‘Đảng ta’ không sợ đối thoại?
bauxitevn3:52 PM
Thiền Lâm
Hẳn là sau vụ Đồng Tâm khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải “hạ mình” đến tận thôn Hoành để đối thoại với bà con nông dân quyết tử giữ đất, Bộ Chính trị Đảng mới nhận ra là không còn cách nào khác, họ phải lê bước đến dân chúng.
Bản cam kết có chữ ký của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung ... là bằng chứng minh bạch nhất về đối thoại giữa chính quyền với dân chúng.
“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào sáng 18/5/2017.
Khác với phát ngôn “sẽ đối thoại” vào năm ngoái nhưng chẳng làm gì cả, lần này ông Thưởng cho biết “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Vậy “Đảng ta” có thật sự không sợ đối thoại với giới bất đồng chính kiến?
Hãy nhớ lại năm 2014, khi nổ ra vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều trí thức đã yêu cầu Bộ Chính trị phải đối thoại để xử lý dứt khoát vấn đề đối sách với Bắc Kinh. Nhưng Bộ Chính trị đã như thể á khẩu.
Từ năm 2015 đến nay, “Nhóm 61” -một tập hợp mới của một số trí thức đảng viên và những người thuộc phong trào học sinh và sinh viên ở Sài Gòn trước năm 1975 -đã vài lần gửi thư yêu cầu cho Bộ Chính trị, vẫn về nhu cầu đối thoại và ít nhất “một cuộc gặp”. Nhưng từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống, không một quan chức nào hồi âm.
Do vậy, có ý kiến cho rằng không còn hy vọng gì đối với lãnh đạo trong nước sau đại hội 12. “Họ” đã hết thuốc chữa sau khi đã tranh thủ được Mỹ thỏa mãn về cả ba mặt: chính trị (tôn trọng chế độ hiện hữu), kinh tế (dễ dãi các điều kiện TPP) và quân sự (bán vũ khí sát thương).
Một ý kiến khác, thực tế hơn, cho rằng đừng hy vọng gì về “bản lĩnh đối thoại” của giới lãnh đạo ngày nay. Họ còn đang phải dành đến 99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ nhau trong nội bộ, lấy đâu ra hơi sức để ngồi nói chuyện với mấy ông trí thức. Mà cứ nghe đến trí thức là họ lại lắc đầu quầy quậy.
Chưa kể đến sĩ diện của Đảng là cao vời vợi, dù sắp chết đến nơi vẫn còn vời vợi cao. Tâm lý đầu tiên và luôn có là “ta đường đường là ủy viên Bộ Chính trị, sao phải hạ mình ngồi ngang hàng và nói chuyện với mấy tay trí thức chỉ là đảng viên thường?”.
Còn nếu có diễn ra một cuộc đối thoại trong mơ, cái gì sẽ được nói ra? Chẳng lẽ giới lãnh đạo đầy sĩ diện và ảo tưởng quyền lực lại chịu ngồi im để nghe “đám trí thức nhiều chuyện” răn dạy sự cần kíp phải bỏ ngay Điều 4 Hiến pháp, chấm dứt ngay sự độc tôn lãnh đạo của đảng cầm quyền, thoát Trung và cả thoát Cộng, chống tham nhũng từ ngay trong nhà mình… Toàn những chuyện quá khó nghe và quá khó nuốt! Toàn những chuyện “bỏ Đảng là tự sát!”
Đối thoại chỉ manh nha thành hình như thế, ở những nơi và vào những thời điểm cực chẳng đã đối với chính quyền, ở cấp địa phương mà không phải cấp trung ương, đối thoại với nông dân, ngư dân, tiểu thương - những người bị coi là “sắp làm loạn” - chứ không phải với những trí thức “chưa nguy hiểm lắm”.
Hẳn là sau vụ Đồng Tâm khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải “hạ mình” đến tận thôn Hoành để đối thoại với bà con nông dân quyết tử giữ đất, Bộ Chính trị Đảng mới nhận ra là không còn cách nào khác, họ phải lê bước đến dân chúng.
T.L.
VNTB gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét