Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Những ẩn số và biến số trên bàn cờ Biển Đông

Những ẩn số và biến số trên bàn cờ Biển Đông

bauxitevnThu 2:42 PM

Nguyễn Quang Dy
“Ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới”. (Alexander Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông”, Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016).
Trong báo cáo “Asia-Pacific Rebalance 2025: Capabilities, Presence, and Partnerships”, CSIS, January 19, 2016), các chuyên gia CSIS đã cảnh báo rằng Trung Quốc trỗi dậy là “thách thức chính” đối với Mỹ, và “đến năm 2030 thì Biển Đông hầu như sẽ trở thành cái ao của Trung Quốc” (“by 2030 the South China Sea will be virtually a Chinese lake”). Liệu Việt Nam và Mỹ có muốn điều đó không, và có thể làm gì để ngăn chặn điều đó?

Biển Đông lại nổi sóng

Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc kéo dàn khoan khổng lồ HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông, tạo ra khủng hoảng và bước ngoặt trong quan hệ Việt-Trung. Nếu sự kiện đó là “tập một” trong chiến lược giàn khoan (oil rig offenssive) thì những gì đang diễn ra có thể là “tập hai”, nhằm từng bước biến Biển Đông thành cái ao của Trung Quốc (nếu Mỹ và các nước khác hành động quá ít và quá chậm). Ngày 16/6/2017, Trung Quốc lại thông báo giàn khoan HD-981 “sẽ hoạt động ngay gần cửa Vịnh Bắc Bộ trong 3 tháng…”
Trong khi HD-981 tiếp tục di chuyển xuống phía Nam thì Trung Quốc triển khai khoảng 40 tàu hải giám (và máy bay Y8) tại khu vực quanh bãi Tu Chính (Vanguard Bank) để ngăn cản Việt Nam triển khai dự án khai thác dầu Cá Rồng Đỏ (lô 136-3) cách Vũng Tàu khoảng 450km (trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam), do PetroVietnam hợp tác với Talisman (nay là Repsol của Tây Ban Nha). Theo Carl Thayer (UNSW) có khả năng xảy ra đụng độ trong những ngày tới. Lê Hồng Hiệp (ISEAS) cũng nhất trí: “Nếu Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò, thì đương nhiên sẽ xảy ra đụng độ với Trung Quốc”.
Biển Đông lại nổi sóng và kịch bản cũ dường như đang được lặp lại, nhưng trong một bối cảnh mới khó dự đoán hơn, vì có nhiều ẩn số và biến số. Theo Bill Hayton (BBC, 26/6/2017), tướng Phạm Trường Long đã đến Tây Ban Nha trước khi đến Việt Nam (có lẽ để yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha ép Repsol bỏ cuộc). Chưa biết Việt Nam sẽ nhượng bộ hay sẽ thách thức Trung Quốc. Lúc này có thể Trung Quốc chưa sẵn sàng làm liều, vì họ còn đang bận chuẩn bị Đại hội Đảng 19 (vào cuối năm nay) và đang triển khai chiến dịch lấy lòng người (Charm Offensive) để quảng cáo cho quốc sách “Một vành đai, Một con đường”.
Trong khi đó, dư luận Việt Nam (và quốc tế) đang ồn ào về sự kiện tướng Phạm Trường Long (Phó Chủ tịch Quân ủy TW) và phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc đến Hà Nội (18/6/2017) đã đột ngột bỏ về. Tại sao tướng Long đến rồi lại đột ngột bỏ về? Nguyên nhân gì làm quan hệ Việt-Trung căng thẳng? Liệu có dẫn đến xung đột hay không? Ý nghĩa của hợp tác chiến lược Viêt-Mỹ/Việt-Nhật? Và những biến số trên bàn cờ Biển Đông?
Để làm rõ các câu hỏi đó, cần đặt chúng trong bối cảnh mới. Quan hệ Việt-Trung có nhiều vấn đề, nhưng tranh chấp Biển Đông vẫn là then chốt nhất, vì nó không chỉ liên quan đến quan hệ song phương Việt-Trung (như Trung Quốc muốn) mà còn liên quan đến nhiều nước khác ngoài ASEAN, đặc biệt là tam giác Mỹ-Trung-Nhật. Những biến chuyển trong quan hệ Viêt-Mỹ và Việt-Nhật gần đây đã tác động trực tiếp đến quan hệ Việt-Trung.

Tại sao Phạm Trường Long đột ngột bỏ về?

Sau hai chuyến đi Mỹ và Nhật (liền nhau) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với kết quả đạt được về kinh tế và an ninh, chắc chắn Trung Quốc khó chịu và phản ứng. Tại sao lần này Bắc Kinh lại cử tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong) chứ không phải Dương Khiết Trì hay Trương Cao Lệ (như lần trước)? Có lẽ vì vấn đề cốt lõi trong chuyến đi Mỹ và Nhật của Thủ tướng Phúc là hợp tác quốc phòng. Tuy vấn đề thương mại (ký được hợp đồng $8 tỷ với Mỹ) cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng thỏa thuận về quốc phòng.
Về điểm này, tôi tán thành nhận xét của Lê Hồng Hiệp: “đáng chú ý là nội dung về hợp tác quốc phòng giữa hai bên, Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như Việt Nam và Nhật Bản, được nêu bật, đặc biệt là trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai bên thảo luận việc để tàu sân bay của Hoa Kỳ vào cảng Cam Ranh. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho Trung Quốc không cảm thấy thoải mái, và rõ ràng là Trung Quốc muốn gây sức ép để Việt Nam không nghiêng quá gần về phía Hoa Kỳ hay Nhật Bản, vì Hoa Kỳ và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực này”. (ISEAS, June 20, 2017).
Hà Nội có biết trước là Bắc Kinh sẽ phản ứng không? Chắc chắn là biết. Nhưng Việt Nam bị mắc kẹt (như “catch-22”) giữa hai nước lớn, nên buộc phải cân bằng quan hệ trong tam giác Mỹ-Trung-Việt. Tuy không muốn làm mất lòng Trung Quốc, nhưng Việt Nam phải tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật vì lợi ích sống còn (cả kinh tế và an ninh). Vì vậy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải đi thăm Trung Quốc (11-15/5/2017) trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ (29-31//2017). Đó là nước cờ “ngoại giao phòng ngừa” để cân bằng quan hệ với hai nước lớn, nhưng có thể không đủ để xoa dịu Bắc Kinh, vì lợi ích cốt lõi của hai bên khác nhau tới mức không thể dung hòa. Xã luận Thời báo Hoàn Cầuchỉ trích Việt Nam ngay khi tướng Long đến Hà Nội. Họ lớn tiếng kẻ cả khuyên ta “chọn bạn mà chơi”, ám chỉ Việt Nam không được xích lại quá gần Mỹ và Nhật (Global Times, May 18, 2017).
Ngày 18/6/017, thượng tướng Phạm Trường Long cùng một đoàn sỹ quan cao cấp gồm tư lệnh mặt trận Phía Nam (Viên Dự Bách), Phó Tổng tham mưu trưởng Liên quân (Thiệu Nguyên Minh), Tham mưu trưởng Lục quân (Lưu Chấn Lập), Phó Tư lệnh Hải quân (Lưu Nghị), Phó Chính ủy Không quân (Tống Côn), và Đại sứ Hồng Tiểu Dũng, đã đến Hà Nội. Tướng Long đã gặp các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam. Đây là lần đầu tiên từ sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn (3/2016), Trung Quốc cử một đoàn quân sự cấp cao như vậy đến Việt Nam, chắc không phải vô cớ.
Theo New York Times (21/6/ 2017), Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo chương trình Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 đã bị hủy vì “những lý do liên quan đến sắp xếp” giữa hai nước. Nhưng nguyên nhân thực sự là tướng Long “đã tỏ ra giận dữ trong hội đàm kín” về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và hoạt động ngoại giao tích cực của Việt Nam với Mỹ và Nhật vừa qua. Tướng Long đã cắt ngắn chuyến thăm và rời Việt Nam tối 18/6 mà không công bố nguyên nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tránh né không giải thích, trong khi báo chí chính thống của Việt Nam không đưa tin. Trong hội đàm chính thức với Việt Nam, tướng Long nhấn mạnh “toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ”. Báo chí chính thống của Việt Nam cũng không đưa tin. (Vào lúc đó các báo đài bận kỷ niệm “ngày báo chí cách mạng” 21/6).

Nguyên nhân căng thẳng Việt-Trung

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước sức ép to lớn và thách thức nan giải, cả về kinh tế lẫn an ninh, buộc chính phủ phải đổi mới thể chế và điều chỉnh chiến lược nước lớn sang tư thế “tái cân bằng tích cực” (pro-active rebalancing). Muốn duy trì tính chính danh của chế độ trước cộng đồng quốc tế và cộng đồng dân tộc, khi dân chúng đã mất lòng tin và bất bình (vì kinh tế xuống dốc, ô nhiễm môi trường, chiếm dụng đất đai, vi phạm nhân quyền, và phụ thuộc Trung Quốc), Đảng buộc phải tuyên bố thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế (Nghị quyết TW5) chống tham nhũng và điều chỉnh quan hệ với các nước lớn, để tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Có ba nhóm vấn đề chính cần tháo gỡ. Thứ nhất, kinh tế tiếp tục suy thoái và tụt hậu, ngân sách thâm hụt (thu không đủ chi) vì nợ công quá lớn và nợ nước ngoài đến hạn, nếu không tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất thì không thể chặn được đà này. Thứ hai, sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì Việt Nam bị hẫng hụt, nếu không đổi mới thể chế và tăng cường hợp tác quốc tế (với Mỹ, Nhật và EU) thì không thể duy trì được tăng trưởng. Thứ ba, hầu như ai cũng muốn thoát Trung, vì đất nước phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị nên ngày càng rủi ro và nguy hiểm cho độc lập và chủ quyền quốc gia. Nếu không điều chỉnh quan hệ với các nước lớn đồng thời tăng cường nội lực thì không thể thoát Trung được.
Nếu Trung Quốc muốn “trùm chăn” từng nước láng giềng bằng quan hệ song phương để dễ bắt nạt thì các nước (ASEAN) phải tung chăn ra và liên kết lại để cùng đối phó (tại Biển Đông). Tuy Trung Quốc có thể dễ dàng bẻ gãy từng chiếc đũa, nhưng khó lòng bẻ gãy cả bó đũa. Nếu bó đũa ASEAN còn yếu, họ càng phải tăng cường liên kết ngoài ASEAN (với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Xung quanh chuyến đi Mỹ và Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có những động thái mới đáng chú ý, được phản ánh trong nội dung Tuyên bố Chung.
Ngày 22-25/5/2017, Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam một tàu tuần duyên (lớp Hamilton, trọng tải 3250 tấn) và 6 xuồng tuần tra tốc độ cao (trong số 18 chiếc đã thỏa thuận). Ngày 2/6/2017, khu trục hạm USS John S. McCain đã đến Cảng Quốc tế Cam Ranh trong khi TNS John McCain dẫn đầu phái đoàn Ủy ban Quân lực Thượng viện (cùng Hạ viện Mỹ) đang thăm Việt Nam, đã gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Sau đó TNS McCain đã đến Cam Ranh thăm tàu USS John S. McCain. Đó là một sự kiện mang ý nghĩa tượng trưng cao. Ngày 11-15/6/2017tàu USS Coronado (LCS 4) lại đến Cảng Quốc tế Cam Ranh để thực hiện chương trình bảo dưỡng dự phòng viễn dương trong khuôn khổ “chuyến thăm kỹ thuật”. Một ngày không xa, người ta có thể thấy tàu sân bay Mỹ cập Cảng quốc tế Cam Ranh.
Ngày 20/5/2017, tàu sân bay trực thăng JS Izumo(tàu chiến lớn nhất của Nhật) đã đến Cảng quốc tế Cam Ranh để tham gia chương trình “Đối tác Thái Bình Dương 2017” (PP17) tại Khánh Hòa. Cùng đến Cam Ranh để tham gia chương trình PP17 còn có tàu khu trục JS Sazanami của Nhật và tàu vận tải cao tốc USNS Fall River của Mỹ. Ngày 13/6/2017, tàu tuần dương JS Echigocủa Nhật lại đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để tham gia chương trình huấn luyện chung với Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển Vùng 2 về phối hợp hoạt động trên biển. Nói cách khác, những hoạt động hợp tác hải quân nói trên là một sự răn đe đối với Trung Quốc.

Liệu căng thẳng có dẫn đến xung đột?

Việt Nam bị sức ép phải duy trì tốc độ tăng trưởng nên buộc phải tăng cường khai thác dầu khí tại Biển Đông, mặc nhiên sẽ đụng chạm tới cái mà Trung Quốc coi là lợi ích của họ. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn cản các hoạt động này của Việt Nam. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu mâu thuẫn Việt-Trung tăng lên khi Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí, và tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ và Nhật, qua hai chuyến đi của ông Phúc. Có lẽ đây là nguyên nhân chính làm quan hệ Việt-Trung căng thẳng, và làm tướng Long bỏ về sớm. Tuy đây là “một chuyện chưa từng có tiền lệ” (theo lời ông Nguyễn Vinh Quang, cựu phó Đại sứ VN tại Trung Quốc), nhưng có thể Bắc Kinh đã tính toán từ trước, chứ không phải ngẫu nhiên.
Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa của mình là một việc chính đáng, không làm phức tạp thêm tình hình vì Việt Nam có chủ quyền ở đó theo Luật Biển của LHQ. Nhưng nếu Trung Quốc phản đối và ngăn cản bằng vũ lực thì họ sẽ thách thức quan hệ Việt-Trung, tạo ra khủng hoảng mới, ngang bằng (thậm chí lớn hơn) vụ khủng hoảng giàn khoan tháng 5/2014. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, chắc cả hai bên đều không muốn xảy ra xung đột (vì chưa sẵn sàng). Nhưng liệu trong thời gian tới, hai bên có thể ngăn chặn được xung đột hay không, vẫn là một câu hỏi khó đoán (vì còn nhiều ẩn số và biến số). Nhưng cả hai bên đều không thể nhượng bộ, vì phải giữ thể diện và lợi ích cốt lõi. Tuy lần này chưa xảy ra bạo loạn (như tháng 5/2014), nhưng khó kiềm chế được người dân biểu tình chống Trung Quốc.
Nếu Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò dầu khí tại dự án Cá Voi Xanh (lô 118) và Cá Rồng Đỏ (lô 136-3), thì có thể xảy ra đụng độ với Trung Quốc. Trong trường hợp Việt Nam rút các tàu thăm dò của mình về thì vô hình trung thừa nhận khu vực đó có tranh chấp, và như vậy phải từ bỏ lợi ích sống còn của mình cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc bỏ qua vụ này, thì vô hình trung họ chấp nhận “một tiền lệ nguy hại cho chiến lược Biển Đông của Trung Quốc” (theo Alexander Vuving). Chính vì phải giữ thể diện và lợi ích quốc gia mà hai bên khó hóa giải được mâu thuẫn. Nếu Trung Quốc đưa lực lượng hải giám (và giàn khoan HD-981) tới áp đảo, mà Việt Nam vẫn không chịu lùi bước, thì xác xuất rủi ro xung đột rất cao. Nếu Trung Quốc dấn tới, họ sẽ thách thức không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước khác trong và ngoài khu vực có lợi ích về tự do hàng hải ở Biển Đông. Vấn đề là thái độ phản ứng của Mỹ và Nhật thế nào? Tuy họ chia sẻ với Việt Nam về tầm nhìn chiến lược tại Biển Đông, nhưng họ chưa phải là đồng minh chiến lược, mặc dù lợi ích chiến lược của chính họ cũng khó cho phép họ làm ngơ. Hàng năm lưu lượng hàng hóa đi qua Biển Đông là hơn $5,000 tỷ (bằng gần một nửa thương mại quốc tế), trong đó riêng Mỹ chiếm $1,200 tỷ.
Từ sau vụ khủng hoảng giàn khoan (5/2014), quan hệ Việt-Trung đã tốt hơn. Việt Nam vừa cảnh giác, vừa cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối thủ chiến lược của Trung Quốc là Mỹ, Nhật, và lôi kéo sự quan tâm của EU và các nước khác tới Biển Đông. Quan trọng hơn, các sáng kiến hợp tác quốc phòng cụ thể giữa Việt Nam với Mỹ và Nhật cũng được nêu bật trong các tuyên bố chung trong hai chuyến đi Mỹ và Nhật mới đây của Thủ tướng Phúc. Các tuyên bố này nhấn mạnh lập trường cứng rắn của Việt Nam với Mỹ và Nhật về Biển Đông. Mỹ và Nhật bắt đầu chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên và xuồng tuần tra, và giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải. Những động thái nói trên chắc làm Bắc Kinh tức giận và phản ứng. Cho dù lý do thực sự làm tướng Long bỏ về là cố ý (hay bị “mời về”) thì sự cố đó không phải là một tín hiệu tốt cho quan hệ hai nước. Vì vậy trong thời gian tới có thể xảy ra một làn sóng căng thẳng mới trong quan hệ Việt-Trung.
Theo Carl Thayer, nếu tướng Long khẳng định “Nam Hải (Biển Đông) là lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa” và yêu cầu Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh và Cá Rồng Đỏ, thì chắc Việt Nam sẽ coi tuyên bố và yêu cầu đó là “quá khích” (inflammatory). Lãnh đạo Việt Nam chắc sẽ từ chối và phản ứng bằng cách khẳng định lại chủ quyền của mình tại Biển Đông. Alexander Vuving cũng nhận định: “có thể cả hai phía đều tính toán sai” và cả hai quốc gia “đều quyết tâm chứng tỏ cho phía bên kia thấy quyết tâm của mình về chủ quyền”. Dù sao, việc tướng Long đột ngột bỏ về tối 18/6 là một dấu hiệu bất thường làm sóng gió đang nổi lên trong quan hệ Việt-Trung. (“China Cancels Military Meeting With Vietnam Over Territorial Dispute”, Mike Ives & Jane Perlez, New York Times, 21/6/2017).

Ý nghĩa hợp tác chiến lược 

Trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với Mỹ, dự án hợp tác PetroVietnam và Exxon Mobil đã ký (1/2017) để khai thác mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) vừa có ý nghĩa kinh tế to lớn (trị giá $10 tỷ) vừa có ý nghĩa chiến lược phòng vệ (hedging). Trước đây, Exxon Mobil không sợ Trung Quốc, thì bây giờ Exxon Mobil càng không sợ, vì Ngoại trưởng Rex Tillerson vốn là CEO của tập đoàn Exxon Mobil. Trung Quốc chỉ có thể bắt nạt Việt Nam chứ không bắt nạt được Mỹ và Exxon Mobil. Điều đáng chú ý là mỏ khí Cá Voi Xanh cách Đà Nẵng (bán đảo Sơn Trà) có 88km, và giáp ranh “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Cùng với cam kết của Mỹ và Nhật giúp Việt Nam tăng cường năng lực hải quân, quyết tâm triển khai dự án dầu khí Cá Voi Xanh và Cá Rồng Đỏ, cũng như ý định đưa tàu sân bay Mỹ đến Cảng Quốc tế Cam Ranh là các vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung-Việt, nhất là trong bối cảnh hiện nay có những tin đồn về thỏa thuận ngầm giữa Việt Nam và Mỹ về căn cứ Cam Ranh. Có lẽ đây là ẩn số quan trọng nhất trong hợp tác chiến lược Việt-Mỹ. 
Tuy chưa rõ hai bên đã đạt được thỏa thuận hay chưa, nhưng nhiều người tin rằng Việt Nam sớm muộn cũng phải cho Mỹ thuê căn cứ Cam Ranh như một giải pháp tình huống có ý nghĩa răn đe và phòng vệ chiến lược (strategic hedging and deterence) bên cạnh ý nghĩa kinh tế (trong lúc ngân sách gần trống rỗng). Tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến Cam Ranh (3/6/2012) như bước khởi đầu, các chính khách Mỹ và chiến hạm Mỹ đã liên tiếp tới Cam Ranh trong mấy năm qua. Quan trọng nhất là Tổng thống Obama đã tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí trong chuyến thăm Việt Nam (23-2/5/2016), mở ra triển vọng hợp tác chiến lược Viêt-Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng Việt-Trung tăng lên, vấn đề Mỹ thuê căn cứ Cam Ranh dường như chỉ là vấn đề thời gian và giá cả cụ thể mà thôi.
Câu chuyện Mỹ thuê Cam Ranh trở nên nhạy cảm và bí ẩn trong chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 4/6/2017, Reuters đưa tin Podesta Group là công ty môi giới giữa Chính phủ Việt Nam với Chính quyền Trump (với tiền công là $30.000/tháng) đã kín đáo thừa nhận hai bên đã ký kết “một thỏa thuận quan trọng”. Thỏa thuận đó không phải về thương mại vì không có mặt Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhưng lại có mặt Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (tướng Nguyễn Chí Vịnh) và Bộ trưởng Bộ Công an (tướng Tô Lâm).
Có một số hiện tượng đáng lưu ý. Hội nghị TW5 lẽ ra họp vào tháng 3/2017 nhưng đã hoãn đến tháng 5/2017 (phải chăng để chờ ông Trump khẳng định?) Ngày 21/5/2017, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump sẽ tiếp Thủ tướng Phúc ngày 31/5/2017. Liệu ông Trump có mời ông Phúc sang thăm không nếu TW5 không thông qua phương án cho thuê Cam Ranh? Một điểm nữa đáng chú ý là trong vụ khủng hoảng con tin Đồng Tâm, có tin Podesta Group đã nhắn tin cho Hà Nội rằng ông Trump sẽ không mời ông Phúc sang thăm nếu xảy ra đàn áp bằng bạo lực, và nếu vậy thì ông Phạm Bình Minh cũng không nên đi Mỹ.
Trước khi ông Phúc lên đường thăm Mỹ, Reuters lại đưa tin chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc là kết quả của một cuộc “thương lượng ngầm” với Mỹ. Tuyên bố Chung có một đoạn tích cực về Biển Đông: “Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ nhấn mạnh là nước Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Một đoạn khác về song phương: “Chính phủ Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác hữu nghị với Hoa Kỳ theo hướng thực chất, toàn diện, ổn định và lâu dài trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.Trong câu trên không thấy cụm từ “toàn vẹn lãnh thổ” như mọi khi để ám chỉ chính sách “Ba không” (không có căn cứ quân sự nước ngoài).
Có một chi tiết quan trọng khác là trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng (31/5/2017) thì đồng thời tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp TNS John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện). Ngày hôm sau, không phải vô cớ mà TNS John McCain bay đi Cam Ranh, đến thăm chiến hạm USS John S.McCain đang đậu tại Cảng Quốc tế Cam Ranh. Ngày 5/6/2017, phái đoàn John McCain về đến Mỹ đã ra thông cáo: “Chúng tôi hy vọng sự hiện diện của USS John S. McCain là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Mỹ tại khu vực”.

Những nghịch lý tại Biển Đông

Theo Báo cáo Asia-Pacific Rebalance 2025, muốn đối phó hiệu quả với sự trỗi dậy hung hăng của Trung quốc hiện nay (đặc biệt là tại Biển Đông), Mỹ phải kết hợp cả ba yếu tố là “tham dự” (engagement), “răn đe” (deterrence) và “trấn an” (reassurance). Đó là một chiến lược đúng, nhưng hơi muộn, vì chưa kịp triển khai thì chính quyền Trump đã thay thế chính quyền Obama, với những bước đi chập chững gây bất an và bất định cho khu vực. 
Chính sách ngoại giao đổi chác của ông Trump làm đồng minh Châu Á bất an, lo ngại Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc (để kiểm soát Bắc Triều Tiên), nên không sẵn sàng chống lại sự trỗi dậy hung hãn của Trung Quốc. Nếu ông Trump không sẵn sàng thách thức những đòi hỏi ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông, thì các nước khu vực có thể bị xô đẩy ngả theo Bắc Kinh. Philippines từng là đồng minh gắn bó nhất của Mỹ ở khu vực, nay cũng công khai tách khỏi Mỹ để ngả theo Trung Quốc. Nhưng “tuần trăng mật” của Donald Trump và Tập Cận Bình từ sau Mar A Lago Summit đã tàn, vì hợp tác Mỹ-Trung về vấn đề Triều Tiên hầu như chỉ là ảo tưởng, làm Washington thất vọng vì không có kết quả thực chất. 
Trong khi đó, Trung Quốc vận dụng “Binh pháp Tôn tử” (và cờ vây), tiếp tục triển khai “Tam chủng Chiến pháp” (three-warfare doctrine) kết hợp chiến tranh tâm lý với truyền thông và pháp lý. Tuy Trung Quốc không muốn xung đột với Mỹ, nhưng lại gây căng thẳng tối đa tại Biển Đông (như trò “brinkmanship”). Thứ nhất, Mỹ là mối lo lớn nhất của Trung Quốc, nên họ gây căng thẳng để hù dọa Mỹ không dám can thiệp vào khu vực này. Nếu xung đột nhỏ với Việt Nam hay Philippines xảy ra thì Trung Quốc dễ dàng bắt nạt đối phương và coi đó là việc nội bộ (song phương), không liên quan đến Mỹ. Thứ hai, Trung Quốc cũng không muốn Nhật, Úc, Ấn Độ can thiệp vào Biển Đông (cùng với Mỹ) vì một liên minh như vậy (Mỹ-Nhât-Úc-Ấn) là mối lo thứ hai của của Trung Quốc. Nếu vô hiệu hóa được hai mối lo trên, Trung Quốc dễ dàng cô lập, bắt nạt và phân hóa ASEAN (như đang diễn ra hiện nay).
Bị Trung Quốc phân hóa nên ASEAN đang đánh mất vai trò, trong khi Mỹ sao nhãng. Đó là thời cơ tốt nhất để Trung Quốc bắt nạt nước láng giềng Việt Nam (claimant) hay Singapore (ASEAN coordinator). Theo Alexander Vuving, đây là “cơ hội ngàn vàng” để Trung Quốc lấp chỗ trống quyền lực, nhằm thay thế vai trò lãnh đạo khu vực của Mỹ. Trung Quốc triển khai chiến lược lấn sân từng bước, thay đổi thực địa tại Biển Đông bằng cách xen kẽ chiến dịch lấy lòng người (Charm Offensive) bằng một đợt dùng sức mạnh để cưỡng chế (coercion). Đó là chính sách “cái gậy và củ cà rốt” tuy cổ truyền nhưng vẫn có tác dụng (nhất thời).
Hiện nay, Việt Nam được coi như lá bài chủ chốt giúp Mỹ ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, nhất là sau khi Philippines đã ngả theo Bắc Kinh. Hợp tác chiến lược Việt-Mỹ là cơ sở thiết yếu cho quan hệ đối tác chiến lược, giúp tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, và tăng cường vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Mỹ và các đồng minh/đối tác trong khu vực cần lập ra một liên minh trên thực tế (de facto coalition) theo khuôn khổ “đối tác an ninh khu vực” (regional security partnership).
Về lâu dài, lợi ích an ninh của Việt Nam (cũng như ASEAN) gắn liền với “tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn” (bên cạnh cộng đồng ASEAN). Một liên minh “defacto” như vậy có thể chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác hải quân và hàng hải để nâng cao năng lực an ninh quốc phòng. Thông qua chuyển giao trang thiết bị/huấn luyện/tập trận chung, liên minh này có thể giúp các nước khu vực (như Việt Nam) từng bước tham gia tuần tra Biển Đông (FONOPs). Chỉ có như vậy mới có thể giúp các nước ASEAN tự tin, đoàn kết và “thoát Trung”.

Mấy lời cuối

Cuộc chiến “mèo vờn chuột” trên Biển Đông đang gia tăng. Lực lượng Hải giám hùng hậu của Trung Quốc như “hạm đội dân quân biển” ngày càng hung dữ. Những vụ tàu Hải giám Trung Quốc đâm tàu Kiểm ngư Việt Nam còn gia tăng, có thể dẫn đến xung đột trên biển rất nguy hiểm, dễ rơi vào bẫy Trung Quốc. Trong khi lực lượng hải quân Việt Nam (hay Mỹ và Nhật) không thể trực tiếp can thiệp, thì “hạm đội dân quân biển” của Trung Quốc tung hoành bắt nạt lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát Biển còn nhỏ yếu của Việt nam. Người Việt tuy giỏi đánh du kích (trong rừng) nhưng Biển Đông không giống rừng Trường Sơn.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất không phải ta thua vì thiếu tàu chiến hay máy bay, mà sợ “quân đội nhân dân” đánh mất lòng tin của dân, không còn “trung với nước, hiếu với dân”. Lâu nay “quân đội chuyên nghiệp” của ta quá mải mê làm kinh tế để làm giàu, bận chiến đấu tại trận địa Đồng Tâm hay sân golf Tân Sơn Nhất, nên các nhóm lợi ích quân đội tham nhũng không thua kém ai, làm quân đội mất sức chiến đấu. Trong khi Trung Quốc quyết liệt chống tham nhũng và cải tổ quân đội, thì chúng ta đã làm gì? Nay lời kêu gọi “quân đội thôi làm kinh tế” để tâp trung bảo vệ tổ quốc, nghe như một khẩu hiệu yếu ớt và muộn màng. Nhưng thà “muộn còn hơn không”,vì đã đến lúc “đổi mới hay là chết” (do “cùng tắc biến”).
Mỹ và Nhật đã bắt đầu chuyển giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam một số tàu tuần duyên/tuần tra và tăng cường huấn luyện/tập trận trên biển, nhưng điều này còn quá ít và quá chậm (too little too latte) trước tình thế cấp bách hiện nay. Tàu tuần duyên (lớp Hamilton) mà Mỹ vừa chuyển giao cho Việt Nam chưa hoạt động được trước tháng 11/2017 (vì cần 6 tháng huấn luyện sau khi chuyển giao). Có nhiều hệ quả do chính sách “đi dây” cân bằng thụ động của Việt Nam, cũng như chủ trường “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind) của ông Obama, tuy “xoay trục” nhưng “vừa đái vừa run” như “tiếng kèn ngập ngừng” (uncertain trumpet). Mỹ đã để Trung Quốc cướp mất bãi cạn Scarborough của Philippines, nên đã làm cho ông Duterte mất lòng tin vào Washington, đã quyết định bỏ Mỹ để ngả theo Trung Quốc.
Tuy Mỹ vẫn tuần tra Biển Đông (FONOP) nhưng bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage), làm Trung Quốc coi thường. Ông Tập Cận Bình đã “nắn gân” và qua mặt ông Obama. Mấy năm qua Trung Quốc đã ráo riết “thay đổi thực địa” và quân sự hóa Biển Đông như cắt lát salami, nên đã chiếm được thế thượng phong. Theo Carl Thayer, “Biển Đông nay là cái ao của Trung Quốc”. Nhưng cái giá phải trả là Trung Quốc đang đẩy Việt Nam vào tay người Mỹ, như trước đây họ đã đẩy Việt Nam vào tay người Nga. Vì vậy, Cam Ranh cũng như Cá Voi Xanh là những ẩn số và biến số có thể làm thay đổi cuộc chơi (game changers).
Dù sao tôi vẫn tin trong trời đất và thế gian này luôn có quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Cái gì không thể xấu hơn được nữa thì sẽ tốt lên. Trong mọi chuyện xảy ra trên đời này, luôn có quy luật “hệ quả không định trước” (unintended consequences).
27/6/2017
N.Q.D.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-6-17

Vì sao Việt Nam phải lý giải về xuất siêu sang Mỹ?

Vì sao Việt Nam phải lý giải về xuất siêu sang Mỹ?

bauxitevnThu 2:41 PM

Minh Quân
Lời nhắc nhở “sớm được cân bằng” đầy sắc thái đe dọa của Trump có thể dẫn đến khả năng trong thời gian tới, Mỹ sẽ thực hiện một số động tác bảo hộ thương mại cứng rắn để hàng Việt Nam không thể ồ ạt tràn vào thị trường Mỹ như trước đây.
clip_image002
Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong “chế tài”.
Tháng 6/2017, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết ngay sắp tới Hà Nội phải gửi thông tin cho phiên điều trần về lý do tại sao Việt Nam có tình trạng xuất siêu sang Mỹ theo yêu cầu của Washington.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ gặp khó khăn. Cũng theo ông Hải, từ trước giờ Việt Nam chấp nhận nhập siêu từ của Trung Quốc và nhiều nước khác với mục đích xuất siêu sang Mỹ.
Trong thực tế, lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD mà Việt Nam thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ là vô cùng có ý nghĩa, nếu đối sánh với quốc nạn Việt Nam phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ “đồng chí Trung Quốc”.
Chi tiết đáng chú ý là trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc tại Washington vào cuối tháng 5/2017, không những không đề cập gì đến “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”, Trump còn xoáy vào một vấn đề cực kỳ khó chịu và khó khăn đối với phía Việt Nam khi nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại “lớn” với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ “sớm được cân bằng”. Ngay trước đó, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc.
Lời nhắc nhở “sớm được cân bằng” đầy sắc thái đe dọa của Trump có thể dẫn đến khả năng trong thời gian tới, Mỹ sẽ thực hiện một số động tác bảo hộ thương mại cứng rắn để hàng Việt Nam không thể ồ ạt tràn vào thị trường Mỹ như trước đây.
Vào tháng 3/2017, Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong “chế tài”.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Bi kịch thương mại lại góp phần quyết định tương lai ngân sách. Trong đó đương nhiên có cả ngân sách đảng.
Ngoài kênh Nhật vẫn còn một chút hy vọng, các kênh cho vay tín dụng chính như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều chính thức đóng cửa cho vay ưu đãi đối với Việt Nam kể từ tháng 7/2017. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam vẫn phải xuất ra đều đặn khoảng một chục tỷ USD để trả nợ cho quốc tế.
Trong khi đó, nợ công thực tế của Việt Nam đã lên tới 210% GDP, tương đương khoảng 420 tỷ USD, gấp hơn ba lần con số báo cáo chính phủ chỉ chưa đầy 65% GDP. Hiện thời, ngân sách hầu như không còn kết dư và không biết lấy tiền đâu để trả cho rất nhiều khoản nợ trong và ngoài nước.
Với tình trạng bội chi ngân sách Việt Nam hàng năm thường vượt quá 6% GDP, một số chuyên gia độc lập đã dự liệu rằng Ngân sách Trung ương sẽ không thể “kéo” qua được hết năm 2018.
Nghĩa là Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng giống như Argentina trong hai lần vỡ nợ vào năm 2001 và năm 2014.
Giờ đây, chính quyền đang phải tính đến việc vắt cổ dân từng chút một: tăng thuế xăng dầu gấp đôi hoặc gấp ba, đánh thuế việc bán hàng trên mạng, kể cả kiếm tiền cho ngân sách bằng cách… bán số đẹp.
M.Q.
VNTB gửi BVN.

Mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Phiên tòa ‘đều là phi lý bất công’

Mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Phiên tòa ‘đều là phi lý bất công’

bauxitevnThu 2:38 PM

clip_image002
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và con gái (bé Nấm) chụp hồi 2011.(Hình: Uyên Vũ/Người Việt)
NHA TRANG, Khánh Hòa (NV) - Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được Chính phủ Mỹ vinh danh là phụ nữ can đảm trên thế giới, vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra tòa án tại Nha Trang về cáo buộc chống phá chế độ vào sáng 29 tháng Sáu, giờ Việt Nam.
Theo tường thuật của Facebooker Trịnh Kim Tiến, người cùng đi với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, đến phiên tòa: ‘Một hàng rào được thiết lập từ rất xa nơi diễn ra phiên tòa và bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được cho vào bên trong. Tuy nhiên, bà Lan có được vào tham dự trực tiếp phiên tòa hay không thì chưa rõ’.
Còn Trịnh Kim Tiến dù đã gởi đơn yêu cầu được tham dự phiên tòa được thông báo là ‘công khai’ nhưng cô không được cho vào.
Trước khi bước ra khỏi nhà Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nói rằng, cũng như các phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến đã có sẵn bản án, bà không hy vọng gì có sự công tâm ở phiên tòa này. Tuy nhiên theo bà, ít ra phiên tòa này phản ảnh được một thực trạng xã hội là ‘luật chỉ dành cho những người lương thiện mà thôi và các bản cáo trạng đều là phi lý bất công’.
Bà Tuyết Lan nói thêm: ‘Vinh dự gì khi (họ) dùng cả một bộ máy truyền thông để đánh một gia đình bé nhỏ, một người mẹ đơn thân, một bà già với hai em nhỏ không thể dùng miệng mình để cải chính. Vậy thì họ dùng mọi thủ đoạn để đánh một người hoàn toàn không có gì hết để bảo vệ mình, ngoại trừ những chính kiến và tiếng nói họ’.
Bản “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” của Tòa án tỉnh Khánh Hòa nói rằng bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, với bút hiệu “Mẹ Nấm”, sẽ bị đưa ra tòa án ở Nha Trang với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước…” theo “Điểm a, b, c Khoản 1 của Điều 88 Bộ luật Hình sự” của chế độ mà bản án có thể đến 12 năm tù.
Thông báo của Tòa án tỉnh Khánh Hòa cho hay, ‘phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh dự kiến diễn ra trong hai ngày, 29 và và 30 tháng Sáu. Có 4 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, là Luật sư Võ An Đôn và Luật sư Nguyễn Khả Thành (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên), Luật sư Nguyễn Hà Luân và Luật sư Lê Văn Luân (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
clip_image004
Xe của công an rải lực lượng canh chừng khu vực xung quanh Tòa án.(Hình: FB Trịnh Kim Tiến)
Trước giờ Blogger Mẹ Nấm bị đưa ra tòa, trên mạng xã hội ở Việt Nam nhiều người đã bày tỏ sự khâm phục sự can đảm đối với phụ nữ này đồng thời nói rằng, bà Quỳnh vô tội.
Trên trang Facebook, nhà thơ Trần Tiến Dũng viết: ‘Tôi chưa từng gặp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm nhưng tôi chắc chắn bà và những người Việt đấu tranh ôn hoà vì quyền con người là vô tội. Ai có tội? Chính các người định ra điều 88 trong Luật Hình sự là có tội. Sau phiên toà ngày mai hẳn Mẹ Nấm sẽ bị tuyên án tù, nhưng từ hôm nay và tương lai toà án xử bà chính là tội đồ của lương tri Việt Nam’.
Một Facebooker khác, nhà báo Trung Bảo, viết: ‘Chị Quỳnh đừng lo. Xã hội này sẽ không bao giờ quay lưng với chị, với Nấm, Gấu và cả gia đình chị. Xin hãy ghi nhận ở em sự biết ơn vì những điều dấn thân của chị để cho một xã hội tốt đẹp hơn’.
Facebooker Trịnh Kim Tiến, có mặt tại Nha Trang trước đó một ngày đưa lên Facebook nhiều hình ảnh và clip cho thấy công an rải nhiều lực lượng canh chừng phiên tòa.
Trịnh Kim Tiến viết: ‘Tôi sẽ đi tham dự phiên toà xét xử chị tôi, dù tôi biết các anh sẽ ngăn cản, có thể chuẩn bị những trận đòn chờ đón chúng tôi. Tôi muốn vào trong phiên xử để lắng nghe các anh kết tội người phụ nữ đơn thân, đã đấu tranh cho chính cả cuộc sống của các anh. Tôi biết tôi sẽ không được vào dù các anh nói đó là phiên toà công khai và tôi đã có đơn nộp gửi’.
‘Chúng tôi, những người dân thường không tấc sắc trong tay, cũng chẳng đủ đông để có thể chống lại bạo lực và áp bức. Chúng tôi đi trong tư thế sẵn sàng chịu đòn bởi một thứ mà các anh luôn phủ nhận - dân quyền’.
Còn nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, trong một bài thơ trên Facebook viết về ‘Mẹ Nấm’ có đoạn: ‘…Em là sớm mai/em là mặt trời/em là ánh sáng. Em lãng mạn quá trời/khi chúng rung chuông phun nọc!’
clip_image006
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, và tấm bảng động viên con gái trước ngày ra tòa. (Hình: Dân Làm Báo)

Người phụ nữ can đảm

Bà Quỳnh, mẹ của hai con nhỏ, bị chính quyền Việt Nam ra lệnh bắt giam ngày 10 Tháng Mười, 2016, khi bà cùng mẹ một thanh niên tranh đấu dân chủ Nguyễn Hữu Quốc Duy (mới bị kết án ba năm tù về tội “tuyên truyền chống Nhà nước”) tới trại giam để mẹ Duy xin được gặp con trai.
Bà là cái gai trong mắt nhà cầm quyền Việt Nam suốt nhiều năm qua. Các bài viết về thời sự Việt Nam của bà với những nhận xét sắc sảo và mạnh mẽ lên án các chính sách sai trái của chế độ lôi cuốn rất nhiều độc giả. Bà là một trong những thành viên sáng lập “Mạng lưới Blogger Việt Nam” kêu gọi nhà cầm quyền hủy bỏ Điều 258 trong Luật Hình sự kết án tù người dân chỉ vì họ bị vu cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”.
Bản thông báo phiên tòa cho thấy có bốn luật sư được cấp giấy phép bảo vệ pháp lý cho bà gồm hai luật sư Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân ở Hà Nội và hai luật sư Nguyễn Khả Thành, Võ An Đôn ở Phú Yên.
Bà Quỳnh là một trong những người tích cực tham gia các cuộc biểu tình lên án công ty Formosa đầu độc môi trường biển miền Trung Việt Nam, chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông.
Bà từng tham gia các cuộc phổ biến ở nơi công cộng Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị. Bà cũng từng lập một hồ sơ liệt kê các vụ chết bất thường của người dân khi mới bị bắt vào trụ sở công an mà phần lớn đều đổ cho người ta “tự tử”.
Ngày 29 tháng Ba, Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phu nhân Tổng thống Mỹ Melania Trump vinh danh và trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm năm 2017 trong một buổi lễ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vì đã chứng tỏ “lòng can đảm, nghị lực và khả năng lãnh đạo trong công cuộc giúp tăng tiến cuộc sống của những người khác”.
Từ khi bà bị bắt giam đến nay, bà không được gặp mặt hai con và các người thân khác nên không ai biết tình trạng sức khỏe của bà ra sao tại nhà tạm giam tỉnh Khánh Hòa.
Bà cũng đã được Tổ chức Những người Bảo vệ Nhân quyền (Civil Rights Defenders) trao giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền năm 2015.
Bà từng bị công an canh chừng, khủng bố thường xuyên nhưng vẫn can đảm vận động đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ cho mọi người. Nay thì bà sắp sửa bị chế độ độc tài đảng trị trừng phạt về hành động can đảm của mình. (KN)

CẢM NHẬN BÀI VIẾT CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG VỀ “TỰ DIỄN BIẾN” – “TỰ CHUYỂN HÓA”

CẢM NHẬN BÀI VIẾT CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG VỀ “TỰ DIỄN BIẾN” – “TỰ CHUYỂN HÓA”

bauxitevnThu 7:49 AM

Tô Văn Trường
Theo thiển nghĩ của người viết bài này, trước hết phải nói rằng cụm từ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” bản thân nó chẳng hề mang ý xấu, ý tiêu cực nào cả! Cũng như dạo chiến tranh và sau chiến tranh hễ cứ nói đến hai từ “lãng mạn” trong văn học nghệ thuật là nhiều vị lại giẫy nẩy lên và bắt mọi người phải ngoắc thêm vào sau hai từ nữa là “cách mạng” cho... yên tâm. Thế cái lãng mạn trong “Truyện Kiều”, trong “Tây Tiến” thì gọi là lãng mạn gì nhỉ?
Nội dung cốt lõi bài của ông Vũ Ngọc Hoàng là bàn về khái niệm “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ông đã rất sâu sắc trong tư duy, khi trao đổi về vấn đề này với cách tiếp cận khoa học, mạch lạc, dễ hiểu! Từ đó, đã chỉ ra rằng trong mọi nguyên nhân của sự thay đổi thì nguyên nhân chủ quan, nội tại là quyết định.
Liên Xô và khối XHCN tan rã sụp đổ chủ yếu là do “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đấy chứ! Có xe tăng, đại bác nào của Mỹ và NATO khai hỏa đâu! Mà nếu Mỹ, NATO dùng vũ lực thì chưa chắc Liên Xô và khối Đông Âu đã sụp đổ nhanh như thế, có khi Mỹ và NATO còn bươu đầu sứt trán ấy chứ!
Ý của ông Vũ Ngọc Hoàng còn sâu sắc ở chỗ này: Chính Đảng và Nhà nước Việt Nam đã buộc phải “diễn biến và chuyển hóa” khi đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, tức là buộc phải “đổi mới”! Rõ ràng quá trình “diễn biến và chuyển hóa” là tự nhiên như một quy luật khách quan, tốt hay xấu là tùy thuộc kết quả và góc tham chiếu mà thôi. Điều hấp dẫn và thú vị khi đọc các bài viết của ông, hầu như chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản, phổ thông, nhưng duới một góc nhìn mới, sắc sảo, mạnh dạn, thẳng thắn hơn và có gì đó rất khác với nhiều người ở cương vị và lĩnh vực tương đương.
Tuy nhiên, là người đã từng giữ ngôi vị thứ hai (Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng), ông Vũ Ngọc Hoàng vẫn tỏ ra điềm tĩnh không để cho ngòi bút của mình trượt đi theo cảm xúc. Bởi thế, đọc các bài viết của ông, người đọc cảm nhận rất rõ sự thông tuệ mà bình dân, tự tin mà khiêm nhường của tác giả. Đó chính là bản lĩnh của một người đã từng đứng ở tâm điểm của những dòng xoáy các trào lưu tư tưởng chính trị.
Sống trong dân, trong tổ chức, nhiều đảng viên cùng chung suy nghĩ chưa thấy ai phát hiện ra hiện tượng, hay cụm từ “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà chỉ được biết nó trở thành một chủ trương hành động chính trị xã hội, khi đọc các văn bản của Đảng.
Nhiều người có chung nhận định, cách diễn giải hình thù cụ thể của “Tự diễn biến và tự chuyển hóa”, nếu không phân tích làm rõ một cách biện chứng, thuyết phục thì rất nguy hiểm bởi vì:
- Chỉ là cái mũ người (nhóm) này chụp cho người (hay nhóm) kia trong cuộc đấu đá nội bộ.
- Cái thuật ngữ này chỉ là “nhát ma” những người hay “sợ ma”!
- Nếu Đảng tự diễn biến, tự chuyển hóa để khắc phục những yếu kém đang cản trở sự phát triển xã hội, để phục vụ nhân dân thực chất hơn, tốt hơn thì lại có ý nghĩa tích cực, là cái mà người dân mong đợi.

1. Nhận xét chung

- Bài viết về “Từ diễn biến-tự chuyển hóa” 6/2017 của ông Vũ Ngọc Hoàng khá dài 4.550 từ. Các nội dung trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng được phân tích thuyết phục: (1) Sự sụp đổ nhà nước XHCN Liên Xô và các nước Đông Âu là không tránh khỏi bởi lý luận khô cứng khuyết tật và mô hình nhà nước, hệ thống quản trị thiếu khoa học; (2) Quản trị quốc gia lấy vũ trang (quân đội, công an) làm công cụ chính thì đó là biểu hiện của chế độ độc tài toàn trị. Đó là những bài học và luận cứ thực tiễn chúng ta cần tiếp thu.
- Phương pháp diễn đạt phân tích, phản biện vấn đề có tính logic cao trong khuôn khổ lý luận mang tính thực tiễn và xã hội học (chưa phải lý luận triết học) diễn ra trong một chế độ nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền có nền kinh tế, luật pháp,… kiểu XHCN (giống như tổ chức nhà nước và luật pháp ở Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu trước đây, Trung Quốc, Cu Ba).
- Vì vậy bài viết của tác giả mang tính phản ánh/tổng kết đánh giá một số nguyên nhân của những thực trạng bất cập trong tư tưởng, tồn tại về phát triển kinh tế xã hội, một số hướng giải quyết khắc phục dựa trên các nghị quyết của Trung ương Đảng CSVN.
- Đây là nội dung và cách hành văn của một giáo trình có nhiều ý kiến tham luận hay, luận giải thích hợp (không cực đoan) về hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho công tác tuyên huấn và bồi dưỡng chính trị cho cán bộ đảng cơ sở trong khuôn khổ thực hiện nghị quyết TW Đảng và ý tưởng sử dụng công cụ chống tự diễn biến, tự chuyển hóa nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước các cấp hoạt động thiếu hiệu quả của TBT Nguyễn Phú Trọng.

2. Thảo luận

- Lịch sử phát triển xã hội loài người đến nay đã cho thấy rằng, bộ máy quyền lực nhà nước được thiết lập và thực hiện dựa trên những ý tưởng và luận điểm triết học của các triết gia chứ không phải của bộ máy quyền lực. Tranh luận triết học với trình độ các nhà triết học VN với thế giới chắc là việc khó nên không bình luận ở đây. (Nếu các cố triết gia Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường còn sống, may ra còn có diễn đàn tranh luận về triết học…).
- Thực trạng của xã hội VN chúng ta hiện nay, mọi cơ chế tổ chức và pháp luật đều do bộ máy quyền lực nhà nước thiết lập, nên hình như có điều gì đó về triết học là thiếu tính khoa học để kiểm soát và điều chỉnh xã hội theo hướng tiến bộ và phát triển. Khi một chủ trương được Đảng cầm quyền coi là phương châm, ở một Nhà nước một Đảng, thì tất cả những ý kiến trái chiều cho dù xuất xứ là những người được coi từ xưa là chính thống, cũng dễ bị “chụp mũ” cho là phản nghịch, không khác lắm với Galileo dám nói là quả đất quay, trái với Giáo hội La Mã, suýt nữa bị hỏa thiêu. Do đó, những dẫn chứng về sự bất cập thực tế và nguyên nhân gây bất ổn trong bộ máy quyền lực trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng phù hợp với trình độ của cán bộ và nhân dân, rất đáng được trân trọng.
- Chủ trương về đất đai mà chúng ta biết, nghe thì hay, vì nói đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý, nhưng trong thực tế, thiếu những cơ sở khoa học cho việc thực hiện pháp lý dài hạn vì Nhà nước là cán bộ quản lý với một hoặc hai nhiệm kỳ, sau đó, có thể tiếp tục làm cố vấn. Người cán bộ đó cũng là một con người, cũng có những nguyện vọng tầm thường của một con người khi không được kiềm chế, kiểm soát, rất khó tránh khỏi móc nối với các tổ chức trong hoặc ngoài Chính phủ, các nhóm lợi ích được hình thành, và trong thực tế đang chi phối đời sống của chúng ta. Ở môi trường Việt Nam, một nước Á châu, chủ trương đó rất dễ được lãnh đạo chấp nhận, và đã chấp nhận rồi, chống lại là một việc rất khó khăn và phức tạp.
- Chủ trương chính sách “khoán 10” trong nông nghiệp cũng là một hiện tượng tự diễn biến tích cực phù hợp trong một thời điểm để khắc phục sai lầm của mô hình sản xuất tập thể gọi là hợp tác xã, chứ không phải một luận cứ khoa học cho phát triển nông nghiệp tiên tiến lâu dài. Cho đến nay, VN vẫn là một nước nông nghiệp, vậy mà nông dân không phải là người chủ thực sự trên mảnh đất của mình, thì khó mà xây dựng được nền kinh tế thị trường, theo định hướng XHCN. Tương tự như vậy trong lĩnh vực công nghiệp, sự thất bại của các doanh nghiệp nhà nước, theo văn kiện của Đảng lãnh đạo, vốn được coi là chủ đạo theo định hướng XHCN, điển hình là hai doanh nghiệp hút nhiều vốn nhất là Vinashin và Vinalines, đã là minh chứng của lập luận lúc đầu nghe cũng có vẻ thuyết phục, nhưng thực tế lại khác 180 độ.
- Cũng như hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa,… “lợi ích nhóm” và nhiều hiện tượng khác trong xã hội cũng có cả nghĩa tích cực và tiêu cực, không phải phạm trù triết học nào cả, nó sinh ra và cùng tồn tại với xã hội phụ thuộc vào thể chế quản lý nhà nước mà nó tốt hay xấu. Phương pháp quản trị nhà nước mạnh và khách quan thì nó yếu, ngược lại quản trị nhà nước yếu thì nó phát triển mạnh theo hướng tiêu cực lúc đầu là lợi dụng quyền lực nhà nước sau đó là thủ tiêu nhà nước.
- Như vậy, vấn đề là lựa chọn mô hình (từ phân tích tổng hợp thành tựu của thế giới về các thể chế nhà nước văn minh hiện đại) và hoàn thiện thể chế đáp ứng được ngày càng cao đòi hỏi về sự bình đẳng, quyền lợi dân tộc và người dân. Tiếp theo là xây dựng nền tư pháp thực thi nghiêm chỉnh Hiến pháp của Nhà nước theo thể chế đó. Đó chính là cơ sở khoa học mà ông Vũ Ngọc Hoàng coi là điểm tựa để phân xử tranh luận đúng sai của các giải pháp và hiện tượng được tác giả phân tích đề xuất.
- Việc lựa chọn xây dựng mô hình nhà nước và pháp luật cần có một tầng lớp trí thức tinh hoa mà Việt Nam chưa có (ngay cả khoa học tự nhiên và kỹ thuật-công nghệ, mặc dù có một số nhà khoa học VN nổi tiếng nhưng chúng ta cũng chưa có tầng lớp trí thức này). Nếu đào tạo nghiêm chỉnh cũng phải mất nhiều chục năm may ra mới có, nên tốt nhất là vừa đào tạo vừa thuê các trí thức từ các nước có nền khoa học và quản lý nhà nước tiên tiến, như các nước công nghiệp mới phát triển đã thực hiện.

3. Lời kết

Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay: “to be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”. Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn nhớ thời kỳ cuối thập niên 80, nhất là khi khối Đông Âu suy yếu và tan rã, trước các yêu cầu bức xúc của cuộc sống, để tồn tại, Đảng và Nhà nước ta đã tự cứu mình bằng cách tiến hành đường lối Đổi mới, tạo ra các bước đột phá đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, trì trệ. Vậy, đây có phải là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà lá cờ đầu chính là Tổng bí thư Trường Chinh cho viết lại toàn bộ Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI?
Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng hoàn toàn mang tính xây dựng và không hề cực đoan. Ngẫm suy, quan điểm của chúng ta là “năng nhặt chặt bị”, đừng bỏ phí bất kể điều gì tốt đẹp trong xã hội vẫn còn rất nhiều nhiễu nhương.
“Gieo trăm gặt một thế cũng là
Được bao nhiêu cũng là được cả
Một thời khô héo một thời hoa”.
(Thơ Việt Phương)
Nổi bật nhất bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng chính là những nội dung cơ bản Đảng Cộng sản VN có đủ khả năng kế thừa, định hướng, triển khai nếu muốn đất nước VN phát triển, biết nhận thức và tiếp thu khoa học khách quan về lý luận và quản trị nhà nước. Còn cứ đổ tội cho hiện tượng này nọ, cải cách vụn vặt, ngẫu hứng sẽ chỉ tốn thời gian công sức, và làm mất cơ hội phát triển.
Trước đây không lâu, lãnh đạo của VN không đánh giá cao doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Ngày nay, lại coi đó là một lực lượng quan trọng, phải chăng chúng ta đã buộc phải đổi hướng, nhưng không nói ra?
Còn cái gì nữa mà chúng ta sẽ buộc phải nói ra? Sự thay đổi dù không nói ra này có phải là Đổi mới tư duy không? Đổi mới tư duy có gì khác với tự diễn biến, tự chuyển hóa? Nếu ta hiểu mấy thuật ngữ này theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là thụt lùi, thì ta không nói theo Triết học nữa. Vậy thì ta không Đổi mới, cứ làm như cũ chăng, thì nguy cơ “cái gì đến ắt sẽ đến” nếu ta không biết nhìn lại mình cho rõ hơn và không biết vượt lên chính mình.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.

Làm kinh tế: Quân đội “Vì mình quên nhân dân”!

Làm kinh tế: Quân đội “Vì mình quên nhân dân”!

bauxitevnThu 7:44 AM

Nguyễn Đình Ấm
Với người dân mảnh đất nghìn đời ông cha để lại nuôi sống bao thế hệ nhưng khi quan chức, đại gia “khát” thì muốn hay không cũng phải giao nộp, ai cưỡng lại sẽ bị cưỡng chế bằng bạo lực: đánh đập, bắt giam, bỏ tù, khủng bố tinh thần, bị xã hội đen rình rập hành hung, truy sát, bị chính quyền tước đoạt quyền công dân… Thế mà nhóm lợi ích quân đội lấy 157,6 ha đất vàng ở sân bay Tân Nhất, 117ha ở sân bay Gia Lâm, rất nhiều ha ở sân bay Bạch Mai (Hà Nội), Nha Trang,... thuộc đất an ninh quốc phòng kinh doanh kiếm lợi, mặc cho Nhà nước thiếu đất phục vụ quốc kế dân sinh.
clip_image002
Ảnh: Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất trước 1975.
Tuy nhiên, đó không phải là những trường hợp lẻ loi mà là “truyền thống” của nhóm lợi ích quân đội.
Những năm 1980 ngành hàng không VN (HKVN) vẫn là đơn vị quân đội (Từ năm 1990 HKVN mới thành ngành kinh tế dân sự). Lãnh đạo Tổng cục HK dân dụng (TCHKDD) khi đó là ông thiếu tướng không quân Trần Mạnh đề nghị Nhà nước dân sự hóa ngành HKDD để phát triển ngành kinh tế mới mẻ này. Năm 1985-1986, Bộ Quốc phòng yêu cầu Tổng cục HKDD giao sân bay Gia Lâm, các biệt thự thuộc đất dự trữ trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất quản lý (bao gồm nhiều ha), sân bay và đội trực thăng ở Vũng Tàu cho Bộ Quốc phòng nhưng lãnh đạo Tổng cục HKDD không đồng ý. Sau đó nghe nói phái viên của cấp trên nhiều lần xuống Tổng cục HKDD vận động nhưng vẫn không không thành.
Tình cờ, đầu năm 1987, chúng tôi đăng bài “Vật tư rơi vào tay ai” ở báo Hàng không Việt Namđấu tranh với một số cán bộ TCHKDD được chia đất rộng, lấy quỹ phúc lợi xây nhà hoành tráng trong khi CBNV ăn ở rất cực khổ. Không ngờ việc “phạm thượng” này được Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng ủng hộ nhiệt liệt. Khá nhanh chóng, vụ việc cỏn con này được điều tra ráo riết, rùm beng và cuối cùng Tổng cục trưởng Trần Mạnh bị kỷ luật cách chức, giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất Phan Tương ủng hộ ông Trần Mạnh việc này còn bị đi tù (bằng lý do không rõ ràng)... Thay thế ông Tổng cục trưởng Trần Mạnh là ông Hoàng Ngọc Diêu.
Ngay sau khi có Tổng cục trưởng mới, mọi yêu cầu bàn giao đất đai, tài sản mà Bộ Quốc phòng đã đề nghị trước đó được ký bàn giao chóng vánh. Sau này mọi người mới đặt câu hỏi: Phải chăng mấy anh “tép” báo Hàng không Việt Nam bất ngờ được ủng hộ, “tôn vinh” chỉ vì đã vô tình tạo ra cái cớ để Bộ Quốc phòng đoạt đất đai, tài sản ngành HKDD? Bằng chứng là sau khi lấy xong những “mục tiêu” kia thì các ngôi nhà sai phạm mà Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương tuyên bố tịch thu, xử lý vẫn tại vị đến ngày nay.
Từ những năm 1995 khi Mỹ bãi bỏ cấm vận, ngành vận tải HK luôn phát triển hai con số nhưng đất đai ở các sân bay vẫn phần lớn thuộc Bộ Quốc phòng quản lý lại bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích do hoạt động máy bay quân sự ngày càng “teo tóp”. Tại sân bay Gia Lâm thỉnh thoảng mới có vài ba chuyến bay lên, xuống, dù quá lãng phí hạ tầng, nhưng tác dụng có lẽ chủ yếu chỉ để “giữ đất”?
Đã được phân bổ quá ít đất sau chiến tranh những quyết định trên của Bộ Quốc phòng lại càng cản trở nhu cầu phát triển của ngành HKDDVN. Năm 1987 hoạt động hàng không dân dụng ở Gia Lâm phải chuyển ngay lên Nội Bài giữa “đồng không mông quạnh” làm cho việc đi lại của hành khách, hoạt động HK vô cùng khó khăn, vất vả. Sau khi HKDD rút đi, hầu hết đất dự trữ của sân bay này được quân đội chia cho cán bộ làm nhà ở, doanh nghiệp làm nhà xưởng, sân golf nhà hàng, khách sạn… kinh doanh. Năm 2010, sân bay Nội Bài quá tải nên ngành HKDD lập dự án sửa sang chuyển hoạt động các máy bay nhỏ ATR 72 về Gia Lâm tạo thuận tiện cho hành khách nhưng cũng không “thỏa thuận” được với bên quân sự, mặc dù lúc này, sân bay nằm trong quy hoạch mạng sân bay dân dụng đã được Thủ tướng CP phê duyệt. Đến nay, sân bay Gia Lâm chỉ còn trơ đường băng, đường lăn, sân đỗ chứa được mấy máy bay, mỗi tuần èo uột vài chuyến bay lên xuống, vô cùng lãng phí.
Tại Tân Sơn Nhất, sau năm 1975 vẫn còn hiện trạng quy hoạch sân bay rất hợp lý thông minh: Những khu đất dự trữ đồng thời tạo tĩnh không thoáng cho máy bay hoạt động chính quyền VNCH xây dựng các biệt thự nhà cấp 3 hai tầng tiện nghi, hiện đại với 200-300 m2 sử dụng, mỗi biệt thự cách nhau vài trăm mét có đường nhựa liên thông giữa rừng cây cổ thụ. Những biệt thự này dành cho phi công, CBNV làm việc, nghỉ ngơi và làm nhiệm vụ giữ đất, môi trường trong lành, giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn cho sân bay….
Thế nhưng, sau khi Bộ Quốc phòng thu của sân bay TSN thì tất cả những biệt thự và khuôn viên liền phân phát cho các tướng, tá làm nhà ở, bán chác… Dư luận kháo nhau cán bộ nọ, kia tự dưng kiếm hàng chục tỷ ngon ơ. Phần lớn các khu phố như Hồng Hà, Cửu Long, Bạch Đằng… ở quận Tân Bình hiện nay chính là khu đất sân bay TSN trước đó. Bên những khu đất dự trữ còn lại của sân bay phía quân sự quản lý cũng diễn ra tương tự. Đất dự trữ sân bay ba bề, bốn bên bị quân đội và dân lấn chiếm.
Năm 2007 Tân Sơn Nhất quá tải sân đỗ, nhiều chuyến bay đến phải bay vòng vèo trên không chờ đợi, ngành HKVN đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho quy hoạch sang phía đất quân sự nhàn rỗi 30ha làm 30 chỗ đỗ nhưng phía quân sự “không thỏa thuận”. Cũng từ đó nhóm lợi ích quân đội không biết làm cách nào mà khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan liên quan âm thầm cho phép họ làm các công trình thương mại trong sân bay, mặc cho Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải như hiện nay.
Tại sân bay Vũng Tàu, sau năm 1975 Tổng cục HKDD vẫn tổ chức những chuyến bay thương mại Sài Gòn - Vũng Tàu và năm 1986 thành lập ở đây cơ sở bay trực thăng phục vụ bay dầu khí. HKDDVN đã mua hai máy bay Puma của Pháp chuyên bay biển phục vụ chuyên chở người, trang thiết bị giữa giàn khoan và đất liền… Thế nhưng, vào năm 1988-1989, Bộ Quốc phòng thu mất công ty trực thăng và cả sân bay với diện tích đất dự trữ mênh mông. Từ đó, diện tích đất sân bay Vũng Tàu bị lấy dần và nay nhà cửa đã vây kín, tỉnh Bà Rịa lại đang lên kế hoạch di dời sân bay đi chỗ khác với dự chi hàng tỷ đô la.
Việc quân đội lấy 157,6ha đất ở sân bay TSN, 117ha ở Gia Lâm, sân bay Vũng Tàu, đội trực thăng bay dầu khí của HKDDVN đã cản trở không thương tiếc sự phát triển HKDDVN. Việc quân đội lấy hơn 200 ha đất của dân xã Đồng Tâm nhưng 36 năm không sử dụng, không trả cho dân cũng chứng tỏ sự vô trách nhiệm, vô lương tâm với dân. Tướng tá quân đội, quan chức đã có lương, bổng lộc còn dân chỉ có mảnh đất sinh tồn mà họ nỡ giữ đó để đầu cơ lãng phí nay còn sử dụng luật, lệ… để trấn áp dân.
Quân đội làm kinh tế không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước do cạnh tranh không bình đẳng, sòng phẳng, minh bạch, môi trường lý tưởng cho tham nhũng, làm tê liệt sức chiến đấu của quân đội mà còn hết sức thất sách nếu có chiến tranh. Hiện nay nếu chiến tranh xẩy ra thì kẻ thù tha hồ đánh phá cả vào các cơ sở kinh tế nhưng mang danh quân sự trong đó có đội trực thăng bay dầu khí, sân bay Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất... Đặc biệt quân đội làm kinh tế, kinh doanh thì tất nhiên không thể giữ được chức năng bảo vệ tổ quốc nữa vì quy luật: lơi nhuận, tiền trên hết!
Nó chứng tỏ quân đội không còn “vì nhân dân quên mình” nữa mà là “vì mình quên nhân dân”.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN.

Việt Nam khiêu khích quốc tế về nhân quyền

Việt Nam khiêu khích quốc tế về nhân quyền

bauxitevnThu 7:39 AM

Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu)
clip_image002
Sau khi Ngân hàng Quốc tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngừng cho Việt Nam vay lãi suất ưu đãi, thúc hối Việt Nam phải trả các khoản nợ đúng hạn. Nhà cầm quyền Việt Nam lập tức có những hành động trấn áp nhân quyền, một cách cố tình gây chú ý của quốc tế.
Ví dụ như vụ gần đây nhất là tước quốc tịch Việt Nam của giáo sư Phạm Minh Hoàng và trục xuất ông khỏi Việt Nam ngay khi Chủ tịch nước ký lệnh tước quốc tịch. Đây là một vụ việc trắng trợn, vô nhân đạo mà nhà cầm quyền Việt Nam làm một cách có chủ ý rõ ràng.
Chúng ta đều thấy rằng giáo sư Phạm Minh Hoàng từ khi ra tù đã mấy năm, ông về nước sinh sống từ năm 2000. Gần 20 năm sống ở quê hương, cuộc sống và gia đình ông đã gắn bó tại quê nhà. Giá như nhà cầm quyền tước quốc tịch ông lúc xử tù mấy năm trước lại đi một lẽ. Đằng này đợi đến mấy năm sau, tưởng mọi thứ yên bình thì họ ra quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông. Ngay sau đó họ nhanh chóng dùng vũ lực bắt cóc ông và tống ông lên máy bay. Một chuỗi hành động phi nhân tính, phi luật pháp được họ công khai thực hiện là nhằm ý đồ cho quốc tế thấy họ, như thể nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẵn sàng học theo Bắc Hàn ăn vạ quốc tế.
Liên tiếp chưa đầy nửa năm, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt hàng loạt những người hoạt động ôn hoà, trong đó có những phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ. Một sự chưa từng có trong lịch sử cộng sản Việt Nam, lẽ ra phải dấu việc bắt giữ thì một trang dư luận viên của chính phủ là trang vietnamthoibao.org còn thống kê số người bị bắt do bất đồng chính kiến.
Tất cả nói lên một điều, cộng sản Việt Nam đang bế tắc trong quan hệ với phương Tây và đang làm mình mẩy để gây chú ý. Không có gì đổi chác, nhà cầm quyền buộc dư luận quốc tế áp lực lên những nguyên thủ quốc gia của họ, để khi gặp gỡ tiếp xúc, những nguyên thủ quốc gia này phải cất tiếng nhắc nhở Việt Nam vi phạm nhân quyền. Qua đó chính khách Việt Nam có cái để mà nói chuyện xin xỏ, nhờ vả.
Một phần nguyên nhân nữa là chủ trương xây dựng quyền lực của Đảng CSVN của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là một kẻ giáo điều bảo thủ, ông Trọng căm thù sự tự do, dân chủ từ những đòi hỏi của người dân. Dưới thời ông Trọng làm Tổng Bí thư, xuất hiện nhiều dư luận viên cuồng tín hơn bao giờ hết, những vụ dư luận viên thẳng tay đánh người đấu tranh đều được công an bảo vệ, che đỡ. Từ khi ông Trọng có nhiều quyền lực, các cuộc đàn áp ngày càng dã man đã khiến làn sóng dân chủ, phong trào dấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo xuống đi trông thấy, các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự đều bị bóp nghẹt và giảm đi rất đáng kể. Cho đến nay nhiều hội đoàn, nhóm chẳng còn thấy hoạt động mạnh như trước, có nhóm im bặt hoàn toàn.
Sử dụng đàn áp và bắt bớ để làm con bài trong quan hệ với phương Tây đã thành lỗi thời, hoặc những kẻ cầm quyền bây giờ chưa đủ trình độ để chơi những lá bài như vậy. Tuy nhiên dù không đạt được thoả thuận với phương Tây, cộng sản Việt Nam cũng thành công đáng kể trong việc làm giảm đi nhiều những hoạt động của các nhóm, tổ chức xã hội dân sự.
Nhưng thành công ấy, chỉ có lợi cho cá nhân những kẻ thích độc tài, thích quyền lực tuyệt đối như Nguyễn Phú Trọng. Còn thiệt hại cho đất nước khá lớn, vì ảnh hưởng đến chuyện hợp tác với các cường quốc kinh tế tiến bộ.
Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải có một tư duy mới rộng rãi và thoáng hơn để tạo ra những quan hệ với các cường quốc, làm tiền đề cho đất nước phát triển. Việc đặt trọng tâm vào chuyện dùng bạo lực để củng cố chế độ độc tài, sống bằng cách bán tài nguyên, phần tài sản của nhà nước cho những nhà đầu tư ở một vài nước châu Á lân cận không phải là giải pháp lâu dài.
Muốn thế Trung ương Đảng CSVN cần phải sớm loại bỏ Nguyễn Phú Trọng, vật cản lớn nhất trong quá trình phát triển đất nước.
Đối với những nhà hoạt động đấu tranh ở Việt Nam, cũng nên nhận ra rằng khi phong trào phát triển, có những hoạt động mạnh mẽ cũng là lúc Chính phủ Việt Nam vay được tiền nước ngoài nhiều, và cũng có nhiều những hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và các cường quốc khác. Cho nên việc phong trào đấu tranh bị sút giảm không có gì đáng buồn, bởi theo lẽ nào đó nó cũng tỷ lệ với việc cộng sản Việt Nam đang vào thế khó khăn.

Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Mẹ Nấm

Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Mẹ Nấm

bauxitevnThu 7:36 AM

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
Nhà cầm quyền Việt Nam nên ngay lập tức trả tự do vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger dưới bút danh Mẹ Nấm, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Người Bảo vệ Quyền Dân sự kêu gọi. Cô là một tù nhân lương tâm, đang bị giam giữ và bị xét xử chỉ vì những hoạt động ôn hoà của mình nhằm quảng bá và bảo vệ nhân quyền.
clip_image002
Mẹ và hai con cô Quỳnh. (Hình: Internet)
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ​​sẽ bị đưa ra xét xử bởi Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong phiên sơ thẩm dự kiến vào ngày 29/6/2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự của Việt Nam và phải đối mặt với án tù từ ba đến 20 năm nếu bị kết án. Phiên xét xử của cô được tiến hành khi tình hình nhân quyền ở Việt Nam đang xấu đi, với số vụ bắt giữ gia tăng, hạn chế tự do đi lại, đe doạ và bạo lực chống lại các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động chính trị, cũng như đàn áp quyền tự do ngôn luận nói chung.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đồng sáng lập Mạng lưới Blogger Việt Nam độc lập vào tháng 12/2013. Cô là một người mẹ có hai con, nhiều lần bị quấy nhiễu, bắt giữ và thẩm vấn về các hoạt động ôn hòa của cô, và đã bị ngăn cản không được xuất cảnh. Cô đã hoạt động nhân quyền và đấu tranh đòi công lý trong hơn 10 năm và là một blogger nổi tiếng. Các vấn đề mà cô viết nhằm yêu cầu Chính phủ minh bạch và giải trình về vi phạm nhân quyền, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các quyền quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người (UDHR). Năm 2015, Người Bảo vệ Quyền Dân sự đã trao giải thưởng Người Bảo vệ Quyền Dân sự cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Năm 2017, cô được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh vắng mặt như một trong 13 người Phụ nữ Can đảm Quốc tế.
Sau khi bị bắt vào ngày 10/10/2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị biệt giam cho đến ngày 20/6/2017, khi cô được gặp luật sư của mình lần đầu tiên. Cô vẫn chưa được phép gặp các thành viên trong gia đình. Việc giam giữ trong trại giam có thể tạo điều kiện cho việc tra tấn và đối xử tàn nhẫn hoặc trừng phạt, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác. Ngoài ra, quyền liên lạc kịp thời với luật sư và chuẩn bị biện hộ là một phần thiết yếu của quyền được xét xử công bằng.
Bắt giữ: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị bắt vào lúc 10 giờ sáng ngày 10/10/2016 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cô đã bị bắt giữ bởi lực lượng an ninh trong khi đi cùng với một nhà hoạt động đã tìm cách đòi quyền được thăm con trai cô trong một nhà tù địa phương. Lực lượng an ninh đã còng tay cô và đưa cô đến nhà của cô, nơi họ lục soát và theo thông tin của các phương tiện truyền thông do Nhà nước kiểm soát, cảnh sát đã tịch thu nhiều khẩu hiệu phản đối vụ gây ô nhiễm môi trường của Formosa, một doanh nghiệp đã xả chất thải độc hại ra biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản và sinh kế của người dân ở nhiều tỉnh miền trung của Việt Nam. Sau khi lục soát kết thúc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị đưa đi và từ đó bị giam giữ.
Cáo buộc: Các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát cho biết vào tháng 10/2016 rằng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị bắt vì các hoạt động trên Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác, bao gồm viết, post và chia sẻ bài viết và nội dung video phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước. Các báo cáo cũng đặc biệt trích dẫn một tài liệu mà cô đã chia sẻ trên Facebook với 31 người đã chết trong khi bị giữ và bị thẩm vấn trong đồn công an. Cảnh sát nói rằng tài liệu này “gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.
Hành vi phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước nằm trong Chương XI của Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam, trong đó có nhiều điều khoản rộng và không rõ ràng về cáo buộc “xâm phạm an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị bắt và buộc tội chỉ vì đã thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của mình, như quy định tại Điều 19 của UDHR và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Điều 19 của ICCPR cho phép hạn chế một số hạn chế về tự do biểu đạt vì những lý do cụ thể bao gồm cả bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, tuy nhiên việc hạn chế cẩn phải cân xứng với mục đích hợp pháp và theo luật định.
Các hoạt động của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không thuộc hạn chế quyền tự do ngôn luận quy định tại Điều 19, cũng không phải là các hoạt động thuộc cáo buộc cần thiết hoặc tương xứng với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia. Ủy ban Nhân quyền, cơ quan chuyên trách giám sát việc thực hiện ICCPR, đã nêu trong Bình luận chung về Điều 19 (số 34) rằng những hạn chế như vậy không được viện dẫn để hạn chế vận động nhân quyền (đoạn 23) hoặc Ngăn chặn các nhà bảo vệ nhân quyền phổ biến thông tin về lợi ích công cộng hợp pháp (khoản 30).
Ngày 14/10/2016, Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Nhân quyền LHQ kêu gọi Chính phủ Việt Nam “tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền, xóa bỏ những cáo buộc này chống lại cô Quỳnh và trả tự do ngay cho cô”. Ông lưu ý rằng Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam “quá rộng và không xác định được” và “có thể kết tội bất kỳ công dân Việt Nam nào khi họ bày tỏ ý kiến, để thảo luận hoặc để chất vấn Chính phủ về các chính sách của Chính phủ”.
Giam giữ và quyền tiếp cận luật sư: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị tạm giam kể từ khi bị bắt vào ngày 10/10/2016 và không được tiếp cận với luật sư cho đến ngày 20/6/2017. Điều 9 của ICCPR quy định rằng việc giam giữ trước xử án không phải là một quy tắc chung cho những người đang chờ xét xử và rằng bất cứ ai bị bắt giữ hoặc giam giữ về cáo buộc hình sự đều phải được đưa ra trước khi xét xử trong một khoảng thời gian hợp lý hoặc được giải phóng. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã không có cơ hội để thách thức tính hợp pháp của việc bị giam giữ tại tòa, theo yêu cầu của Điều 9, và không có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị bào chữa cho mình (chỉ được tiếp xúc với luật sư ít hơn 10 ngày trước phiên xử).
Theo một ý kiến ​​được thông qua vào ngày 25/4/2017, Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán kết luận rằng việc giam giữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trái với một số điều khoản của UDHR và ICCPR (liên quan đến việc bắt giam độc đoán, tự do ngôn luận và xét xử công bằng) và do đó là độc đoán. Nhóm Công tác cho rằng biện pháp khắc phục phù hợp là giải phóng ngay Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và trao cho cô quyền yêu cầu bồi thường theo luật pháp quốc tế.
Quyền được xét xử công bằng: Như đã nêu ở trên, quyền của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đối với việc xét xử công bằng đã bị vi phạm bởi thời gian giam giữ lâu dài và không được tiếp cận với luật sư trong thời gian đủ dài để chuẩn bị đầy đủ biện pháp biện hộ của cô ấy. Ngoài ra, cô bị truy tố về tội vi phạm quyền tự do ngôn luận và không phù hợp với luật và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức và vô điều kiện. Ngoài ra, cô cần được cung cấp quyền được biện hộ cho vụ bắt giữ và giam cầm bất hợp pháp của cô ta.
Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam sửa đổi phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự để đưa nó phù hợp với luật và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Cuối cùng, chúng tôi kêu gọi Chính phủ kiềm chế không hình sự hóa cho tội phạm và khởi tố người dân vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa và tôn trọng và bảo vệ quyền được xét xử công bằng.
Bối cảnh Việt Nam: Ân xá Quốc tế đã ghi lại thông tin về ít nhất 90 người đang bị tước quyền tự do mà tổ chức này coi là tù nhân lương tâm, bao gồm các blogger, người hoạt động công đoàn và quyền đất đai, nhà hoạt động chính trị, người hoạt động về quyền tự do tôn giáo và quyền người dân tộc thiểu sốvà những người hoạt động nhân quyền và công bằng xã hội. Họ bị kết án trong những phiên tòa xét xử không công bằng hoặc bị tạm giữ trước khi xét xử, chỉ vì thực hiện quyền con người một cách ôn hoà. Điều kiện nhà tù trong Việt Nam rất khắc nghiệt, thiếu lương thực và chăm sóc sức khoẻ kém không tuân thủ các yêu cầu tối thiểu quy định trong các Quy tắc Tối thiểu của Liên hợp quốc về Đối xử với Tù nhân (các quy tắc của Nelson Mandela) và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Các tù nhân lương tâm đã bị giam riêng biệt như là một hình phạt trong một thời gian dài và đã bị đối xử tàn bạo, bao gồm đánh đập bởi các tù nhân khác mà cai ngục không can thiệp.