Vì sao ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục kéo đi biểu tình?
bauxitevnTue 9:03 AM
Minh Quân
Đã quá muộn nhưng còn hơn không đối với Thủ tướng Phúc, nếu không muốn bị tai tiếng thêm trong quốc nội về vụ Formosa sau “thỏa thuận bí mật” với doanh nghiệp từng bị tai tiếng quốc tế này…
Giáo dân thuộc Giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016. Photo courtesy of tinmungchonguoingheo
Năm 2017 đã lao qua phân nửa, nhưng làn sóng biểu tình của ngư dân miền Trung vẫn không hề dịu bớt(*). Điển hình là cuộc biểu tình của hàng ngàn người là giáo dân xứ Cồn Sẻ vào sáng ngày 16/6 cùng linh mục chánh xứ An tôn Nguyễn Thanh Tịnh kéo đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để đòi bồi thường thỏa đáng do thảm họa môi trường mà nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra.
Một số người dân tại Cồn Sẻ bức bối: họ phải tiếp tục đi đòi hỏi quyền lợi vì mức mà địa phương nói sẽ chi trả cho họ thấp hơn nhiều so với mức được chính quyền trung ương qui định. Trong khi người dân kê khai là mỗi đầu người 17 triệu đồng, cơ quan chức năng địa phương nói chỉ chừng 8 triệu đồng nên người dân không đồng ý.
Nhưng thông báo từ Hội đồng bồi thường của tỉnh Quảng Bình vào ngày 15/6/2017 lại “vống” rằng 62 trên 65 xã trong toàn tỉnh được phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 2200 tỉ đồng; và khoản đã giải ngân là trên 2100 tỷ đồng, đạt gần 92%.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng nói việc hỗ trợ và bồi thường do người dân 4 tỉnh miền Trung sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2017 và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung “về cơ bản đã ổn định”. Và tính đến ngày 7/6/2017, tức 1 năm sau thảm họa, Thủ tướng Chính phủ đã tạm cấp cho 4 tỉnh với tổng số tiền là 7.000 tỷ đồng nhằm mục đích bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
Sự thật có đúng như báo cáo của Chính phủ và chính quyền địa phương hay không?
Cần nhắc lại, Thủ tướng Phúc đã hứa “cuội” không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa “tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền”. Nhưng ngay sau đó, Chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc “thống kê thiệt hại” do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung đang dâng cao và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương. Thử hỏi nếu không có con sóng biểu tình ấy, không hiểu đến lúc nào khoản tiền bồi thường còm cõi mới đến tay những nạn nhân môi trường đã không còn đường sinh sống?
Rất nhiều nạn nhân môi trường vẫn đang bức bối về “tiền ở đâu?”.
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra “nhận trách nhiệm giữ dùm” 500 triệu USD tiền bồi thường do Formosa chuyển giao, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại là một trong những địa chỉ “bảo kê” rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Vào tháng 3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính lại đưa ra thông tin như thể khoe khoang thành tích rằng đã cấp 4.680 tỷ đồng trong tổng số 500 triệu USD do Formosa bồi thường. Sau đó có báo còn tuyên truyền như một thành tích rằng số tiền 4.680 tỷ đồng này đã được “bồi thường hết” cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung.
Câu hỏi đặt ra là chỉ trong 8 tháng (từ tháng 6/2016 - tháng 3/2017), với số đã giải ngân chỉ chiếm 30% trong số 500 triệu USD, số tiền còn lại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính “ngâm” để làm gì?
Bởi sau khi giải ngân 30% của 500 triệu USD, với 8 tháng “giữ dùm” số còn lại, lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền “tạm ứng” đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai? Có phải theo “thông lệ” đã chui vào túi giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân? Và đó có phải là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cố ý “ngâm” tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt?
Liên tiếp các đợt biểu tình phản kháng của ngư dân - giáo dân vào cận Tết năm 2017 và từ sau Tết đến nay đã chứng thực rằng người dân không còn chút nào niềm tin đối với chính quyền đang cai trị họ.
Đã quá muộn nhưng còn hơn không đối với Thủ tướng Phúc, nếu không muốn bị tai tiếng thêm trong quốc nội về vụ Formosa sau “thỏa thuận bí mật” với doanh nghiệp từng bị tai tiếng quốc tế này. Ông Phúc cần chỉ đạo làm rõ những nguyên nhân cố ý gây chậm trễ tiến trình chi tiền bồi thường cho ngư dân và yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phải minh bạch toàn bộ số tiền “giữ dùm” gửi trong ngân hàng.
Nếu không, biểu tình cũng bởi thế sẽ không thể dừng được. Không chỉ bởi số tiền giải ngân bồi thường mới chỉ có 30%, mà còn do ước tính thiệt hại kinh tế của vụ xả thải Formosa nhiều hơn con số bồi thường 500 triệu USD gấp hai chục lần - 10 tỷ USD.
M.Q.
__________
(*) Gần nhất có thể kể đến cuộc biểu tình phản đối Formosa ngày 26/6/2017 với sự tham gia của khoảng 500 người dân ở Giáo họ Yên Nghĩa, Giáo xứ Liên Hoà, Giáo phận Vinh, tỉnh Quảng Bình (BBT BVN chú giải).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét