhận ra: dân chủ và nhân quyền chẳng là cái thá gì với Trump.
Tối thiểu, Trump phải trục xuất Đại sứ Saudi tại Hoa Kỳ vì hành vi sát hại của Saudi là bóp nát nhân quyền, nên phải bị lên án và trừng phạt thích đáng. Tuy nhiên, Trump đã dùng thỏa thuận quốc phòng với Saudi trị giá khoảng 110 tỷ để biện hộ cho quyết định nhượng bộ và bao che cho Saudi Arab.
Donald Trump bắt tay thái tử Mohammed bin Salman (là người chủ mưu giết nhà báo Jamal Khashoggi) tại tòa Bạch Ốc mùa xuân vừa qua. Ảnh: Politico
Có nghĩa là, với Trump thì tiền bạc quan trọng hơn nhân quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia vũ khí Hoa Kỳ đều khẳng định, con số 110 tỉ đô là do Trump “phóng đại” vì con số thực sự nhỏ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các báo cáo với bằng chứng khó chối cãi chứng minh mối quan hệ lợi ích giữa gia đình Trump và hoàng gia Saudi. Năm 2015, Trump từng khoe khoang về các giao dịch kinh doanh của mình với Saudi trong một cuộc vận động tranh cử tại Mobile, Alabama: “Tôi rất thân thiện với Saudi, họ mua căn hộ của tôi… 40 triệu đô la, 50 triệu đô la. Tôi có nên không thích họ không? Tôi rất thích họ!”
Washington Post đưa tin, vào năm 1991, khi Trump gần như phá sản, Hoàng tử Alwaleed bin-Talal mua chiếc du thuyền của Trump, giá 20 triệu đô la. Báo New York Daily News đưa tin, hoàng gia Saudi cũng đã mua toàn bộ toà nhà 45 tầng của Trump World Tower với giá 4,5 triệu USD vào tháng 6/2001. Washington Post cũng đưa tin, chuyến thăm của các quan chức Saudi đến Trump International Hotel ở thành phố New York đã giúp tập đoàn Trump tăng doanh thu quý lên 13% trong quý đầu tiên của năm 2018.
Hành động nhượng bộ Saudi của Trump là một thông điệp gửi tới tất cả các nhà nước độc tài: cứ thoải mái ám sát và thanh trừng các nhà bất đồng chính kiến và đối lập vì chính phủ Hoa Kỳ sẽ không quan tâm và giám sát nhân quyền thế giới nữa. Các chế độ độc tài Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc… cũng sẽ nhận ra được một bài học: chỉ cần có thật nhiều tiền là có thể mua được sự im lặng của chính phủ Trump trước các vi phạm nhân quyền tàn bạo và dã man.
Hiện tại, các nước Phần Lan, Đan Mạch và Đức… đã tuyên bố chấm dứt các thỏa thuận buôn bán vũ khí với Arab Saudi vì vụ sát hại nhà báo Jamal, nhưng chính quyền Trump thì không.
Nhân quyền: giá trị nền tảng của Hoa Kỳ 
Chúng ta có bao giờ tự đặt câu hỏi tại sao các chính quyền dân chủ tiến bộ lại phải bỏ công sức và tiền bạc để vận động dân chủ và nhân quyền hay không? Sau Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ luôn là nước đi đầu trong việc bảo vệ và cải thiện nhân quyền, bởi chính quyền Hoa Kỳ xem nhân quyền là một mối quan tâm quốc gia (national interest) vì nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Cơ quan Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền, các quyền lao động, và dân chủ thông qua chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ góp phần tạo nên hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở nước ngoài, làm giảm các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và tăng cường sự bền vững đối với các đối tác an ninh. Có thể nói, thực hiện những chiến lược này là tối quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.
Theo luật, hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải trình lên Quốc hội một số báo cáo tổng hợp về tình hình nhân quyền các nước. Quốc hội Hoa Kỳ luôn dành một khoản chi phí hàng năm cho các cuộc vận động dân chủ và bảo vệ nhân quyền thế giới.
Tuy nhiên, từ khi Trump nhậm chức tổng thống, vận động dân chủ và cải thiện nhân quyền của Bộ Ngoại giao đã suy yếu rõ rệt. Theo ngân sách mà Nhà Trắng đệ trình cho năm 2019, nguồn tài chính cho tổ chức Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) và các chương trình thúc đẩy dân chủ khác giảm mạnh. Ngân sách dự trù của chính quyền Trump sẽ cắt giảm 40% tổng tài trợ cho dân chủ và nhân quyền.
Những lời khen ngợi của Trump dành cho các lãnh đạo độc tài cũng như im lặng trước các vi phạm nhân quyền chỉ khiến bọn chúng thỏa mãn và vui sướng. Thêm nữa, vô số hành vi phản dân chủ của Trump như tấn công quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và độc lập tư pháp càng khiến các nhà nước độc tài thẳng tay đàn áp giới bất đồng chính kiến và đối lập, mà không sợ chỉ trích từ Hoa Kỳ.
Chính quyền Mỹ trải qua các đời tổng thống trước đây luôn tin rằng, bảo vệ nhân quyền và vận động dân chủ sẽ mang lại lợi ích và an ninh cho người dân Mỹ. Không chỉ có Hoa Kỳ, mà đông đảo các quốc gia dân chủ như Thụy Sĩ, Na Uy, Đức, Pháp, Canada, Hà Lan… cũng luôn có các chương trình vận động dân chủ và nhân quyền. Các nước dân chủ văn minh tin rằng một thế giới càng nhiều các quốc gia dân chủ và tôn trọng nhân quyền, càng mang lại an ninh và lợi ích cho chính quốc gia họ, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
Lịch sử thế giới đã chứng minh, các chế độ độc tài hung bạo thực sự lo sợ khi các nước đồng minh dân chủ hợp tác, đề ra các chính sách và nghị quyết cụ thể như cấm vận kinh tế, không bán vũ khí, hoặc chấm dứt các kế hoạch đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước độc tài. Đồng thuận hợp tác thúc đẩy dân chủ và nhân quyền luôn là sức mạnh mềm của các quốc gia dân chủ, tạo sức ép đáng kể khiến các nhà nước độc tài không dám thẳng tay đàn áp người dân.
Ai cũng có thể bị ám sát như Jamal
Thổ Nhĩ Kỳ mô tả cuộc ám sát nhà báo Jamal là một chiến dịch “nhanh chóng, phức tạp” và cũng cáo buộc nhóm sát thủ Saudi đã “cưa thi thể” Khashoggi để đưa ra khỏi lãnh sự quán. Cái chết đầy đau đớn của nhà báo Jamal thật đáng thương tâm. Cảnh tượng bọn sát thủ Arab cưa sống Jamal quá rùng rợn. Chính quyền Thổ cũng cho biết đã nghe đoạn băng thu âm tiếng nhà báo Jamal van nài xin tha mạng.
Jamal chắc sợ hãi và đau đớn thể xác đến tột cùng. Chỉ vì muốn người dân Arab có nhân quyền, bình đẳng như người dân ở các nước khác, mà Jamal phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Tôi thương Jamal vô vàn bởi những gì xảy ra với Jamal cũng có thể xảy ra với chính tôi, hoặc bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào, là công dân ở các nước độc tài hung bạo.
Chỉ cần xét góc độ Jamal là một con người, cũng đủ để cho Trump hoặc người có lương tri phải nổi giận và lên án hành vi giết người man rợ của Saudi. Đáng nói, có một số người Việt vì muốn bênh vực Trump, nên cho rằng việc Saudi “cưa sống” Jamal là “chuyện nhỏ.” Giết hại dã man một con người tại đất nước khác mà là chuyện nhỏ, thì chuyện gì mới là chuyện lớn? Giả sử người nhà của họ cũng bị chế độ cộng sản Việt Nam, sát hại man rợ y như vậy, thì họ có còn cho là “chuyện nhỏ” hay không? Giả sử đảng cộng sản Việt Nam cũng ám sát một nhà bất đồng chính kiến tại một đất nước khác, thì đó có là chuyện nhỏ hay không?
Bất kỳ kẻ nào bênh vực cho hành vi cực kỳ tàn ác của hoàng gia Saudi chỉ có thể hoặc bệnh hoạn hoặc không có trái tim của một con người. Nếu chúng ta chỉ biết thương yêu những người quen biết, hoặc cùng một làng xóm, một quốc gia, mà không quan tâm tới những người khác chủng tộc, màu da, thì chúng ta có gì khác biệt so với loài vật?
Chẳng phải, rất nhiều loại vật hung dữ nhất còn biết “thương” đồng loại của chúng kia hay sao? Khi tình yêu cho sự thật và lẽ phải không còn quan trọng nữa, thì cuộc sống này còn có ý nghĩa gì nữa? Khi đạo đức tối thiểu chẳng còn có ý nghĩa gì, thì cái gì sẽ đủ sức ngăn con người ta không làm điều ác, điều xấu?
Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát uy tín trong nhiều năm qua, phần lớn người dân Mỹ ủng hộ cuộc vận động dân chủ và nhân quyền. Đặc tính nổi bật của phần đông người Mỹ là lòng nhân đạo và cảm thông với những người khốn khổ. Vì thế, họ không chỉ chăm lo cho đất nước Mỹ, mà còn dành một sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt cho dân chủ và nhân quyền trên thế giới. Và chính điều này đã khiến Hoa Kỳ vĩ đại.
Là tổng thống ở một quốc gia đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền lên hàng đầu, thế nhưng Trump phớt lờ những vi phạm nhân quyền hết sức nghiêm trọng của hoàng gia Saudi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ, mà còn còn ảnh hưởng xấu đến cuộc vận động dân chủ và nhân quyền toàn cầu. Thế giới mà bọn độc tài ngang nhiên ám sát đối lập, không lo sợ hậu quả, là một thế giới đầy bất ổn và nguy hiểm cho nhiều người.
______
Tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét