XIN ĐỪNG MẮC KẾ LY GIÁN ĐỐI VỚI BÀ CON CÔNG GIÁO
bauxitevnThu 8:42 AM
Nguyễn Đình Cống
Gần đây ở một số nơi tại Nghệ An đang có hoạt động ly gián bà con công giáo với cộng đồng. Nhiều người vì nhầm lẫn mà bị mắc lừa.
Trong 36 kế của Tôn Tử, kế ly gián rất thâm độc. Trong kế này có 3 thành phần: kẻ chủ mưu CM, người hoặc tập thể được lôi kéo A và đối tượng bị ly gián B. Từ trước tới nay A và B đoàn kết, thân mật với nhau trong lúc đó B bị CM thù ghét. CM không muốn A và B thân thiện, dùng kế ly gián để A và B nghi ngờ nhau, chống đối nhau. Kế này thường được thực hiện bằng các biện pháp sau:
1- CM tỏ ra thân thiết với A, vì quyền lợi của A, chiếm được cảm tình và lòng tin của A.
2- CM tìm cách thu thập một số lời nói hoặc việc làm của B, do vô tình nhưng có thể làm cho A hiểu nhầm. Nếu không tìm được những thứ như vậy thì CM tìm cách gài bẫy để đưa B vào cảnh tình ngay lý gian.
3- CM dùng một phần sự thật để ngụy biện, chứng minh cho A thấy là B cố tình chơi xấu, phản bội A, từ đó ly gián B khỏi A để rảnh tay đối phó với B hoặc cao hơn là dùng A để ngăn cản hoặc trừ khử B.
Kế ly gián có nhiều trong lịch sử và trong cuộc sống. Những người nhẹ dạ cả tin rất dễ bị mắc. Nhiều người có trình độ, có kinh nghiệm sống, có cảnh giác vẫn bị mắc, đến khi biết ra thì đã muộn. Chỉ có một số ít người, nhờ may mắn, nhờ sự phân tích tinh tế hoặc nhờ một cảm nhận nào đó mà thoát được kế hiểm độc này.
Trong lịch sử VN, bà con Công giáo đã vài lần bị mắc vào thảm cảnh. Đó là chủ trương Bình Tây Sát Tả thời vua Tự Đức. Trong Cách mạng tháng 8 và kháng chiến chống Pháp, một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đoàn kết lương giáo, mặt khác một số tổ chức Việt Minh tìm cách chia rẽ. Hồi đó tôi đã hơn 10 tuổi, đủ trí khôn và trí nhớ để ghi nhận nhiều sự kiện ở quê hương. Gia đình tôi thuộc lương, nhưng có quan hệ mật thiết với bà con công giáo. Làng tôi, trước đây bà con lương giáo sống chung, đến cuối thế kỷ 19, do sự xúi dục của một số người mà kiện tụng, chia đôi. Bên lương giữ phần phía Bắc, gọi là Lũ Phong, bên giáo tập hợp lại ở phía Nam, gọi là Tân Phong. Năm 1946 có một vụ khám xét và bắt bớ xảy ra tại nhà thờ Tân Phong do công an Việt Minh huyện Quảng trạch phối hợp với lực lượng tự vệ của Lũ Phong thực hiện. Tôi vì tò mò đã đi theo đội công tác đó và nghe lóm được nhiều chuyện. Từ đó chúng tôi được tuyên truyền rằng phần lớn các Linh mục là Việt gian, phần lớn bà con công giáo là theo Tây, chống lại Việt Minh. Sự tuyên truyền ấy ăn sâu vào đầu óc bà con bên lương vì rằng một số làng công giáo như Đan Sa, Tân Phong, Hướng Phương có một thời gian ngắn đi đầu trong việc lập chính quyền theo Pháp. Gần chúng tôi có làng Hòa Ninh, cũng gồm lương và giáo sống chung, họ gắn bó thân mật với nhau hơn các nơi khác.
Rồi đến năm 1954, có phong trào bà con công giáo di cư vào Nam. Lúc đó tôi đang học lớp 9 ở Hà Tĩnh, đã tham gia các hoạt động chống cưỡng ép di cư. Lại một lần nữa được nghe tuyên truyền về Việt gian, phản động.
Rồi cải cách ruộng đất, rồi chiến tranh chống phá hoại bằng không quân của Mỹ, rồi hợp tác hóa nông nghiệp, rồi khoán mười, đổi mới, v.v. làm cho không khí chia rẽ lương giáo dịu bớt đi. Quê tôi Lũ Phong và Tân Phong đã hợp nhất lại trong một xã, và bây giờ là phường Quảng Phong, bà con lương giáo lại đoàn kết vui vẻ.
Thế rồi Formosa gây nên náo loạn. Việc đấu tranh đòi Formosa bảo vệ môi trường, đền bù thích đáng, thậm chí phải xóa bỏ nguồn gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường là nhiệm vụ chung của mọi người dân có lương tri và chính quyền phải đứng về phía nhân dân. Nhưng chính quyền đã chọn đứng về phía Formosa, bảo vệ Formosa, chống lại dân. Trong số dân bị thiệt hại thì bà con công giáo bị khá nặng nề. Lúc này lại xảy ra phân biệt lương giáo trong thái độ đối với Formosa. Bà con bên lương, vốn bị các tổ chức của Đảng khống chế chặt chẽ, vì sợ mà không dám tổ chức đấu tranh. Bà con công giáo, nhờ có tổ chức, lại được khích lệ bằng giáo lý của Chúa, được các Linh mục dẫn dắt, đã vượt qua sự ngăn cản, thắng được nỗi sợ hãi, dám chấp nhận bị khủng bố, bị đàn áp để đấu tranh. Bà con đã thể hiện lòng yêu quê hương, quyết bảo vệ đất nước, bảo vệ nguồn sống của người dân, trong đó có cả bà con bên lương. Việc đó thật đáng hoan nghênh và ủng hộ. Sự dẫn dắt của các Linh mục trong cuộc đấu tranh ôn hòa rất đáng khâm phục.
Cuộc đấu tranh hòa bình của bà con công giáo tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vừa qua, đòi Formosa phải bảo vệ môi trường, phải đền bù thích đáng là hợp tình, hợp lý, hợp pháp với chính nghĩa rõ ràng. Chính quyền đã một vài lần thất bại trong việc trấn áp, họ quay ra dùng kế ly gián, một kế thâm độc, nhằm tách bà con công giáo khỏi bà con bên lương, có nghĩa là tách bà con công giáo khỏi cộng đồng người Việt. Họ nhắc lại chuyện xưa, xuyên tạc chuyện nay, dựng đứng và vu vạ để làm mất uy tín các linh mục, để đổ oan, cho rằng bà con bị mua chuộc và xúi dục của phản động hòng lật đổ chế độ. Họ tổ chức cho một số cựu chiến binh, phụ nữ, học sinh hội họp, biểu tình để lên án các linh mục, để phản đối cuộc đấu tranh của bà con công giáo. Chính họ đang thực thi âm mưu chia rẽ lương giáo nhưng lại đổ vấy cho bà con.
Tôi năm nay trên 80 tuổi, là một giáo sư, đã chứng kiến nhiều cảnh thăng trầm của đất nước, có hiểu biết lịch sử và giáo lý, đã từng bị tẩy não và cũng đã ngộ ra được nhiều điều mà quan trọng nhất là chứng minh được Chủ nghĩa Mác Lê nin có chứa nhiều độc hại. Tôi thấy rằng Cộng sản không ưa gì Công giáo, rằng việc các lãnh đạo CS thăm Giáo hoàng ở Vatican chỉ là mưu lược ngoại giao, rằng chủ thuyết CS về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản không phù hợp với giáo lý, rằng một mặt chính quyền CS phải chấp nhận tự do tín ngưỡng nhưng trong thâm tâm vẫn tìm mọi cách hạn chế Công giáo. Tôi cũng nhận thấy rằng bà con công giáo VN là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam (theo như lời Hồ Chí Minh nói về Nam Bộ). Tinh thần yêu nước, yêu quê hương của bà con không những không thua kém đồng bào bên lương mà có khi, có nơi còn hơn. Tinh thần đó được giáo lý hun đúc, củng cố. Tôi có đủ bằng chứng rằng sau CM tháng 8 một số bà con công giáo rất sợ Việt Minh vì biết chủ thuyết duy vật của cộng sản không chấp nhận tôn giáo, vì thế trong những ngày đầu của kháng chiến, năm 1947 họ có xu hướng thân Pháp. Còn việc di cư vào Nam năm 1955, một phần là do sai lầm của cải cách ruộng đất tạo nên.
Mưu kế ly gián của chính quyền đối với bà con Công giáo là thâm độc. Họ dùng mưu kế ấy chẳng qua là để lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin, vì vô minh mà mắc lừa, để họ củng cố quyền lực thống trị của những nhóm lợi ích. Họ dùng kế ấy cũng chứng tỏ thế cùng và đang lo sợ. Vậy xin bà con cả hai bên lương giáo hãy tĩnh táo, chớ vội vàng mắc vào mưu ly gián của những thế lực đang rất cần củng cố chức quyền chỉ vì lợi ích cá nhân và phe nhóm. Chính trong phong trào đấu tranh với Formosa bà con lương giáo cần hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn, thương yêu đùm bọc nhau hơn.
Nhân đây cũng xin có vài lời với anh em Cựu chiến binh. Gia đình tôi là gia đình có công với CM, có 5 liệt sĩ là cha tôi và 4 con cháu của ông, anh chị em tôi có nhiều người là cựu chiến binh. Dân tộc VN đã nhiều thế hệ hy sinh xương máu để có thành quả cách mạng. Cựu Chiến binh có nghĩa vụ vẻ vang là góp phần bảo vệ thành quả đó. Thành quả mà các thế hệ CM mong muốn là gì? Đó là Độc lập dân tộc, là Tự do và Hạnh phúc của nhân dân. Thành quả đó hiện nay đang bị một số người lợi dụng, phản bội. Đó là những người có chức, có quyền. Họ nắm được chính quyền, lo vơ vét tham nhũng, làm giàu cá nhân, để đạo đức, môi trường và nhiều thứ xuống cấp nghiêm trọng, đất nước nợ ngập đầu, dân oan khắp nơi, càng ngày càng lệ thuộc vào Tàu cộng.
Một số bạn hiểu nhầm, cho rằng thành quả CM là Chính quyền của Đảng. Bảo vệ thành quả CM là bảo vệ chính quyền. Sự nhầm lẫn ở đây là khi làm CM thì mục tiêu trước mắt là giành độc lập, giành và giữ chính quyền, nhưng chính quyền và độc lập chỉ là kết quả trung gian. Thành quả cuối cùng mà CM hướng tới là Tự do và Hạnh phúc của nhân dân chứ không phải chính quyền. Chính quyền đúng nghĩa, đáng mong ước là phải lo cho Tự do và Hạnh phúc của nhân dân. Trong các quyền tự do thì tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là quan trọng nhất. Còn nếu chính quyền chủ yếu lo làm giàu cá nhân thì chính nó đang phản lại thành quả CM. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nước được độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập đó chẳng để làm gì”. Khi Chính quyền và nhân dân cùng một phía thì bảo vệ chính quyền đồng thời là bảo vệ nhân dân. Nhưng khi giữa những người cầm quyền và nhân dân phát sinh mâu thuẩn, đặc biệt là khi chính quyền tham nhũng, vì lợi ích nhóm mà xâm hại đến nhân dân như trong vụ Đồng Tâm vừa qua, như trong vụ Thái Bình trước đây, như vụ Formosa, thì bảo vệ người cầm quyền để chống lại nhân dân là sai lầm, là bảo vệ cái ác. Anh em chắc biết Trung tướng Trần Độ. Xin chép ra đây bài thơ của ông để tham khảo: “ Chỉ mong xóa ác ở trên đời/ Ta phó thân ta với đất trời/ Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện/ Không ngờ cái ác lại luân hồi”. Xin anh em hãy sáng suốt suy ngẫm xem cái ác mà Tướng Độ viết hiện nay đang nằm ở đâu để khỏi bị mắc vào kế ly gián của những kẻ đã tước đoạt thành quả CM khỏi tay nhân dân. Tôi đang theo gương của tướng Trần Độ, vạch ra cho mọi người thấy sự thật để khỏi bị nhầm. Tôi không chống lại ai cả, không đòi lật đổ ai cả. Nếu anh em có chứng cứ tôi bịa đặt rằng tôi muốn lật đổ chế độ xin hãy truy tố để tòa án kết tội tôi, còn khi anh em thấy điều tôi viết là có cơ sở thì xin hãy suy nghĩ, đừng để bị lừa gạt.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét