Bệnh vô cảm có từ đâu
bauxitevn8:55 AM
Tô Văn Trường
Lẽ thường, người ta vô cảm khi người ta không hiểu biết, người ta chán nản và nhất là khi người ta đã mất lòng tin, người ta bất lực, người ta buông xuôi và lúc đó lòng ích kỷ lớn lên. Và bàng quan với sự vô cảm thì cũng là một loại… vô cảm.
Có ý kiến nhận xét bệnh vô cảm hiện nay đã giảm hơn trước chủ yếu biểu hiện trong những chuyện như giúp đỡ người gặp khó khăn, lên án tham nhũng, quan liêu, phê phán các cơ quan và quan chức nhà nước… Còn thì đa số dân ta vẫn vô cảm, hời hợt với những vấn đề lớn, về tương lai của đất nước và không hiểu những điều đó ảnh hưởng đến chính mình và tương lai của con cháu mình. Có ý kiến còn cho rằng bệnh vô cảm ngày nay còn nặng hơn vì vô cảm trước đây còn do không đủ thông tin, không hiểu, không ý thức đầy đủ, còn bây giờ là lảng tránh trách nhiệm, là ích kỷ và cơ hội.
Suy ngẫm, bệnh vô cảm là một đặc điểm tinh thần của chủ nghĩa xã hội. Điều này xem có vẻ là nghịch lý, nhưng đúng là sự thật. Khi cá nhân con người bị thể chế ngang nhiên xâm phạm quyền “tự do sống, mưu cầu hạnh phúc”, tức là làm việc và suy nghĩ theo cách mình muốn, đồng thời thể chế (Đảng Nhà nước) tự giành cho nó quyền đó, thì đương nhiên mối quan hệ nhân văn tự nhiên giữa con người với nhau và với xã hội sẽ biến dạng, mọi người đều trở thành vô cảm.
Trong chủ nghĩa xã hội thị trường giai đoạn đầu thì vô cảm càng phát triển. May mà có internet để con người không bị hoàn toàn biến thành những con chuột mù, hợp tác hoặc cắn nhau theo chỉ lệnh.
Nhớ lại cách đây khoảng gần chục năm, tôi đã viết bài: “Bệnh vô cảm lỗi tại ai?” cho đến nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự.
Trong y khoa không có bệnh vô cảm mà chỉ có trạng thái thờ ơ với ngoại cảnh và bệnh lãnh cảm (thường chỉ về tình dục). Theo nghĩa chúng ta dùng hiện nay, thì nên gọi đúng tên là thói vô cảm, để chỉ một lối sống, thói quen dần dần trở thành như một căn “bệnh”.
Ở nước ta hiện nay, bệnh vô cảm gần như trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm rất cao. Đối tượng mắc bệnh này rất rộng rãi, đủ loại người từ quan chức lãnh đạo đến thường dân, thậm chí bao gồm cả những người có học, hiểu biết rộng, tôn trọng luật pháp tức là những người thuộc loại “tử tế”. Biểu hiện của bệnh vô cảm cũng thật đa dạng. Nhẹ nhất là người mắc bệnh, không biết nói lời “xin lỗi” khi làm sai và “cám ơn” khi được giúp đỡ. Họ tiếc một tràng vỗ tay khi xem xong một tiết mục thể thao, văn nghệ (có lẽ chẳng ở đâu như nước mình tiếng vỗ tay trong khán phòng thường rời rạc và tẻ nhạt đến thế!)
Bệnh vô cảm nặng hơn khi người bệnh quên đi trách nhiệm cứu người, giúp người bị nạn. Chúng ta ai cũng từng chứng kiến cảnh những đám đông trên đường phố khi có vụ tai nạn hoặc va chạm. Người lao vào cứu giúp thì ít, kẻ hiếu kỳ xúm vào xem rồi lặng lẽ bỏ đi thì nhiều! Có kẻ vô cảm đến mức độ dã man, vô lương tâm là lợi dụng cơ hội cướp đoạt tài sản của người bị nạn. Tệ hại hơn nữa, là có kẻ còn lạnh lùng dùng điện thoại di động quay cảnh một người bị xe cán cụt chân, nát thây rồi tung cảnh quay ấy lên mạng.
Người vô cảm thường là nhút nhát, ngại phiền phức, họ không dám tố giác, ngăn chặn kẻ gây ra tội ác. Thậm chí chính họ lại gây ra tội ác một cách vô thức như có trường hợp lái xe ô tô ấn còi inh ỏi khi biết trước đầu xe của mình là hai mẹ con đèo nhau bằng xe đạp, kết cục bi thảm là hai mẹ con bị giật mình hoảng hốt, cháu bé ngã, bị ô tô cán chết! Trong trường hợp này, lái xe đã bị xử phạt, nhưng nếu người lái xe ấy biết cảm thông, chia sẻ nỗi vất vả với mọi người xung quanh cũng đang chịu cảnh kẹt xe thì đâu đến nỗi!
Rồi chuyện đây đó, bác sỹ, y tá chểnh mảng nhiệm vụ, kém trách nhiệm khi cấp cứu làm người bệnh bị chết oan. Ngay cả việc trong lớp học, có các trường hợp thầy giáo cứ giảng bài đại khái cho hết giờ, còn để sức về “dạy thêm”, còn trò thì ngủ gật, nói chuyện riêng, nhắn tin… Ở đây, những thầy và trò ấy đều mắc bệnh vô cảm với nhau mà lẽ ra họ phải là những người cảm thông với nhau nhất.
Một dạng bệnh vô cảm còn biến chứng trong đe dọa những giá trị đạo đức cao cả thiêng liêng nhất của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Dư luận đã không ít lần xôn xao, phẫn nộ trước hành động “đánh bài chuồn” của một nhà tài trợ vàng, kim cương gì đó, sau khi đã đăng đàn hứa hẹn “nổ” như pháo, quảng cáo thương hiệu cá nhân mình, công ty mình. Có những người đã vô cảm đến mức lợi dụng các hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo để kiếm chác cả tiếng tăm lẫn tiền bạc! Nhưng chính hành động vô cảm, vô trách nhiệm ấy rất đáng xấu hổ.
Suy ngẫm về các loại vô cảm, thì dễ thấy hơn nguyên nhân và giải pháp, ở từng quốc gia, dân tộc, trong từng thời kỳ lịch sử, thậm chí đối với từng người. Có thể nhận diện một số loại vô cảm như: (1) Có vô cảm là một sự đồi bại nhân cách, và có vô cảm là một căn bệnh cần thông cảm và giúp chữa trị. (2) Có vô cảm toàn bộ và toàn diện, kể cả những trường hợp vô cảm với chính bản thân mình, vô cảm với cả thành công và thất bại, với cả niềm vui và nỗi buồn, và có vô cảm từng phần, trong từng lĩnh vực, đối với từng vấn đề. (3) Có sự vô cảm đối với cộng đồng, kể cả đối với vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Vô cảm đối với đau thương, bất hạnh của người khác, đi như bóng liền hình với sự đặc biệt nhậy cảm, nhậy cảm đến riết róng, về những chuyện của bản thân, về lợi, danh, quyền, chức của chính mình. (4) Có sự vô cảm rất tỉnh thức, rất phô phang, hãnh diện về sự vô cảm của mình, và có sự vô cảm cố ý hoặc vô tình tiềm ẩn, tự dấu đi, ngấm ngầm tác động. (5) Có sự vô cảm thụ động, dẫn đến phủi tay chẳng làm gì, và có sự vô cảm chủ động, hăm hở truyền bá và thể hiện sự vô cảm bằng những “việc làm vô cảm” gây hại cho cộng đồng, cho người khác.
Xã hội từ lâu đã chứng kiến sự nhậy cảm đẹp đẽ và sự vô cảm tồi tệ của con người, đã chứng kiến sự xấu xa đáng ghê tởm và sự cao thượng đáng tôn thờ của con người. Chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, nền giáo dục quốc gia, truyền thống gia đình, môi trường vi mô của sự sinh sống có ảnh hưởng đến sự vô cảm, nói chung là lớn, nhiều ít đến đâu tùy từng trường hợp, nhưng không sản sinh ra vô cảm, mà chỉ làm cho vô cảm nặng hay nhẹ, đông người mắc phải hay không đông người mắc phải.
Dửng dưng, thờ ơ, vô cảm thường được ghép vào hội chứng “Makeno”! Nếu “mổ xẻ” căn bệnh “vô cảm”, thì đó chính là sản phẩm của sự sa sút của đạo lý xã hội. Mà sa sút đạo lý xã hội lại là biểu hiện của sự đánh mất niềm tin vào công lý, vào chân lý.
Cội nguồn của cái đó là sự nói dối đã trở thành một căn bệnh xã hội, thấm vào từng đường gân thớ thịt của cơ thể xã hội do một giáo điều xơ cứng và tai hại đã chuyển thành kinh nhật tụng và hàng ngày được rao giảng bằng mọi cách có thể đắp vào tai, vào mắt mọi người. Người càng ít có điều kiện nắm bắt thông tin nhiều chiều càng trở thành nạn nhân của mạng lưới tuyên truyền này, như con ruồi mắc vào lưới nhện, càng giãy giụa càng bị thít chặt, đến một lúc trở thành con mồi của một cơ chế chưa tìm thấy lối ra. Đúng hơn là không dám tìm lối ra khi mà “chân trời” vẫn mở ra trước mắt. Ở đây có sự vô cảm của phường “giá áo túi cơm”, có sự vô cảm của người sống trong vỏ ốc [từ dùng của đại văn hào Nga Chekhov], những “trí thức trùm chăn”, sự vô cảm của người thiếu trách nhiệm với xã hội. Nhưng nói chung, đáng sợ nhất là của những người mất niềm tin vào xã hội, chỉ biết “tự cứu lấy mình”, một mệnh đề rất thiển cận đã từng được tụng ca như là một cứu cánh!
Thay cho lời kết: Có nguyên nhân và giải pháp khắc phục vô cảm chung cho một đất nước trong một thời kỳ, cũng có nguyên nhân và giải pháp khắc phục cho từng loại vô cảm, từng người vô cảm. Có nguyên nhân và giải pháp cơ bản, lâu dài khắc phục vô cảm, cũng có nguyên nhân và giải pháp trực tiếp, trước mắt khắc phục vô cảm. Cần nói, viết và làm những điều chung, cũng cần nói, viết và làm những điều riêng.
Bệnh vô cảm, lỗi tại ai? Đã đến lúc phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, tìm hiểu cội nguồn, nguyên nhân sâu sa của căn bệnh vô cảm đang có nguy cơ bùng phát và lan truyền rộng rãi ở nước ta. Nếu là căn bệnh xã hội thì nguyên nhân tổng hợp bao gồm các yếu tố mang tính xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị. Các vị lãnh tụ cách mạng, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: “Chúng ta không sợ kẻ thù nói xấu, chỉ sợ tự mình bôi xấu mình mà thôi!”.
Nói thẳng, nói thật, nói trên tinh thần khoa học và xây dựng về những căn bệnh xã hội đang có ở nước ta như bệnh vô cảm là điều rất cần làm để lành mạnh hóa một xã hội đã tự nêu ra cho mình những tiêu chí văn minh, tiến bộ nhất để mà phấn đấu.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét