Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Bản tin ngày 26-11-2018

Bản tin ngày 26-11-2018

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: ASEAN và Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo đó, thỏa thuận hợp tác phát triển dầu khí trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines “mang tính chính trị nhiều hơn là thực chất. Cụ thể, để công ty Trung Quốc và đối tác Philippines tiến hành đàm phán hợp tác về dầu khí, thì phải bộ ngoại giao của 2 nước xem xét đối với từng dự án cụ thể”.
RFI dẫn lời Tối Cao Pháp Viện Philippines : Bắc Kinh là “đe dọa nghiêm trọng nhất” kể từ Thế Chiến II. Chánh án Antonio Carpio cảnh báo rằng, Philippines “phải chuẩn bị cho ngày mà Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ ra lệnh cho lực lượng hải quân hùng hậu đến kiểm soát vùng 9 đoạn” mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Quan hệ Việt – Trung
VOV đưa tin: Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thăm ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc. Vẫn là những phát ngôn quen thuộc về “tình đồng chí” khi quan chức CSVN gặp “bạn vàng” của họ: “Quan hệ song phương tiếp tục phát triển với việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và trao đổi đoàn giữa các cấp, các ngành, địa phương hai nước; hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Trung Quốc không ngừng tăng trưởng”.
Ông Trần Thanh Mẫn, chủ tịch MTTQ VN và đoàn chụp ảnh cùng ban lãnh đạo ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc. Ảnh: VOV
BBC có bài: Hồ Chí Minh với các bút danh Paul Thành, Hồ Quang và Trần Dân Tiên. Theo đó, trang web của đảng CSVN vừa có bài báo xác nhận, “thiếu tá Hồ Quang trong Bát Lộ Quân của Trung Quốc là một trong nhiều tên mà nhà cách mạng Việt Nam đã sử dụng chính thức khi hoạt động ở nước láng giềng cuối thập niên 1930”.
Thông tin về “thiếu tá Hồ Quang” đã được giới đấu tranh dân chủ đề cập hơn một thập kỷ qua, cùng với giả thuyết hình tượng Hồ Chí Minh chỉ là một thủ đoạn phục vụ cho âm mưu của Bắc Kinh nhằm thao túng Hà Nội. Thế nhưng, lực lượng tuyên truyền của chế độ đã tìm mọi cách phủ nhận thông tin này cho tới bây giờ họ xác nhận thiếu tá Hồ Quang chính là Hồ Chí Minh.
Báo Dân Trí có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Vay vốn Trung Quốc phải sống chung với “tham nhũng vặt” và sự dối trá. Bà Lan lưu ý: “Nền kinh tế Việt Nam hiện nay, sống chết không phải là vốn mà là hiệu quả, là giá trị gia tăng của nền kinh tế. Đường cao tốc Quảng Nam – Đà Nẵng khánh thành xong 1 tháng đã hỏng mà hỏng chủ yếu là ở đoạn bị bán lại thầu cho nhà thầu Trung Quốc”.
Vẫn là nỗi ám ảnh “tự diễn biến”
RFI có bài phỏng vấn TS Nguyễn Quang A: Trấn áp GS Chu Hảo cho thấy ”sự rệu rã” của đảng Cộng Sản Việt Nam. Theo ông Quang A, xu hướng trấn áp giới trí thức, từ GS Chu Hảo đến 13 cán bộ báo Thanh Niên, “là một sự tha hóa vô cùng nghiêm trọng của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ đảng Cộng Sản Việt Nam đang đối mặt với các thách thức rất là lớn trong nội bộ”
Ông Quang A nói thêm rằng, “chỉ khi một tổ chức bị rệu rã hết sức trầm trọng người ta mới phải dùng đến một biện pháp như thế. Những biện pháp như thế là quay trở lại với thời khủng bố tư tưởng, như thời Stalin. Nó báo hiệu một con đường vô cùng bế tắc”.
Cựu tướng công an bảo kê tội phạm rồi xin tha
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Quan tham ra tòa xin lỗi: Ai có quyền tha thứ? Sau nhiều ngày chối tội, cuối cùng hai cựu tướng công an cũng không còn kế nào khác đành xin lỗi. Hai cựu tướng nhận tội nhưng không chịu nhận trách nhiệm, vẫn tìm cách xin giảm nhẹ hình phạt, đổ lỗi cho cấp dưới rồi kể lể sự nghiệp, thành tích.
Bao công sức tuyên truyền về “bản lĩnh” người cộng sản, đã bị chính các tướng công an này và các quan chức lãnh đạo đảng phá bỏ hết. Từ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đến Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, khi ra tòa đều có chung thái độ: Dám làm điều sai trái nhưng không dám nhận trách nhiệm và khi đối mặt với các bản án thì năn nỉ, xin tha. 
Báo Thanh Niên bàn về phiên xử vụ đường dây đánh bạc ngàn tỉ: Sự quanh co khó hiểu của bị cáo Nguyễn Thanh HóaCựu tướng Nguyễn Thanh Hóa nói “về mức án từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù mà VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị, bị cáo này cho rằng là quá nặng”. Cựu tướng Phan Văn Vĩnh thì van xin: “Bị cáo xin được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo mong được hạ hình phạt xuống mức thấp nhất”.
Báo Doanh Nghiệp Việt Nam bàn về bản lĩnh “mỗi người một vẻ” khi đối diện với hình phạt tù. Sau phiên tòa, 4 nhân vật lớn nhất trong vụ tổ chức đánh bạc ngàn tỷ cho thấy rõ bản chất của con người họ. Trong khi 2 cựu tướng công an dùng mọi thủ đoạn, kế sách để chối tội, đổ lỗi, khóc lóc, van xin, năn nỉ, thì 2 bị cáo không phải là tướng công an là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương tỏ thái độ dám làm, dám chịu. 
Ngày 30-11 tuyên án hai cựu tướng công an, theo báo Pháp Luật TP HCM. Bài báo cho biết: “Sau 12 ngày làm việc, phiên tòa xét xử hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng đồng phạm trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ kết thúc phần tranh luận. HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 30-11 tới đây”
Các vụ “ăn” đất
Chuyện ở TP Sầm Sơn, Thanh Hóa: Cách tất cả chức vụ nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Vinh, theo báo Thanh Tra. Ông Trần Nam Trung, cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Vinh bị Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Ông Trung đã “ký vào phiếu thu khống, nội dung thu tiền sử dụng đất của ông Văn Đình Cộng, phường Quảng Vinh nhưng thực tế không thu đồng nào vào ngân sách”, để ông Trung có cớ bán đất trái thẩm quyền cho ông Cộng. “Đây lại là khu đất đang do người khác sử dụng trồng cây, chưa hề có thủ tục thu hồi đất”.
VOV đưa tin: Đất sử dụng ổn định hơn 20 năm, chính quyền thu “trắng” không bồi thường. Ông Phan Việt Hùng, ở xã  Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cho biết, “gia đình ông ở trong Nông Trường 402 từ trước năm 1990. Đến năm 1994, gia đình ông và nhiều hộ dân khác được Nông Trường cấp đất thổ cư”
Năm 2015, chính quyền triển khai dự án ngang qua đất của gia đình ông Hùng và hàng chục hộ dân khác trong nông trường, nhưng không bồi thường cho dân. Một người dân chia sẻ: “Đất này được cấp, làm sổ đoàng hoàng, tôi ở trên đây mấy chục năm rồi. Đất trước đây là mương trũng, rồi mới bồi đắp lên, quản lý mấy chục năm nay. Phải trả tiền đất cho tôi chứ”.
Vụ hàng ngàn m2 đất rừng Hà Tĩnh bị “phù phép”, trang Bảo Vệ Pháp Luật đặt câu hỏi: Ai đứng sau những hồ sơ cấp đất có dấu hiệu sai phạm? Ông Nguyễn Thức ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh tố cáo, “một số cá nhân ngang nhiên chiếm đoạt hàng ngàn m 2 đất rừng mà ông là người được Nhà nước giao quyền sử dụng gần 30 năm nay”. Thế nhưng, các cơ quan chức năng địa phương này đổ lỗi cho nhau.
Cường hào ác bá “đỏ” thời nay
Chuyện gây chú ý dư luận những ngày qua, con trai nguyên chủ tịch huyện tham gia đánh nữ nhân viên hàng không, theo báo Người Lao Động. Người có hành vi côn đồ, đánh phụ nữ là Lê Trung Dũng, con trai ông Lê Văn Bền, cựu chủ tịch huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Những vụ con cháu quan chức cộng sản tỏ ra xem thường người khác không còn quá xa lạ với người dân.
Báo Phụ Nữ Việt Nam đưa tin: Ngăn công an phường đục đường nước, cả gia đình bị khởi tố. Nhóm cán bộ được chính quyền, được công an bảo kê, mang máy xúc đến phá nhà và đường ống nước của bà Nguyệt, tại ngõ số 15, Hàn Thuyên, Hà nội. Bà yêu cầu đưa quyết định cưỡng chế và những biên bản vi phạm (nếu có) thì chính quyền nói không có. Bà Nguyệt ngăn cản, yêu cầu công an lập biên bản thì bị cán bộ, công an chửi và hành hung. 
Khổ chủ ngăn công an đục đường nước nhà mình. Ảnh: PNVN
Sau đó công an khống chế một người, “túm tóc và kéo lê dưới nền đường đưa về trụ sở công an phường và tạm giữ”. Gần 1 năm sau, cả gia đình 3 người bị chính quyền khởi tố về tội ‘chống người thi hành công vụ’.
Báo Phụ Nữ Việt Nam đặt câu hỏi về vụ cả gia đình bị khởi tố: Có dấu hiệu hình sự hóa? Công đã hành hung người dân rồi còn khởi tố họ, chính là bằng chứng thể hiện sự lạm quyền, ngồi trên pháp luật của lực lượng công quyền. Phận người dân nhỏ bé dưới chế độ cộng sản, bị áp bức còn bị buộc phải im lặng, không được phản kháng. Nếu không sẽ bị trả thù, ghép tội và đi tù.
Nền giáo dục với những cái tát nhân danh “thành tích” 
Vụ cô giáo côn đồ ở Quảng Bình ra lệnh tát nam sinh 231 cái, báo VietNamNet nhận định, đây là cái tát vào “bệnh thành tích” trong giáo dục. Hơn 10 năm kể từ ngày bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào chống bệnh thành tích trong giáo dục, “bệnh” ngày càng nặng hơn. Chuyện thành tích đã ăn sâu vào tư duy những người trong ngành giáo dục, từ cấp cao nhất rồi áp đặt xuống giáo viên, học sinh. 
VOV đặt câu hỏi: Cô giáo ra lệnh tát 231 cái vào má học sinh đối mặt với hình phạt nào? LS Nguyễn Doãn Hùng cho biết, “tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì cô giáo có thể bị xử lí kỉ luật, phạt tiền, bị đình chỉ giảng dạy hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm”.
Diễn tiến vụ phạt 231 cái tát: Công an xem xét khởi tố, có dấu hiệu hành hạ người khác, theo báo Trí Thức Trẻ. Vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy của trường THCS Duy Ninh, phạt tát học sinh H.L.N 231 cái, Công an tỉnh Quảng Bình xác nhận, họ đã vào cuộc xác minh, điều tra.
Cơ quan điều tra đã tiếp xúc với cán bộ Trường THCS Duy Ninh, ghi nhận báo cáo của nhà trường. Em N. cũng được công an lấy lời khai với sự giám hộ của phụ huynh. Phía công an cho biết: “Chúng tôi sẽ xác minh thông tin, lấy lời khai các bên để phục vụ công tác điều tra. Công an huyện sẽ xem xét khởi tố vụ án trong những ngày tới”.
Trang VnExpress đặt câu hỏi: Tát bạn 230 cái ở Quảng Bình: Vì sao 23 học sinh không phản đối cô giáo? Đó là kết quả của nền giáo dục “nhồi sọ” kiểu cộng sản, nơi mà mọi người được đào tạo để vâng lời chứ không phản biện. Bao thế hệ học sinh không được đặt câu hỏi, rồi khi làm việc thì không được cãi lệnh cấp trên. Lớn lên, dần dần người dân Việt Nam mất đi tư duy phản biện, phân tích vấn đề và dư thừa nỗi sợ hãi.
Báo VTC nhắc lại những vụ giáo viên bạo hành học sinh gây chấn động. Những vụ việc phi giáo dục, vô nhân tính, nhưng vẫn tồn tại và diễn ra dưới nền giáo dục mục nát ở Việt Nam, như vụ cô giáo phạt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng, vụ cô giáo bắt học sinh tát nhau vì nói chuyện riêng ở Hà Nội; hay thầy giáo tại Nghệ An tát vào mặt và đánh vào đầu khiến học sinh nhập viện, vụ cô giáo tát học sinh gãy răng, rách môi ở Hà Nội… 
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét