Phân biệt Nhân quyền và Dân quyền
Nguồn:luatkhoa.org
By
Posted on 08/12/2016
Mỗi cá nhân đều được hưởng các quyền cơ bản nhất định, được hình thành một cách tự nhiên hoặc được hiến pháp công nhận. Nhân quyền và Dân quyền là hai loại quyền căn bản thường gặp và hay được đem ra tranh luận. Tuy có nhiều điểm giao thoa, song mỗi loại quyền này đều có những tính chất và đặc điểm riêng của mình.
- Dạ Lãm, tổng hợp
—
1. Nhân quyền là gì?
Nhân quyền (human rights), hay quyền con người là các quyền cơ bản nhất, tự nhiên nhất của con người. Chúng là những quyền mà con người sinh ra đã có, đã được công nhận, không (và không nên) được trao cho hay ban tặng bởi bất kỳ lý tưởng chính trị, tôn giáo hay thể chế nhà nước nào; và cũng không thể bị tước đi bởi chúng.
Nhân quyền bao gồm: quyền sống, quyền được giáo dục, quyền được bảo vệ khỏi các hình thức tra tấn, quyền tự do biểu đạt, quyền được xét xử công bằng, v.v. Nhiều quyền trong số đó có bản chất dân quyền (civil rights), song được xem là cần thiết cho sự tồn tại của con người.
Khái niệm nhân quyền trong môi trường pháp lý chính quy được hình thành sau Thế chiến II, liên quan đặc biệt tới những tội ác mà Đức Quốc xã thực hiện với người Do Thái và các nhóm dân tộc khác. Vào năm 1948, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, củng cố nền tảng nhân quyền trong luật pháp và chính sách quốc tế.
2. Dân quyền là gì?
Dân quyền, hay còn gọi là quyền công dân là những quyền mà một người được hưởng trên cơ sở là công dân của một quốc gia nhất định.
Dân quyền bảo vệ công dân khỏi sự phân biệt, đàn áp và trao cho họ một số quyền tự do nhất định, như tự do ngôn luận, quyền tham gia tố tụng đúng luật (due process), quyền được xét xử công bằng (fair trials), quyền không tự buộc tội (the right against self-incrimination),.v.v.. Hay rõ ràng có thể nghĩ đến quyền công dân được nhà nước mình bảo hộ.
Dân quyền có thể được xem là kết quả của sự thỏa thuận giữa nhà nước và cá nhân, trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân đó.
3. Cơ sở phát sinh quyền
Nhân quyền phát sinh tự nhiên, trên cơ sở “sự tồn tại con người”. Tức là đã sinh ra làm người thì ắt sẽ có nhân quyền. Mọi cá nhân bất kể màu da, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, có quốc tịch hay không quốc tịch, đều có quyền con người. Nhân quyền có tính phổ quát, không có sự phân biệt “nhân quyền Việt Nam” hay “nhân quyền Mỹ”, đó là các quyền mà con người dù ở đâu cũng có như nhau.
Dân quyền phức tạp hơn, chỉ phát sinh khi các quyền đó được pháp luật công nhận. Mà cụ thể là các quyền này sẽ được quy định trong hiến pháp hoặc luật quốc gia. Dân quyền ở mỗi quốc gia có sự khác nhau nhất định. Không quốc gia nào có thể tước đi quyền con người của một cá nhân, song mỗi quốc gia khác nhau có thể công nhận hoặc từ chối những quyền dân sự và tự do khác nhau. Ví dụ: người dân nước X có thể có ít dân quyền hơn người dân nước Y, dân quyền nước Y có nội dung khác dân quyền nước X.
Vì các quan điểm chính trị cũng như pháp lý khác biệt, không dễ để phân biệt đâu là nhân quyền và đâu là dân quyền.
Ở Việt Nam, trong Hiến Pháp 2013, có thể phần nào xác định quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (điều 25) là những loại hình dân quyền (Vì không phải bất kỳ thể nhân nước ngoài nào cũng được trao những quyền tương tự). Nhưng những quyền như quyền được sống, quyền tự do ngôn luận (Điều 25), Quyền bình đẳng giới (điều 26), v.v. phần nào đó lại mang bản chất nhân quyền.
4. Đối tượng hưởng quyền
Nhân quyền: mọi con người, bất kể giới tính, độ tuổi, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia đều có Nhân quyền.
Dân quyền: chỉ khi là công dân của một quốc gia nhất định thì mới có các quyền dân sự được công nhận và bảo hộ ở quốc gia đó.
Như vậy, mọi cá nhân đều có các quyền con người như nhau, song mỗi người sẽ có các quyền dân sự khác nhau tùy thuộc vào quốc gia mà họ là công dân.
5. Phạm vi áp dụng
Do Nhân quyền có tính phổ quát, nên ở đâu có con người, ở đó có Nhân quyền. Và Nhân quyền ở các quốc gia khác nhau là như nhau (hoặc nên là như vậy).
Dân quyền ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những sự khác nhau nhất định, tùy vào quy định của hiến pháp và pháp luật quốc gia đó. Công dân một nước nhất định chỉ được hưởng các quyền dân sự nhất định mà pháp luật của nước họ đã công nhận.
Nhân quyền được và cần được chấp nhận rộng rãi bất kể quốc tịch, tôn giáo và dân tộc. Trong khi Dân quyền bị hạn chế bởi pháp luật quốc gia và những quy chuẩn xã hội, văn hóa, truyền thống, cũng như các khía cạnh khác của quốc gia đó.
Trong bối cảnh quốc tế, dân quyền xuất phát từ hiến pháp hay luật pháp của mỗi quốc gia, trong khi nhân quyền được xem là phổ quát cho mọi người. Do đó, cộng đồng quốc tế ít có khả năng phản ứng với các quốc gia khi có sự vi phạm dân quyền trong quốc gia đó, mà thường hành động khi có những vi phạm về nhân quyền.
6. Văn bản pháp lý quốc tế
Về nhân quyền:
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyềnđược Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ở Paris, Pháp. Đây là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người, liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng. Bản tuyên ngôn gồm 30 điều đã được xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một phần của Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị; cùng hai Nghị định thư không bắt buộc I và II.
Về Dân quyền:
Là một phần của Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị(ICCPR) được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên thông qua ngày 16 háng 12 năm 1966 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 03 năm 1976. Công ước nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người.
—
Điểm đáng lưu ý là ngay cả hai công ước cơ bản về Dân quyền và Nhân quyền nói trên cũng không xác định rõ được lằn ranh giữa hai loại quyền. Đây nên được xem là một thiếu sót lớn trong hệ thống pháp luật quốc tế trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét